Vết thương sau khi đốt sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) bao lâu thì khỏi?
Trungtamthuoc - Sùi mào gà, hay còn gọi là mụn cóc sinh dục, là một bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra bởi virus HPV. Đốt sùi mào gà đã trở thành một phương pháp điều trị phổ biến và được chấp nhận rộng rãi để loại bỏ các biểu hiện của bệnh.
1 Tổng quan các phương pháp điều trị sùi mào gà thường gặp
Điều trị bệnh sùi mào gà có thể được chia thành hai loại: điều trị bằng thuốc và phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.
===> Mời quý bạn đọc xem thêm phương pháp điều trị bằng thuốc: Các thuốc trị dứt điểm sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) tại nhà an toàn nhất
Trong đó, Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật, thủ thuật): được khuyến khích nếu mụn cóc sinh dục lớn hoặc diện tích trên 30cm2.
- Đốt sùi mào gà bằng laser CO2
- Đốt lạnh bằng khí nito lỏng (Liệu pháp áp lạnh)
- Đốt sùi bằng dao mổ điện
- Phẫu thuật cắt bỏ thương tổn
2 Điều trị sùi mào gà bằng can thiệp ngoại khoa
2.1 Đốt sùi mào gà bằng laser CO2
Liệu pháp laser carbon dioxide dựa vào việc sử dụng chùm năng lượng ánh sáng hồng ngoại tập trung, làm nóng và làm bốc hơi các phân tử/tổ chức mà chúng hướng đến.
Loại được sử dụng nhiều nhất là laser CO2 có bước sóng 10.600 nm. Tia laser làm nước ở quanh tế bào nhanh chóng hấp thu năng lượng và chuyển sang trạng thái hơi, các tế bào bị phá vỡ và làm làm tiêu biến toàn bộ tổ chức các mụn cóc, mụn sùi, u nhú..
Năng lượng ánh sáng cường độ cao còn có thêm lợi ích là mang lại khả năng đốt cháy ngay lập tức mạch máu, đảm bảo quy trình hầu như không chảy máu. Phương pháp này cho phép cắt bỏ mô chính xác dẫn đến quá trình lành vết thương nhanh chóng với ít hoặc không hình thành sẹo.
Tuy nhiên, liệu pháp laser thường được coi là kém hiệu quả hơn so với các hình thức điều trị phẫu thuật khác, với tỷ lệ thanh thải dao động từ 23 đến 52%. Tỷ lệ tái phát cũng có xu hướng tăng cao, lên tới 77%.
Tác dụng phụ nói chung là nhẹ và giới hạn ở việc đốt cháy các mô xung quanh tổn thương.
Tác dụng thâm nhập sâu của tia laser thường cho phép tấn công mạnh vào virus hơn so với các lựa chọn điều trị phẫu thuật khác. Điều này khiến nó trở thành lựa chọn điều trị cho những người bị ức chế miễn dịch cũng như phụ nữ mang thai có tổn thương lan rộng nhưng không đáp ứng với acid trichloroacetic hoặc liệu pháp áp lạnh.
Liệu pháp laser cũng là một lựa chọn điều trị khá tốn kém và phức tạp. Hơn nữa, sự bay hơi của các tổn thương do virus có thể dẫn đến việc giải phóng DNA của HPV ra môi trường xung quanh. Do đó, các biện pháp thích hợp phải được thực hiện để đảm bảo các bác sĩ và nhân viên hỗ trợ được bảo vệ khỏi bị nhiễm virus [1].
2.1.1 Chi phí đốt laser sùi mào gà là bao nhiêu?
Chi phí của việc đốt laser sùi mào gà có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị trí, phạm vi và độ phức tạp của sùi mào gà, cũng như chính sách giá cả của các cơ sở y tế. Do đó, không có một con số chính xác, cụ thể về chi phí có thể được đưa ra, tuy nhiên thường dao động khoảng 3.000.000 - 7.000.000 đồng.
2.1.2 Đốt laser CO2 sùi mào gà có đau không?
