Viêm loét giác mạc do amip Acanthamoeba: chẩn đoán, điều trị cụ thể
Trungtamthuoc.com - Viêm giác mạc là bệnh lý thường gặp ở mắt. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm như viêm giác mạc do vi khuẩn, viêm giác mạc do virus, viêm giác mạc do amip,... Bài viết này Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cung cấp cho bạn đọc kiến thức về viêm giác mạc do amip acanthemoeba.
1 Đại cương về bệnh viêm loét giác mạc do amip Acanthamoeba
1.1 Đặc điểm sinh học của amip gây viêm giác mạc Acanthamoeba
Viêm loét giác mạc do amip do loại amip acanthamoeba gây ra. Viêm loét giác mạc do nguyên nhân này có thể gây hoại tử giác mạc dẫn đến mùa lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. [1]
Acanthamoeba là loại amip được tìm thấy trong các hồ, bể bơi có chứa nước hoặc cũng có thể có trong máy điều hòa nhiệt độ.
Ngoài những vị trí thường gặp trên, gần đây loài amip này còn được tìm thấy ở trong đất, nước ngọt, nước lợ,... trong kính áp tròng, dụng cụ nha khoa,...
Một số loài Acanthamoeba gây nên bệnh lý ở người như viêm não, viêm giác mạc là:
- A. culbertsoni, A. polyphaga, A. castellanii.
- A. astronyxis, A. hatchetti, A. rhysodes, A. divionensis.
- A. lugdunensis, A. lenticulata.
Khi Acanthamoeba xâm nhập vào mắt, gây nên bệnh lý viêm giác mạc, ngoài ra khi chúng đi qua da hay hệ hô hấp có thể gây viêm não u hạt.
1.2 Viêm giác mạc do amip là gì?
Loại amip này xâm nhập vào mắt gây nên viêm giác mạc mắt. Nguồn xâm nhập có thể từ nước dùng, kính áp tròng,...
Viêm giác mạc do amip gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó khi bị bệnh cần phải điều trị kịp thời để hạn chế ảnh hưởng đến thị lực mắt.
2 Con đường lây truyền bệnh viêm loét giác mạc do amip Acanthamoeba
Nguyên nhân là do Acanthamoeba xâm nhập vào tế bào mắt. Acanthamoeba là sinh vật đơn bào, do đó chúng tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên, khó được tiêu diệt.
Một vài nguyên nhân cụ thể gây viêm giác mạc do:
Dùng kính áp tròng thời gian dài, không vệ sinh kính sạch sẽ.
Do nguồn nước ô nhiễm.
Có thể do bị xâm nhập khi đi bơi ở hồ bơi, sông hồ.
Có thể nhiễm từ đất cát do trẻ nghịch đất hoặc những người nông dân làm ruộng.
Do sang chấn ở mắt (bụi, que chọc, đất cát bắn vào mắt).
3 Chuẩn đoán bệnh viêm loét giác mạc do amip Acanthamoeba
3.1 Lâm sàng
Nhìn mờ, chói khi ánh sáng mạnh, mỏi mắt, chảy nước mắt.
Đau nhức mắt nhiều, có thể xuất hiện ghèn mắt khi ngủ dậy.
Các triệu chứng thực thể:
Tổn thương giác mạc, mắt có màu đỏ.
Giác mạc có ổ loét tròn hoặc hình bầu dục ở giai đoạn bệnh đã muộn, có thể có mủ.
Khi bệnh tiến triển, có thể gây áp xe mắt lan sang các bộ phận khác của mắt như củng mạc, nội nhãn.
3.2 Cận lâm sàng
Soi mắt, lấy bệnh phẩm và nhuộm Giemsa hoặc Gram để phát hiện Acanthamoeba.
3.3 Chẩn đoán xác định
Bệnh nhân đau nhức nhiều ở mắt.
Ổ loét giác mạc hình tròn hoặc bầu dục, có thể có áp xe vòng.
