Những kiến thức cần biết về bệnh viêm loét đại - trực tràng chảy máu
Trungtamthuoc.com - Bệnh viêm loét đại - trực tràng chảy máu có biểu hiện giống với các bệnh lý tiêu hóa thông thường nên người mắc bệnh thường chủ quan không thăm khám và điều trị sớm, khi nhập viện thì bệnh tình thường đã tiến triển khá nặng nên việc điều trị khá khó khăn.
1 Viêm loét đại - trực tràng chảy máu là bệnh gì?
Viêm loét đại - trực tràng chảy máu là một bệnh lý đường tiêu hóa gây ra các tổn thương mạn tính ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc vùng đại - trực tràng trong hệ thống tiêu hóa.
Bệnh có tính chất tự miễn, gây loét và chảy máu đại - trực tràng, ban đầu khu trú ở vùng trực tràng và lan dần về phía đại tràng.
Tỉ lệ mắc bệnh theo giới tính là như nhau. Độ tuổi khởi phát trong khoảng 15 - 40 tuổi.
Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng được cho là có liên quan đến đáp ứng miễn dịch.[1]
Do bệnh có biểu hiện giống với các bệnh lý tiêu hóa thông thường nên người mắc bệnh thường chủ quan không thăm khám và điều trị sớm, khi nhập viện thì bệnh tình thường đã tiến triển khá nặng nên việc điều trị khá khó khăn.
2 Chẩn đoán bệnh viêm loét đại - trực tràng xuất huyết
Việc chẩn đoán xác định người bệnh bị viêm loét đại - trực tràng chảy máu dựa theo các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó dựa vào nội soi đại - trực tràng là chủ yếu.
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Đau bụng.
Đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng hoặc có máu đỏ.
Đau khớp.
Gầy sút cân.
Thiếu máu.
Có thể bị phù do thiếu dinh dưỡng.
2.2 Cận lâm sàng
Nội soi đại - trực tràng thấy hình ảnh:
- Giai đoạn đầu: niêm mạc nhạt màu, mạch máu mong manh, thưa thớt hoặc không có gì khác thường.
- Giai đoạn 1: niêm mạc sần, dung huyết, chỉ nhìn thấy một phần của mạch máu.
- Giai đoạn 2: niêm mạc mất nếp ngang, có ổ loét, không nhìn thấy mạch máu, chạm nhẹ là chảy máu.
- Giai đoạn 3: niêm mạc phù nề, sung huyết, ổ loét lớn, tự chảy máu.
Chụp khung đại tràng thấy đại tràng dạng ống chì, hình ảnh giả polyp, hẹp đại tràng ở giai đoạn nặng.
CT scan ổ bụng thấy thành đại tràng dày liên tục nhưng không quá 1,5cm.
Kết quả xét nghiệm:
- Thiếu máu tùy mức độ xuất huyết.
- Hematocrit thường giảm.
- Tốc độ máu lắng tăng, CRP tăng.[2]
2.3 Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng ruột kích thích.
Lao ruột.
Bệnh Crohn.
Ung thư đại tràng.
Viêm đại tràng cấp do vi khuẩn.
3 Biến chứng nguy hiểm khi bị viêm loét đại - trực tràng xuất huyết
Phình giãn đại tràng: khi bị viêm loét đại tràng nặng, viêm toàn bộ đại tràng.
Thủng đại tràng: cần cấp cứu ngoại khoa.
Xuất huyết tiêu hóa: là triệu chứng của bệnh nhưng nếu xuất huyết nhiều cần có chỉ định ngoại khoa.
Ung thư: tỉ lệ ung thư sau 10 năm chiếm tới 10-15%.
4 Điều trị viêm loét đại - trực tràng chảy máu
4.1 Nguyên tắc điều trị
Nếu chưa từng điều trị thì khởi đầu bằng một thuốc và đánh giá đáp ứng sau 10-15 ngày.
Nếu đã hoặc đang điều trị nhưng bệnh có đợt tiến triển nặng cần dùng các thuốc đang điều trị kết hợp với 1 thuốc mới.
Nếu đã điều trị và ngừng điều trị lâu, điều trị khởi đầu như trường hợp chưa được điều trị, nên bắt đầu điều trị bằng thuốc khác.
