Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm khớp vảy nến
Trungtamthuoc.com - Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp ảnh hưởng đến một số người mắc bệnh vảy nến. Hầu hết mọi người phát triển bệnh vẩy nến nhiều năm trước khi được chẩn đoán mắc viêm khớp vẩy nến. Đau khớp, cứng khớp và sưng tấy là những dấu hiệu và triệu chứng chính của bệnh viêm khớp vảy nến. [1]
1 Viêm khớp vẩy nến là gì?
Viêm khớp vảy nến (PsA) là viêm khớp mạn tính liên quan đến bệnh vẩy nến (PsO). Bệnh có nhiều đặc điểm lâm sàng như các bệnh lý cột sống khác và viêm khớp dạng thấp. Các biểu hiện lâm sàng của viêm khớp vảy nến rất đa dạng và có thể thay đổi theo thời gian, phát triển từ khớp này sang khớp khác. Có khoảng 1/5 bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến bị viêm khớp vẩy nến [2] và thường xảy ra ở độ tuổi từ 30 đến 50. [3]
Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không? Đây là bệnh tự miễn khá nặng và có thể gây ảnh hưởng tới chức năng nhiều cơ quan nếu không được điều trị kịp thời.
2 Nguyên nhân và bệnh sinh của viêm khớp vảy nến
Nguyên nhân và bệnh sinh của viêm khớp vẩy nến không được hiểu đầy đủ nhưng có sự liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Từ đó người bệnh bị viêm qua trung gian miễn dịch liên quan đến da và khớp và có thể liên quan đến các cơ quan khác.
Khoảng 33 đến 50% bệnh nhân viêm khớp vẩy nến có ít nhất một người thân độ một cũng bị bệnh vẩy nến hoặc viêm khớp vẩy nến.
Các gen liên quan đến viêm khớp vẩy nến bao gồm những gen HLA có liên quan đến kháng nguyên và miễn dịch. Cả các gen không phải là HLA liên quan đến hoạt hóa và viêm bao gồm tín hiệu nội bào, cytokine và tế bào T cũng liên quan đến viêm khớp vẩy nến. Các mối liên quan di truyền với viêm khớp vẩy nến và bệnh vẩy nến không giống nhau do đó một số gen liên quan đến viêm khớp vẩy nến không liên quan đến bệnh vẩy nến, và ngược lại. Ngoài ra, một số gen nhất định có liên quan đến kiểu hình cụ thể của viêm khớp vẩy nến.
Các yếu tố di truyền trong viêm khớp vẩy nến bao gồm HLA-B08, HLA-B27, HLA-B38, HLA-B39, HLA-B57 và HLA-C06. Các gen không phải là HLA liên quan đến viêm khớp vẩy nến bao gồm IL-23R. Gen IL-12B có liên quan đến bệnh vẩy nến nhưng không phải viêm khớp vẩy nến.
Các yếu tố môi trường bị nghi ngờ liên quan đến viêm khớp vảy nến nhưng rất khó để xác nhận. Gần đây các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng có mối liên quan viêm khớp vẩy nến với nhiễm liên cầu khuẩn và phơi nhiễm kháng sinh.
Chấn thương da gây ra các đợt bùng phát tổn thương da vẩy nến được gọi là hiện tượng Koebner. Có bằng chứng chấn thương khớp có thể gây ra một đợt viêm khớp, được gọi là hiện tượng Koebner "bên trong" hoặc "sâu".
3 Các triệu chứng lâm sàng của viêm khớp vảy nến
Biểu hiện lâm sàng của viêm khớp vẩy nến rất đa dạng. Phân loại của viêm khớp vẩy nến theo Moll và Wright bao gồm 5 loại:
- Viêm ít khớp không đối xứng và liên quan đến ít hơn năm khớp nhỏ hoặc lớn.
- Viêm đa khớp thường đối xứng và biểu hiện tương tự như viêm khớp dạng thấp nhưng có thể liên quan đến các khớp liên đốt xa, yếu tố thấp khớp âm tính.
- Viêm khớp xa biểu hiện bằng sự tham gia nổi bật của các khớp liên đốt xa.
- Viêm khớp mutilans đặc trưng bởi là bệnh khớp hủy hoại nghiêm trọng với các biến dạng đặc biệt là ở tay và chân.
- Mô hình viêm cột sống dính khớp với viêm túi mật và viêm cột sống dính khớp.
Mô hình viêm ít khớp không đối xứng là hình thức phổ biến nhất về biểu hiện viêm khớp vẩy nến. Các đặc điểm lâm sàng của viêm khớp vẩy nến được mô tả dưới dạng các biểu hiện khớp và ngoài khớp. Viêm khớp ngoại biên xuất hiện theo mô hình viêm ít khớp hơn là so với viêm đa khớp. Người bệnh có thể viêm quanh chèn dây chằng, gân hoặc ổ khớp, viêm ngón (sưng toàn bộ đầu ngón tay, chân) và viêm cổ tay. Người bệnh có thể viêm khớp cùng chậu không đối xứng, viêm cột sống dính khớp không liên tục.
