1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Ung thư đại trực tràng: nguyên nhân và hướng điều trị

Ung thư đại trực tràng: nguyên nhân và hướng điều trị

Ung thư đại trực tràng: nguyên nhân và hướng điều trị

Trungtamthuoc.com - Theo thống kê, ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong cao trong số trường hợp bệnh nhân mắc ung thư. Tuy nhiên, việc phẫu thuật điều trị lại mang đến kết quả khả quan hơn các loại ung thư khác.

1 Ung thư đại trực tràng là gì?

Đại tràng là phần dài nhất của ruột già. Trực tràng là phần nối giữa đại tràng và hậu môn.

Ung thư đại trực tràng là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào tại đây, có khả năng xâm tới các cơ quan khác. Ung thư đại trực tràng thường phát triển từ ruột kết hay trực tràng, bắt đầu bằng một polyp lành tính.[1]

Theo thống kê, ung thư đại trừng tràng là nguyên nhân gây tử vong cao trong số trường hợp bệnh nhân mắc ung thư. Tuy nhiên, việc phẫu thuật điều trị lại mang đến kết quả khả quan hơn các loại ung thư khác.

Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng

2 Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng được chia thành 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư chỉ mới vừa xuất hiện ở niêm mạc đại trực tràng.
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã xâm lấn tới các vùng lân cận nhưng chưa ảnh hưởng tới hệ bạch huyết hay cơ quan khác.
  • Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư xâm nhập vào hệ bạch huyết, có thể lan tới thành đường ruột.
  • Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã xâm nhập vào hệ bạch huyết và di căn đến nhiều tổ chức khác như gan, phổi,...

3 Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này:

  • Người mắc các bệnh về đường ruột như: viêm loét đại tràng kéo dài, mắc bệnh polyp đại tràng, bệnh Crohn.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc người đã mắc ung thư trước đó.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: ăn quá nhiều thịt đỏ, hay ăn đồ muối lên men (dưa muối,...), ăn nhiều thức ăn sẵn,...
  • Béo phì cũng có thể dẫn tới ung thư đại tràng do hệ miễn dịch bị suy giảm.
  • Hút thuốc lá và uống nhiều bia rượu.
  • Những người trên 50 tuổi hoặc có polyp đại trực tràng cũng dễ mắc ung thư hơn.[2]
Một số yếu tố tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng
Một số yếu tố tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng

4 Chẩn đoán ung thư đại trực tràng

4.1 Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng là:

  • Đau bụng dữ dội hoặc âm ỉ tùy lúc.
  • Rối loạn tiêu hóa: chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu,...
  • Đại tiện ra máu, khuôn phân nhỏ hơn bình thường, phân có màu đỏ hoặc đen.
  • Người mệt mỏi, thiếu máu.
  • Sụt cân không có nguyên nhân.

4.2 Xét nghiệm cận lâm sàng

Để chẩn đoán ung thư đại trực tràng chính xác, người bệnh cần làm các xét nghiệm sau:

  • Test tìm hồng cầu trong phân: độ đặc hiệu thấp.
  • Soi trực tràng và đại tràng để xác định vị trí, đánh giá tổn thương và lấy mô tổn thương sinh thiết để xác định bệnh. 

Vị trí thường gặp là ở đại tràng phải (41%), đại tràng trái (30%) và trực tràng (29%).

Khi nội soi có thể thấy một khối lồi ra ngoài niêm mạc trong giống polyp dọc theo chu vi đại tràng.

Có thể có nhiều marker u kết hợp với khối ung thư, đặc biệt là kháng nguyên ung thư phôi và kháng nguyên carbohydrat.

  •  Siêu âm nội soi nhằm đánh giá mức độ xâm lấn qua thành trực tràng, giúp hướng dẫn chọc hút kim nhỏ để chẩn đoán giai đoạn hạch chính xác.
  • Chẩn đoán hình ảnh bằng chụp X-quang, chụp CT, chụp MSCT,... nhằm đánh giá di căn xa (phổi, gan, hạch, não,...).
Hình ảnh ung thư đại tràng trên X- quang và nội soi
Hình ảnh ung thư đại tràng trên X- quang và nội soi

4.3 Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán xác định bệnh dựa theo triệu chứng và xét nghiệm cận lâm sàng.

