Viêm màng não lao: biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán, điều trị
Trungtamthuoc.com - Viêm màng não lao chiếm 1% trong tất cả các trường hợp mắc lao ngoài phổi. Trong thế giới, những nơi có tỷ lệ mắc lao thấp, ước tính rằng trực khuẩn lao chiếm 6% trong tất cả các nguyên nhân gây viêm màng não. Còn những nơi, có tỷ lệ mắc lao cao hơn, trực khuẩn lao chiếm 1/3 đến 1/2 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn. Lao màng não có các đặc điểm dịch tễ, đường lây, nguồn lây tương tự lao phổi.
1 Viêm màng não lao là gì?
Viêm màng não lao còn gọi là “lao màng não” là một biểu hiện của bệnh lao ngoài phổi gây ra do màng não nhiễm trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Ở những người lao màng não, trực khuẩn lao đến màng não hoặc nhu mô não, dẫn đến sự hình thành các ổ nhỏ dưới màng cứng. Sau đó, chúng gia tăng kích thước, vỡ ra và tràn vào khoang dưới nhận gây viêm màng não. Lao màng não là một bệnh rất nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng vĩnh viễn, cần chẩn đoán và điều trị kịp thời.[1]
Viêm màng não lao chiếm 1% trong tất cả các trường hợp mắc lao ngoài phổi. Trong thế giới, những nơi có tỷ lệ mắc lao thấp, ước tính rằng trực khuẩn lao chiếm 6% trong tất cả các nguyên nhân gây viêm màng não. Còn những nơi, có tỷ lệ mắc lao cao hơn, trực khuẩn lao chiếm 1/3 đến 1/2 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn. Lao màng não có các đặc điểm dịch tễ, đường lây, nguồn lây tương tự lao phổi.
2 Biểu hiện lâm sàng của viêm màng não lao
2.1 Thời kỳ khởi phát
Viêm màng não lao thường bắt đầu với các triệu chứng đa dạng, nhưng đều có đặc điểm chung sau:
Lao màng não khởi phát từ từ, kéo dài vài tuần, người bệnh có các triệu chứng của hội chứng nhiễm độc lao gồm: Sốt nhẹ tầm chiều tối, mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, giảm cân cân, ra nhiều mồ hôi, da xanh tái...
Cùng với đó, người bệnh có thể có triệu chứng thần kinh, ban đầu thường nhẹ, thoáng qua, sau sẽ tăng dần như: Đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, tính khí thất thường, một số bại nhẹ thoáng qua hay co giật cục bộ... Nếu trẻ bị lao màng não sẽ thường biếng ăn, bỏ chơi, ngủ nhiều...
Có một số người bệnh lao màng não khởi phát đột ngột, triệu chứng không điển hình như loạn thần, co giật, sốt cao kéo dài, hội chứng màng não... Đa phần những bệnh nhân ở trường hợp này không được kiểm tra ngay từ đầu, nên khi phát hiện ra thì tình trạng người bệnh đã nghiêm trọng.
2.2 Thời kỳ toàn phát bệnh
Người bệnh lao màng não có hội chứng nhiễm khuẩn - nhiễm độc như sốt, có thể sốt nhẹ tầm chiều hay sốt cao kéo dài hoặc sốt dao động... Cùng với các triệu chứng này, người bệnh có biểu hiện nhiễm độc lao rõ rệt, suy kiệt rất nhanh và gầy yếu.
Hội chứng màng não trong lao thường thấy từ từ, các triệu chứng thường rõ và đầy đủ hơn qua từng ngày. Người bệnh đau đầu âm ỉ thường xuyên, có những lúc cảm thấy đau đầu dữ dội, sợ ánh sáng, tăng trương lực cơ, kích thích...
Lao màng não thường gây các tổn thương thần kinh khu trú, đa số là hội chứng nền, với các tổn thương dây thần kinh sọ não vùng nền não. Những trường hợp nặng hơn sẽ thất tổn thương dây IX, X, XI, liệt nửa người, liệt tứ chi... Nếu những bệnh nhân lao màng não không được điều trị kịp thời có thể gây rối loạn ý thức, hôn mê và có nguy cơ tử vong cao.