Viêm khớp vẩy nến không chỉ có các triệu chứng liên quan đến khớp mà còn các biểu hiện ngoài khớp nữa. Bệnh da vảy nến thường xuất hiện trước khi bắt đầu viêm khớp nhưng có thể xảy ra đồng thời và thậm chí trước khi bắt đầu bệnh khớp. Mức độ nghiêm trọng của bệnh da không tương quan nhiều với mức độ nghiêm trọng của bệnh khớp. Người bệnh có thể viêm da dạng mủ, viêm thành từng mảng, giọt hay đỏ da.
Bệnh viêm móng đặc trưng bởi sự phân hủy, rỗ và xuất huyết. Mức độ nghiêm trọng của bệnh móng tương quan với mức độ nghiêm trọng của cả bệnh ngoài da và khớp. Triệu chứng này hiện diện ở 80 đến 90% bệnh nhân bị viêm khớp vẩy nến và có liên quan đến sự tham gia của khớp liên đốt xa.
Viêm khớp vảy nến còn có thể gây ra bệnh mắt ở dạng viêm màng bồ đào, thường mạn tính, viêm hai bên.
4 Chẩn đoán viêm khớp vẩy nến như thế nào?
Viêm khớp vẩy nến được chẩn đoán theo các tiêu chuẩn CASPAR, khi bệnh nhân có số điểm từ 3 trở lên thì bệnh được xác định với độ nhạy 98,7%. Các tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp vẩy nến như sau:
- Người bệnh đang có biểu hiện vẩy nến được xác định là 2 điểm.
- Trước nó từng mắc bệnh vẩy nến được cho là 1 điểm.
- Gia đình người bệnh từng mắc bệnh vẩy nến, cũng được chấm 1 điểm.
- Người bệnh bị viêm ngón tay, ngón chân là 1 điểm.
- Bệnh nhân từng có chứng ngón tay - chân khúc dồi được chấm 1 điểm.
- Bệnh nhân có tổn thương móng hoặc yếu tố thấp khớp âm tính (RF-) được xác định 1điểm.
- Kết quả trên phim chụp X-quang bệnh nhân thấy gai xương có quanh khớp là 1 điểm.
- Để chẩn đoán viêm khớp vẩy nến, ta còn cần làm các xét nghiêm máu, chụp X-quang hay MRI để xác định tổn thương bệnh.
5 Phác đồ điều trị viêm khớp vẩy nến
Điều trị nên căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, mức độ tổn thương khớp và bệnh ngoài khớp, đáp ứng của bệnh nhân và bệnh đồng mắc khác.
Người bệnh viêm khớp vảy nến chưa từng điều trị có thể cho dùng NSAIDs để làm giảm các triệu chứng viêm khớp ngoại biên nhẹ như: diclofenac, piroxicam, celecoxib… Hoặc bệnh nhân cũng có thể được tiêm nội khớp, tiêm vào các điểm bám gân corticosteroid tại chỗ.
Viêm khớp ngoại biên nhẹ đến trung bình có thể được điều trị bằng DMARD tổng hợp thông thường như Methotrexate với liều mỗi tuần 1 lần là 7,5 đến 25mg. Hoặc có thể dùng Sulfasalazine với liều mỗi ngày từ 1 đến 2gam.
Viêm khớp ngoại biên nặng thường được điều trị sinh học, đặc biệt là thuốc ức chế TNF. Trong đó thuốc ức chế TNF được sử dụng là là entanercept để tiêm dưới da với liều 25mg/lần, mỗi tuần dùng 2 lần. Hoặc tiêm tĩnh mạch infliximab mỗi lần 3mg/kg, tiêm vào các tuần 2, 4, 6 và cách 8 tuần sau. Ở những bệnh nhân bị bệnh vẩy nến nặng, có thể sử dụng chất ức chế IL-12/23 hoặc chất ức chế IL-17 thay cho thuốc ức chế TNF.
Điều trị triệu chứng trên da lan tỏa, có thể sử dụng phương pháp tia UVB, PUVA.
6 Chế độ ăn của người bị viêm khớp vảy nến
Nên tránh các loại thực phẩm có thể tăng viêm như thịt đỏ béo, sữa, đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn và các loại rau như khoai tây, cà chua và cà tím. Các loại cá như cá thu, cá ngừ và cá hồi, có axit béo omega-3. Chúng đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm. Cà rốt, khoai lang , rau bina, cải xoăn và quả việt Quất cũng là những lựa chọn tốt. [4]
Trên đây là các thông tin cơ bản về viêm khớp vẩy nến, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc trong việc chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Psoriatic arthritis, Mayoclinic. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Anwar Al Hammadi, Psoriatic Arthritis, Medscape. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Medlineplus, Psoriatic arthritis, Medlineplus. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Psoriatic Arthritis Diets: Foods to Eat & Avoid, WebMD. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021