Vài nét về bệnh giun sán và dược lý thuốc điều trị giun sán
Trungtamthuoc.com - Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho giun sán đường tiêu hóa phát triển và lây lan. Bệnh đã trở thành vấn đề sức khỏe được nhiều người quan tâm. Thuốc điều trị giun sán vẫn là giải pháp chính để điều trị bệnh này. Vậy có những loại thuốc nào điều trị bệnh giun sán? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1 Vài nét về bệnh giun sán
Bệnh giun sán là căn bệnh phổ biến trên thế giới và phân bố chủ yếu ở các nước kém phát triển, những nước có điều kiện vệ sinh kém.
Ở Việt Nam, do khí hậu nóng ẩm, cũng như điều kiện vệ sinh chưa thực sự được đảm bảo nên tỉ lệ nhiễm giun sán rất cao.
Giun sán có thể ký sinh ở nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng chủ yếu là ở ruột, đây là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của giun sán.
Mỗi loại giun sán lại có sự nhạy cảm khác nhau với thuốc. Vì vậy, trước khi quyết định dùng thuốc cần xét nghiệm xem cơ thể nhiễm loại giun sán nào để có chỉ định phù hợp nhất.
2 Phân loại thuốc trị bệnh giun sán
2.1 Thuốc trị giun
Trị giun trong lòng ruột: các thuốc có chứa các hoạt chất như Piperazin, Mebendazol, Albendazol, Thiabendazol, Pyrantel...
Trị giun ngoài ruột: sử dụng các thuốc có chứa các thành phần chính như Diethylcarbamazin, Suramin, Thiabendazol.
2.2 Thuốc trị sán
Trị sán trong ruột: Nicloxamid, Quinacrin.
Trị sán ngoài ruột: Praziquantel, Chloroquin, Quinacrin...[1]
3 Nguyên tắc điều trị bệnh giun sán
Để điều trị bệnh giun sán một cách có hiệu quả, cần tuân thủ thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản sau:
- Chọn thuốc phù hợp với từng loại giun sán cụ thể, tập trung thuốc có nồng độ cao.
- Dùng thuốc tẩy sau khi thuốc điều trị để đẩy giun ra, sau đó xử lý giun một cách thích hợp.
- Sau quá trình điều trị và tẩy giun, cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
- Đồng thời phải điều trị tẩy giun sán định kỳ theo yêu cầu.
Ở nước ta, tình hình nhiễm nhiều loại giun sán kết hợp chiếm tỷ lệ lớn, một người có thể nhiễm nhiều hơn 1 loại giun sán, có thể 2, 3 hoặc có thể nhiều hơn. Do đó trong nguyên tắc dùng thuốc, ưu tiên sử dụng những thuốc có phổ tác dụng rộng trên nhiều loại giun sán khác nhau.
Nguyên tắc điều trị: tập trung sử dụng thuốc với nồng độ cao để tác động mạnh đến các loại giun sán. Do đó, thời điểm dùng thuốc tối ưu nhất là lúc đói, tuy nhiên không được quá đói vì có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thuốc. Trên bề mặt các loài giun sán thường có lớp chất nhày bao phủ để ngăn chặn sự tác động của thuốc. Do đó cần kết hợp sử dụng các thuốc nhuận tràng hoặc thuốc tẩy để góp phần loại bỏ lớp chất nhầy, tạo điều kiện cho thuốc điều trị phát huy tác dụng tối ưu nhất. Phải chọn loại thuốc có độc tính thấp nhưng có hiệu quả cao.
Sau khi dùng thuốc điều trị giun sán, cần kết hợp sử dụng thuốc tẩy để đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Điều này giúp hạn chế nguy cơ nhiễm độc do độc tố của giun sán bị chết hoặc bị vữa nát. Đồng thời, khi sử dụng cách này còn giúp ngăn chặn được khả năng giun sán có thể phục hồi sống trở lại. Để thuận tiện cho người sử dụng, hiện nay trên thị trường đã có nhiều sản phẩm trị giun sán có kết hợp với thành phần thuốc nhuận tràng.
Để tránh nguồn lây nhiễm cho môi trường từ các loại giun sán được tẩy ra, khâu xử lý vô cùng quan trọng, nếu xử lý không tốt, vô tình phá tán nguồn bệnh ra môi trường xung quanh.
Ngay sau khi tẩy giun xong, để chống lại nguy cơ tái nhiễm, mỗi người cần vệ sinh sạch sẽ từ khâu ăn uống đến môi trường sống xung quanh. Ở nước ta, khi hậu nắng mưa thất thường, nóng ẩm, mưa nhiều, đây là điều kiện lý tưởng cho các mầm bệnh từ giun sán, do đó, nếu khâu đảm bảo vệ sinh, tỷ lệ tái nhiễm sẽ rất cao.
