Viêm gân gấp ngón tay: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - viêm gân gấp ngón tay thường bắt đầu từ cơn đau kỳ lạ ở lòng bàn tay khi cử động của ngón tay bị ảnh hưởng. Dần dần có tiếng tách của gân cơ gấp khi người bệnh duỗi hoặc co ngón tay. Bệnh thường ảnh hưởng đến tay thuận và ngón bị phổ biến nhất là ngón cái. [1] Các lực chấn thương dẫn đến phì đại và thu hẹp gân và màng bao gân, dẫn đến gân không thể trượt trơn tru màng bao khiến tay không hoạt động được bình thường.
1 Bệnh ngón tay lò xo là gì?
Ngón tay lò xo hay còn gọi là viêm gân gấp ngón tay là một tình trạng phổ biến có thể gây suy giảm chức năng đáng kể. Đây là tình tạng viêm bao gân của ngón tay và ngón cái do sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần. Người bệnh có sự thu hẹp của vỏ ròng rọc cơ gấp kết hợp với phì đại và viêm gân gây đau, nhấp, bắt và mất chuyển động của ngón tay bị ảnh hưởng. Người bệnh rất khó khăn để gấp hay duỗi ngón tay, phải cố gắng mới đưa được ngón tay ra hoặc phải tác động kéo ngón tay ra như ngón tay có lò xo.
Tình trạng viêm có thể khiến gân bị nổi hạch. Nó thường xảy ra ở ngón đeo nhẫn và ngón cái nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ ngón tay nào. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng thường gặp hơn ở những người tiểu đường và ở phụ nữ, thường thấy ở lứa tuổi từ 50 đến 60 tuổi.
2 Các triệu chứng của ngón tay lò xo
Các triệu chứng của viêm gân ngón tay lò xo có thể bắt đầu nhẹ nhưng trở nên nặng hơn theo thời gian. Dưới đây là các triệu chứng có thể gặp khi mắc viêm gân gấp ngón tay:
- Tiếng lách cách kèm cảm giác đau đớn hoặc tiếng tách khi bạn uốn cong hoặc duỗi thẳng ngón tay của mình. Cảm giác đau hơn khi ngón tay đứng yên, và tốt hơn khi bạn di chuyển nó.
- Cứng ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng
- Đau nhức hoặc có vết sưng ở gốc ngón tay hoặc ngón cái. Bác sĩ gọi đây là một nốt sần.
- Tiếng tách khi di chuyển ngón tay.
- Ngón tay bị duỗi thẳng dù không chủ ý. [2]
3 Nguyên nhân gây viêm gân gấp ngón tay
Gân là những sợi dây có chức năng gắn cơ với xương. Mỗi đường gân được bao bọc bởi một lớp vỏ bọc bảo vệ. Ngón tay lò xo xảy ra khi bao gân của ngón tay bị kích ứng và viêm. Điều này cản trở chuyển động trượt bình thường của gân qua vỏ bọc. [3]
Các đối tượng có nguy cơ cao bị viêm gân gấp ngón tay bao gồm: người làm nông, giáo viên, thợ thủ công, hay những người bệnh tiểu đường, hội chứng ống cổ tay, bệnh gout, viêm khớp dạng thấp...
Trẻ em có thể mắc bệnh nay do sự phát triển không phù hợp về kích thước của gân gấp ngón cái và màng bao gân đó. Sự tăng sinh nguyên bào sợi dẫn đến sự khác biệt về kích thước của gân và vỏ ròng rọc A1.
Nguyên nhân của nhiễm trùng trong viêm gân gấp ngón tay là nhiễm trùng thứ cấp như trong bệnh lao, nhiễm Mycobacterium kansasii
4 Bệnh ngón tay lò xo được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh ngón tay lò xo được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng tại ngón tay bị bênh:
- Ngón tay có bao gân bị viêm và xơ bị đau, và khó củ động.
- Ngón tay của người bệnh có thể bị giữ ở tư thế gấp vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng không tự trở lại bình thường được hoặc rất khó.
- Các ngón tay bị viêm ngoài triệu chứng đau, còn có thể bị sưng.
- Ở các khớp đốt ngón bàn tay, có thể sờ thấy các cục viêm xơ trên gân gấp, các cục viêm xơ này di chuyển khi gấp hoặc duỗi ngón tay.
- Khi siêu âm dùng đầu dò có tần số 7,5 - 20 MHz thấy gân bị viêm dày hơn và có dịch bao quanh.
- Cần phân biệt viêm gân gấp ngón tay với viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp vẩy nến.
5 Điều trị viêm gân gấp ngón tay như thế nào?
