1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Uống thuốc chống nghén thai kỳ nào an toàn, hiệu quả đối với bà bầu?

Uống thuốc chống nghén thai kỳ nào an toàn, hiệu quả đối với bà bầu?

Uống thuốc chống nghén thai kỳ nào an toàn, hiệu quả đối với bà bầu?

Trungtamthuoc - Ốm nghén khi mang thai là hiện tượng phổ biến nhất trong thời kỳ mang thai mà hầu hết phụ nữ nào cũng phải trải qua. Điều này mang lại cảm giác khó chịu cho mẹ bầu. Vậy làm như thế nào để hạn chế được tình trạng ốm nghén? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau.

1 Hiện tượng ốm nghén khi mang thai

Khi mang thai, nhiều phụ nữ có thể trải qua hiện tượng ốm nghén. Đây được coi là một trong những triệu chứng phổ biến trong thai kỳ. Hiện tượng này thường bắt đầu từ tuần thứ 4-9 của thai kỳ và đạt đỉnh điểm vào khoảng tuần thứ 7-12. Ở hầu hết những người đang mang thai, các triệu chứng sẽ biến mất trong khoảng tuần thứ 12-16 của thai kỳ. Có tới 15% số người đang mang thai sẽ tiếp tục có các triệu chứng cho đến tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc cho đến khi sinh con.[1]

Hiện tượng ốm nghén được cho là do sự thay đổi nhanh chóng của hormone trong cơ thể, đặc biệt là tăng cao của các hormone estrogen, Progesterone, beta hCG.

2 Triệu chứng ốm nghén khi mang thai

Khoảng 80% phụ nữ mang thai có thể có các triệu chứng ốm nghén từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày hoặc ban đêm, nhưng thường gặp và nặng nhất vào buổi sáng. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn khan, nôn mửa, nhất là khi có sự kích thích của các mùi khó chịu hoặc thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, khi bị ốm nghén, mẹ bầu rất dễ bị chán ăn.

Ốm nghén là một phản ứng bình thường của mẹ bầu khi mang thai. Khi bà bầu chỉ cảm thấy buồn nôn và nôn nhẹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chính bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn mửa kéo dài có thể dẫn đến tình trạng mất nước, keto niệu, mất cân bằng điện giải và giảm hơn 5% cân nặng so với trước lúc mang thai.

Trong nhiều trường hợp, người mẹ bị ốm nghén nặng và kéo dài, dẫn đến không thể ăn uống, cơ thể không được cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, cuối cùng dẫn đến tình trạng suy nhược. Với tình trạng ốm nghén nặng gây nguy hiểm, phụ nữ mang thai cần được can thiệp y tế.

Triệu chứng ốm nghén khi mang thai
Triệu chứng ốm nghén khi mang thai

3 Chẩn đoán xác định tình trạng ốm nghén thai kỳ

3.1 Dựa vào triệu chứng lâm sàng

Mức độ nôn (nhẹ hay nặng, tần suất nôn)

Mức độ mất nước của cơ thể

3.2 Dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm điện giải đồ

4 Các thuốc chống nghén mẹ bầu có thể sử dụng 

Trong trường hợp bị ốm nghén nhẹ, mẹ bầu nên điều chỉnh lại lối sống và chế độ ăn uống để giảm tình trạng nôn nghén. Tuy nhiên nếu tình trạng ốm nghén nặng và có nhiều triệu chứng kéo dài dai dẳng sau khi đã thực hiện các biện pháp tự nhiên tại nhà, mẹ bầu cần hỏi ý kiến của bác sĩ và cân nhắc lựa chọn nhóm thuốc hợp lý để điều trị ốm nghén. Lưu ý tuyệt đối mẹ bầu không được tự ý sử dụng thuốc mà cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.

Sau đây là một số nhóm thuốc chống nghén cho mẹ bầu.

