Viêm da cơ địa: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu chính xác chỉ rõ nguyên nhân cụ thể gây viêm da cơ địa. Tuy nhiên, có thể chú ý đến một số nguyên nhân như yếu tố di truyền từ bố mẹ, các yếu tố khác như: tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, phấn hoa, lông động vật, sự thay đổi đột ngột của thời tiết,...
1 Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa (bệnh chàm, eczema, viêm da atopy) là một bệnh da liễu thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ nhỏ với biểu hiện đặc trưng là da khô ngứa và đỏ da. [1]
Viêm da cơ địa khiến cho bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2 Nguyên nhân bị viêm da cơ địa
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu chính xác chỉ rõ nguyên nhân cụ thể gây viêm da cơ địa. Tuy nhiên, có thể chú ý đến một số nguyên nhân như yếu tố di truyền từ bố mẹ, các yếu tố khác như: tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, phấn hoa, lông động vật, sự thay đổi đột ngột của thời tiết,...
Theo thống kê của Viện da liễu trung ương, viêm da cơ địa thường gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và có tới 60% trường hợp phát bệnh từ trước 1 tuổi. Bệnh có tiến triển trong thời gian dài và tái phát lại nhiều lần nhưng có tới 50% số ca bệnh khỏi hoàn toàn khi bước vào độ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh kéo dài dai dẳng đến tận khi trưởng thành.
3 Triệu chứng lâm sàng của viêm da cơ địa
Triệu chứng lâm sàng của người bị viêm da cơ địa rất đa dạng, điển hình là da khô ngứa và đỏ da.
- Ở giai đoạn cấp tính: Trên da người bệnh xuất hiện từng đám da đỏ, sẩn, có bọng nước. Người bệnh có cảm giác da luôn bị khô, ngứa nên thường dùng tay gãi làm cho các vết sẩn, mụn bị xước ra tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Điều này làm cho vùng da bị viêm nhiễm, có mủ và bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn.
- Ở giai đoạn bán cấp: Các triệu chứng nhẹ hơn, xuất hiện với tần suất thấp hơn, da không bị phù nề, có dịch.
- Ở giai đoạn mạn tính: Da bắt đầu bị sừng hóa, dày hơn, thâm hơn. Đặc biệt là vùng da ở lòng bàn tay, bàn chân, các nếp gấp khuỷu tay, khuỷu chân,…
Ngoài ra, ở một số bệnh nhân còn gặp các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, ho, hen, viêm kết mạc mắt, đau họng, ngứa họng.[2]
4 Chẩn đoán viêm da cơ địa
Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán, tùy theo đặc thù của từng cơ sở y tế mà có những phương pháp chẩn đoán khác nhau như: Phương pháp chẩn đoán theo Hanifin và Rajka (1980), phương pháp chẩn đoán của Williams(2000),…
Phương pháp chẩn đoán của Hanifin và Rajka (1980), cần có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và 3 tiêu chuẩn phụ sau:
Bốn tiêu chuẩn chính gồm:
- Ngứa.
- Viêm da mạn và tái phát.
- Hình thái và vị trí tổn thương điển hình: Ở trẻ em, chàm khu trú ở mặt, các nếp gấp cánh tay, cẳng chân. Ở trẻ lớn, da dày, Lichen vùng nếp gấp.
- Di truyền: trong gia đình có bố/mẹ bị cơ địa dị ứng như viêm da cơ địa, hen, viêm mũi dị ứng.
Các tiêu chuẩn phụ:
- Khô da.
- Ngứa khi ra mồ hôi.
- Mặt đỏ, tái.
- Viêm môi.
- Viêm kết mạc mắt.
- Giác mạc hình chóp.
- Đục thủy tinh thể.
- Có chàm ở bàn tay, chàm núm vú.
- Dị ứng thức ăn.
- Xét nghiệm thấy IgE tăng.
- Có vảy phấn trắng.
- Quanh mắt có quầng thâm.
- Nếp dưới mắt Dennie-Morgan.
- Chứng vẽ nổi.
5 Điều trị viêm da cơ địa
Tùy theo tình trạng người bệnh mà có các biện pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là nguyên tắc điều trị và các thuốc trị viêm da cơ địa.
5.1 Nguyên tắc điều trị
Chống viêm.
Chống bội nhiễm.
Điều trị khô da.
Điều trị giảm ngứa.
Phòng bệnh tái phát.
5.2 Điều trị cụ thể
5.2.1 Chống viêm
Các loại thuốc chống viêm được sử dụng như sau:
Corticoid tại chỗ: được dùng nhiều trong điều trị viêm da cơ địa. Không dùng trên mặt vì gây teo da, sạm da khó phục hồi và ở các tổn thương da có bội nhiễm.
- Kem Mometasone bôi da 1-2 lần/ngày trong 2-4 tuần.
- Kem Clobetasone butyrate 0,05% bôi 2-4 lần/ngày, ưu tiên cho chàm và viêm da dị ứng đơn thuần.
