Ung thư vòm mũi họng: yếu tố nguy cơ, triệu chứng và điều trị
Trungtamthuoc.com - Ung thư vòm mũi họng (NPC) hiện nay đang có tỷ lệ mắc ngày càng tăng, đây cũng là căn bệnh ung thư thường gặp nhất trong ung thư đầu - mặt - cổ. Bệnh có biểu hiện không mấy đặc trưng, do đó khi được phát hiện bệnh thường đã nặng.
1 Đại cương về ung thư vòm mũi họng
Ung thư vòm mũi họng (Nasopharyngeal carcinoma) là khi có khối u ác tính xuất phát từ lớp biểu mô bao phủ vùng vòm mũi họng.
Các triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng thường không đặc trưng, do vòm mũi họng là một bộ phận của đường hô hấp trên, nên đôi khi người bệnh thường nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp. Thường chỉ khi bệnh nặng mới phát hiện được bệnh.
2 Nguyên nhân gây ung thư vòm mũi họng
Nguyên nhân chính gây ung thư vòm họng là do các tế bào phát triển bất thường tăng lên nhanh chóng thành các khối u, các khối u này có thể lan rộng sang các cơ quan khác. Do đó, ung thư thường di căn sang các vùng khác lân cận. Nguyên nhân cụ thể gây nên sự bất thường này hiện chưa được biết rõ.
3 Yếu tố nguy cơ của ung thư vòm mũi họng
Các nghiên cứu đã tìm ra các yếu tố nguy cơ sau:
- Virus Epstein-Barr (EBV): Đây là yếu tố có liên quan mật thiết đến ung thu vòm họng. Tuy nhiên không phải ai nhiễm EBV cũng mắc ung thư vòm họng. Hiện chưa rõ virus này gây ung thư như thế nào, một số nhà khoa học cho rằng DNA từ virus ảnh hưởng đến DNA trong các tế bào của vòm họng, khiến các tế bào phát triển và phân chia bất thường, gây ung thư.
- Nitrosamine trong các chất đạm và protein lên men như cá muối, thịt hun khói lên men.
- Tia phóng xạ, khói, hóa chất độc hại,...
- Nam giới
- Hút thuốc: trong thuốc lá có các thành phần độc hại có thể gây ung thư như formaldehyde, nitrosamines,.. Đặc biệt, những người hút thuốc lá kèm nghiện rượu có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm họng hơn rất nhiều. Ngoài ra, những người hút thuốc còn có nguy cơ bị ung thư ở cơ quan khác như ung thư phổi, khoang miệng,...
- Rượu: Do quá trình chuyển hóa của Ethanol sau khi uống vào sinh ra chất acetaldehyd - đây là chất có thể gây ung thư.
- Tiền sử bản thân: tiền sử gia đình của người mắt ung thư vòm họng.
- Nghề nghiệp: làm nghề cần tiếp xúc nhiều với formaldehyde. [1].
4 Phân loại ung thư vòm mũi họng
Ung thư vòm mũi họng gặp chủ yếu thể ung thư biểu mô không biệt hóa (Undiffenrenciated Carcinoma Nasopharyngeal Type - UCNT). Thể này chiếm trên 90% các ca ung thư vòm họng.
Các thể ung thu hiếm gặp khác bao gồm: ung thư biểu mô tuyến nang và u nhày, khối u ác tính thể hỗn hợp, ung thư biểu mô tuyến, u lymphô, sarcom xơ, ung thư xương ác tính, ung thư xương sụn ác tính và ung thư hắc tố.
5 Triệu chứng ung thư vòm mũi họng
Các triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng thường không đặc trưng khi bệnh ở giai đoạn sớm, có thể gây nhầm lẫn với triệu chứng của viêm đường hô hấp trên:
- Nổi hạch ở cổ.
- Chảy máu cam.
- Khó ngoáy tai (do tắc nghẽn và tích tụ chất lỏng ù tai. trong tai giữa), nhiễm trùng tai, giảm thính lực,
- Khó thở.
- Nghẹt mũi
- Viêm họng.
- Khó mở miệng.
- Nhìn mờ.
- Đau đầu, mặt, tê. [2].
