Ung thư tụy có nguy hiểm không? Sống được bao lâu? Có chữa được không?
Trungtamthuoc.com - Ung thư tuỵ là khối u ác tính xuất phát từ tuyến tuỵ, cơ quan quan trọng của cơ thể trong việc tiêu hoá và điều chỉnh lượng đường trong máu. Ung thư tuỵ đứng thứ 5 trong số nguyên nhân tử vong do ung thư trên thế giới. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị ung thư tụy trong bài viết dưới đây.
1 Ung thư tuyến tuỵ là gì?
Tuyến tụy nằm ở vị trí bụng, gần các động mạch và tĩnh mạch chính, được chia làm 3 phần gồm đầu, đuôi, thân tụy. Tuỵ có 2 chức năng chính là sản xuất enzyme giúp tiêu hóa thức ăn và sản xuất các hormone như Insulin và glucagon để kiểm soát lượng đường trong máu. [1].
Ung thư tụy là một loại ung thư bắt đầu trong các tế bào của tuyến tụy, đa phần các khối u bắt đầu trong tuyến tụy ngoại tiết và một số ít trong tuyến tụy nội tiết. Đây là một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao do triệu chứng giai đoạn đầu thường không rõ ràng, khiến bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Phân loại ung thư tuỵ dựa trên loại tế bào ung thư phát triển, gồm có 2 loại chính:
- Ung thư tế bào ngoại tuyến tụy: Đây là loại ung thư tụy phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp. Ung thư ngoại tiết xuất phát từ các tế bào trong tuyến tụy sản xuất enzyme tiêu hóa. Một số dạng khác hiếm gặp hơn như ung thư tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào nhẫn, ung thư tế bào khổng lồ…
- Ung thư tế bào nội tiết tuỵ: Loại này ít phổ biến hơn, phát triển từ các tế bào nội tiết của tuyến tụy, chịu trách nhiệm sản xuất hormone như insulin và glucagon. Các loại khối u phổ biến như khối u sản xuất quá mức insulin, glucagon, hormone gastrin. Thông thường ung thư nội tiết thường phát triển chậm hơn ung thư ngoại tiết và có tiên lượng tốt hơn.
2 Các giai đoạn của ung thư tuỵ
Ung thư tụy thường được chia thành 4 giai đoạn sau, tùy thuộc vào mức độ lan rộng của khối u:
- Ung thư tụy giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn hoặc bằng 2 cm và chỉ nằm trong tụy, hầu như không gây ra triệu chứng và rất khó phát hiện, bệnh có khả năng chữa trị cao nếu phẫu thuật được thực hiện sớm.
- Ung thư tụy giai đoạn 2: Khối u đã có kích thước > 2cm và < 4cm, đã lan ra ngoài tụy, nhưng chưa xâm lấn các mạch máu lớn hoặc các hạch bạch huyết.
- Ung thư tụy giai đoạn 3: Khối u có thể đạt kích thước trên 6cm, đã lan ra các mạch máu lớn gần tụy (như động mạch mạc treo tràng trên hoặc tĩnh mạch cửa) và không thể phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn.
- Ung thư tụy giai đoạn 4: Khối u đã lan đến các cơ quan xa, như gan, phổi, hoặc phúc mạc.
===> Xem thêm bài viết: Viêm tụy cấp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
3 7 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu
Các dấu hiệu giai đoạn đầu của ung thư tuyến tụy thường không rõ ràng, tuy nhiên có một số dấu hiệu cảnh báo có thể gợi ý bệnh trong giai đoạn mới.
3.1 Thay đổi thói quen đại tiện
Ung thư tuỵ khiến cho cơ thể không tiêu hoá được chất béo, phân có màu nhạt hoặc mùi khó chịu, phân nhờn, nhiều mỡ. Bên cạnh đó dấu hiệu táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài có thể cũng đang cảnh báo về bệnh.
3.2 Đau bụng hoặc đau lưng
Đau bụng là triệu chứng có thường gặp nhất ở bệnh ung thư tuỵ, ngay cả khi kích thước u tuyến tụy còn nhỏ. Cơn đau có thể bắt đầu ở vùng bụng trên sau lan ra sau lưng, cơn đau thường xuất hiện âm ỉ, không đau liên tục, không có triệu chứng giảm khi thay đổi tư thế.