Nên ít nhất 6 tháng đến 12 tháng, định kỳ tẩy giun một lần để dự phòng tình trạng tái nhiễm cũng như hạn chế các biến chứng có thể xảy ra. Đây là một giải pháp bổ sung cho chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở những khu vực có bệnh giun sán. Kết quả nghiên cứu khoa học ở Tanzania, đánh giá về tỷ lệ tăng trọng lượng cơ thể giữa 2 nhóm trẻ em: một nhóm được điều trị giun sán (nhóm 1), nhóm còn lại không được điều trị giun sán (nhóm 2). Nhận thấy nhóm 1 có tỷ lệ tăng 9% so với nhóm 2.
4 Phương pháp điều trị bệnh giun sán
Khi điều trị bệnh giun sán, căn cứ vào tình hình thực tế, cùng với đó là điều kiện cho phép của mỗi địa phương; có thể áp dụng các phương pháp điều trị hàng loạt hoặc chỉ sử dụng các thuốc có khả năng điều trị chọn lọc.
4.1 Điều trị hàng loạt
Điều trị hàng loạt tức là điều trị cho tất cả người dân sống trong khu vực của địa phương. Biện pháp này phát huy hiệu quả rất tốt trong việc phòng chống các bệnh giun sán qua đất. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này lại tốn kém rất nhiều ngân sách của nhà nước.
Mục đích chính của phương pháp này để giảm cường độ nhiễm bệnh cũng như giảm mức độ lây lan của bệnh chứ không phải để tống sạch giun sán ra khỏi cơ thể con người.
Khi điều trị hàng loạt, phải đặc biệt chú ý về tốc độ tái nhiễm. Cần thiết phải nghiên cứu cách dùng thuốc hiệu quả nhất để giảm tốc độ lây lan và tái nhiễm.
Khi lựa chọn thuốc trong điều trị hàng loạt: phải chọn loại thuốc ít độc, độ an toàn cao, có thể áp dụng rộng rãi trên mọi đối tượng, đồng thời không gây biến chứng. Các loại thuốc đáp ứng được các yêu cầu trên đang được sử dụng trên lâm sàng là Albendazole, Mbendazole. Khuyến cáo tẩy giun cách nhau 4 tháng, một năm nên thực hiện 3 lần. Tuân thủ thực hiện trong 3 năm liền liên tục, tỷ lệ tái nhiễm đạt mức thấp nhất.
4.2 Điều trị chọn lọc
Điều trị chọn lọc: chỉ sử dụng để chữa trị cho một nhóm người ở trong một khu vực nhất định. Biện pháp này được xây dựng để áp dụng trên các đối tượng bị nhiễm giun sán nặng như trẻ em. Trẻ em là những đối tượng chưa có ý thức cao trong vệ sinh cá nhân, do đó nguy cơ bị nhiễm giun sán cao nhất, phát tán mầm bệnh lớn nhất, đồng thời cũng là những đối tượng dễ bị tái nhiễm nhất. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50% dân số.
Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: tâp trung chữa cho trẻ em góp phần giảm tỷ lệ nhiễm cũng như cường độ nhiễm giun sán trong cộng đồng.
Khi sử dụng phương pháp điều trị chọn lọc, hiệu quả mang lại tương đương với điều trị hàng loạt nhưng chi phí thấp hơn, tiết kiệm khoảng 50% chi phí điều trị, cùng với đó tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực.
5 Thuốc trị giun
5.1 Mebendazol
Mebendazol là dẫn xuất benzimidazol. Các thuốc cùng dẫn xuất là Albendazol, Thiabendazol và Flubendazol.
5.1.1 Dược động học
Thuốc được sử dụng theo đường uống vì ít gây hấp thu qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng chỉ đạt 20%.
Chất béo làm tăng mức độ hấp thu của thuốc.
Thuốc được thải trừ chủ yếu qua phân (90 - 95%), chỉ một lượng nhỏ thải qua nước tiểu.
5.1.2 Tác dụng và cơ chế
Đây là một thuốc chống giun phổ rộng, phổ tác dụng bao gồm rất nhiều loại giun, có thể kể đến như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.
Thuốc có hiệu quả diệt được cả trứng giun lẫn giun trưởng thành. Ngoài ra, khi sử dụng liều cao còn có tác dụng trên cả nang sán, trùng roi Giardia lumblia.
Đối với giun đũa, giun tóc, giun kim, hiệu quả điều trị đạt 90-100%, còn đối với giun móc, điều trị đạt hiệu quả 70%.