Nếu bệnh nhẹ và ít tổn thương niêm mạc thì có thể dùng thêm thuốc điều trị tại chỗ (viên đặt, thuốc thụt,...).
4.2 Điều trị tấn công
4.2.1 Bệnh ở mức độ nhẹ (tổn thương ở trực tràng)
Dùng 5-ASA đường uống hàm lượng 500mg, mỗi ngày 8 viên, chia làm 4 lần.
DÙng 5 - ASA tại chỗ dạng nang đạn đặt hậu môn 1g, mỗi ngày đặt 1 lần trước khi đi ngủ trong 3 tuần.
Nếu cần có thể dùng thêm steroid tại chỗ liều 100mg, mỗi ngày 1-2 lần.
Kháng sinh uống: Ciprofloxacin (ngày 1g) hoặc Metronidazole (ngày 1g), dùng trong 7 ngày.
4.2.2 Bệnh ở mức độ vừa (tổn thương đại tràng trái)
Dùng 5-ASA đường uống hàm lượng 500mg, mỗi ngày 8 viên, chia làm 4 lần.
Dùng 5 - ASA tại chỗ: dung dịch thụt hoặc bột.
Dung dịch hydrocortison 100mg thụt ngày 1 lần vào buổi sáng.
Kháng sinh đường uống: Ciprofloxacin hoặc Metronidazol trong 7 ngày.
Nếu không đáp ứng thì kết hợp Corticoid uống trong 10-14 ngày.
Nếu vẫn không đáp ứng dùng tiếp Methylprednisolon trong 7 -10 ngày.
4.2.3 Bệnh ở mức độ vừa hoặc nặng (tổn thương đại tràng phải hoặc toàn bộ đại tràng)
Dùng 5-ASA đường uống hàm lượng 500mg, mỗi ngày 8 viên, chia làm 4 lần.
Dùng Prednisolon uống trong 7-10 ngày. Nếu có đáp ứng thì giảm liều dần (mỗi tuàn giảm 5mg rồi cắt hẳn).
Nếu không đáp ứng, dùng Corticoid liều cao tiêm tĩnh mạch trong 7-10 ngày. Nếu triệu chứng bệnh đươc cải thiện sau 7-10 ngày giảm liều dần mỗi 5 mg/1 tuần và cắt hẳn.
Nếu không đáp ứng kết hợp dùng thuốc ức chế miễn dịch: Azathioprin, Cyclosprorin, Kháng thể đơn dòng Infliximab hoặc kháng sinh.
4.3 Điều trị duy trì
Sau 3-4 tuần điều trị tấn công, các triệu chứng lâm sàng được cải thiện thì giảm liều dần và duy trì bằng 5 - ASA đường uống (1g/ngày chia 2 lần).
Thời gian duy trì:
- Viêm loét trực trảng: ít nhất 2 năm.
- Viêm loét trực tràng và đại tràng sigma: càng lâu càng tốt.
- Viêm loét đại tràng phải hoặc toàn bộ đại tràng: suốt đời.
4.4 Điều trị ngoại khoa
Nếu việc điều trị bằng thuốc không cho hiệu quả khả quan, bác sĩ sẽ xem xét điều trị ngoại khoa bằng cách cắt đoạn đại tràng hay cắt toàn bộ đại tràng nối hồi tràng hậu môn.
Điều trị ngoại khoa trong các trường hợp:
- Thủng đại tràng.
- Phình dãn địa tràng nhiễm độc.
- Điều trị nội khoa thất bại có máu chảy nhiều.
- Biến chứng ung thư.
5 Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh
Nếu bị viêm loét đại - trực tràng chảy máu ở mức độ nhẹ hoặc vừa thì bệnh nhân chỉ nên ăn các loại thức ăn mềm, hạn chế tạm thời việc ăn chất xơ.
Nếu bệnh ở mức độ nặng cần nhịn ăn hoàn toàn và nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch bằng đạm toàn phần, dung dịch acid béo, dung dịch đường,... đảm bảo cung cấp đủ 2500Kcal/ngày.
Nếu dùng 5-ASA để điều trị kéo dài thì cần bổ sung thêm sắt, Acid Folic 1mg/ngày.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: chuyên gia y tế Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 23 tháng 4 năm 2020). Ulcerative Colitis, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Marc D Basson, MD (Ngày đăng: ngày 26 tháng 7 năm 2019). Ulcerative Colitis, Medscape. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.