3.3 Buồn nôn và ói mửa
Vai trò của tuyến tuỵ là tạo ra các enzyme tiêu hóa giúp tiêu hóa thức ăn, do đó khi khối u xâm lấn sẽ khiến quá trình tiêu hoá bị gián đoạn, dẫn đến khó chịu hoặc rối loạn tiêu hoá mỗi khi ăn. Nếu khối u lan rộng, chèn ép vào thành dạ dày sẽ gây tắc nghẽn, cảm giác buồn nôn hoặc ợ nóng, trào ngược acid dạ dày.
3.4 Vàng da hoặc vàng mắt
Vàng da thường biểu hiện rõ rệt ở giai đoạn ung thư tiến triển. Nguyên nhân do sự chèn ép ống mật, gây tắc nghẽn và tăng mức bilirubin trong máu. Ngoài vàng da, vàng mắt sẽ có kèm theo nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu. Nghiên cứu cho thấy dấu hiệu vàng da xuất hiện nhiều hơn ở u đầu tuỵ chiếm khoảng 73%, sau đó 11% là u thân tụy và u đuôi tuỵ sẽ không có tình trạng này.
3.5 Sụt cân không rõ nguyên nhân
Nếu giảm quá 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng mà không phải do thay đổi chế độ ăn hay lối sống thì rất có thể đang cảnh báo bệnh lý nguy hiểm.
3.6 Viêm da
Tình trạng da khô, xuất hiện các mảng da bị mất nước và ngứa có thể xảy ra khi ung thư tuyến tuỵ. Viêm da kéo dài và không đáp ứng với các liệu pháp điều trị sẽ được bác sĩ cân nhắc làm xét nghiệm tuỵ nếu có kèm thêm các dấu hiệu nghi ngờ khác.
3.7 Mệt mỏi kéo dài
Người bệnh bị mệt mỏi, cảm giác kiệt sức không rõ nguyên nhân, ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ thì có thể cảnh báo ung thư tuỵ giai đoạn sớm.
4 Triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối
Ung thư tụy giai đoạn cuối thường có các triệu chứng nghiêm trọng do khối u đã lan rộng sang các cơ quan khác, cụ thể:
- Đau dữ dội kéo dài ở bụng và lưng.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược nghiêm trọng.
- Giảm cân nhanh,
- Vàng da và mắt.
- Nước tiểu có màu sẫm.
- Đau đầu.
- Các cơ ho dữ dội, khó thở, hoặc đau ngực.
- Cổ trướng.
- Sốt kéo dài.
- Thay đổi về đường huyết.
5 Nguyên nhân gây ung thư tuyến tuỵ
Nguyên nhân gây ung thư tụy chưa được xác định rõ ràng, nhưng có một số yếu tố nguy cơ và cơ chế sinh học liên quan, bao gồm:
- Đột biến gen: Các đột biến gen trong tế bào tụy có thể làm cho tế bào phát triển không kiểm soát, hình thành khối u. Cụ thể đột biến gen KRAS, TP53, CDKN2A và SMAD4 có liên quan đến sự phân chia tế bào quá mức tại tuyến tuỵ.
- Hút thuốc lá: Là nguyên nhân hàng đầu liên quan đến ung thư tụy, tăng gấp 2-3 lần nguy cơ mắc bệnh.
- Di truyền: nếu có người thân bị mắc ung thư tuỵ do đột biến gen thì sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh lý nền: những đối tượng bị viêm tụy mạn tính, đái tháo đường, hội chứng Lynch hoặc hội chứng Peutz-Jeghers.
- Tuổi tác: Nguy cơ tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
- Béo phì: Mỡ thừa có thể gây viêm và ảnh hưởng đến chức năng tụy.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Tiêu thụ nhiều mỡ động vật, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn.
- Phơi nhiễm hóa chất: Một số hóa chất công nghiệp, như thuốc trừ sâu và dung môi, có liên quan đến nguy cơ ung thư tụy.
- Uống rượu bia: Uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư tụy.
