Viêm da tiếp xúc dị ứng: nguyên nhân chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Viêm da tiếp xúc dị ứng thường là do người bệnh tiếp xúc với các tác nhân hóa học, nhạy cảm với mỹ phẩm, đồ trang điểm, phấn hoa hoặc côn trùng đốt. Hiện nay, người ta đã xác định được tới hơn 3700 dị nguyên gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng ở người.
1 Viêm da tiếp xúc dị ứng là gì?
Viêm da tiếp xúc dị ứng là một tình trạng da liễu khá phổ biến do những người có cơ địa dị ứng tiếp xúc trực tiếp với các chất gây dị ứng. Điều này gây ra các triệu chứng khu trú tại vùng da tiếp xúc như ngứa rát, sưng đỏ, mụn nước,... với các mức độ khác nhau. Nếu không loại trừ được nguyên nhân, bệnh thường dai dẳng hoặc tái phát nhiều lần.[1]
2 Nguyên nhân gây viêm da dị ứng
Viêm da tiếp xúc dị ứng thường là do người bệnh tiếp xúc với các tác nhân hóa học, nhạy cảm với mỹ phẩm, đồ trang điểm, phấn hoa hoặc côn trùng đốt. Hiện nay, người ta đã xác định được tới hơn 3700 dị nguyên gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng ở người.
Một số dị ứng nguyên chính thường gặp nhất là:
- Kim loại: nickel, cobalt,...
- Một số loại thuốc bôi ngoài da, mỹ phẩm.
- Các loại băng dính, chất dẻo, Nhựa cây.
- Phấn hoa.
- Côn trùng.
3 Các triệu chứng nhận biết viêm da tiếp xúc dị ứng
Sau khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, vùng da tiếp xúc bắt đầu có biểu hiện nổi ban đỏ. Tiếp sau đó vài giờ sẽ xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc rải rác quanh vị trí đó. Các bọng nước này vỡ ra sẽ để lại vết trợt và đóng vảy.
Triệu chứng đi kèm là cảm giác nóng rát, sưng và ngứa ngáy khiến người bệnh khó chịu và có thể lấy tay chà xát khiến tình trạng sưng viêm nặng hơn. Viêm da tiếp xúc ở trẻ có biểu hiện tương tự như viêm da tiếp xúc ở người trưởng thành.
Các triệu chứng cụ thể ở từng vị trí bị viêm:
Ở da đầu: Thường là do dị ứng với dầu gội, dầu xả, kem dưỡng tóc, hóa chất nhuộm uốn,... Biểu hiện là da đỏ và bong vảy, cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Bệnh sẽ giảm dần khi bạn ngừng sử dụng các sản phẩm gây dị ứng này.
Viêm da tiếp xúc ở mặt: Thường là dị ứng với mỹ phẩm, sữa rửa mặt, kem chống nắng hoặc ánh nắng,,... Da mặt đỏ nề và mọc mụn nước li ti.
Ở mí mắt: Nguyên nhân chủ yếu là do nhạy cảm với thuốc nhỏ mắt, đôi khi là do sử dụng lông mi giả, kích mí,... Biểu hiện là mí mắt phù nề, có thể kèm với viêm kết mạc.
Dái tai: Thường là do đeo khuyên tai kim loại. Biểu hiện là da đỏ bong vảy nhẹ, hơi giống chàm khô hoặc mọc mụn nước và vỡ ra sau vài ngày.
Ở môi: Nguyên nhân chính là sử dụng các loại son môi, son dưỡng không hợp khiến môi khô, nứt nẻ và bong vảy. Ít khi bị phù nề hoặc ngứa rát.
Ở tay: Tay là bộ phận có khả năng tiếp xúc nhiều nhất với các tác nhân dị ứng bởi vậy đây cũng là vị trí thường bị viêm da dị ứng tiếp xúc nhất. Biểu hiện cấp tính là các mụn nước nhỏ. Sau đó vài ngày, các mụn này vỡ ra, da khô và bong vảy.
Viêm da tiếp xúc dị ứng dễ bị nhầm lẫn với các loại viêm da khác như viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da cơ địa, bệnh vảy nến,... Do đó, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về sử dụng mà cần khám chuyên khoa da liễu nếu các triệu chứng không thuyên giảm. Các bác sĩ sẽ có biện pháp tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và đưa ra cách trị trị viêm da dị ứng phù hợp.[2]
4 Điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng như thế nào?
