1. Trang chủ
  2. Ung Bướu
  3. Ung thư tuyến nước bọt có chữa được không? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Ung thư tuyến nước bọt có chữa được không? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Ung thư tuyến nước bọt có chữa được không? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Trungtamthuoc - Ung thư tuyến nước bọt là bệnh lý ác tính hiếm gặp nhưng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không điều trị kịp thời. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cùng tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh trong bài viết bên dưới.

1 Ung thư tuyến nước bọt là gì?

Tuyến nước bọt nằm trong miệng và cổ họng, thuộc hệ tuyến ngoại tiết có vai trò bài tiết enzyme trong quá trình tiêu hoá thức ăn, ngăn ngừa sự nhiễm trùng khoang miệng, họng và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng. Có 3 cặp tuyến nước bọt chính, bao gồm:

  • Tuyến mang tai: nằm ở phía trước tai và là tuyến nước bọt lớn nhất nên là nơi xuất phát của hơn 70% các khối u tuyến nước bọt.
  • Tuyến dưới lưỡi: nằm ở ngay dưới lưỡi, các khối u hiếm khi xuất hiện tại vị trí này.

Tuyến nước bọt dưới hàm: nằm bên dưới 2 xương hàm, có kích thước nhỏ hơn tuyến nước bọt mang tai và tỷ lệ các khối u xuất hiện ở đây cũng thấp hơn.

Ung thư tuyến nước bọt là gì?
Ung thư tuyến nước bọt là gì?

Ung thư tuyến nước bọt là một khối u ác tính xuất phát từ tuyến nước bọt, có đặc điểm tăng sinh mất kiểm soát, thậm chí lan rộng, di căn sang các bộ phận khác. Khối u tuyến nước bọt có thể lành tính hoặc ác tính nhưng đều gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tuyến nước bọt và sức khoẻ người bệnh. Ung thư tuyến nước bọt rất hiếm, đa số các trường hợp đều lành tính, chỉ 1% khối u ác tính sẽ di căn khắp cơ thể. [1].

Ai cũng có thể mắc ung thư tuyến nước bọt, tuy nhiên tỷ lệ này cao hơn ở nam giới so với nữ giới. Đa số các trường hợp không có nguyên nhân bệnh sinh rõ ràng nhưng các yếu tố liên quan như tiếp xúc bức xạ, nhiễm virus, làm việc trong môi trường khói bụi công nghiệp đã được minh làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.

2 Bệnh ung thư tuyến nước bọt có nguy hiểm không?

Tỷ lệ ung thư tuyến nước bọt ở mang tai chiếm phần lớn và thường là dạng lành tính, có tiên lượng điều trị tốt. Nếu tế bào ung thư xuất hiện ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc dưới hàm thì tỷ lệ nghiêm trọng của bệnh lý và tử vong cao hơn.

Bệnh hiếm gặp và không có khả năng lây truyền, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh dễ điều trị và hồi phục. Tuy nhiên bệnh tiến triển âm thầm, các triệu chứng không quá điển hình nên cần thăm khám và chẩn đoán bằng các xét nghiệm liên quan.

===> Xem thêm bài viết: Bệnh quai bị: Nguyên nhân, các thể bệnh lâm sàng, phương pháp điều trị và phòng tránh

3 Hình ảnh ung thư tuyến nước bọt

3.1 Ung thư tuyến nước bọt dưới hàm

Ung thư tuyến nước bọt dưới hàm
Ung thư tuyến nước bọt dưới hàm

3.2 Ung thư tuyến nước bọt mang tai

Ung thư tuyến nước bọt mang tai
Ung thư tuyến nước bọt mang tai

3.3 Hình ảnh u tuyến dưới lưỡi hiếm gặp

U tuyến dưới lưỡi hiếm gặp
U tuyến dưới lưỡi hiếm gặp

4 Ung thư tuyến nước bọt có mấy giai đoạn?

Ung thư tuyến nước bọt được chia thành 4 giai đoạn chính, cụ thể:

Giai đoạn I: Đây là giai đoạn mới bắt đầu các tế bào ung thư, kích thước khối u nhỏ dưới 2cm, giới hạn trọng tuyến nước bọt và không gây ra triệu chứng cho người bệnh.

Giai đoạn II: Các tế bào ung thư bắt đầu phát triển, kích thước u lớn hơn (2 - 4 cm) vẫn nằm trong tuyến nước bọt.

Giai đoạn III: Các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ, khối u kích thước > 4 cm hoặc đã lan đến các mô xung quanh, bệnh nhân cảm nhận được dấu hiệu của bệnh.

