Ung thư amidan: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, điều trị
Trungtamthuoc.com - Ung thư amidan là bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh do đây là loại ung thư ảnh hưởng đến miệng và cổ họng. Cùng tìm hiểu dấu hiệu nhận biết sớm nhất, cách điều trị đối với bệnh ung thư amida qua bài viết sau đây.
1 Ung thư amidan là bệnh gì?
Ung thư amidan là một loại ung thư vùng tai mũi họng, nó ảnh hưởng đến miệng và cổ họng. Bệnh này gặp phổ biến ở nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Các giai đoạn của ung thư amidan:
Giai đoạn ban đầu: Ung thư nhỏ hơn 2 cm (cm), khu trú ở một khu vực và chưa lan sang các hạch bạch huyết xung quanh.
Giai đoạn 2: Ung thư dài từ 2 đến 4 cm, nhưng chưa lan rộng.
Giai đoạn 3: Ung thư lớn hơn 4 cm và đã lan đến một hạch bạch huyết ở cùng bên cổ với khối u. Các kích thước hạch bạch huyết từ 3 cm trở xuống.
Giai đoạn 4: Tiêu chí ung thư amidan giai đoạn IV bao gồm bất kỳ điều nào sau đây:
- Ung thư đã lan sang các vùng xung quanh của cổ họng hoặc miệng và / hoặc nhiều hơn một hạch bạch huyết ở cùng bên cổ với khối u.
- Lan đến một hạch bạch huyết lớn (lớn hơn 3 cm) ở cùng bên cổ với khối u.
- Lan đến một hạch bạch huyết ở phía đối diện của cổ với tư cách là khối u.
- Lan sang các bộ phận khác của cơ thể. [1]
2 Triệu chứng bệnh ung thư amidan
Có những trường hợp không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi ung thư amidan bắt đầu lan rộng.
Khi các triệu chứng xảy ra, chúng có thể giống với các bệnh khác như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc viêm amidan.
Một số triệu chứng của bệnh ung thư amidan là:
Đau họng kéo dài.
Khó nhai hoặc nuốt. [2]
Một mảng trắng hoặc đỏ trên amidan.
Đau ở phía sau cổ họng.
Đau tai dai dẳng.
Có cảm giác có một cục ở cổ họng
Giảm cân không mong muốn.
Có máu trong nước bọt.
Nếu các triệu chứng trên kéo dài trên 2 tuần cần đi khám sớm để tăng khả năng điều trị thành công và phục hồi.
3 Nguyên nhân gây ung thư amidan
3.1 Nguyên nhân
Không rõ nguyên nhân gây ra ung thư amidan. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng virus gây u nhú ở người (HPV) đang ngày càng là nguyên nhân. [3]
3.2 Các yếu tố nguy cơ gây ung thư amidan
Hút thuốc lá và uống nhiều rượu.
Những người bị nhiễm virus hoặc HIV có thể có nguy cơ mắc cao hơn.
Tuổi tác và giới tính: nam giới trong độ tuổi trên 50.
Những người đã cắt amidan, vì một số mô amidan thường vẫn còn sau phẫu thuật.
4 Chẩn đoán ung thư amidan
Trước khi tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử của bệnh nhân xem các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng mà họ gặp phải đồng thời kiểm tra miệng và cổ họng xem có bất cứ điều gì bất thường hay không.
Nếu có sự nghi ngờ khả năng bị ung thư amidan, họ sẽ cho tiến hành các xét nghiệm cần thiết như:
Xét nghiệm máu và nước tiểu.
Nội soi thanh quản: nhằm kiểm tra xem có gì bất thường ở cổ họng hay không.
Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT, MRI , PET hoặc XQ. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ có thể phát hiện những thay đổi bên trong và có thể biết được mức độ lan rộng của các tế bào ung thư.
Sinh thiết: phương pháp này giúp chẩn đoán xác định mẫu đem sinh thiết có phải là ung thư hay không.
Nếu xác định người bệnh bị ung thư thì bác sĩ sẽ đánh giá xem ung thư đang ở giai đoạn nào, mức độ lan rộng của nó đến đâu và nó đang phát triển nhanh thế nào để bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất. [4]
5 Điều trị ung thư amidan
Điều trị ung thư amidan phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và mức độ tiến triển của tế bào ung thư. Những phương pháp điều trị được lựa chọn.
5.1 Phẫu thuật
Là phương pháp loại bỏ các tế bào tiền ung thư hoặc khối u. Có thể sẽ phải cắt bỏ amidan và các mô xung quanh khối u để giảm nguy cơ các tế bào ung thư còn sót lại.
Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ điều trị mà người bệnh có thể phải thực hiện thêm các phẫu thuật khác để phục hồi giọng nói hay các chức năng khác.
5.2 Xạ trị
Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị để thu nhỏ khối u trước khi tiến hành phẫu thuật. Hoặc dùng phương pháp này sau khi đã phẫu thuật để diệt hết tế bào ung thư còn sót lại.
5.3 Hóa trị
Là phương pháp dùng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính, làm chậm sự lây lan của nó hoặc thu nhỏ kích thước khối u giúp cho việc loại bỏ nó dễ dàng hơn. Tuy nhiên phương pháp này không chỉ loại bỏ các tế bào bị ung thư mà còn làm tổn thương các tế bào lành, vì thế mà nó gây nhiều tác dụng phụ.
5.4 Theo dõi diễn biến sau khi điều trị
Sau khi được điều trị thì bệnh nhân vẫn cần được theo dõi định kỳ ít nhất 2 tháng 1 lần trong 2 năm đầu, vì giai đoạn này có thể gặp tình trạng tái phát. Năm tiếp theo thì khám ít nhất 3 tháng 1 lần. Trong 3 năm tiếp theo thì cứ nửa năm là đến khám lại 1 lần. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ tai mũi họng để đảm bảo không có gì bất thường.
6 Biến chứng của bệnh ung thư amidan
Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà ca phẫu thuật ở miệng và cổ họng có thể gây ra một số biến chứng. Các cơ quan này có chức năng thở, tiêu hóa và nói chuyện. Vì vậy, mà sau khi phẫu thuật xong người bệnh cần nhận được sự giúp đỡ để hồi phục lại các chức năng này.
Người bệnh có thể sẽ cần:
Một ống cho ăn để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Phẫu thuật mở khí quản bằng việc tạo một lỗ ở phía trước cổ họng để cho phép thở dễ dàng.
Tái tạo hàm.
Phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngôn ngữ trị liệu.
Chế độ ăn uống.
7 Phòng ngừa bệnh ung thư amidan
Không sử dụng thuốc lá.
Hạn chế rượu và chất kích thích.
Được chăm sóc răng miệng thường xuyên.
Cân nhắc việc chủng ngừa HPV. [5]
Tài liệu tham khảo
- ^ Kristin Hayes (Ngày đăng 28 tháng 5 năm 2021). What Is Tonsil Cancer?, Very Well Health. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021
- ^ Cancer Research UK (Ngày đăng 18 tháng 7 năm 2018). What is tonsil cancer?, Cancer Research UK. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021
- ^ Mayo Clinic (Ngày đăng 29 tháng 1 năm 2021). Tonsil cancer, Mayo Clinic. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021
- ^ Cedars-Sinai. Tonsil Cancer, Cedars-Sinai. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021
- ^ Mayo Clinic (Ngày đăng 29 tháng 1 năm 2021). Tonsil cancer, Mayo Clinic. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021