Viêm loét giác mạc do vi khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Viêm giác mạc do vi khuẩn là bệnh thường gặp, nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập vào mắt và gây bệnh,... Bệnh viêm loét giác mạc khi không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
1 Viêm giác mạc do vi khuẩn là gì?
Viêm loét giác mạc do vi khuẩn là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn gây ra. Tình trạng viêm nhiễm lâu ngày có thể gây loét giác mạc, gây suy giảm thị lực, thậm chí dẫn tới mù lòa.
Những bệnh nhân bị viêm giác mạc thường có triệu chứng chung là đau mắt, đỏ mắt, giảm thị lực, có mủ ở mắt,... Do vậy, cần biết viêm giác mạc do nguyên nhân gì cần xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh. Từ đó, giúp điều trị đúng thuốc và kịp thời cho bệnh nhân. [1]
2 Nguyên nhân gây viêm giác mạc do vi khuẩn
2.1 Do vi khuẩn
Có nhiều vi khuẩn gây viêm giác mạc như:
- Staphylococcus aureus.
- Staphylococcus coagulase-negative.
- Streptococcus pneumoniaep.
- Seudomonas aeruginosa (nguồn nhiễm vi khuẩn này thường do bệnh nhân đeo kính áp tròng).
2.2 Nguyên nhân kết hợp
Ngoài viêm giác mạc do vi khuẩn, có một số trường hợp viêm giác mạc do vi khuẩn kèm theo các yếu tố như:
- Viêm giác mạc do amip thường do amip acanthamoeba gây ra.
- Viêm giác mạc do nhiễm nấm.
- Viêm giác mạc do virus thường do herpes simplex.
2.3 Yếu tố thuận lợi
Khi vi khuẩn xâm nhập là nguyên nhân chính gây nên bệnh. Tuy nhiên, các điều kiện thuận lợi sau làm tăng khả năng xâm nhập của vi khuẩn đó là:
Chấn thương mắt, có các dị vật bay vào mắt gây xước mắt.
Bệnh nhân sau phẫu thuật mắt, sau mổ mắt.
Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính.
Bệnh nhân đã bị viêm loét giác mạc trước đó.
Sử dụng kính áp tròng thường xuyên. Kính áp tròng không chỉ là là ổ chứa của vi khuẩn, mà còn là nơi chứa cả nấm, virus, amip,...Đặc biệt nếu bạn đọc đeo kính qua đêm thì khả năng nhiễm bệnh cao hơn.
Sử dụng các thuốc hoặc dung dịch nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn. Mỗi thuốc nhỏ mắt đều có thời hạn sử dụng nhất định sau khi mở nắp. Điều cần làm là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thời hạn bảo quản để hạn chế nguy cơ mắc bệnh khi nhỏ thuốc.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa steroid.
3 Các triệu chứng của viêm giác mạc do vi khuẩn
Các triệu chứng của viêm giác mạc do vi khuẩn có thể bao gồm:
Suy giảm thị lực: nhìn mờ, nhìn không rõ, cảm giác có một màng phủ trước mắt gây mờ khi nhìn.
Đau ở mắt: đau có khi không thể mở mắt, ngủ dậy khó mở mắt.
Tăng nhạy cảm với ánh sáng: khi ra ngoài đường cần che chắn kín chống kích thích mắt.
Chảy nước mắt nhiều. Có xuất hiện mủ ở mắt, hoặc ghèn mắt khi sáng thức dậy.
Đỏ mắt, đục mắt.
Viêm loét giác mạc khi không được điều trị kịp thời có thể gây ra suy giảm thị lực và mù lòa. Do đó khi thấy có các dấu hiệu trên, cần đến khám ở các cơ sở khám chữa bệnh uy tín. [2]
4 Chẩn đoán viêm kết mạc do vi khuẩn
4.1 Lâm sàng và cận lâm sàng
Hỏi tiền sử bệnh nhân, khởi phát của các triệu chứng, liệu có bị chấn thương mắt gần đây hay không và bệnh nhân có tham gia vào các hoạt động như bơi lội với kính áp tròng hay không.
Nuôi cấy tất cả các vết loét, nhuộm Gram và Giemsa của phết giác mạc để phát hiện vi sinh vật và phân biệt loét do vi khuẩn với loét do nấm. Việc nuôi cấy cũng có thể cung cấp thông tin hữu ích về độ nhạy cảm của sinh vật với kháng sinh.
4.2 Cần chẩn đoán phân biệt
Viêm loét giác mạc do nấm.
Viêm loét giác mạc do virus( thường là herpes virus).
Viêm loét giác mạc do amip. [3]
5 Điều trị viêm giác mạc do vi khuẩn
Để chẩn đoán xác định, cần lấy bệnh phẩm tìm nguyên nhân. Việc xác định nhiễm vi khuẩn nào qua xét nghiệm cũng vô cùng quan trọng để lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp.
Kháng sinh dùng điều trị thường là kháng sinh tại chỗ bào chế dạng dung dịch nhỏ mắt. Cần tuân thủ thời gian điều trị để đạt được kết quả tốt nhất và hạn chế được tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn.
Ngoài ra, có thể dùng các thuốc điều trị triệu chứng và điều trị biến chứng cho bệnh nhân.
6 Phòng ngừa viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc không chỉ do nguyên nhân nhiễm vi khuẩn, các loại virus, nấm, amip cũng có thể gây ra viêm. Do đó, để phòng ngừa viêm loét giác mạc, bạn cần duy trì các thói quen sau:
Giữ thói quen luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế dụi tay lên mắt.
Đối với trẻ em cần dạy bảo tránh đùa nghịch đất cát chứa nhiều mầm bệnh. Đồng thời giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.
Dọn dẹp không gian sống sạch sẽ,
Hạn chế dùng kính áp tròng. Nếu bạn phải đeo kính áp tròng, cần vệ sinh kính cẩn thận, thực hiện các thao tác đeo và lấy kính ra đúng chuẩn đẻ tránh gây kích ứng mắt.
Nếu viêm giác mạc do vi khuẩn được phát hiện và điều trị sớm, có thể không ảnh hưởng đến thị lực. Trường hợp bệnh tiến triển nặng, có thể gây ra nhiều biến chứng, nặng nhất là gây mù lòa.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, do vậy mỗi người chúng ta cần chú ý chăm sóc cho đôi mắt khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo
- ^ Abdullah Al-Mujaini, Nadia Al-Kharusi, Archana Thakral và Upender K Wali (Ngày đăng 30 tháng 6 năm 2009). Bacterial Keratitis: Perspective on Epidemiology, Clinico-Pathogenesis, Diagnosis and Treatment, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ CDC (Ngày đăng 7 tháng 4 năm 2014). Basics of Bacterial Keratitis, CDC. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ Nambi Nallasamy (Ngày đăng 29 tháng 3 năm 2021). Bacterial Keratitis, Eye Wiki. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021