6 Chẩn đoán ung thư vòm mũi họng
Các phương pháp cận lâm sàng được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán có thể là:
Nội soi ung thư vòm họng có phát hiện ung thư? So với dùng gương thông thường thì phương pháp này cho kết quả chính xác hơn. Nếu bấm sinh thiết qua nội soi thì kết quả còn chuẩn xác và dễ dàng chẩn đoán hơn.
Xét nghiệm tế bào và mô bệnh học.
Xét nghiệm sinh hóa: thực hiện các phản ứng như IgA/VCA, IgA/EA, IgA/EBNA trước, trong và sau quá trình điều trị giúp cho việc sàng lọc, đánh giá và tiên lượng bệnh tốt hơn.
Chẩn đoán hình ảnh: thường chụp CT Scan có thể đánh giá được khối u, tuy nhiên trong một số trường hợp bác sĩ có thể chụp thêm MRI, PET Scan, siêu âm ổ bụng để tìm các tế bào ung thư đã di căn ở vùng bụng; chụp xạ hình xương giúp cho việc chẩn đoán các khối u đã di căn đến hệ thống xương hay chưa; và có thể chụp phổi để đánh giá tình trạng tim phổi, trung thất.
7 Các giai đoạn của ung thư vòm mũi họng
Các giai đoạn ung thư vòm mũi họng dựa trên các giai đoạn TNM. Các chữ cái là viết tắt của khối u, nút xoang và di căn:
- T mô tả kích thước của khối u.
- N mô tả liệu có tế bào ung thư trong hạch bạch huyết hay chưa.
- M mô tả liệu ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.
Có 4 giai đoạn chính của ung thư vòm mũi họng, giai đoạn 1 đến 4.
7.1 Giai đoạn 1
(T1, N0, M0) - Ung thư nằm trong vòm họng và có thể đã bắt đầu phát triển vào khoang mũi hoặc hầu họng (khu vực ở phía sau miệng và trên cùng của cổ họng). Ung thư chưa lan đến các mô lân cận, các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
7.2 Giai đoạn 2
Ung thư vòm họng giai đoạn 2 có nghĩa là một trong những biểu hiện sau:
(T0, N1, M0 hoặc T1, N1, M0) - Không thấy ung thư ở vòm họng, hoặc ung thư ở trong vòm họng và có thể đã phát triển vào khoang mũi hoặc hầu họng. Có ung thư ở các hạch bạch huyết ở một bên cổ, hoặc sau họng ở một hoặc cả hai bên cổ. Các hạch có chiều ngang không quá 6cm.
(T2, N0, M0 hoặc T2, N1, M0) - Ung thư đã lan sang các khu vực bên cạnh vòm họng và có thể di căn vào các hạch bạch huyết ở một bên cổ hoặc sau họng ở một hoặc cả hai bên.
7.3 Giai đoạn 3
(T3, N0 hoặc N1 hoặc N2, M0) Ung thư đã lan đến xương và các khoang khí (xoang) lân cận. Nó cũng có thể đã lan đến các hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên cổ, hoặc sau cổ họng, nhưng không phải ở bất kỳ nơi nào khác. Các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng có chiều ngang không quá 6 cm.
(T0, T1 hoặc T2, N2, M0) Không thấy ung thư ở vòm họng, hoặc ung thư nằm trong vòm họng và có thể đã phát triển thành hầu họng, khoang mũi hoặc mô xung quanh (khoang hầu họng). Ung thư đã di căn vào các hạch bạch huyết ở cả hai bên cổ, nhưng không có hạch nào lớn hơn 6cm.
7.4 Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 có nghĩa là ung thư đã phát triển. Nó có 2 nhóm, 4A và 4B.
Giai đoạn 4A có nghĩa là một trong những điều sau:
- (T4, N0, N1 hoặc N2, M0) - Ung thư đã phát triển vào hộp sọ, dây thần kinh sọ (hộp sọ), mắt hoặc các mô lân cận, tuyến nước bọt chính hoặc phần dưới của cổ họng. Có thể có tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên cổ hoặc phía sau cổ họng. Các nút này nhỏ hơn 6cm. Ung thư đã không lây lan bất cứ nơi nào khác. Điều này cũng giống như T4, N0, N1 hoặc N2, M0 trong hệ thống TNM.