Giai đoạn IV: Giai đoạn cuối của ung thư, khối u đã di căn, lan đến các mô xung quanh. 

Bên cạnh đó, có thể phân loại giai đoạn bệnh chi tiết theo hệ thống TNM của AJCC-2017:[2]

T: U nguyên phát
TxKhông xác định được u nguyên phát
T0Không có bằng chứng u nguyên phát
TisUng thư biểu mô tại chỗ
T1Đường kính lớn nhất của u ≤2cm và không xâm lấn ra ngoài nhu mô
T2Đường kính lớn nhất 2cm <u ≤4cm và không xâm lấn ra ngoài nhu mô
T3Khối u >4cm và/hoặc xâm lấn ra ngoài nhu mô
T4aKhối u xâm lấn da, xương hàm dưới, ống tai và/hoặc dây thần kinh mặt
T4bKhối u xâm lấn nền sọ và/hoặc xương bướm và/hoặc bao bọc động mạch cảnh.
N: Hạch vùng
NxKhông xác định được di căn hạch vùng
N0Không di căn hạch vùng
N1Di căn 1 hạch duy nhất, cùng bên ≤3cm, không xâm lấn ngoài hạch
N2aDi căn 1 hạch cùng bên, hạch từ 3-6cm, không xâm lấn ngoài hạch ENE (-)
N2bDi căn nhiều hạch cùng bên, hạch ≤6cm, không xâm lấn ngoài hạch ENE (-)
N2cDi căn hạch hai bên hoặc đối bên, hạch ≤6cm, không xâm lấn ngoài hạch ENE (-)
N3aDi căn hạch >6cm
N3bDi căn hạch bất kỳ có xâm lấn ngoài hạch ENE (+)
 M: Di căn xa
MxKhông xác định được di căn xa
M0Không di căn xa
M1Có di căn xa

Như vậy, phân loại giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 0: TisN0M0
  • Giai đoạn I: T1N0M0
  • Giai đoạn II: T2N0M0
  • Giai đoạn III: T3N0M0, T0T1T2T3N1M0
  • Giai đoạn IVa: T4aN0N1M0, T0T1T2T3T4aN2M0
  • Giai đoạn IVb: T bất kỳ N3 M0, T4b N bất kỳ M0
  • Giai đoạn IVc: T bất kỳ N bất kỳ M1

5 Dấu hiệu ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt thường gặp ở vùng đầu cổ, khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí và loại ung thư, một số triệu chứng hay gặp bao gồm:

Dấu hiệu ung thư tuyến nước bọt
Dấu hiệu ung thư tuyến nước bọt

Xuất hiện khối u hoặc sưng nổi cục ở má, hàm cổ: có thể thời gian đầu các khối u không gây đau nhưng tiến triển dần sẽ cảm thấy đau nhức kéo dài và không đỡ khi uống thuốc giảm đau. Tình trạng đau có thể lan đến mang tai hoặc các vùng lân cận.

Thay đổi chức năng cơ mặt: tê liệt hoặc yếu một bên mặt do liên quan đến dây thần kinh mặt bị chèn ép bởi khối u. Đăc biệt với khối u ở mang tai thường gây ra triệu chứng này khi khối u xâm lấn lên đầu.

Khó nuốt hoặc khó mở miệng: người bệnh có thể gặp triệu chứng khó nuốt hoặc khó mở miệng rộng như bình thường. Đặc biệt khi khối u xuất hiện ở hàm thì cảm giác khoang miệng đau tức liên tục không giảm. Thậm chí tê bì, mất cảm giác ở vùng mặt hoặc trong miệng.

Vết loét kéo dài: nếu có các vết loét không lành trong miệng hoặc môi có thể là một cảnh báo về ung thư tuyến nước bọt.

Đau ở vùng thanh quản, vùng mũi: với bệnh nhân bị ung thư tuyến nước bọt nhỏ, sẽ gặp tình trạng khó thở, đau nhức khoang miệng, khó thở, ngạt mũi nhưng không quá điển hình nên khó chẩn đoán chính xác.