Cần chẩn đoán giai đoạn bệnh để xác định hướng điều trị phù hợp.

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như: lao hồi manh tràng, viêm loét đại - trực tràng chảy máu, viêm túi thừa đại tràng,...

5 Điều trị ung thư đại trực tràng như thế nào?

5.1 Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật là cách điều trị cho hầu hết các bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng. Kết quả phẫu thuật thường phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và nạo vét hạch trước đó.

Trước khi tiến hành phẫu thuật làm đầy đủ các xét nghiệm để đánh giá di căn.

Phương pháp phẫu thuật gồm phẫu thuật triệt để hoặc phẫu thuật tạm thời. 

  • Nếu ung thư giai đoạn đầu, có thể cắt bỏ tế bào ung thư ngay trong khi nội soi đại tràng. 
  • Trong trường hợp ung thư khu trú thì có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u với biên độ thích hợp bằng cách mổ nội soi hoặc mổ mở.
  • Nếu ung thư xâm lấn sang cơ quan khác có thể thực hiện phẫu thuật gỡ bỏ khối u dính vào cơ quan đó.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần được hóa trị liệu để giảm thiểu nguy cơ tái phát sau 5 năm và giảm tỉ lệ tử vong.

Phẫu thuật điều trị ung thư
Phẫu thuật điều trị ung thư

5.2 Hóa trị liệu

Hóa trị là sử dụng thuốc đường tiêm truyền hoặc uống để giết chết tế bào ung thư. Cách này được lựa chọn tùy vào hoàn cảnh lâm sàng của bệnh, nó hầu như chỉ giúp giảm nhẹ và kéo dài sự sống chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Thuốc được sử dụng chủ yếu là 5-Fluorouracil cả trong điều trị hỗ trợ và di căn.

Có nhiều phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng. Ví dụ như:

FUFA: 5-Fluorouracil + Tolinic acid liều thấp: 

  • 5-Fluorouracil được truyền tĩnh mạch hàng tuần trong 6 tuần với liều 500mg/m2. 
  • Tolinic acid được dùng trước 5-Fluorouracil với thời gian tương tự, liều là 20mg/m2. 
  • Sau đó cứ 8 tuần lại lặp lại điều trị (tổng thời gian điều tị là 24 tuần).

FOLFOX4: Folinic acid + Fluorouracil + Oxaliplatin:

  • Oxaliplatin truyền tĩnh mạch vào ngày đầu tiên liều  85mg/m2.
  • 5-Fluorouracil bolus tĩnh mạch liều 400mg/m2. Tiếp theo, truyền tĩnh mạch trong 22 giờ liều 600mg/m2 (2 ngày đầu).
  • Leucovorin truyền tĩnh mạch trong 2 giờ liều 200mg/m2 ( 2 ngày đầu, trước khi dùng 5-Fluorouracil).
  • Cứ 2 tuần lặp lại như trên 1 lần. Tổng đợt điều trị là 12 đợt.

FOLFIRI: Folinic acid + Fluorouracil + Irinotecan:

  • Irinotecan tiêm tĩnh mạch ngày đầu tiên liều 180mg/m2.
  • 5-Fluorouracil bolus tĩnh mạch ngày đầu liều 400mg/m2. Tiếp theo là truyền liều 2400 mg/m2 trong vòng 46 giờ.
  • Leucovorin truyền tĩnh mạch liều 400 mg/m2 (truyền 2 giờ mỗi ngày, trước khi truyền 5-Fluorouracil).
  • Lặp lại mỗi hai tuần một lần.

5.3 Xạ trị

Xạ trị là sử dụng các tia có năng lựa cao để là các tế bào ung thư ngừng phát triển và teo lại. Thường thực hiện sau khi mổ để tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại.

Trường hợp khối u quá lớn hoặc vị trí khối u khó tiến hành phẫu thuật có thể tiến hành xạ trị trước để khối u teo nhỏ lại. Xạ trị hỗ trợ làm giảm rõ rệt tỉ lệ tái phát tại chỗ. Tuy nhiên, nó không cho hiệu quả cao trong hỗ trợ điều trị di căn.

