Bệnh viêm gan A: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Ở một số nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh môi trường kém, tỉ lệ người bị nhiễm viêm gan A rất cao. Theo thống kê, một số nước châu Á, châu Phi và vùng Trung Đông hầu hết trẻ nhỏ 10 tuổi đã bị nhiễm virus này, số người lớn có kháng thể với virus viêm gan A lên tới 90%. Ở vùng lưu hành thấp con số này chỉ khoảng 30%.
1 Viêm gan virus A là gì?
Bệnh viêm gan vi rút A là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus viêm gan A (HAV) có tên là lây truyền qua đường tiêu hóa gây ra. Mỗi người chỉ có thể bị nhiễm virus viêm gan A một lần duy nhất, sau đó cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể miễn dịch suốt đời.
Virus viêm gan A có kích thước rất nhỏ, hình khối đa diện với đường kính 28nm. Cấu trúc phân tử là chuỗi ARN xoắn dài khoảng 7500 base và không có vỏ bao ngoài.
Ở một số nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh môi trường kém, tỉ lệ người bị nhiễm viêm gan A rất cao. Theo thống kê, một số nước châu Á, châu Phi và vùng Trung Đông hầu hết trẻ nhỏ 10 tuổi đã bị nhiễm virus này, số người lớn có kháng thể với virus viêm gan A lên tới 90%. Ở vùng lưu hành thấp con số này chỉ khoảng 30%. [1]
Lứa tuổi dễ mắc viêm gan A nhất là từ 5 đến 14 tuổi với diễn tiến bệnh lành tính và khỏi hoàn toàn sau 2-6 tháng điều trị, hầu như không để lại bất kì di chứng nào.
2 Viêm gan A lây qua đường nào?
Virus viêm gan A thường tồn tại trong thức ăn, đồ uống, các vật dụng sinh hoạt, trong đất và nguồn nước. Thời gian ủ bệnh của bệnh thường từ 14–28 ngày.
Cách truyền bệnh viêm gan A: Bệnh chủ yếu lấy qua đường phân - miệng. Khi người nhiễm viêm gan virus A, các virus này sẽ được thải ra ngoài môi trường qua phân, nước tiểu và có thể là cả nước bọt ra môi trường xung quanh và phát tán rộng rãi.
Khi những người không mắc bệnh ăn thức ăn do người bị viêm gan A chế biến mà không rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, uống nước hoặc ăn các loại tôm, cua, ốc sinh sống ở vùng nước bị ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với người nhiễm viêm gan A thì rất dễ nhiễm bệnh. Ruồi nhặng sinh sống ở những nơi có nguồn virus cũng là tác nhân lan truyền bệnh.
Những người có quan hệ tình dục với người bị viêm gan A, trong gia đình có người bị bệnh này hoặc di chuyển qua vùng có tỉ lệ người mắc viêm gan A cao thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. [2]
3 Triệu chứng và chẩn đoán bệnh viêm gan virus A
3.1 Triệu chứng lâm sàng
Sau khi virus viêm gan A xâm nhập vào cơ thể sau 2 đến 6 tuần, người bệnh có thể có các triệu chứng. Triệu chứng của viêm gan A là:
- Sốt, nhức đầu.
- Đau mỏi cơ.
- Chán ăn, đau bụng.
- Da và tròng mắt màu vàng.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Phân nhạt hoặc có màu xám.
3.2 Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu, huyết thanh là cách tốt nhất để xác định bệnh viêm gan virus A. Kết quả xét nghiệm ở những người nhiễm bệnh là ALT, AST máu tăng, bilirubin máu tăng. Trong thời gian phát bệnh, kháng thể chống lại virus viêm gan A cũng tăng cao.
Ngoài ra, khi soi phân và máu bằng kính hiển vi điện tử cũng có thể xác định được virus viêm gan A.
3.3 Chẩn đoán bệnh viêm gan virus A
Việc chẩn đoán xác định bệnh dựa vào yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận.
3.4 Chẩn đoán thể lâm sàng
Bệnh viêm gan A nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan virus A cấp tính: thường có thể tự khỏi.
Viêm gan virus A tối cấp: bệnh nhân thường sốt cao, vàng mắt, gan teo nhỏ, hôn mê gan dẫn đến tử vong.
Viêm gan virus A kéo dài: thể bệnh này ít gặp, thường dẫn đến ứ mật kéo dài tới 2-3 tháng nhưng ít để lại hậu quả đáng lo.
Cần chẩn đoán phân biệt viêm gan A với viêm gan do các loại virus khác, viêm gan nhiễm độc, viêm gan tự miễn.
4 Phương pháp điều trị bệnh
Viêm gan A không có phương pháp điều trị cụ thể. Việc điều trị chủ yếu là nâng cao thể trạng và giúp người bệnh giải quyết các triệu chứng.
Hầu hết, bệnh sẽ tiến triển theo hướng tự sản sinh ra kháng thể chống lại virus và khỏi bệnh mà không cần điều trị. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà chứ không cần nhập viện.
Chế độ chăm sóc bệnh nhân viêm gan A:
Để bệnh nhân nghỉ ngơi và chỉ hoạt động nhẹ nhàng.
Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng nhiều đạm và vitamin vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Tuyệt đối không cho người bệnh uống bia rượu hay các chất có hại cho gan.
Bệnh nhân cần rửa tay sạch sẽ, dụng riêng dụng cụ cá nhân để tránh lây nhiễm cho người trong nhà.
Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi tiến triển của bệnh và có hướng xử trí kịp thời nếu bệnh có xu hướng xấu đi. [3]
5 Phòng ngừa viêm gan A
Để phòng ngừa viêm gan A, chúng ta cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Có ý thức bảo vệ môi trường và nguồn nước.
Không ăn thức ăn tươi sống hoặc nấu chưa chín kĩ.
Không dùng chung đồ cá nhân với người khác, đặc biệt là những người đang mắc bệnh.
Những người sống tại vùng có tỉ lệ người mắc viêm gan A cao, mắc bệnh gan mạn tính, nam giới có quan hệ đồng giới,... nên tiêm Vacxin viêm gan A. [4]
Độ tuổi: tiêm viêm gan A:
- Tất cả trẻ em từ 12–23 tháng tuổi.
- Trẻ em và thanh thiếu niên từ 2–18 tuổi chưa được chủng ngừa viêm gan A trước đây.
Người bị nhiễm viêm gan virus A cũng nên tự có ý thức phòng tránh lây lan cho những người xung quanh bằng cách tránh sử dụng chung đồ đạc cá nhân, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh,...
Tài liệu tham khảo
- ^ WHO (Ngày đăng 27 tháng 7 năm 2021). Hepatitis A, WHO. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021
- ^ WHO (Ngày đăng 27 tháng 7 năm 2021). Hepatitis A, WHO. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021
- ^ FDA. Hepatitis A Virus (HAV), FDA. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021
- ^ CDC (Ngày đăng 28 tháng 7 năm 2020). Hepatitis A Questions and Answers for the Public, CDC. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021