6 Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay các nguyên nhân gây ra ung thư tuyến nước bọt vẫn chưa được báo cáo một cách đầy đủ. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ cao có thể mắc bệnh:

Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt
Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt
  • Tiếp xúc với bức xạ: nếu làm việc hoặc sống trong môi trường nhiễm phóng xạ, hoặc người bệnh xạ trị vùng đầu, cổ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.
  • Môi trường sống, làm việc có nhiều hoá chất độc hại: khi tiếp xúc lâu dài với các hoá chất công nghiệp như nickel, silica, hoặc bụi từ các ngành nghề sản xuất cao su, khai thác mỏ, hoặc dược phẩm sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư này.
  • Nhiễm virus: Một số virus, chẳng hạn như virus Epstein-Barr (EBV), có liên quan đến các loại ung thư tuyến nước bọt hiếm gặp.
  • Yếu tố di truyền: không phải là tác nhân phổ biến nhưng nếu gia đình có người đã từng mắc ung thư này thì các thành viên nên cân nhắc tầm soát bệnh.
  • Độ tuổi: Nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt tăng theo tuổi, thường gặp hơn ở người trên 50 tuổi do thời gian dài tích luỹ những đột biến có hại trong cơ thể.
  • Hút thuốc và uống rượu: Hút thuốc và uống rượu cũng được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư tuyến nước bọt.
  • Tiền sử bệnh lý tuyến nước bọt: Các bệnh lý lành tính hoặc viêm nhiễm kéo dài ở tuyến nước bọt, chẳng hạn như viêm tuyến nước bọt, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

7 Phương pháp chẩn đoán

7.1 Xét nghiệm cận lâm sàng

  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): Sử dụng kim mảnh để lấy mẫu tế bào từ khối u, sau đó quan sát dưới kính hiển vi. Phương pháp này có vai trò định hướng chẩn đoán và được sử dụng phổ biến để xác định ung thư.
  • Sinh thiết u: Nếu FNA không đủ kết luận, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để lấy một mẩu mô lớn hơn từ khối u.
  • Siêu âm vùng cổ: có giá trị sàng lọc cao, đánh giá khối u ở các tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến mang tai và tuyến dưới hàm.
  • Chụp CT scan vùng đầu - cổ có tiêm thuốc cản quang: Xác định kích thước, ranh giới và mức độ xâm lấn của khối u vào mô xung quanh
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu - cổ: đánh giá chi tiết hơn về các mô mềm và đánh giá xem ung thư đã lan tới dây thần kinh, cơ, hoặc cấu trúc lân cận chưa.
  • X-quang ngực hoặc siêu âm ổ bụng: Đánh giá nguy cơ di căn tới các cơ quan khác như phổi hoặc gan.
  • Chụp PET/CT: Giúp phát hiện các di căn ở xa hoặc đánh giá toàn diện cơ thể.

8 Chẩn đoán phân biệt

U hỗn hợp tuyến nước bọt: Thường gặp ở người trẻ và trung niên, siêu âm nhận thấy khối u đồng nhất, ranh giới rõ, cấu trúc hỗn hợp. U hỗn hợp tuyến nước bọt là khối u lành tính, phát triển chậm, ít xâm lấn.

U lymphoma: Hay gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có rối loạn miễn dịch. Khối u thường mềm hơn, không đau, và phát triển nhanh hơn so với ung thư tuyến nước bọt. Hay có biểu hiện toàn thân như sốt, sụt cân, đổ mồ hôi ban đêm. Hình ảnh siêu âm thường đồng nhất, không hoại tử.

9 Điều trị ung thư tuyến nước bọt như thế nào?

Các phương pháp điều trị chính ung thư tuyến nước bọt bao gồm:[3].

9.1 Phẫu thuật

Trường hợp u tuyến nước bọt giai đoạn có thể phẫu thuật ưu tiên loại bỏ hoàn toàn khối u, thay vì chỉ lấy nhân u hoặc lấy bỏ thuỳ nông đơn thuần. Đồng thời bảo vệ các dây thần kinh quan trọng nếu có thể. 

Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ, bác sĩ có thể cần loại bỏ chúng. Trường hợp khối u lan rộng xâm lấn đến các cơ quan như dây thần kinh, cơ, da thì có thể cắt cả toàn bộ các bộ phận mô liên quan này. Sau đó tiến hành phẫu thuật tái tạo để phục hồi cấu trúc và chức năng của khu vực bị ảnh hưởng.

9.2 Xạ trị

Phương pháp xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát

Xạ trị kết hợp hóa trị khi bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật.

Các phương pháp xạ trị:

  • Xạ trị bằng máy gia tốc theo kỹ thuật 3D.
  • Xạ trị điều biến liều (IMRT) là một kỹ thuật xạ trị tiên tiến, cho phép tập trung chính xác tia bức xạ vào khối u và giảm thiểu tổn thương đến các mô lành xung quanh.

Liều xạ trị chỉ định theo giai đoạn bệnh và theo tình trạng bệnh nhân, được quy định cụ thể bởi bác sĩ.