- (T bất kỳ, N bất kỳ, M1) - Ung thư có thể đã phát triển thành các mô hoặc xương gần đó. Nó đã lan đến ít nhất một hạch bạch huyết có chiều ngang lớn hơn 6cm hoặc ở cổ dưới phía trên xương đòn. Ung thư đã không lây lan bất cứ nơi nào khác. Điều này giống với Any T, N3, M0 trong hệ thống dàn TNM.
Giai đoạn 4B có nghĩa là ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi. [3]
8 Ung thư vòm họng có chữa được không
Ung thư vòm họng có chữa được không? Ung thư vòm họng là bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tức là ở giai đoạn đầu, tỷ lệ bệnh có thể khỏi là khá cao. Ở các giai đoạn nặng hơn, tỷ lệ này giảm xuống rất nhiều.
Mục đích điều trị: Nếu bệnh đang ở giai đoạn sớm thì các bác sĩ có thể lựa chọn điều trị triệt để bằng xạ trị. Khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển thì có thể phối hợp đồng thời xạ trị với hóa trị để đem lại hiệu quả cao.
Nguyên tắc chung: Dựa vào tình trạng, giai đoạn bệnh mà bác sĩ đưa ra phương pháp thích hợp cho người bệnh. Phương pháp cơ bản được lựa chọn là xạ trị, còn các phương pháp khác như dùng hóa chất có tác dụng hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh.
Phương pháp điều trị:
- Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển. Giai đoạn đầu bác sĩ thường sử dụng xạ trị để điều trị.
- Xạ trị điều biến liều (IMRT) cung cấp bức xạ liều cao trực tiếp chính xác đến khối u và có thể giảm thiểu thiệt hại cho các mô khỏe mạnh gần đó. Nó có thể gây ra ít tác dụng phụ hoặc biến chứng hơn so với điều trị bức xạ thông thường đến vòm họng, bệnh nhân có thể sẽ thấy các triệu chứng như khô miệng, viêm niêm mạc miệng, cổ họng, sâu răng,….
- Hoá trị: là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, phương pháp này thường được dùng kết hợp với xạ trị để mang lại kết quả tốt hơn.
- Phẫu thuật: phương pháp này thường không được áp dụng để loại bỏ các khổi u nguyên phát vì hiệu quả kém. Nó thường được chỉ định trong trường hợp lấy hạch cổ làm chẩn đoán gián tiếp hoặc lấy hạch còn lại sau xạ trị.
- Dùng thuốc sinh học: như Cetuximab (Erbitux), Pembrolizumab (Keytruda) và Nivolumab (Opdivo). Loại thuốc này có thể được sử dụng thường xuyên hơn trong trường hợp ung thư tiến triển hoặc tái phát.
Sau khi được điều trị thành công, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi tình trạng sức khỏe để có thể xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra. Vì vậy, người bệnh cần thường xuyên tự chăm sóc sức khỏe tại nhà và đến tái khám đúng lịch hẹn.
Tác dụng phụ khi điều trị có thể gặp đó là:
- Viêm niêm mạc, khô miệng, da xạm màu sau xạ trị.
- Buồn nôn và nôn (đặc biệt là với hóa trị), mệt mỏi, đau họng, khó nuốt.
- Tăng sản xuất đờm dính, giảm cảm giác muốn ăn, không cảm giác được mùi vị.
- Rụng tóc và khó thở.
9 Phòng bệnh
Khi mắc các bệnh viêm mạn tính đường mũi họng cần điều trị dứt điểm. Bên cạnh đó cần ăn uống lành mạnh, tránh đồ ăn để lâu, lên men chua, có nitrosamine. Khi phát hiện các triệu chứng bất thường của đường hô hấp hãy đi thăm khám ngay để việc điều trị được kịp thời. [4]
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Kelli Miller (Ngày đăng: 20 tháng 1 năm 2020). Nasopharyngeal Cancer, WebMD. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021
- ^ Tác giả: Kelli Miller, (Ngày đăng: 20 tháng 1 năm 2020). (Ngày đăng: 20 tháng 1 năm 2020) Nasopharyngeal Cancer, WebMD. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021
- ^ By Cancer Research UK (Ngày đăng: 2 tháng 2 năm 2021), Nasopharyngeal cancer, Cancer Research UK. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021
- ^ Bộ Y tế, ngày 31/12/2015, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng, Nhà xuất bản Y Học.