Những kiến thức cơ bản cần biết về bệnh viêm gan virus C
Trungtamthuoc.com - Người bệnh viêm gan vi rút C cần được xét nghiệm kiểm tra tình trạng đồng nhiễm vi rút viêm gan B, D, E, A, viêm gan tự miễn, viêm gan do rượu, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, nhiễm HIV, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp...
1 Viêm gan virus C là bệnh gì?
Viêm gan virus C là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan C (HCV), lây từ người sang người theo 3 con đường chính là đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
Virus viêm gan C có cấu trúc là sợi đơn ARN họ Flaviviridae với 6 kiểu gen khác nhau đánh số từ 1 đến 6. Trong đó ở Việt Nam thường gặp các kiểu gen 1, 2, 3 và 6.
Viêm gan C được đánh giá là một trong 10 căn bệnh gây tử vong do nhiễm trùng bởi khả năng tiến triển thành xơ gan và ung thư gan cao nếu không được chữa trị đúng cách.
2 Triệu chứng lâm sàng của viêm gan virus C
Viêm gan C có giai đoạn ủ bệnh khá dài từ 6 - 8 tuần. Hầu hết, những người mắc bệnh không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng cho tới khi tiến triển thành xơ gan. Một số trường hợp sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, da hơi vàng,... Các biểu hiện ngoài gan là đau khớp, viêm khớp, rụng tóc,... Tuy nhiên, những triệu chứng này thường rất nhẹ và bị người bệnh bỏ qua.
Giai đoạn toàn phát kéo dài khoảng 6 - 8 tuần. Sau đó có khoảng 15 - 30% số người nhiễm virus viêm gan C tự hết mà không cần điều trị. Số còn lại sẽ trở thành người lành mang virus viêm gan C hoặc mắc viêm gan C mạn tính.
3 Biến chứng khi nhiễm virus viêm gan C
Khi người bệnh bị nhiễm virus viêm gan C, chúng sẽ làm tổn thương các tế bào gan khỏe mạnh và hình thành nên các mô sẹo ở gan khiến dòng máu qua gan bị chậm lại, ứ trệ máu trong tĩnh mạch. Thời gian kéo dài, các mô sẹo nhiều dần và tiến triển thành xơ gan với các triệu chứng ban đầu không điển hình như mệt mỏi, chán ăn, đau nhẹ vùng bụng phải. Biến chứng xơ gan điển hinh nhất là tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Sau khi bị xơ gan, nếu bệnh nhân tiếp tục không được chữa trị thì bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khiến chức năng gan suy giảm trầm trọng và cuối cùng là suy gan. Suy gan có các triệu chứng điển hình là vàng da, vàng mắt, thiểu niệu, phù chân tay, cổ trướng,...
Ngoài xơ gan và suy gian, người nhiễm virus viêm gan C còn có nguy cơ cao bị ung thư gan. Ung thư gan được coi là bệnh lý nguy hiểm nhất trong các bệnh lý gan mật. Nhiễm virus viêm gan C khiến người bệnh có nguy cơ bị ung thư gan gấp 12 lần so với người bình thường.[1]
4 Chẩn đoán viêm gan virus C
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm để xác định và đánh giá mức độ tiến triển của bệnh viêm gan C:
- Anti-HCV là xét nghiệm dùng để sàng lọc nhiễm virus viêm gan C.
- HCV RNA là xét nghiệm để xác định người bệnh đang nhiễm virus viêm gan C. Người dương tính với anti-HCV cần làm xét nghiệm này.
- Xác định kiểu gen (genotype) của virus viêm gan C để giúp lựa chọn phác đồ thích hợp và tiên lượng đáp ứng điều trị.
- Sinh thiết gan và đánh giá không xâm nhập để xác định giai đoạn xơ gan.
- Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa và chức năng gan, sàng lọc ung thư gan.