Bất cứ phương pháp điều trị sùi mào gà bằng can thiệp ngoại khoa nào cũng có thể gây đau đớn sau phẫu thuật và cần thời gian để hồi phục.
2.1.3 Điều trị sùi mào gà bằng laser CO2 có tốt không?
Đốt sùi mào gà bằng laser CO2 được đánh giá tương đối an toàn, hiệu quả với quy trình gần như không làm chảy máu, thời gian lành vết thương nhanh và hạn chế hình thành sẹo.
2.1.4 Đốt sùi mào gà bằng laser bao lâu thì khỏi?
Đối với hầu hết bệnh nhân nhân có cơ địa bình thường thì sau khoảng 3 – 4 tuần tiến hành đốt sùi mào gà thì các vết thương sẽ lành hẳn. Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh có cơ địa lâu lành thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.
2.1.5 Clip/hình ảnh đốt sùi mào gà bằng laser CO2
2.2 Liệu pháp áp lạnh hay đốt lạnh sùi mào gà (hay xịt nitơ lỏng sùi mào gà)
Nitơ lỏng có thể được phun ra thông qua súng phun hoặc được bôi trực tiếp bằng đầu bông lên các nốt sùi và thêm 2mm xung quanh nó.
Nitơ lỏng hoạt động bằng cách gây tổn thương mô và chết tế bào thông qua việc đóng băng nhanh chóng. Nhiệt độ tối thiểu cần thiết để tiêu diệt mụn cóc là −50°C, mặc dù một số tác giả tin rằng nhiệt độ −20°C cũng có hiệu quả.
Các tác dụng phụ bao gồm đau khi điều trị, ban đỏ, bong tróc, mụn nước, loét và rối loạn sắc tố tại vị trí áp dụng.
Nói chung, phương pháp điều trị này có hiệu quả nhất khi được sử dụng cho nhiều mụn cóc nhỏ trên trục dương vật hoặc âm hộ.
Liệu pháp áp lạnh được coi là một liệu pháp khá rẻ tiền và có tỷ lệ thành công cao, với tỷ lệ khỏi bệnh từ 79 đến 88% được thấy trong ba lần điều trị đầu tiên. Điều này cho thấy kết quả hiệu quả hơn khi so sánh với acid trichloroacetic.
Được coi là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ và thường không gây ra nhiều sẹo nhưng cần được đào tạo và trang bị phẫu thuật lạnh [2].
2.3 Đốt điện sùi mào gà
Phẫu thuật điện liên quan đến việc sử dụng dòng điện tần số cao để đốt cháy và tiêu diệt các nốt sùi, u nhu hay mụn cóc. Các mô khô sau đó được loại bỏ bằng cách nạo bỏ.
Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả khi sử dụng trong điều trị các mụn cóc nhỏ nằm trên dương vật, trực tràng hoặc âm hộ; tuy nhiên, nó không được khuyến khích cho những tổn thương lớn vì nó có thể dẫn đến hình thành sẹo vĩnh viễn.
Đốt điện là một kỹ thuật cực kỳ hiệu quả, với các thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát mang lại tỷ lệ loại bỏ cao tới 94% sau sáu tuần điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này khá đau đớn và thường phải gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân.
Tác dụng phụ có thường chỉ giới hạn ở cơn đau sau thủ thuật, mặc dù việc sử dụng thuốc gây mê toàn thân luôn đi kèm với một mức độ rủi ro cao nhất định.
LƯU Ý, đối điện sùi mào gà chống chỉ định ở những bệnh nhân sử dụng máy trợ tim hoặc các thiết bị tim cấy ghép khác do tác động có thể làm gián đoạn nhịp của máy trợ tim.
2.3.1 Clip/hình ảnh đốt sùi mào gà bằng dao điện
2.4 Liệu pháp quang động (ALA-PDT)
Liệu pháp quang động với chất cảm quang (chẳng hạn như acid aminolevulinic) đã chứng minh hiệu quả trong việc loại bỏ mụn cóc bên ngoài.