Xét nghiệm bằng cận lâm sàng thấy acanthamoeba.
3.4 Chẩn đoán phân biệt
Loét giác mạc do vi khuẩn: xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy vi khuẩn. Ổ loét giác mạc ranh giới không rõ.
Loét giác mạc do nấm: xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy nấm. Ổ loét giác mạc có hình tròn hoặc bầu dục.
Loét giác mạc do herpes: Xét nghiệm PCR chất nạo bờ ổ loét hoặc thủy dịch sẽ tìm được gen của virus herpes. Ổ loét giác mạc hình cành cây hoặc địa đồ.
Ngoài ra, các loại viêm loét giác mạc này hình dáng của ổ loét cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, thường không phân biệt được chính nguyên nhân bị viêm loét giác mạc do đâu. Các xét nghiệm tìm vi khuẩn, virus, nấm, Acanthamoeba,... mới phân biệt được chính xác. [2]
4 Điều trị bệnh viêm loét giác mạc do amip Acanthamoeba
Bệnh viêm loét giác mạc do amip Acanthamoeba thường dùng kết hợp các loại thuốc để điều trị nguyên nhân và triệu chứng. Các thuốc trong đó có thể là kháng sinh tra mắt, thuốc chống viêm non-steroid tra mắt,... Thuốc đặc hiệu thường dùng là propamidin isethionat.
Trường hợp điều trị bằng thuốc không có tiến triển, cận can thiệp điều trị ngoại khoa: gọt giác mạc, ghép giác mạc.
Các thuốc thường được dùng là polyhexamethylene biguanide (PHMB) 0,02% (hoặc chlorhexidine 0,02%) và propamidine 0,1%.
Thuốc nhỏ mắt Voriconazole 1% cũng có thể được kê.
Cân nhắc dùng thuốc giảm đau như thuốc uống chống viêm không steroid nếu bệnh nhân bị đau kèm theo vết loét.
Theo dõi kết quả nuôi cấy vi sinh/ nhuộm gram. Một số ít trường hợp, nhiễm trùng hỗn hợp có thể xuất hiện với một sinh vật khác, ví dụ vi khuẩn, nấm hoặc HSV. Bác sĩ có thể cần điều trị kháng sinh hoặc kháng vi rút bổ sung.
Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, hãy chuyển đến bác sĩ chuyên khoa giác mạc, vì có thể phải ghép giác mạc. [3]
5 Phòng bệnh viêm loét giác mạc do amip Acanthamoeba
Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ, rửa sạch mắt khi trang điểm bằng dầu tẩy trang.
Đi đường bụi hoặc lao động phải đeo kính bảo vệ mắt.
Khi bị chấn thương mắt, cần phải đến khám và điều trị tại các cơ sở nhãn khoa. Không được tự ý mua thuốc về điều trị.
Khi đeo kính tiếp xúc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đeo cũng như vệ sinh kính hàng ngày.
Vệ sinh kính áp tròng sau khi đeo xong, bảo quản kính cần thận. Tránh vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập vào mắt.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thêm kiến thức để phòng bệnh viêm giác mạc do amip acanthamoeba gây ra. [4]
Tài liệu tham khảo
- ^ Jacob Lorenzo-Morales, Naveed A. Khan và Julia Walochnik (Ngày đăng năm 2015). An update on Acanthamoeba keratitis: diagnosis, pathogenesis and treatment, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ Augustine Hong, MD (Ngày đăng 6 tháng 10 năm 2021). Acanthamoeba Keratitis, Eye Wiki. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ Jaya Chidambaram (Ngày đăng 1 tháng 2 năm 2019). How to diagnose and treat Acanthamoeba keratitis, Eye News. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ Mark B. Abelson, Daniel Dewey-Mattia và Aron Shapiro (Ngày đăng 20 tháng 11 năm 2008). Acanthamoeba: A Dangerous Pathogen, Review Of Ophthalmology. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021