Bệnh viêm mủ nội nhãn sau chấn thương xuyên nhãn cầu
Trungtamthuoc.com - Viêm mủ nội nhãn là tình trạng các khoang nội nhãn (dịch kính hay thủy dịch) xuất hiện các dịch mủ, bệnh thường gặp sau chấn thương mắt hoặc sau phẫu thuật mắt. Cùng tìm hiểu thông tin về bệnh viêm mủ nội nhãn qua bài viết sau đây.
1 Viêm mủ nội nhãn là gì?
Viêm mủ nội nhãn (tên tiếng anh là Endophthalmitis ) là tình trạng viêm xảy ra bên trong nhãn cầu.
Viêm mủ nội nhãn là tình trạng các khoang nội nhãn (dịch kính hay thủy dịch) xuất hiện các dịch mủ, bệnh thường gặp sau chấn thương mắt hoặc sau phẫu thuật mắt. Tình trạng viêm chỉ xảy ra bên trong cấu trúc nội nhãn nên được gọi là viêm nội nhãn. Ngoài ra, khi tình trạng viêm lan ra tất cả các lớp vỏ của nhãn cầu gọi thì được gọi là viêm toàn nhãn. [1]
2 Nguyên nhân gây viêm mủ nội nhãn là gì?
Điều kiện thuận lợi để bệnh xuất hiện đó là sau khi bệnh nhân chấn thương hoặc phẫu thuật mắt, cụ thể các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua các vết thương ở nhãn cầu là:
- Vi khuẩn, ký sinh trùng.
- Nấm hay virus.
Khi mắt có vết thương hở, hàng rào bảo vệ bên ngoài không còn, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch,... nên các tác nhân này dễ xâm nhập vào trong nhãn cầu và gây ra viêm, sinh mủ. [2]
3 Triệu chứng viêm mủ nội nhãn là gì?
Trước khi xem xét các triệu chứng lâm sàng, cần xác định xem người bệnh có tiền sử chấn thương hay phẫu thuật mắt hay không. Đây là bước quan trọng giúp chẩn đoán bệnh nhanh chóng hơn.
3.1 Các triệu chứng trên lâm sàng
Đau nhức mắt, đau quanh trong hốc mắt.
Giảm thị lực nhanh, nhìn mờ, nhìn không rõ vật, cảm giác có màn sương trước mắt. Kèm theo sợ ánh sáng.
Có thể thấy đau đầu, buồn nôn.
Mí mắt sưng phù, chảy nước mắt, khó mở mắt. Nhãn cầu có thể lồi, nhãn áp có thể tăng.
Kết mạc phù nề, cương tụ, gây đỏ mắt.
Giác mạc phù, có tủa sau giác mạc hoặc áp xe giác mạc, tiền phòng có mủ.
Dịch kính vẩn đục, có mủ, hoặc có bóng khí.
Toàn thân có thể sốt, mệt mỏi,... [3]
3.2 Cận lâm sàng
Xét nghiệm vi sinh: có vai trò quan trọng trong xác định nguyên nhân gây viêm. Lấy bệnh phẩm có thể là dịch hút tiền phòng hoặc dịch kính để làm xét nghiệm soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ.
Siêu âm: Cho phép đánh giá tình trạng dịch kính, võng mạc. Xác định xem có sự tồn tại của dị vật nội nhãn.
Chụp X-quang, chụp CT scanner hốc mắt: có thể cần làm giúp xác định dị vật nội nhãn.
4 Điều trị viêm mủ nội nhãn
4.1 Nguyên tắc điều trị
Điều trị ban đầu dựa vào kết quả cận lâm sàng: nếu có vết thương xuyên nhãn cầu cần phải khâu vết thương, nếu có dị vật trong nhãn cầu cần lấy dị vật ra ngoài.