Chẩn đoán xác định tình trạng bệnh:
- Viêm gan vi rút C cấp: thời gian nhiễm virus dưới 6 tháng, có tiền sử phơi nhiễm với nguồn bệnh, hầu như không có biểu hiện lâm sàng, chỉ số men gan tăng, xét nghiệm HCV RNA dương tính sau 2 tuần phơi nhiễm, anti-HCV có thể âm tình trong vài tuần đầu và cho kết quả dương tính sau 2-3 tháng nhiễm virus.
- Viêm gan vi rút C mạn: thời gian lây nhiễm trên 6 tháng, người bệnh có thể có hoặc không có biểu hiện gì. Có thể thất hoặc không thấy tình trạng gan bị xơ hóa. Xét nghiệm Anti-HCV và HCV RNA cho kết quả dương tính.
5 Điều trị viêm gan virus C như thế nào?
5.1 Điều trị viêm gan C cấp
Viêm gan virus C cấp có thể tự khỏi, tỉ lệ này chiếm từ 15 - 45% ca nhiễm bệnh.
Những người có biểu hiện bệnh như mệt mỏi, chán ăn cần điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt và ăn uống để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể chống lại được các virus gây bệnh.
Nếu người bệnh có các triệu chứng nặng hơn và đe doạ tới tính mạng cần theo dõi và xem xét việc điều trị bằng các thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ.
5.2 Điều trị viêm gan C mạn tính
Mục tiêu điều trị đối với bệnh nhân bị viêm gan C mạn tính là loại trừ được virus này ra khỏi cơ thể người bệnh và phòng ngừa các biến chứng ở gan như xơ hóa gan, xơ gan, ung thư gan nguyên phát và các biểu hiện ngoài gan nặng.
Các thuốc được sử dụng trong điều trị viêm gan C là Peginterferon α-2a/2b, Ribavirin, Sofosbuvir, Daclatasvir, Dasabuvir,...
Theo dõi đáp ứng điều trị viêm gan C mạn tính thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng định kì.
Trong quá trình điều trị cần theo dõi đáp ứng điều trị thông qua các xét nghiệm.
Điều trị thành công nếu người bệnh đạt đáp ứng virus bền vững sau 12 tuần kết thúc việc điều trị. Cần theo dõi tiếp sau khi điều trị đến 24 tuần để đảm bảo người bệnh không bị tái phát.
Với người điều trị thất bại cần hội chẩn và đưa ra pháp đồ điều trị khác thích hợp hơn để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.
Ngừng việc điều trị khi người bệnh dùng thuốc gặp phải tác dụng phụ nặng có đe dọa tới tính mạng.
Bên cạnh việc điều trị tích cực cho bệnh nhân thì cũng cần đẩy mạnh công tác dự phòng lây nhiễm trong cộng đồng.[2]
6 Phòng ngừa bệnh viêm gan virus C
Viêm gan virus C hiện chưa có vaccin phòng bệnh do đó để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, mỗi người chúng ta cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân bằng cách:
- Tránh việc sử dụng chung kim tiêm, bàn chảy đánh răng hay các vật dung cá nhân dễ dính máu với người khác.
- Sinh hoạt tình dục an toàn, đeo bao Cao Su và vệ sinh sạch sẽ trước/sau khi quan hệ. Nếu dùng sextoy thì cũng phải vệ sinh các dụng cụ này sạch sẽ.[3]
- Trước khi có ý định mang thai, các cặp vợ chồng nên đi kiểm tra xác định có nhiễm viêm gan virus C và các bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con khác hay không.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Melinda Ratini, DO, MS (Ngày đăng: ngày 23 tháng 8 năm 2021). Hepatitis C and the Hep C Virus, WebMD. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Alana Biggers, MD, MPH (Ngày đăng: ngày 30 tháng 11 năm 2021). Everything You Want to Know About Hepatitis C, Healthline. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Medline Plus (Ngày đăng: ngày 29 tháng 9 năm 2021). Hepatitis C, Medline Plus. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.