Ở một số người, ngón tay cò súng có thể thuyên giảm mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, nếu nó không được điều trị, có khả năng ngón tay hoặc ngón cái bị ảnh hưởng có thể bị cong vĩnh viễn, khiến việc thực hiện các công việc hàng ngày trở nên khó khăn. [4]
Quản lý ban đầu của ngón tay lò xo là cẩn thận bảo tồn và điều chỉnh hoạt động, thuốc chống viêm không steroid để kiểm soát cơn đau, bất động khớp và tiêm corticosteroid. Điều trị ngón tay lò xo thường là không phẫu thuật đặc biệt là nếu không biến chứng và các triệu chứng chỉ xuất hiện trong 1 thời gian ngắn. Nếu thất bại bằng phương pháp điều trị như trên, người bệnh viêm gân gấp ngón tay có thể được chỉ định phẫu thuật.
5.1 Các thuốc dùng trong viêm gân gấp ngón tay
Đối với bệnh nhân có ngón tay lò xo (TF), thuốc được sử dụng chủ yếu để giảm đau và viêm kết hợp trong điều trị phục hồi. Vì vậy, phương pháp điều trị bằng thuốc phổ biến nhất là tiêm corticosteroid khu trú tại vị trí đau hoặc viêm nặng và sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Các thuốc giảm đau đươc dùng cho người bệnh viêm gân gấp ngón tay là thuốc chứa acetaminophen uống với liều 500mg/lần, mỗi 24 giờ dùng 2 4 lần. Hoặc người bệnh có thể sử dụng một số chế phẩm thuốc chống viêm không steroid bôi tại chỗ hoặc đường uống toàn thân như: Diclofenac, keotprofem, naproxen, indometacin, Celecoxib...
Trái ngược với sự phân bố toàn thân lan rộng xảy ra khi dùng thuốc chống viêm đường uống, tiêm corticosteroid tại chỗ có thể đạt được nồng độ chất chống viêm cao tại vị trí đau hoặc viêm cực độ. Một loạt các chế phẩm corticosteroid có sẵn. Thông thường, corticosteroid được trộn với một chất gây tê cục bộ trước khi tiêm. Các chế phẩm corticosteroid phổ biến nhất được sử dụng cho người bệnh viêm gân gấp ngón tay bao gồm methylprednison, dexamethasone và Triamcinolone... Mỗi năm, không điều trị quá 3 đợt corticoid như vậy.
- Hydrocortison acetat, tác dụng nhanh, làm giảm viêm bằng cách ngăn chặn sự di chuyển của bạch cầu đa nhân và đảo ngược sự tăng tính thấm mao mạch. Liều lượng thay đổi theo mức độ viêm và kích thước của khu vực bị ảnh hưởng, dao động mỗi lần khoảng 5-12,5mg. Mỗi một đợt điều trị bằng thuốc này, không tiêm quá 3 lần, mỗi lần tiêm phải cách nhau từ 3 đến 4 ngày.
- Methylprednisolone acetat có thời gian tác dụng dài, mỗi lần tiêm cạnh khớp từ 8 đến 20mg/lần dựa vào vị trí viêm, mỗi đợt điều trị từ 3-6 tháng.
- Dexamethasone làm giảm viêm bằng cách ngăn chặn sự di chuyển của bạch cầu đa nhân và giảm tính thấm mao mạch. Liều lượng thay đổi theo mức độ viêm và kích thước của khu vực bị ảnh hưởng...
- Không được tiêm corticoid tại chỗ với viêm do nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm hoặc gần đó.
Ngoài ra, người bệnh viêm gân gấp ngón tay còn sử dụng thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm như: Glucosamin sulfat, acid hyaluronic, thuốc ức chế Interleukin1...
5.2 Phương pháp phẫu thuật điều trị viêm gân gấp ngón tay
Người bệnh viêm gân gấp ngón tay được chỉ định điều trị phẫu thuật khi thất bại với phương pháp điều trị bảo tồn để giải quyết triệu chứng và đau. Người bệnh được tiến hành phẫu thuật để sửa chữa các chèn ép, loại bỏ những nơi bị viêm xơ.
Sau phẫu thuật người bệnh nên tập cử động tích cực để hồi phục hoạt động ngón tay. Trogng 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật người bệnh được sử dụng các thuốc chống viêm liều cao. Đến ngày thứ 10 hậu phẫu các vết thương sẽ được loại bỏ.
Đồng thời, người bệnh cũng cần tránh các vi chấn thương, điều trị viêm khớp dạng thấp, gout, viêm cột sống dính khớp, thoái hoá khớp, tiểu đường... Cùng với đó là đề phòng và điều trị các dị tật khác làm lệch trục của chi.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh viêm gân gấp ngón tay, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc để chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Rebecca Jeanmonod ; Seneca Harberger ; Muhammad Waseem, Trigger Finger, NCBI. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Trigger Finger, WebMD. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Trigger finger, Mayoclinic. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Trigger finger, NHS.UK. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021