Xạ trị ung thư trực tràng
Xạ trị ung thư trực tràng

5.4 Sử dụng tác nhân sinh học

Bevacizumab là kháng thể người đơn dòng, có tác dụng ức chế tăng sinh mạch được sử dụng trong điều trị di căn, dùng theo đường tiêm tĩnh mạch. Cách dùng như sau:

  • Đợt 1: dùng liều 5 mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần hoặc 7.5 mg/kg/lần mỗi lần cách nhau 3 tuần.
  • Đợt 2: dùng 10 mg/kg/lần mỗi lần cách nhau 2 tuần hoặc 15 mg/kg/lần mỗi lần cách nhau 3 tuần.

Có thể sử dụng Cetuximab tiêm truyền tĩnh mạch mỗi tuần với liều khởi đầu 400 mg/m2, tốc độ truyền ≤ 5mg/phút, thời gian truyền 2 tiếng. Mỗi tuần tiếp theo dùng liều 250mg/m2, thời gian truyền  là 1 tiếng, tốc độ tối đa là 10mg/phút.

5.5 Điều trị triệu chứng

Điều trị triệu chứng nhằm nâng cao sức khỏe của người bệnh nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy kiệt, đau đớn, tiêu chảy.

  • Suy kiệt: dùng các chế phẩm như Amigold 8,5%, Albumin 20%, Glucose 20%).
  • Giảm đau bằng Efferalgan codein 4-6 viên/ngày hoặc Morphin nếu đau nhiều mà các thuốc giảm đau khác không hiệu quả. 
  • Tiêu chảy dùng Loperamid 2mg liều khởi đầu 2 viên mỗi ngày.[3]

6 Cách phòng ung thư đại trực tràng

Để giảm tỉ lệ mắc bệnh cần tuân thủ thói quen năm uống và sinh hoạt theo chế độ sau:

  • Giảm lượng calo chất béo trong khẩu phần ăn.
  • Bổ sung thêm các loại hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn.
  • Hạn chế ăn các đồ muối, lên men, sấy khô,...
  • Hạn chế đồ ăn chứa phẩm nhuộm, dầu thơm, hóa chất bảo quản,...
  • Rửa sạch thực phẩm, ngâm nước muối để loại bỏ các tác nhân như thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong rau xanh, hoa quả,...
  • Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá.
  • Nếu có polyp đại trực tràng cần loại bỏ sớm.
Chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa ung thư đại trực tràng
Chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa ung thư đại trực tràng

7 Sàng lọc ung thư

Sàng lọc ung thư đại trực tràng nhằm nhận biết và phát hiện sớm các khối u ác tính ở giai đoạn sớm chưa có triệu chứng bằng cách:

  • Xét nghiệm tìm hồng cầu trong phân đối với những bệnh nhân từ chối soi đại tràng hoặc các xét nghiệm khác.
  • Làm test Hemoccult (tìm máu ẩn trong phân) hàng năm.
  • Soi đại tràng mỗi 10 năm 1 lần từ 50 tuổi, bởi một khối polyp mất thời gian khoảng 10-15 năm để phát triển thành u ác tính.
  • Các thăm dò khác: chụp CT đại tràng (5 năm 1 lần), xét nghiệm tìm ADN trong phân (3 năm 1 lần).

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: ngày 8 tháng 2 năm 2021). What Is Colorectal Cancer?, CDC. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Ernst J. Kuipers, William M. Grady, David Lieberman, Thomas Seufferlein (Ngày đăng: ngày 5 tháng 10 năm 2015). COLORECTAL CANCER, NCBI. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: chuyên gia y tế Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 22 tháng 4 năm 2020). Colorectal (Colon) Cancer, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 3 Thích

    Phân biệt túi thừa đại tràng như nào?


    Thích (3) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Ung thư đại trực tràng: nguyên nhân và hướng điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Ung thư đại trực tràng: nguyên nhân và hướng điều trị
    HA
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (5)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595