Cơ chế: acid aminolevulinic được bôi trực tiếp vào các u nhú, mụn sùi. Chất nhạy cảm với ánh sáng này được hấp thụ nhanh chóng vào các tế bào đang phát triển mạnh nhất. Khi tiếp xúc với ánh sáng, acid aminolevulinic được kích hoạt và tạo ra các gốc oxy tự do, gây tổn thương và phá hủy mụn cóc bằng cách oxy hóa trực tiếp chúng.
Kỹ thuật này hiện được coi là off-label (chỉ định ngoài nhãn).
ALA-PDT dường như là phương pháp điều trị mụn cóc niệu đạo hiệu quả nhất xét về độ sạch và tỷ lệ tái phát, nhưng có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao hơn [3]. So với phương pháp đốt sùi bằng tia laser CO2 trong điều trị mụn cóc sinh dục, phương pháp ALA-PDT được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn bởi vì phương pháp điều trị này được dung nạp tốt hơn và không gây ra sẹo hoặc hẹp niệu đạo [4].
2.4.1 Đốt sùi mào gà bằng ALA-PDT bao nhiêu tiền? có tốt không? có đau không?
Chi phí của phương pháp chữa sùi mào gà bằng ALA - PDT tùy thuộc vào từng cơ sở cũng như mức độ bệnh của bệnh nhân. Nhìn chung, phương pháp này có giá dao động khoảng từ 3.000.000 - hơn 5.000.000 đồng.
Phương pháp quang động học ALA – PDT được đánh giá là phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà hiện đại, an toàn, hiệu quả tính đến thời điểm hiện tại.
Trong quá trình phẫu thuật, phương pháp ALA – PDT không gây cảm giác đau đớn hay chảy máu và hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm hậu phẫu.
2.5 Phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp mụn
Áp dụng khi sùi mào gà trên bộ phận sinh dục có kích thước lớn, mụn cóc trong hậu môn hoặc ở trẻ em.
Loại bỏ các mô bệnh khỏi cơ thể bằng kéo hoặc dao mổ, sau đó khâu phần da khỏe mạnh còn lại lại với nhau.
Phẫu thuật cắt bỏ cần gây tê tại chỗ hoặc toàn thân. Thủ pháp này thường sẽ gây đau và mất nhiều thời gian hồi phục [5].
3 Kết luận
Bảng tóm tắt, review đốt sùi mào gà bằng các phương pháp can thiệp ngoại khoa)
Các phương pháp | Cơ chế | Đối tượng phù hợp | Tỷ lệ loại bỏ các mụn sùi (%) | Tỷ lệ tái phát (%) | Ưu điểm | Nhược |
---|---|---|---|---|---|---|
Đốt sùi bằng tia laser CO2 | Năng lượng ánh sáng hồng ngoại làm bay hơi các tổn thương | Người bị ức chế miễn dịch cũng như phụ nữ mang thai có tổn thương lan rộng nhưng không đáp ứng với Acid trichloroacetic hoặc liệu pháp áp lạnh. | 23-52% | 60-77% | Quy trình hầu như không chảy máu Quá trình lành vết thương nhanh chóng với ít hoặc không hình thành sẹo | Tỷ lệ tái phát cũng có xu hướng tăng cao Kém hiệu quả hơn so với các hình thức điều trị phẫu thuật khác Khá tốn kém và phức tạp. Giải phóng DNA của HPV ra môi trường xung quanh. |
Đốt điện sùi mào gà | Dùng nhiệt phá hủy tế bào, tổ chức tại sùi mụn | Điều trị các mụn cóc nhỏ nằm trên dương vật, trực tràng hoặc âm hộ | 94% | 22% | Đốt điện là một kỹ thuật cực kỳ hiệu quả, mang lại tỷ lệ loại bỏ các mụn sùi cao | Có thể dẫn đến hình thành sẹo vĩnh viễn. Phương pháp này khá đau đớn và thường phải gây tê/gây mê hống chỉ định ở những bệnh nhân sử dụng máy trợ tim |
Liệu pháp áp lạnh | Tổn thương da do nhiệt lạnh gây ra phản ứng miễn dịch | Mụn cóc nhỏ trên trục dương vật hoặc âm hộ Phụ nữ có thai | 79-88% | 25-40% | Liệu pháp khá rẻ tiền và có tỷ lệ thành công cao An toàn khi sử dụng trong thai kỳ và thường không để sẹo | Các vùng được điều trị có thể mất vài tuần để lành cần phải điều trị nhiều lần |