4.1 Pyridoxin (vitamin B6) 

Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo Pyridoxine là lựa chọn đầu tiên cho tình trạng buồn nôn và nôn khi mang thai. Nồng độ Pyridoxine thấp trong cơ thể có thể gây buồn nôn ở mẹ bầu. Khi xem xét hơn 32 nghiên cứu, Pyridoxine không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Trong một nghiên cứu khác trên 50 người mang thai, Pyridoxine tốt hơn giả dược trong việc cải thiện tình trạng buồn nôn.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của pyridoxine là ngứa ở tay và chân với liều cao. Liều thông thường khi mang thai là 10-25mg, uống 3 lần/ngày .

Sản phẩm có chứa Pyridoxin hiện nay mẹ bầu có thể sử dụng chống nghén như: Elevit Morning Sickness Relief 

4.2 Doxylamine

Một số thuốc kháng histamin, bao gồm Doxylamine (Unisom), có thể được sử dụng trong trường hợp buồn nôn và nôn trong quá trình thai kỳ. Doxylamine ngăn chặn tín hiệu của histamin đến trung tâm nôn.

ACOG khuyến nghị kết hợp Doxylamine và Pyridoxine (Pruzena) nếu sử dụng Pyridoxine đơn thuần không làm giảm nôn. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự kết hợp này là an toàn. Buồn ngủ và chóng mặt là tác dụng phụ phổ biến nhất của Doxylamine vì đây là thuốc kháng H1 thế hệ 1. Các tác dụng phụ khác bao gồm khô miệng và đau đầu.

Pruzena hay Vomit APC chứa 10 mg mỗi chất Doxylamine và Pyridoxine. Liều khởi đầu là 2 viên uống vào lúc bụng đói trước khi đi ngủ. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 2 ngày, bạn có thể bổ sung thêm 1 viên vào buổi sáng. Nếu bạn vẫn gặp các triệu chứng sau nhiều ngày, bạn có thể uống thêm một viên nữa vào buổi chiều. Liều tối đa hàng ngày là 4 viên.

Chế phẩm có chứa Pyridoxin và Doxylamine
Chế phẩm có chứa Pyridoxin và Doxylamine

4.3 Thiamine (vitamin B1)

Thiamine (Vitamin B1) là một trong nhóm 8 chất dinh dưỡng thiết yếu rất quan trọng trong thai kỳ. Thiếu vitamin B1 có thể gây ra các triệu chứng của ốm nghén thai kỳ như nôn, buồn nôn. Mẹ bầu bị ốm nghén cần hàm lượng Thiamin nhiều hơn người bình thường.  Mẹ bầu có thể uống 25-50mg thiamine 2-3 lần/ngày. Nếu mẹ bầu không đáp ứng với thiamine đường uống thì có thể bổ sung thiamine bằng đường truyền tĩnh mạch.

Chế phẩm có chứa Thiamine
Chế phẩm có chứa Thiamin

4.4 Thuốc kháng histamin khác

Meclizine (Bonamine), Diphenhydramine (Nautamine) và Dimenhydrinate (Dramamine) đều giúp giảm buồn nôn liên quan đến thai kỳ. Đánh giá của hơn 35 nghiên cứu cho thấy những thuốc kháng histamin này an toàn. Giống như Doxylamine, tác dụng phụ thường gặp nhất của những loại thuốc này là buồn ngủ và chóng mặt. 

Liều thông thường của các loại thuốc này là:

  • Meclizine: 25mg uống mỗi 4-6 giờ/ngày
  • Diphenhydramine : 25-50 mg uống mỗi 4-6 giờ/ngày
  • Dimenhydrinate: 25-50mg uống mỗi 4-6 giờ/ngày
Các thuốc kháng histamin khác
Các thuốc kháng histamin khác 

4.5 Thuốc đối kháng Dopamine

Thuốc đối kháng Dopamine là thuốc kê đơn được lựa chọn thứ hai để điều trị buồn nôn và nôn khi mang thai. Metoclopramide (Reglan) là chất đối kháng dopamine. Chúng làm giảm buồn nôn bằng cách ngăn chặn các thụ thể hóa học khác nhau (vị trí gắn kết) trong não, bao gồm cả thụ thể dopamine. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm thuốc này cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Metoclopramide không liên quan đến dị tật bẩm sinh. Nhưng các nhà nghiên cứu sẽ cần những nghiên cứu lớn hơn để xem xét vấn đề này chặt chẽ hơn.