Cơ chế tác dụng: Mebendazole ức chế tổng hợp các vi cấu trúc hình ống của giun, do đó, nó ức chế sự sinh sản của giun. Ngoài ra, nó còn ức chế không hồi phục sự hấp thu glucose, gây cạn kiệt dự trữ glycogen, làm thiếu năng lượng cho hoạt động của giun. Thuốc không ảnh hưỏng tới chuyển hoá Glucose ở người nên ít độc.[2]
5.1.3 Tác dụng không mong muốn
Thuốc dung nạp tốt và ít tác dụng không mong muốn. Một số tác dụng phụ có thể gặp như rối loạn tiêu hoá (đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn), phát ban, ngứa... Các tác dụng không mong muốn chủ yếu do độc tố của giun giải phóng ra khi bị phân huỷ.
5.1.4 Chỉ định và liều dùng
Trị giun kim: liều duy nhất 100mg/lần, có thể lặp lại liều trên sau 2 tuần.
Trị giun đũa và các giun khác: 100mg x 2 lần/ngày x 3 ngày hoặc dùng liều duy nhất 500mg/lần.
Trị nang sán: 200mg x 2 - 3 lần/ngày, đợt điều trị 20 - 30 ngày.
Chống chỉ định
Người mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi và người mẫn cảm với thuốc.
5.2 Albendazol
5.2.1 Tác dụng
Albendazol có phổ chống giun, cơ chế tác dụng và tác dụng không mong muốn tương tự Mebendazol.
Ưu điểm: tác dụng trên giun tóc mạnh hơn Mebendazol. Tác dụng tốt trên giun xoắn, ấu trùng giun di chuyển dưới da, cơ, ấu trùng sán ở các mô và sán dây các loại. Vì vậy ngoài trị giun, Albendazol còn dùng trị nang sán, sán lá gan, sán bò, sán lợn.[3]
5.2.2 Chỉ định và liều dùng
Trị các loại giun và ấu trùng: Người lớn 400mg/lần. Trẻ em 200mg/lần, liều duy nhất.
Trị giun lươn và sán dây: 400mg/lần/ngày, đợt điều trị 3 - 14 ngày.
Trị nang sán: 10 - 15mg/kg/ngày chia 3 lần, đợt điều trị 28 ngày.
Trị ấu trùng sán thần kinh: 5mg/kg/lần x 3 lần/ngày, đợt 28 ngày.
5.3 Thiabendazol (Mintozol)
5.3.1 Tác dụng
Thiabendazol có tác dụng tương tự như Mebendazol. Ngoài ra, Thiabendazol còn có tác dụng cả với ấu trùng giun di chuyển dưới da và làm giảm các triệu chứng viêm do các ký sinh trùng gây ra.
5.3.2 Chỉ định và liều dùng
Trị giun lươn: 25mg/kg x 2 lần/24h. Có thể nghỉ 1 tuần rồi dùng tiếp đợt khác.
Ấu trùng di chuyển dưới da: 25mg/kg x 2 lần/24h x 2 ngày. Kết hợp với đắp tại chỗ.
Thuốc nên uống sau bữa ăn để giảm tác dụng không mong muốn.
5.4 Pyrantel
5.4.1 Dược động học
Thuốc ít hấp thu qua đường tiêu hoá nên có tác dụng tốt với các loại giun ký sinh ở trong lòng ruột. Thuốc thải trừ chủ yếu qua phân ở dạng không chuyển hoá, dưới 7% thải trừ qua nước tiểu.
5.4.2 Tác dụng và cơ chế
Pyrantel là thuốc chống giun phổ rộng, có hoạt tính cao trên giun đũa, giun kim, giun móc, giun xoắn... Hiệu quả diệt giun trên 90%.
Thuốc không có tác dụng trên giun tóc, không có tác dụng trên các loại ấu trùng giun di chuyển dưới da và ở mô.
Cơ chế: thuốc phong bế thần kinh cơ, làm liệt giun theo kiểu các chất cura gây khử cực lâu bền, co cứng và bất động giun rồi tống ra ngoài theo phân.
5.4.3 Chỉ định và liều dùng
Trị giun đũa và giun kim: 10mg/kg/lần (tối đa 750mg) liều duy nhất.
Trị giun móc: 10mg/kg/lần/24h x 2 - 3 ngày.
5.4.4 Tác dụng không mong muốn
Thường nhẹ, thoáng qua và ít gặp: nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hoá.
