Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay - Hội chứng De Quervain
trungtamthuoc.com - Bệnh viêm gân vùng mỏm trâm quay - De Quervain có thể tự giới hạn và có thể tự khỏi mà không cần can thiệp. Đối với những người có triệu chứng dai dẳng, thì nẹp, sử dụng thuốc chống viêm toàn thân và tiêm corticosteroid là phương pháp điều trị không phẫu thuật phổ biến nhất.
1 Đại cương về bệnh viêm gân vùng mỏm trâm quay
Viêm gân vùng mỏm trâm quay còn gọi là bệnh viêm bao gân de Quervain, đặt theo tên của bác sĩ phẫu thuật người Thụy Sĩ, người mô tả đầu tiên năm 1895. Đây là tình trạng viêm bao gân cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón tay cái, chúng bị dày lên và gây đau khi chuyển động ngón tay cái, xoay cổ tay, cầm nắm vật gì đó hoặc nắm đấm. Cơn đau có thể lan đến ngón tay cái hoặc cẳng tay. Một số người bị sưng ở mặt hướng tâm của cổ tay hoặc khó cầm đồ vật. [1]
Tỷ lệ viêm bao gân de Quervain ở nam giới là khoảng 0,5% và 1,3% ở phụ nữ, độ tuổi có tỷ lệ người mắc bệnh này cao nhất là khoảng 40 đến 50 tuổi. Bệnh thường thấy nhiều hơn ở những người có tiền sử viêm màng ngoài tim và viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay.
2 Nguyên nhân gây bệnh viêm bao gân de Quervain
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng viêm bao gân của de Quervain không được biết. Tình trạng này là do có sự thoái hóa niêm dịch với mô xơ và mạch máu tăng lên, từ đó màng bao gân dày lên khiến cử động ngón tay đau và khó khăn hơn. Bất kỳ hoạt động nào dựa vào cử động của bàn tay hoặc cổ tay lặp đi lặp lại - chẳng hạn như làm việc trong vườn, chơi gôn hoặc chơi thể thao vợt hoặc bế em bé của bạn - đều có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. [2]. Ngoài ra, viêm bao gân de Quervain còn có thể do chấn thương trực tiếp ở cổ tay có mô sẹo có thể hạn chế sự di chuyển của gân , hay do viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp...
Những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm bao gân de Quervain:
Tuổi: Người lớn từ 30 đến 50 có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất.
Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới từ 8 đến 10 lần.
Sau khi sinh: Bệnh thường xảy ra ngay sau khi mang thai khi bạn bế em bé trên tay quá lâu.
Cử động cổ tay nhiều lần: Bạn có thể mắc phải tình trạng này nếu di chuyển cổ tay nhiều lần, dù là để giải trí hay vì công việc. [3]
3 Chẩn đoán viêm gân vùng mỏm trâm quay
Để xác định tình trạng viêm gân vùng mỏm trâm quay, ta căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh tại vị trí đó như sau:
- Người bệnh cảm thấy đau, đau tăng lên khi cử động ngón cái liên tục, đặc biệt là ban đêm. Triệu chứng đau này có thể lan rộng sang ngón cái và cẳng tay.
- Ngoài cảm giác đau ở mỏm trâm quay, bệnh nhân còn có thể bị sưng phù và đỏ ở khu vực đó.
- Khi sờ vào mỏm trâm quay, thấy bao gân dầy lên, khi ấn vào thấy đau nặng hơn.
- Ở một số bệnh nhân, khi cử đọng ngón tay cái có thể nghe thấy những tiếng cót két.
Viêm gân vùng mỏm trâm quay có thể được chẩn đoán nhờ test Finkelstein. Lúc này, cho người bệnh gấp ngón cái vào lòng bàn tay. rồi nắm các ngón còn lại bao lên ngón cái và uốn ngược cổ tay hướng lên xương trụ. Nếu người bệnh bị đau nhói gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái hay gốc ngón cái có thể là bị viêm gân vùng mỏm trâm quay. Bệnh được xác định nếu bệnh nhân có triệu chứng như test Finkelstein và đau nhói vùng mỏm trâm quay.