Liều thông thường của Metoclopramide là 5-10mg uống 3 lần/ngày. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm mệt mỏi và bồn chồn. Metoclopramide có thể gây ra chứng rối loạn vận động muộn . Tình trạng này gây ra những chuyển động lặp đi lặp lại của cơ thể không thể kiểm soát được. Do đó khi sử dụng thuốc mà gặp phải tình trạng này, mẹ bầu cần ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

Chế phẩm có chứa Metoclopramide
Chế phẩm có chứa Metoclopramide

4.6 Thuốc đối kháng serotonin

Thuốc đối kháng thụ thể serotonin có chọn lọc (5-HT3) làm giảm buồn nôn bằng cách ngăn chặn thụ thể serotonin. Ondansetron (Zofran) là một trong những loại thuốc này. Khi xem xét hơn 8.000 phụ nữ mang thai, Ondansetron có hiệu quả trong điều trị buồn nôn và nôn. Một nghiên cứu lớn khác xem xét liệu Ondansetron có liên quan đến dị tật bẩm sinh hay không. Trong số hơn 88.000 trẻ sơ sinh tiếp xúc với Ondansetron trong ba tháng đầu tiên, không có nguy cơ mắc dị tật tim nào cao hơn bình thường. Tuy nhiên trẻ vẫn có thể có nguy cơ bị sứt môi khi mẹ sử dụng thuốc.

Liều Ondansetron phổ biến để điều trị buồn nôn và nôn liên quan đến thai kỳ là 4-8mg uống mỗi 6-8 giờ/ngày. Tác dụng phụ thường gặp nhất của Ondansetron là đau đầu, táo bón và mệt mỏi. Ondansetron cũng có thể gây nhịp tim bất thường. Nếu mẹ bầu khi sử dụng cảm thấy tim mình đập nhanh, hãy ngừng dùng Ondansetron và trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Thuốc đối kháng serotonin
Thuốc đối kháng serotonin 

4.7 Corticosteroid

Đối với trường hợp nôn nghén nặng, khi sử dụng các loại thuốc khác không có hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng Corticosteroid để điều trị ốm nghén cho mẹ bầu. Corticosteroid được coi là lựa chọn cuối cùng trong các lựa chọn điều trị ốm nghén. Thuốc điển hình cho chỉ định này là Prednisolone PO với liều 40-50mg một lần mỗi ngày khi các triệu chứng cải thiện, sau đó sẽ giảm liều uống dần dần. Tuy nhiên cần sử dụng tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng để đạt được hiệu quả tùy thuộc vào mỗi đối tượng khác nhau. [2]

5 Cách giảm nôn nghén tại nhà 

Ngoài việc sử dụng các nhóm thuốc để điều trị tình trạng buồn nôn, ốm nghén, mẹ bầu có thể sử dụng một số phương pháp đơn giản sau để giảm tình trạng nôn nghén trong thai kỳ.

5.1 Uống trà gừng

Gừng là một loại dược liệu có vị cay, tính ấm. Trà gừng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có khả năng giảm buồn nôn và nôn do ốm nghén trong thai kỳ. Cách làm trà gừng trị nôn nghén rất đơn giản, bạn có thể cắt một lát gừng tươi bỏ vào miệng ngậm khoảng 5 phút. Nhai và nuốt nước gừng. Hoặc có thể làm cách khác như: Giã nhỏ một ít gừng tươi rồi bỏ vào ly nước nóng; Đậy kín miệng ly trong 10 phút; Cuối cùng vớt bỏ bã, uống trà gừng nguyên chất hoặc pha chung với Mật Ong để giảm bớt vị cay của gừng.