6 Chẩn đoán ung thư tuyến tuỵ
Khi thăm khám bệnh nhân, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận chính xác nhất. Dưới đây là các biện pháp thường được thực hiện:
6.1 Xét nghiệm máu
Chỉ số CA 19-9 là một chất thường thấy tăng trong bệnh lý ung thư tuỵ, viêm tuỵ, tắc mật. Do đó đây cũng là một chỉ số đánh giá khả năng mắc bệnh, hỗ trợ trong việc chẩn đoán.
Xét nghiệm chức năng gan để đo các chất được gan tạo ra và bài tiết có nồng độ ổn định không, nếu có sự bất thường có thể từ nguyên nhân chèn ép của khối u.
6.2 Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm ổ bụng: là phương pháp được thực hiện phổ biến, có giá trị cao trong phát hiện bất thường tại tuyến tụy hoặc đường mật, phát hiện các khối u, tính chất xâm lấn hoặc hạch ổ bụng.
- Chụp CT scan ổ bụng: Là phương pháp chẩn đoán chính xác, giúp xác định vị trí, kích thước và mức độ lan rộng của khối u. Ngoài ra cũng hỗ trợ phát hiện khối u di căn vào các tạng trong ổ bụng.
- Chụp MRI bụng: Được sử dụng để đánh giá chi tiết hơn, đặc biệt với các khối u nhỏ hoặc vị trí khó nhìn.
- Chụp PET/CT: được chỉ định nhằm đánh giá mức độ tổn thương khi ung thư di căn xa như di căn xương.
6.3 Nội soi, sinh thiết
Nội soi dạ dày-tá tràng giúp đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, sự chèn ép của khối u vào dạ dày, tá tràng.
Nội soi mật tuỵ ngược dòng giúp kiểm tra khối u có gây tắc nghẽn đường mật không.
Nội soi siêu âm cho phép bác sĩ quan sát rõ hơn và lấy mẫu sinh thiết từ khối u.
Sinh thiết qua kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT để lấy mẫu tế bào từ khối u, sau đó phân tích và đánh giá mức độ và tính chất của khối u.
6.4 Chẩn đoán phân biệt
Các bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt:
- Viêm tụy bán cấp, mạn tính: Ung thư tuyến tụy thường gặp ở người trên 60 tuổi, trong khi viêm tụy mạn thường xuất hiện ở tuổi trẻ hơn. Khởi phát từng đợt, có thể liên quan đến bữa ăn hoặc rượu với các triệu chứng đau quặn, cơn đau kịch phát liên quan đến đợt viêm.
- U lympho dạ dày: Đau bụng vùng thượng vị, không liên quan rõ ràng đến bữa ăn, có thể nôn ra máu, đi tiêu ngoài phân đen, kết hợp mệt mỏi, sụt cân. Dạ dày bị tổn thương dạng loét, thành dày và có khối u lớn.
- Ung thư biểu mô tế bào gan, u đường mật: đau vùng hạ sườn phải, gan to và có khối cứng, kèm theo các dấu hiệu suy gan, mật, vàng da, ngứa, phân bạc màu, nước tiểu sẫm.
- Ung thư dạ dày: đau thượng vị khi đói hoặc sau ăn, hiếm khi gặp vàng da.
7 Phương pháp điều trị ung thư tuyến tuỵ
Có nhiều liệu pháp điều trị ung thư tuỵ khác nhau, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân. Dưới đây là các phương pháp chính được sử dụng:[2]
7.1 Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, có thể thực hiện cắt bỏ khối u hoàn toàn. Một số phương pháp được áp dụng gồm:
Phẫu thuật Whipple: đây là phương pháp phổ biến nhất, giúp loại bỏ đầu tụy, phần tá tràng, túi mật, một phần dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận.
Cắt bỏ toàn bộ tụy: nhằm loại bỏ tuyến tụy, túi mật, phần ruột non và dạ dày, kèm theo lá lách.
Cắt bỏ phần đuôi tụy: Dành cho ung thư ở phần thân hoặc đuôi tuyến tụy, có thể cắt bỏ cả lá lách.
7.2 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X hoặc tia proton để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển, chúng thường được sử dụng kết hợp hoá trị hoặc sau phẫu thuật. Ngoài ra xạ trị cũng được chỉ định để giảm triệu chứng ở giai đoạn di căn.