Điều trị viêm mủ nội nhãn sau vết thương xuyên nhãn cầu cần phối hợp các thuốc sau:
Kháng sinh được chỉ định ngay khi bắt đầu nghi ngờ, cần cho bệnh nhân dùng kháng sinh sớm, phổ rộng, có khả năng thấm tốt vào nội nhãn. Có thể điều trị phối hợp các kháng sinh.
Sau khi có kết quả kháng sinh đồ điều trị cho bệnh nhân theo kết quả kháng sinh đồ.
Đường dùng kháng sinh điều trị có thể là toàn thân (tiêm, uống), tiêm nội nhãn (hiệu quả nhất), tiêm cạnh nhãn cầu, tiêm dưới kết mạc,...
Chống viêm bằng corticoid. Tuy nhiên, khi bị viêm mủ nội nhãn do nấm tuyệt đối không dùng corticoid điều trị.
Trong những trường hợp điều trị nội khoa dùng thuốc không có đáp ứng, cần có chỉ định phẫu thuật phối hợp: cắt dịch kính mủ, có thể bơm dầu Silicon nội nhãn.
4.2 Các thuốc cụ thể
4.2.1 Các loại kháng sinh diệt vi khuẩn
Vancomycin: cho tác dụng tốt khi nhiễm vi khuẩn Gram-dương.
Ceftazidim: Là kháng sinh đầu tay được sử dụng để tiêm nội nhãn trên các vi khuẩn Gram âm.
Amikacin: Là kháng sinh thường được lựa chọn thứ 2 sau ceftazidim để tiêm nội điều trị nhiễm vi khuẩn khuẩn Gram-âm.
Ciprofloxacin: Fluoroquinolon có tác dụng trên Pseudomonas, liên cầu, tụ cầu,...
4.2.2 Các loại kháng sinh chống nấm
Kháng sinh chống nấm thuộc nhóm polyene: Amphotericin B. Cho tác dụng tốt với Candida, Cryptococcus và các chủng Aspergillus. Tuy nhiên, thuốc ngấm nội nhãn kém khi dùng theo đường toàn thân.
Kháng sinh chống nấm thuộc nhóm Imidazol: Fluconazol, Ketoconazol, Itraconazol, Voriconazol
Corticoid chống viêm: thuốc uống Prednisolon 5mg, Medrol 4mg, Medrol 16mg,…
5 Tiến triển và biến chứng
Bệnh viêm mủ nội nhãn nói chung và viêm mủ nội nhãn sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật mắt nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề. Tiến triển bệnh thường nhanh, do đó khâu cấp cứu là quan trọng.
Một trong những biến chứng có thể gặp nếu không được điều trị kịp thời như teo nhãn cầu, thủng giác mạc, nhiễm trùng huyết, mất chức năng thị giác, có khi phải bỏ nhãn cầu. Đặc biệt viêm mủ nội nhãn do nấm khó chữa và tiến triển nặng nề nhất.
Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp như: bong võng mạc, teo gai thị, viêm tắc mạch máu võng mạc, xuất huyết võng mạc.
6 Dự phòng viêm mủ nội nhãn
Sau khi bị chấn thương mắt, cần cấp cứu kịp thời để bác sĩ khâu đóng vết thương càng sớm càng tốt. Bệnh nhân cũng cần dùng kháng sinh liều cao, phổ rộng ngay sau khi bị chấn thương để hạn chế nhiễm khuẩn mắt.
Có thể tiêm kháng sinh nội nhãn để dự phòng đối với các vết thương có nguy cơ gây viêm mủ nội nhãn cao như: người bệnh cấp cứu muộn sau 24 giờ, có dị vật trong nội nhãn, có đục vỡ thể thủy tinh, vết thương lớn,...
Tài liệu tham khảo
- ^ Reena Mukamal (Ngày đăng 20 tháng 11 năm 2019). What is Endophthalmitis?, American Academy of Ophthalmology 2021. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả của Retina Health Series. Endophthalmitis, The American Society of Retina Specialist. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021
- ^ Brenda McBean (Ngày đăng 18 tháng 9 năm 2018). What Is Endophthalmitis?, Healthline. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021