5.5 Piperazin
5.5.1 Dược động học
Piperazin hấp thu được qua đường tiêu hoá. Thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu sau khi uống 2 - 4 giờ. Khoảng 25% thuốc chuyển hoá ở gan và thải trừ qua nước tiểu khoảng 20% trong 24 giờ đầu.
5.5.2 Tác dụng và cơ chế
Có tác dụng với giun đũa, giun kim. Tỉ lệ diệt giun đạt trên 90%.
Cơ chế: làm liệt giun theo kiểu cura chống khử cực ở cơ giun, nghĩa là làm giảm đáp ứng với acetylcholin, ngăn cản sự thấm ion qua màng tế bào, làm cơ giun bị liệt không còn khả năng bám vào thành ruột và bị nhu động ruột đẩy ra ngoài.
Thuốc còn làm giảm acid uric huyết, nên còn dùng điều trị bệnh Gout.
5.5.3 Chỉ định và liều dùng
Trị giun đũa: 75mg/kg/24h (tối đa 3,5g/24h) x 2 - 3 ngày.
Trẻ em 2 - 1 2 tuổi: liều như trên nhưng tối đa 2,5g/24h.
Trị giun kim: 50mg/kg/24h, đợt 7 ngày.
5.5.4 Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là rối loạn tiêu hoá, ban da, gây tắc ruột hoặc giun chui ống mật. Quá liều gây rối loạn thần kinh, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn vận động.
5.6 Diethylcarbamazin
5.6.1 Dược động học
Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hoá. Sau khi uống 1 -2 giờ, thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải 2-10 giờ tuỳ thuộc vào pH của nước tiểu. Nếu pH nước tiểu kiềm, thuốc thải trừ chậm.
5.6.2 Tác dụng và cơ chế
Diethylcarbamazin là dẫn xuất piperazin, có tác dụng diệt các loại giun trưởng thành và ấu trùng của một số loài giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia maleyi, Brugia tirrwji, nhưng không có tác dụng với Wuchereria bancrofti trong thể thuỷ tinh.
Với giun chỉ Onchocerca volvolus, thuốc diệt được các ấu trùng giun di chuyển dưới da, nhưng ít có tác dụng trên giun trưởng thành nằm ở các hạch nhỏ.
Cơ chế: có thể thuốc tác dụng theo 2 cơ chế sau:
- Làm giảm hoạt động và gây liệt cơ giun do gây ưu cực hoá, làm giun rời khỏi vị trí cư trú rồi bị tống ra ngoài.
- Để lộ bề mặt phôi của ấu trùng giun chỉ do thay đổi tính thấm màng ngoài của ấu trùng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống kháng thể của vật chủ tiêu diệt. Thuốc kích thích tăng phản ứng viêm và miễn dịch trên người.
5.6.3 Chỉ định và liều dùng
Trị các loại giun chỉ: W. bancrofti, B. malayi, L. loa: 2mg/kg/lần x 3 lần/24 giờ, đợt điều trị 3 tuần. Để điều trị khỏi hẳn phải dùng nhiều đợt, liên tục trong 2 - 3 năm.
Trị O. uolvolus: 4 - 5mg/kg/24h, chia 2 lần, đợt 3 - 4 tuần.
Thuốc nên khởi đầu liều thấp sau tăng dần tới liều có hiệu quả, uống sau khi ăn. Nên phối hợp với Suramin để diệt cả giun chỉ trưởng thành.
5.6.4 Tác dụng không mong muốn
Do thuốc: thường gặp là nhức đầu, khó chịu, chán ăn, mệt mỏi. ít gặp là buồn nôn, nôn, chóng mặt.
Do giun: gây phù, ngứa, tổn thương thị giác, sốt, nhức đầu, rối loạn tiêu hoá, khó chịu.
Để giảm các tác dụng không mong muốn, nên dùng liều tăng dần và dùng các corticoid hoặc các thuốc kháng histamin H1 trước để dự phòng.
5.7 Ivermectin
Thuốc được phân lập từ Streptomyces avermitilis, hiệu quả của thuốc được chứng minh trên nhiều loại giun như: giun đũa, giun kim, giun móc và giun chỉ. Tuy nhiên, chỉ định chính của thuốc dùng để điều trị ấu trùng giun chỉ Onchocerca volvolus di trú dưới da. Đối với giun chỉ trưởng thành, thuốc ít phát huy hiệu lực, đối với sán thuốc lại không có tác dụng.
Cơ chế: thuốc có tác dụng làm liệt cơ giun do nó tác động kích thích vào hệ GABA ở thần kinh cơ giun.