Các kỹ thuật hiện đại như xạ trị định vị thân (SBRT) hoặc xạ trị điều biến liều (IMRT) có thể giảm thiểu tác dụng phụ.
7.3 Hoá trị
Phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Phương pháp này có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với xạ trị và phẫu thuật. Các thuốc thường dùng như Gemcitabine (Gemzar), phối hợp fluorouracil (Adrucil), leucovorin (Wellcovorin), Irinotecan (Camptosar) và Oxaliplatin (Eloxatin).
7.4 Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích là một loại điều trị sử dụng thuốc tác động vào các gen hoặc protein đặc hiệu liên quan đến sự phát triển của ung thư. Chẳng hạn như thuốc Erlotinib (Tacevar) ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) trong một số trường hợp ung thư tuyến tụy.
7.5 Điều trị triệu chứng khi ung thư tuỵ di căn
Khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, điều trị tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm các triệu chứng như:
- Sử dụng thuốc giảm đau, phong bế thần kinh
- Đặt stene hoặc phẫu thuật nối mật-ruột trong tắc nghẽn ống mật.
- Đặt ống thông hoặc phẫu thuật nối vị tràng.
8 U đầu tụy sống được bao lâu?
U đầu tuỵ là khối u tại phần đầu của tuyến tuỵ, bệnh lý được xếp vào nhóm khối u có độ ác tính thấp, tiên lượng thường tốt hơn và khả năng sống lâu dài cao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nếu khối u được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi chưa di căn, việc phẫu thuật cắt bỏ có thể kéo dài thời gian sống. Tỷ lệ sống 5 năm ở nhóm này đạt 95% nếu cắt bỏ triệt để. Tuy nhiên nên cần theo dõi và tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh lý tốt nhất, thời gian sống có thể kéo dài lâu hơn.
9 Ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối thường có tiên lượng xấu vì bệnh đã di căn đến các cơ quan khác như gan, phổi, hoặc phúc mạc. Thời gian sống của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, những người có sức khoẻ tốt thì có thể sống lâu hơn. Với những người bệnh có khối u đã lan đến các hạch bạch huyết thì tỷ lệ sống sót 5 năm khá thấp, chỉ khoảng dưới 10%. Thời gian trung bình khoảng từ 3-6 tháng.
10 Các phương pháp phòng ngừa ung thư tuyến tụy
Nguyên nhân gây ung thư tuỵ vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, tuy nhiên việc thay đổi lối sống và duy trì sức khoẻ tổng thể sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả ung thư này. Dưới đây là các phương pháp tham khảo:
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư tuyến tụy, do đó bỏ thuốc lá có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Hạn chế rượu bia: Uống rượu quá mức có thể gây tổn thương tuyến tụy và tăng nguy cơ ung thư.
- Kiểm soát cân nặng: Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát calo và tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
- Ăn uống lành mạnh: hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất béo, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, sử dụng các loại chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, dầu cá, hoặc quả bơ.
- Kiểm soát bệnh lý mãn tính: các bệnh lý như tiểu đường, viêm tuỵ, huyết áp cao cần được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và dùng thuốc nếu cần thiết. Đây đều là những yếu tố nguy cơ cao gây ung thư tuỵ.
- Tập thể dụng thường xuyên: việc vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần có thể giảm viêm, cải thiện hệ miễn dịch, kiểm soát cân nặng. Nên tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga.
- Tránh tiếp xúc với chất độc hại: Nếu làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất công nghiệp, hãy sử dụng thiết bị bảo hộ để giảm nguy cơ phơi nhiễm.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư tuyến tuỵ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
11 Kết luận
Ung thư tụy có thể có hiệu quả điều trị thấp, đặc biệt nếu phát hiện ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, việc điều trị sớm và quản lý bệnh hiệu quả có thể cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về bệnh ung thư tuỵ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia NIH, (ngày đăng 28 tháng 8 năm 2024) Pancreatic Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version. NIH. Truy cập ngày 18 tháng 01 năm 2025
- ^ Bộ Y tế, (ngày đăng 01 tháng 04 năm 2020) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Trang 305-316.Bộ Y tế. Truy cập ngày 18 tháng 01 năm 2025.