Liệu pháp quang động (ALA-PDT) | Sử dụng chất nhạy cảm với ánh sáng để phá vỡ các tổ chức mụn sùi | Điều trị mụn cóc niệu đạo | Không có con số cụ thể | Không có con số cụ thể | Phương pháp điều trị này được dung nạp tốt hơn và không gây ra sẹo hoặc hẹp niệu đạo | Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao |
Phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp mụn sùi | Loại bỏ vật lý các mô bệnh | Sùi mào gà trên bộ phận sinh dục có kích thước lớn, mụn cóc trong hậu môn hoặc ở trẻ em. Hiệu quả với các mụn sùi đã sừng hóa, đặc biệt nếu chúng có kích thước lớn hơn. | 72% | 19-29% | Liệu pháp thích hợp với các tổn thương lan rộng | Có thể gây đau, cần gây mê/tê trong quá trình phẫu thuật Khả năng cao để lại sẹo. Mất nhiều thời gian phục hồi |
4 Một số câu hỏi thường gặp
4.1 Sau khi đốt sùi mào gà bị chảy máu không?
Đốt sùi mào gà bằng laser co2 đảm bảo quy trình hầu như không chảy máu.
Đối với đốt sùi mào gà bằng phương pháp đốt điện thì việc chảy máu vẫn có thể xảy ra nhưng thường là ít.
4.2 Đốt sùi mào gà có để lại sẹo không?
Việc để lại sẹo sau khi đốt sùi mào gà hay không còn phụ thuộc vào phương pháp điều trị. Đối với đốt sùi mào gà bằng laser CO2, vết thương lành nhanh chóng với ít hoặc không để lại sẹo. Còn đối với phương pháp đốt điện, có thể dẫn đến hình thành sẹo vĩnh viễn trên những khu vực tổn thương lớn.
4.3 Đốt sùi mào gà mấy lần thì khỏi? Đốt sùi mào gà có tái phát không?
Số lần đốt sùi mào gà cần thiết để khỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm. mức độ của sùi mào gà (kích thước, độ sâu và số lượng sùi mào gà), cơ địa và phản ứng của cơ thể, cũng như phương pháp điều trị được áp dụng. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp đều không đảm bảo sự khỏi hoàn toàn và vẫn có nguy cơ tái phát.
4.4 Thuốc bôi sau khi đốt sùi mào gà?
Bệnh nhân có thể vệ sinh vết thương sau khi đốt sùi mào gà bằng cách sử dụng dung dịch Povidine để sát trùng, làm sạch vết thương và cần lưu ý giữ vết thương khô thoáng, sạch sẽ, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng.
4.5 Sau khi đốt sùi mào gà bao lâu thì quan hệ?
Nên tránh quan hệ trong khoảng 2-4 tuần sau khi đốt sùi mào gà. Đồng thời trong vòng 6 tháng tiếp theo, bệnh nhân nên sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn để hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
Tài liệu tham khảo
- ^ Valerie R. Yanofsky và cộng sự (Đăng ngày 5 tháng 6 năm 2012). Genital Warts, NCBI. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2023.
- ^ Alexander KC Leung và cộng sự (Đăng tháng 7 năm 2018). Penile warts: an update on their evaluation and management, NCBI. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2023.
- ^ Elio Kechichian và cộng sự (Đăng ngày tháng 3 năm 2021). The place of 5-aminolaevulinic acid-photodynamic therapy in the treatment landscape of urethral warts: A systematic review, ScienceDirect. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2023.
- ^ Ping Tu và cộng sự (Đăng tháng 3 năm 2021). 5-Aminolevulinic photodynamic therapy versus carbon dioxide laser therapy for small genital warts: A multicenter, randomized, open-label trial, NCBI. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2023.
- ^ Stephen W. Leslie (Cập nhật ngày 30 tháng 5 năm 2023). Genital Warts, NCBI. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2023.