Viêm cầu thận cấp: nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán bệnh

Trungtamthuoc.com - Viêm cầu thận cấp là bệnh khá nguy hiểm do có diễn biến bệnh nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiêu về các triệu chứng của bệnh dưới đây để sớm phát hiện ra căn bệnh này và sớm điều trị kịp thời bạn nhé.
1 Bệnh viêm cầu thận cấp
Bệnh viêm cầu thận cấp (VCTC) là tình trạng viêm cấp xảy ra thường do nhiễm liên cầu khuẩn tan máu bêta nhóm A. Tình trạng viêm có thể lan tỏa ở cả hai bên cầu thận (cầu thận là bộ phận có vai trò lọc máu). Do đó, viêm cầu thận cấp có diễn biến bệnh nhanh và gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh.
Bệnh diễn biến cấp tính với các triệu chứng: phù, tăng huyết áp, đái máu và protein niệu. Viêm cầu thận cấp có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ em nhiều hơn người lớn.
Viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là một hội chứng gọi là hội chứng viêm cầu thận cấp. Lý do là vì bệnh cảnh lâm sàng thường giống nhau nhưng tổn thương mô bệnh học lại đa dạng.
Ngoài ra, bệnh phát sinh không chỉ do liên cầu mà có thể do các nguyên nhân khác dưới đây.

2 Nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận cấp
Nguyên nhân chính gây bệnh là do liên cầu khuẩn tan máu bêta nhóm A (tất cả các típ của vi khuẩn này đều có thể gây nên bệnh thấp tim) có một số típ gây viêm cầu thận cấp tính thường gặp là: típ 4, típ 12, típ 13, típ 25, típ 31, típ 49,...Sau nhiễm liên cầu từ 10 đến 15 ngày, có thể khởi phát triệu chứng viêm cầu thận cấp. Các chủng này có thể lây nhiễm bằng đường cổ họng hoặc đường nhiễm khuẩn ở ngoài da. [1]
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây bệnh khác như:
- Nhiễm các loại vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, thương hàn,...
- Nhiễm một số siêu vi gây viêm họng như quai bị, sởi, thủy đậu, Epstein Barr, viêm gan siêu vi B,...
- Nguyên nhân do nhiễm nấm: Histoplasmose.
- Nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng: kí sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum và Malariae, Toxoplasma Gondii, sán máng,...
- Có thể do phản ứng miễn dịch thái quá của cơ thể khi bị nhiễm trùng.
Viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩn thường gọi là bệnh viêm cầu thận cấp. Những trường hợp viêm cầu thận cấp do các căn nguyên khác gọi là hội chứng viêm cầu thận cấp (HCVCTC). Nguyên nhân của HCVCTC thường gặp là:
- Viêm cầu thận do lupus: thường hay gặp ở bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống.
- Tổn thương thận do đái đường.
- Viêm mạch nhỏ dạng nút.
- Hội chứng ban xuất huyết Henoch-Scholein
- Viêm cầu thận trong bệnh osler (bệnh viêm nội tâm mạc).
- Bệnh thận IgA.
- Hội chứng Goodpasturê: hội chứng phù do bệnh thận.
- Đợt bột phát của viêm cầu thận tiên phát.
3 Triệu chứng của bệnh viêm cầu thận cấp
3.1 Triệu chứng thường gặp
Triệu chứng của bệnh viêm cầu thận cấp không đặc trưng ở giai đoạn đầu, do đó bệnh nhân có thể không biết mình bị bệnh. Khám và xét nghiệm thấy có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu. Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát rầm rộ và có các triệu chứng sau:
Phù: đây là triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân suy thận cấp. Người bệnh có thể bị phù ở tay và cả chân, đôi khi cảm thấy nặng mặt.
đái máu đại thể: nước tiểu có màu hồng hoặc nâu nhạt, có thể có cục máu đông trong nước tiểu.
Tăng huyết áp: cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nặng hơn.
Suy tim: nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Đái ít (thiểu niệu, vô niệu).
3.2 Triệu chứng khác
Triệu chứng sốt (thân nhiệt tăng nhẹ khoảng37,5oC - 38,5oC).
Đau tức ở vùng thận, có thể có cơn đau quặn thận.
Đau bụng, bụng chướng nhẹ, kèm các cơn buồn nôn, có thể xuất hiện triệu chứng đi ngoài lỏng.
Có cơn đau quặn bụng cấp tính.
Viêm cầu thận cấp không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây suy thận cấp, suy tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, tổn thương não,... thậm chí có thể dễ tới tử vong.