9.3 Hoá trị

Hóa trị thường không phải là phương pháp chính cho ung thư tuyến nước bọt, nhưng có thể được sử dụng nếu bệnh đã lan rộng hoặc không thể phẫu thuật. Thuốc hóa trị có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với xạ trị, dưới đây là một số phác đồ hoá trị tham khảo:

Các phác đồ đơn trị liệuCác phác đồ đa trị liệu

Paclitaxel 175-200mg/m2 (hoặc docetaxel 80-100mg/m2) da, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 21 ngày.

Cisplatin 80-100mg/m2 da, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 21 ngày

Mitoxantrone 12-14mg/m2 da, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 21 ngày

Doxorubicin (hoặc epirubicin 30mg/m2 da, truyền tĩnh mạch hàng tuần, hoặc 90mg/m2 da, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 21 ngày).

Methotrexate, 5 FU Vinorelbine 30mg/m2 da truyền tĩnh mạch hàng tuần Ufur (UFT) 400mg/ngày, chia 2 lần, liên tục trong 1 đến 2 năm sau xạ trị

CAP: Cyclophosphamide 500mg/m2 da, doxorubicin 50mg/m2 da, cisplatin 50mg/m2 da truyền ngày 1, chu kỳ 28 ngày. 

Cisplatin 50mg/m2 da, doxorubicin 30mg/m2 da, 5-fluorouracil 500mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1,8-chu kỳ 28 ngày.

Cisplatin 60mg/m2 da, epirubicin 50mg/m2 da, 5-fluorouracil 600mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày.

Carboplatin AUC5, paclitaxel 175mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày.

DCU: chu kỳ 21 ngày, 2 chu kỳ trước xạ trị. Docetaxel 36mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 2 giờ ngày 1, 8

9.4 Điều trị đích

Một số thuốc ức chế miễn dịch được nghiên cứu và cho thấy hiệu quả khi các liệu pháp điều trị truyền thống không còn hiệu quả.  Một số thuốc được sử dụng phổ biến như:

  • Imatinib 400-800mg/ngày 
  • Gefitinib 250mg/ngày 
  • Lapatinib 1.500mg/ngày 
  • Cetuximab 400mg/m2 da, truyền tĩnh mạch tuần đầu, sau đó các tuần tiếp theo giảm xuống 250mg/m2.

10 Ung thư tuyến nước bọt sống được bao lâu?

Bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc tiến hành phẫu thuật có tỷ lệ thành công và hồi phục rất cao. Tuy nhiên các trường hợp tiên lượng xấu khi không phẫu thuật được, bệnh di căn thì tỷ lệ sống sót rất thấp.

Thông thường tỷ lệ sống sót sau 5 năm trong các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn đầu (I và II): Tỷ lệ sống sót thường rất cao, khoảng 90% đến 95%.
  • Giai đoạn trung gian (III): Tỷ lệ sống sót giảm xuống còn khoảng 70% đến 80%.
  • Giai đoạn cuối (IV): Tỷ lệ sống sót giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 20% đến 50%, tùy thuộc vào mức độ di căn.

11 Biện pháp phòng ngừa ung thư tuyến nước bọt

Duy trì lối sống lành mạnh và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể hỗ trợ ngăn ngừa ung thư tuyến nước bọt, cụ thể:

  • Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Chăm sóc sức khoẻ răng miệng bằng cách vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, ít nhất 2 lần/ngày và khám răng định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến bệnh.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh, trái cây, nghỉ ngơi điều độ, bổ sung thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản.
  • Kiểm tra sức khoẻ định kỳ nếu trong nhóm đối tượng nguy cơ cao. 
  • Tránh tiếp xúc hoá chất độc hại, các tia bức xạ, nên tuân thủ đúng quy trình bảo hộ nếu cần thiết phải tiếp xúc.

12 Kết luận

Ung thư tuyến nước bọt thường lành tính và có tiên lượng tốt nếu được điều trị ở giai đoạn sớm. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng tuyến nước bọt, như sưng kéo dài, đau, tê, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người đọc về bệnh ung thư tuyến nước bọt.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia American Cancer Society, (đăng ngày 18 tháng 3 năm 2022) What Is Salivary Gland Cancer?. American Cancer Society. Truy cập ngày 24 tháng 01 năm 2025
  2. ^ Bộ Y tế, (ngày đăng 01 tháng 04 năm 2020) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Trang 190-196. Truy cập ngày 24 tháng 01 năm 2025.
  3. ^ Chuyên gia NIH, (ngày 16 tháng 8 năm 2024) Salivary Gland Cancer Treatment (PDQ®)–Health Professional Version. NIH. Truy cập ngày 24 tháng 01 năm 2025

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900.888.633