Tính an toàn của thuốc tương đối cao. Trên lâm sàng có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như ngứa, sốt, hoa mắt, chóng mặt, đau cơ, đau khớp, hạ huyết áp thế đứng... Những tác dụng đó xảy ra do độc tố của giun tiết ra sau khi phân hủy,
Thuốc không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
5.8 Suramin
Suramin vừa diệt cả ấu trùng vừa diệt cả giun chỉ trưởng thành. Tuy nhiên, thuốc có độc tính cao, đặc biệt là đối với gan và thận, do đó chỉ được phép sử dụng khi có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Liều dùng: liều tăng dần từ 0,2; 0,4; 0,6; 0,8 và 1g/24h tiêm tĩnh mạch.
6 Thuốc trị sán
6.1 Praziquantel
6.1.1 Dược động học
Thuốc hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn khi uống (> 80%). Thuốc đạt nồng độ tối đa sau 1 - 3 giờ. Liên kết với protein huyết tương 80 - 85%. Thuốc qua được vào dịch não tuỷ và sữa mẹ. Bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chuyển hoá. Thời gian bán thải của chất mẹ là 1 - 1,5 giờ và chất chuyển hoá là 4 giờ.
6.1.2 Tác dụng
Praziquantel có hoạt phổ chống sán rộng, bao gồm cả những loại sán lá, sán máng và sán dây. Ngoài ra nó còn có tác dụng trên cả ấu trùng và sán trưởng thành.
Cơ chế: thuốc khuếch tán nhanh vào toàn bộ cơ thể sán, từ đó làm tăng tính thấm màng tế bào sán, dẫn đến mất ion Ca++ nội bào, nguyên nhân làm co cứng và liệt cơ. Ngoài ra thuốc còn tạo ra các không bào trên da sán, sau đó vỡ ra phân huỷ làm sán bị tiêu diệt.[4]
6.1.3 Chỉ định và liều dùng
Sán máng, sán lá: 25mg/kg/lần x 3 lần/24h, dùng 1 - 2 ngày.
Sán dây: 5 - 10mg/kg liều duy nhất.
Ấu trùng sán: 50mg/kg/24h chia 3 lần, đợt 15 - 20 ngày.
Thuốc nên uống trong bữa ăn, không được nhai.
6.1.4 Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi. Các tác dụng không mong muốn chủ yếu do độc tố của sán tiết ra khi phân hủy là buồn nôn, nôn, kích thích thần kinh, nhức đầu, động kinh. Để giảm các tác dụng không mong muốn nên phối hợp vói Dexamethason hoặc Prednisolon.
6.1.5 Chống chỉ định
Trẻ em dưới 4 tuổi, người mang thai, thời kỳ cho con bú.
6.2 Niclosamid
6.2.1 Tác dụng
Hấp thu rất ít qua ruột, nên chủ yếu dùng điều trị sán ký sinh trong ruột. Có tác dụng với các loại sán dây. Hiệu quả trị sán đạt 85 - 95%. Không có tác dụng với ấu trùng ở các mô ngoài ruột.
Cơ chế: thuốc tác dụng vào khâu chuyển hoá năng lượng của sán. Có thể do ức chế tổng hợp adenosin triphosphat ở ty thể. Cũng có thể ức chế sự hấp thu glucose của sán làm cho đầu sán và các đốt sán bị chết rồi bị tống ra ngoài theo phân.
6.2.2 Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Hiếm gặp là ban đỏ, ngứa...
6.3 Metrifonat (Bilarcil)
Là phức hợp phospho hữu cơ có tác dụng chủ yếu với loài sán máng gây tổn thương ở bàng quang.
Cơ chế: cơ chế của thuốc chưa được biết rõ, có thể do Metrifonat ức chế enzyme cholinesterase làm tiêu diệt sán trường thành. Từ đó sản bị đẩy xuống tiểu động mạch phổi, mắc lại và chết.
6.4 Triclabendazol (Egaten)
Là dẫn xuất của benzimidazol, có hiệu lực cao với sán lá gan lớn và sán lá phổi.
Cơ chế: thuốc gắn chọn lọc với các tiểu quản của sán lá, ngăn sự trùng hợp tiểu quản thành vi tiểu quản, từ đó làm giảm sự hấp thu glucose và cạn kiệt glycogen của sán.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: PGS. TS Mai Tất Tố. Thuốc điều trị giun sán, Dược lý học Tập 2, nhà xuất bản Y học. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: Cerner Multum, (Ngày đăng: ngày 29 tháng 7 năm 2021). Mebendazole, Drugs.com. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Medline Plus, (Ngày đăng: 15 tháng 12 năm 2019). Albendazole, Medline Plus. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NCBI, (Ngày đăng: 20 tháng 7 năm 2020). Praziquantel, NCBI. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2021.