Nguyên tắc điều trị chung là phải loại bỏ căn nguyên gây bệnh và sử dụng các loại thuốc theo phác đồ điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng để làm giảm triệu chứng bệnh.
4.1 Điều trị cụ thể viêm da tiếp xúc dị ứng
Trường hợp cấp tính, có lan tỏa toàn thân: sử dụng Corticoid liều 15-20mg/ngày trong 3 ngày. Sau đó giảm còn 5mg/ngày trong 3 ngày tiếp theo.
Việc điều trị tại chỗ thường là sử dụng các loại thuốc mỡ trị viêm da tiếp xúc và phải phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Các chế phẩm thường dùng đều có thành phần chứa Corticoid. Ví dụ như:
- Kem Clobetasone propionat 0,05%, bôi trong 2-4 tuần, mỗi ngày 2 lần.
- Kem Betamethasone 0,1% bôi trong 2-4 tuần, ngày 2 lần.
- Kem Desonide 0,1% bôi mỗi ngày 2 lần (dùng với trường hợp viêm da có rỉ nước).
4.2 Viêm da tiếp xúc bao lâu thì khỏi?
Thời gian hồi phục còn phụ thuộc và một số yếu tố như mức độ tổn thương da, cơ địa của người bệnh, cách chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của từng người. Bởi vậy có những trường hợp rất nhanh khỏi nhưng cũng có trường hợp điều trị rất lâu khỏi và tái phát nhiều lần (thường là do không tránh tiếp xúc với dị nguyên).
Trường hợp bệnh nhẹ, thậm chí không cần dùng thuốc mà chỉ chườm lạnh, làm sạch vùng da dị ứng và dùng kem dưỡng ẩm bệnh cũng có thể khỏi.
Để rút ngắn thời gian điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Rửa sạch da bằng nước hoặc nước muối sinh lý sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng để làm dịu mức độ tổn thương da.
- Sử dụng sớm các loại thuốc uống và thuốc bôi để tránh vùng da dị ứng bị lan rộng, bội nhiễm khiến việc điều trị khó khăn hơn.
- Tìm ra nguyên nhân gây dị ứng da và loại bỏ nó.
- Tránh chà xát, cào vùng da bị dị ứng.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, đẩy nhanh tốc độ hồi phục của vùng da bị thương tổn.
5 Biện pháp dự phòng viêm da tiếp xúc dị ứng
Để tránh bị viêm da tiếp xúc dị ứng, hãy:
- Bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của tia cực tím hoặc các yếu tố môi trường bằng cách đeo găng tay bảo vệ, đội mũ, đeo khẩu trang.
- Giữ cho vùng da khô thoáng và mát mẻ.
- Không sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
- Trước khi sử dụng các loại kem bôi da nên test trước.
6 Viêm da tiếp xúc dị ứng kiêng ăn gì?
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp làm giảm các triệu chứng bệnh và không bị tái phát lại. Dưới đây là một số thực phẩm người bị viêm da tiếp xúc dị ứng nên hạn chế sử dụng:
Hải sản, thực phẩm tanh như tôm, cua, cá,...: những thực phẩm này chứa nhiều protein lạ hoặc các histamin tự nhiên dễ gây dị ứng, phát ban, mẩn đỏ,... Đồng thời, các chất dinh dưỡng có trong hải sản làm chậm quá trình làm lành da và dễ có nguy cơ để lại sẹo.
Thịt gà: trong thịt gà chứa hàm lượng protein cao và có tính nóng, gây kích hoạt phản ứng dị ứng cơ thể, từ đó gây kích ứng da. Do đó, người bị viêm da tiếp xúc dị ứng cần kiêng ăn thực phẩm này.
Đồ uống có cồn, chất kích thích: sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian dài làm tăng nguy cơ tái phát viêm da tiếp xúc do hệ miễn dịch dần suy giảm.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia Mayoclinic, (Ngày đăng: 19 tháng 6 năm 2020). Contact dermatitis, Mayoclinic. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: Dr Amanda Oakley, Dermatologist, Hamilton, (Ngày đăng: năm 2016), Allergic contact dermatitis, Dermnet NZ. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2021.