- Kem Clobetasone propionate 0,05% bôi 2 lần/ngày trong 2-4 tuần, dùng cho các lichen phẳng và khô da nhiều.
- Kem Betamethasone 0,1%. Bôi 2 lần/ngày trong 2-4 tuần điều trị.
- Kem Desonide 0,1% tube 30g. Bôi 2 lần/ngày (Dùng trong trường hợp viêm da dị ứng tiếp xúc có rỉ nước).
Pimecrolimus và Tacrolimus: là hai thuốc có tác dụng chống viêm mạnh làm tăng hoạt tính của corticoid. Dùng để điều trị duy trì sau khi các dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh biến mất.
5.2.2 Chống bội nhiễm
Sử dụng dung dịch sát trùng tại chỗ mỗi ngày 2-4 lần để làm sạch da.
Tắm bằng nước nóng và xà phòng ít kiềm.
Nếu cần dùng kháng sinh nên chọn Acid fusidic vì nhạy với tụ cầu vàng, dễ thâm nhập qua da và ít bị nhờn thuốc nếu phải dùng trong thời gian dài.
Dùng Mupirocin tại chỗ (3 lần/ngày) thay thế Methicillin nếu có tụ cầu vàng kháng thuốc ở niêm mạc mũi.
Nhiễm khuẩn thứ phát do tụ cầu vàng cần dùng kháng sinh toàn thân trong 10-14 ngày (Cephalexin, Floxacillin, Amoxicillin, Clavulanate). Nếu bệnh nhân có tiền sử dụng ứng thì dùng Clindamycin hoặc fusidic acid.
5.2.3 Điều trị khô da
Làn da bị khô sẽ khiến cảm giác ngứa ngáy tăng lên. Đồng thời, da khô nứt nẻ giúp vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong hơn. Bởi vậy cần dùng các loại kem làm ẩm da, mềm da để cải thiện tình trạng này.
Chú ý đến thành phần của kem dưỡng, nên lựa chọn các sản phẩm không chứa cồn, chất tạo màu, tạo mùi,...
5.2.4 Điều trị giảm ngứa
Viêm da cơ địa thường khiến người bệnh bị ngứa, lúc này cần sử dụng các thuốc kháng histamin để giảm phản ứng dị ứng và giảm ngứa. Ví dụ như:
- Clorpheniramin 4mg: Người lớn dùng 1-2 viên mỗi ngày. Trẻ em tính liều theo cân nặng là 0,35mg/kg/ngày.
- Cetirizine dạng viên 10mg: Người từ 12 tuổi trở lên uống mỗi ngày 1 viên.
- Cetirizine dạng siro 5mg/5ml: Trên 12 tuổi uống 10ml/ngày. Trẻ từ 6-11 tuổi uống 5-10ml/ngày. Trẻ từ 2-5 tuổi uống 2,5-5ml/ngày.
- Fexofenadine 180mg: Người trên 12 tuổi uống mỗi ngày 1 viên.
- Thuốc mỡ Promethazin 2% bôi 4 lần/ngày.[3]
5.2.5 Điều trị thể nặng
Trường hợp bệnh nhân bị viêm da cơ địa nặng phải điều trị bằng corticoid đường toàn thân. Ban đầu dùng 0,5 - 1mg/kg/ngày. Khi bệnh tiến triển tốt giảm liều dần. Lưu ý phải theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Cho bệnh nhân dùng Cyclosporin A đường uống. Liều khởi đầu là 2-5mg/kg/ngày. Thuốc này thường dùng điều trị viêm da cơ địa cho người lớn và cần bác sĩ chuyên khoa kê đơn mới được dùng.
6 Phòng bệnh viêm da cơ địa
Để phòng bệnh viêm da cơ địa cho trẻ cha mẹ cần:
Giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé, hạn chế tối đa việc trẻ có thể tiếp xúc với những tác nhân gây viêm da cơ địa dị ứng.
Bổ sung kiến thức cho bản thân và người chăm sóc trẻ về các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, trong đó có viêm da cơ địa. Lưu ý tìm hiểu các tác nhân gây bệnh và những loại thuốc, thực phẩm bé nhà mình bị dị ứng để đề phòng và kịp thời xử trí khi thấy trẻ tiếp xúc với chúng.
Viêm da cơ địa kiêng ăn gì? Mỗi người cần nắm được viêm da cơ địa không nên ăn những thực phẩm nào giúp phòng tránh bệnh viêm da cơ địa. Một số loại thực phẩm như hải sản, thực phẩm lên men, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt đỏ,... có thể làm kích ứng da, ngứa ngáy hoặc làm tăng nguy cơ tái phát bệnh viêm da cơ địa.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Brian S Kim, MD (Ngày đăng: Ngày 26 tháng 4 năm 2021). Atopic Dermatitis, Medcape. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: By Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 12 tháng 6 năm 2020. Atopic dermatitis (eczema), MayoClinic. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: Ramin Fathi, MD (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 10 năm 2020. What is Eczema (Atopic Dermatitis)?, Penn Medicine. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021.