Viêm gan virus D: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Hiện nay, có rất nhiều loại virus gây ra tình trạng viêm gan. Một trong số đó là virus viêm gan D. Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh qua bài viết này nhé!
1 Viêm gan virus D là gì?
Viêm gan virus D là bệnh truyền nhiễm với tác nhân gây bệnh là virus viêm gan D (HDV). Loại virus này là ARN virus với cấu trúc khá đơn giản.
Bộ máy di truyền của nó không đầy đủ do đó còn được gọi với cái tên và virus không trọn vẹn. Nó cần kết hợp với kháng nguyên HBsAg của virus viêm gan B thì mới xâm nhập được vào tế bào gan, nhân lên và gây bệnh cho người. Do đó, bệnh nhân mắc viêm gan D thường đồng nhiễm với viêm gan B hoặc bội nhiễm trên người đã mắc viêm gan B. Điều này rất nguy hiểm do viêm gan D sẽ kích thích virus viêm gan B phát triển và tàn phá gan mạnh mẽ hơn, làm giảm thời gian sống của người bệnh xuống còn chỉ vài tháng hoặc vài năm.
Nhiễm viêm gan D có thể là cấp hoặc mạn tính, xu hướng tiến triển thành bệnh mạn tính lên tới 85 - 90%. Viêm gan D mạn tính thường dễ gây ra các biến chứng như xơ gan, suy gan, ung thư gan,...[1]
2 Con đường lây truyền
Virus viêm gan D lây truyền qua 3 con đường là đường máu, đường tình dục và truyền từ mẹ sang con. Theo số liệu nghiên cứu, trường hợp lây truyền qua đường tình dục và từ mẹ sang con có tỉ lệ khá thấp. Con đường lây bệnh chủ yếu là đường máu, thường gặp trong các trường hợp:
- Dùng chung bơm kim tiêm với người bệnh.
- Sử dụng chung các vật dụng cá nhân dễ gây xước da chảy máu với người bị bệnh.
- Truyền máu người bệnh cho người lành.
- Sử dụng các dụng cụ y tế cho nhiều người mà không khử trùng, tiệt khuẩn theo đúng quy định.
3 Triệu chứng bệnh và chẩn đoán
3.1 Triệu chứng lâm sàng
Viêm gan D có 3 hình thái bệnh là:
- Đồng nhiễm viêm gan B và viêm gan D.
- Bội nhiễm viêm gan D trên người bị viêm gan B mạn tính.
- Viêm gan D mạn tính.
Mỗi trường hợp sẽ cho biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng đặc trưng khác nhau.
Với tình trạng viêm gan D cấp tính, các biểu hiện lâm sàng khá rầm rộ đó là: mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu có màu vàng đậm, vàng da, vàng mắt, buồn nôn, nôn,... Các triệu chứng phát triển nặng hơn kèm thêm tình trạng gan to và đau, ngứa da. Sau một thời gian các triệu chứng này có thể tự giảm dần và biến mất.
Với người bị viêm gan D mạn tính, một số biểu hiện có thể thấy là nước tiểu vàng, ăn không ngon, mệt mỏi,.. Cũng có thể người bệnh sẽ không thấy triệu chứng bất thường nào thậm chí trong nhiều năm. Tuy nhiên, các biến chứng của bệnh như xơ gan dễ gây ra tổn thương gan nghiêm trọng.[2]
3.2 Cận lâm sàng
Các xét nghiệm cho kết quả như sau:
Rối loạn chức năng gan: AST và ALT tăng.
Hội chứng suy tế bào gan: Bilirubin tăng, Albumin máu giảm, PT giảm.
Xét nghiệm kháng nguyên HBsAg, Anti HBc - IgM cho kết quả dương tính.
Xét nghiệm huyết thanh kháng nguyên virus viêm gan D dương tính (có trường hợp không xác định được).
Anti- HDV total: xuất hiện muộn, cần kiểm tra lại sau 1 thời gian.
Anti - HD IgM: Nếu xuất hiện thời gian ngắn thì là viêm gan D cấp khỏi hoàn toàn. Nếu nó xuất hiện trong thời gian dài với nồng độ cao thì viêm gan D cấp đã chuyển thành mạn tính. Tuy nhiên xét nghiệm nay có độ đặc hiệu không cao.
Anti- HD IgG: Xuất hiện sau khi anti - HD IgM biến mất
Định lượng HDV - RNA giúp xác định sự nhân lên của vi rút. Trong chẩn đoán bệnh viêm gan D thì đây được đánh giá là xét nghiệm có độ nhạy cao nhất.
Viêm gan virus D có 3 thể bệnh, việc chẩn đoán phân biệt các thể này phải dựa vào thời gian xuất hiện của bệnh và các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng.
4 Điều trị viêm gan D
Viêm gan D hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các thuốc kháng virus được biết đến không có hiệu quả trong điều trị bệnh này.
Việc điều trị bệnh thường là hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh và ngăn chặn virus lây lan bằng pegylated interferon-alfa. Tuy nhiên, thời gian sử dụng thuốc này khá dài và chi phí cao mà kết quả chỉ đạt được 40 - 70%. Nếu ngừng thuốc thì có tới 69 - 90% ca bệnh tái phát sau một thời gian.[3]
Bên cạnh việc dùng thuốc ức chế sự phát triển của bệnh thì người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống nghỉ ngơi điều độ, tránh sử dụng các chất kích thích có hại đối với gan như rượu bia để bệnh không tiến triển nặng hơn.
5 Phòng bệnh viêm gan D
Viêm gan D chưa có thuốc điều trị dứt điểm, mà việc sử dụng thuốc cải thiện tình trạng bệnh lại tốn kém cả về kinh phí và thời gian. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Để tránh bị nhiễm viêm gan virus D, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Tiêm phòng vacxin viêm gan B, do viêm gan D chưa có vacxin phòng bệnh và viêm gan D thường bội nhiễm hoặc đồng nhiễm với viêm gan B.
- Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao Cao Su).
- Đeo găng tay nếu bạn cần xử lý vết thương hở cho người khác (đặc biệt lầ nhân viên y tế thường xuyên phải thực hiện công việc này).
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm hay vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt là các vật dễ gây trầy xước như bàn chải đánh răng, dao cạo râu,...
- Nếu cơ thể có vết thương cần phủ bằng băng chống thấm để tránh vô tình va chạm với vết thương hở của người khác.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Hansa D. Bhargava, MD (Ngày đăng: ngày 06 tháng 7 năm 2020). What Is Hepatitis D?, WebMD. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Talal Adhami, MD,
William D. Carey, MD (Ngày đăng: ngày 29 tháng 7 năm 2021). Hepatitis D, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021. - ^ Tác giả: Praveen K Roy, MD (Ngày đăng: ngày 20 tháng 10 năm 2021). Hepatitis D, Medscape. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.