Ngoài ra, để chẩn đoán còn có thể dựa vào kỹ thuật siêu âm, cho kết quả bao gân và gân dạng dài, duỗi ngắn dầy lên, có dịch bao gân.
Cần phân biệt viêm gân vùng mỏm trâm quay với viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay, viêm màng hoạt dịch gân cơ duỗi cổ tay quay...
4 Điều trị hội chứng viêm gân de Quervain như thế nào?
Bệnh viêm gân De Quervain có thể tự giới hạn và có thể tự khỏi mà không cần can thiệp. Đối với những người có triệu chứng dai dẳng, thì nẹp, sử dụng thuốc chống viêm toàn thân và tiêm corticosteroid là phương pháp điều trị không phẫu thuật phổ biến nhất.
4.1 Các phương pháp điều trị viêm gân de Quervain không dùng thuốc
Người bệnh cần hạn chế hay không vận động cổ tay và ngón tay cái nữa trong vòng từ 4 đến 6 tuần hay cho đến khi người bệnh đã ổn định.
Với những bệnh nhân bị sưng đau nhiều có thể băng nẹp cổ tay và ngón cái liên tục từ 3 đến 6 tuần. Khi băng, người bệnh cần giữ nguyên tư thế cổ tay và so với trục xương quay thì ngón cái lệch ra 45o so và gấp 10o.
Ngoài ra, chườm lạnh cũng có thể giúp người bệnh giảm đau tạm thời, nhưng thường thất bại và khả năng tái phát rất cao.
4.2 Điều trị viêm gân de Quervain bằng thuốc
Bệnh nhân viêm gân de Quervain có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid dạng bôi có tác dụng tại chỗ như Voltaren emulgen, mỗi ngày dùng từ 2 đến 3 lần. Hoặc dạng uống như diclofenac mỗi ngày 100mg, chia làm 2 lần hoặc meloxicam mỗi lần 7,5mg, ngày dùng từ 1 đến 2 lần...
Hoặc có thể giảm đau trong viêm gân de Quervain bằng paracetamol, ibuprofen…
Hoặc tiêm corticoid màng bao gân ngón cái để làm giảm viêm, tuy nhiên khi tiêm cần tránh các mạch máu. Hiện nay, tiêm corticoid có thể sử dụng kỹ thuật siêu âm. Bệnh nhân có thể được sử dụng hydrocortison acetat, tác dụng nhanh, với liều 0,3ml/lần và mỗi đợt điều trị chỉ tiêm tối đa 3 liều. Hoặc có thể thay thế bằng methylprednisolon acetat, tác dụng kéo dài với liều cho mỗi lần là 0,3ml, chỉ tiêm 2 lần mỗi đợt. Mỗi năm không được điều trị bằng methylprednisolon acetat quá 3 đợt. Hoặc có thể sử dụng chế phẩm Diprospan mỗi ml bao gồm 5mg betamethasone dipropionate và 2mg betamethasone sodium phosphate. Thuốc Diprospan được sử dụng với liều 0,3ml mỗi lần.
4.3 Can thiệp ngoại khoa điều trị viêm gân de Quervain
Nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc tái phát sau hai lần tiêm corticosteroid, can thiệp phẫu thuật là một lựa chọn phù hợp. Can thiệp phẫu thuật để giải phóng không gian cho gân hoạt động tốt hơn, không bị kẹt vào đường hầm nữa.
Chỉ khâu sẽ được lấy ra khoảng 10 ngày sau phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân có thể tiến hành các bài tập phục hồi chức năng, để hoạt động của gân cơ trở lại bình thường.
Lưu ý, người bệnh không được xoa bóp rượu thuốc, nắn bẻ khớp vì như vậy sẽ làm tổn thương gân khớp. Đồng thời, cần ăn đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
Hy vọng qua bài viêt này, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về bệnh viêm gân de Quervain để nhận biết và điều trị cho phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Raredisease, De Quervain's disease, Raredisease. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, De Quervain's tenosynovitis, Mayoclinic. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, What’s de Quervain's Tenosynovitis?, WebMD. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021