Dịch não tuỷ trong lao màng não thường có màu vàng chanh, sánh, nhiều tế bào lympho, đến 70 - 90%, protein tăng còn đường và muối giảm nhẹ. Những bệnh nhân bị nghiêm trọng, không điều trị kịp thời, nếu để lắng dịch não tuỷ sau 24 - 48 giờ, thấy hình váng dù. Có thể phát hiện trực khuẩn lao bằng cách xét nghiệm dịch não tủy.
3 Viêm màng não lao gây ra những di chứng gì?
Lao màng não có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng cho người bệnh như:
Các tổn thương thần kinh không hồi phục được, dẫn đến liệt khu trú, lác mắt, mù, rối loạn tâm thần, kém phát triển trí não, động kinh...
Lao màng não có thể gây ra biến chứng dày dính màng não, viêm não thất, dịch não tuỷ không lưu thông và não úng thủy...
Một số trường hợp người bệnh bị rối loạn nội tiết và dinh dưỡng trong lao màng não gây đái tháo nhạt, béo bệu...
Đôi khi, sử dụng thuốc chống lao kéo dài, không đúng cách có thể gây ra biến chứng như điếc, rối loạn tiền đình...[2]
4 Phương pháp điều trị viêm màng não lao
4.1 Điều trị thuốc kháng lao
Các hướng dẫn của Hiệp hội Nhiễm khuẩn Anh khuyến cáo chế độ điều trị của lao màng não là 2 tháng tấn công gồm Isoniazid, Rifampicin, Pyrazinamide và Ethambutol. Sau đó người bệnh được điều trị duy trì trong 10 tháng với Isoniazid và Rifampicin.
Các hướng dẫn của WHO khuyến cáo chế độ điều trị đầu tiên là 2 tháng dùng Isoniazid, Rifampicin, Pyrazinamide và Ethambutol (trẻ em) hoặc Streptomycin (người lớn). Sau đó, điều trị duy trì trong 10 tháng tương tự như hướng dẫn của hiệp hội nhiễm khuẩn Anh.
Trong đó, bệnh nhân lao màng lão sử dụng thuốc với liều như sau:
- Rifampicine được dùng cho người lớn với liều 8 - 12 mg/kg/ngày, còn trẻ em dùng liều từ 10 đến 20mg/kg/ngày, tối đa 600mg/ngày.
- Isonazid dùng với liều 4 - 6 mg/kg/ngày cho người lớn và 10-15 mg/kg với trẻ em, tối đa 300mg/ngày.
- Pyrazinamide mỗi ngày dùng 20 - 30 mg/kg với người lớn, và 30 - 40mg/kg với trẻ em.
- Streptomycine chỉ được dùng cho người lớn với liều mỗi ngày từ 12 - 18 mg/kg.
- Ethambutol dùng với liều 15 - 20 mg/kg/ngày với người lớn và 15 - 25 mg/kg với trẻ em.
Với những người bệnh lao màng não nghiêm trọng, điều trị muộn và có biến chứng xảy ra có thể dùng Streptomycin với đa liều nhỏ 0,05 - 0,07 g/lần vào dịch não tuỷ.
4.2 Điều trị cơ chế triệu chứng
Điều trị phụ trợ bằng Corticosteroid đã được sử dụng trong điều trị lao màng não. Mục tiêu của điều trị steroid là làm giảm phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, gây biến chứng thần kinh bao gồm tổn thương mô và phù não.
Người bệnh có thể được sử dụng Dexamethasone với liều 0,4mg/kg với người lớn và 0,6mg/kg với trẻ nhỏ.
Song song với việc điều trị đặc hiệu như trên, người bệnh lao màng não cần được chống phù não (nếu có), bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Đồng thời làm giảm và theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc chống lao bằng cách kết hợp thuốc như: Thuốc bảo vệ tế bào gan, Vitamin B6, thường xuyên kiểm tra chức năng gan, thận và phản ứng dị ứng.[3]
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn đọc trong quá trình chẩn đoán và điều trị lao màng não.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Gaurav Gupta, MD (Ngày đăng: ngày 10 tháng 11 năm 2021). Tuberculous Meningitis, Medscape. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Elaine K. Luo, MD (Ngày đăng: ngày 23 tháng 8 năm 2018). Meningeal Tuberculosis, Healthline. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Jerome H. Chin, MD (Ngày đăng: tháng 6 năm 2014). Tuberculous meningitis, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.