4 Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp
4.1 Các tiêu chuẩn
Phù.
Đái ra máu đại thể hoặc vi thể.
Protein niệu (++).
Tuyết áp.
4.2 Xét nghiệm kháng thể
Xu hướng xác định sự hiện diện của liên cầu khuẩn tan máu bêta bằng cách xác định các kháng thể chống lại một số men do liên cầu tiết ra trong quá trình phát triển. Những kháng thể đó là:
ASLO (anti streptolysin 0).
ASK (anti Streptokinase).
AH (anti Hyaluronidase).
ANADase (Adenine dinucleotidase).
ADNAse (anti deoxy ribonuclease).-
Trong số các kháng thể trên, ASLO có giá trị nhất, 95% viêm cầu thận cấp tính do liên cầu khuẩn có tăng hiệu giá ASLO.
Xét nghiệm protein niệu và hồng cầu niệu, xem các dấu hiệu nhiễm khuẩn ở bệnh nhân.
4.3 Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh thận sau:
Đợt cấp của viêm cầu thận mạn.
Viêm thận do bệnh thận IgA.
Viêm cầu thận không phải nguyên nhân do nhiễm liên cầu.
5 Các biến chứng của bệnh viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận có thể làm tổn thương thận khiến thận mất khả năng lọc, do đó các chất điện giải và chất thải tích tụ trong cơ thể. Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh viêm cầu thận bao gồm:
- Suy thận cấp.
- Bệnh thận mãn tính.
- Huyết áp cao.
- Hội chứng thận hư. [2]
6 Điều trị bệnh viêm cầu thận cấp
Dạng cấp tính có thể tự khỏi tuy nhiên có thể được dùng thuốc hoặc máy thận nhân tạo để loại bỏ chất lỏng thừa và kiểm soát huyết áp cao và suy thận.
Thuốc kháng sinh không được sử dụng để điều trị cho bệnh viêm cầu thận cấp tính. Tuy nhiên có thể dùng để trị các bệnh khác liên quan đến nhiễm vi khuẩn.
Bên cạnh đó khi bị bệnh cần phải:
- Ăn ít protein, muối và Kali.
- Kiểm soát huyết áp của bạn.
- Uống thuốc lợi tiểu (thuốc nước) để điều trị bọng mắt và sưng.
- Uống thuốc bổ sung Canxi. [3]

7 Phòng bệnh viêm cầu thận cấp
Do bệnh viêm cầu thận cấp nguyên nhân chủ yếu từ nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn. Do đó biện pháp để phòng bệnh này đó là:
Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, phòng nhiễm liên cầu khuẩn đường hầu họng.
Tắm rửa mỗi ngày, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giúp tránh được nhiễm liên cầu qua đường da niêm mạc.
Nếu bị viêm họng do liên cầu khuẩn cần phát hiện và điều trị kịp thời. [4]
Tài liệu tham khảo
- ^ Christine Case-Lo (Ngày đăng 29 tháng 9 năm 2018). Glomerulonephritis (Bright's Disease), Healthline. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ Mayo Clinic (Ngày đăng 6 tháng 2 năm 2020). Glomerulonephritis, Mayo Clinic. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ National Kidney Foundation (Ngày đăng 6 tháng 5 năm 2021). What is Glomerulonephritis?, National Kidney Foundation. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ Cleveland Clinic (Ngày đăng 11 tháng 04 năm 2020). Glomerulonephritis (GN), Cleveland Clinic. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021