5.2 Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

Khi ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa sẽ làm tăng áp lực lên dạ dày, từ đó mẹ bầu dễ bị nôn. Việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày sẽ giúp giảm áp lực lên dạ dày, và giảm việc nôn mửa cho mẹ bầu.

5.3 Uống đủ nước mỗi ngày

Đối với phụ nữ mang thai, điều quan trọng là phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, bất kể họ có bị ốm nghén hay không. Mặt khác, ốm nghén kéo dài có thể dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, do đó cần phải bảo đảm lượng nước uống vào đầy đủ để giảm thiểu nguy cơ này.

5.4 Bổ sung thực phẩm giàu protein và vitamin vào chế độ ăn uống 

Để giảm bớt tình trạng ốm nghén khi mang thai, việc kết hợp thực phẩm giàu protein vào chế độ ăn uống cùng với việc sử dụng vitamin tổng hợp là rất có lợi. Thêm vào đó, phụ nữ mang thai nên tránh xa các thực phẩm cay hoặc nhiều dầu mỡ vì chúng có thể làm nặng thêm niêm mạc dạ dày và làm tăng cảm giác buồn nôn. Chọn các thực phẩm đơn giản, dễ tiêu hóa, như chuối, gạo, bánh mì, khoai tây, ngũ cốc, các loại thực phẩm giàu Vitamin B6, chẳng hạn như các loại hạt, đậu xanh, cà rốt, súp lơ, khoai tây, thịt nạc và cá. Những nguồn vitamin này đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm triệu chứng buồn nôn ở các mẹ bầu. 

5.5 Giữ tinh thần thoải mái

Mẹ bầu khi bị ốm nghén cần giữ tinh thần thoải mái, tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, giải trí như nghe nhạc, xem tivi, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra, trong thời gian thai kỳ, mẹ bầu có thể chia sẻ cảm xúc với bạn bè hoặc gia đình để tâm trạng được thoải mái, từ đó sẽ giảm được các triệu chứng nôn nghén.  

Cách giảm nôn nghén tại nhà
Cách giảm nôn nghén tại nhà 

6 Một số câu hỏi liên quan đến thuốc chống nghén

6.1 Uống thuốc chống nghén có ảnh hưởng gì không?

Một số thuốc chống nghén như Pyridoxin (vitamin B6), Thiamine (vitamin B1), thuốc kháng histamin tương đối an toàn đối với thai phụ nếu sử dụng ở liều an toàn và tuân thủ điều trị. Các nhóm thuốc khác như Thuốc đối kháng Dopamine, Thuốc đối kháng serotonin, Corticosteroid sẽ có nhiều tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên khi sử dụng bất cứ thuốc điều trị nào, mẹ bầu cần phải hỏi trước ý kiến của bác sĩ và tuân thủ điều trị để đạt được hiệu quả, an toàn điều trị. 

6.2 Có nên tiêm thuốc chống nôn cho bà bầu?

Việc tiêm thuốc chống nôn cho bà bầu chỉ được chỉ định trong trường hợp bà bầu không có khả năng sử dụng thuốc đường uống hoặc sử dụng thuốc đường uống không hiệu quả. Và việc tiêm thuốc chống nôn cần có sự can thiệp và tiến hành của bác sĩ. 

7 Kết luận

Khi bà bầu bị ốm nghén ở mức độ nhẹ cần điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống hợp lý, điều độ để giảm các triệu chứng nôn nghén.

Nếu bị ốm nghén ở mức độ nặng, bà bầu nên đến các phòng khám và bệnh viện chuyên khoa sản để khám kỹ lưỡng, cân nhắc sử dụng thuốc điều trị giảm ốm nghén theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia của NCBI (Ngày đăng tháng 2 năm 2022), Nausea and Vomiting in Pregnancy (NVP), NCBI. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2023
  2. ^ Chuyên gia của NHS (Ngày đăng 14 tháng 07 năm 2021), Corticosteroid treatment in Hyperemesis Gravidarum Patient Information Leaflet, NHS. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633