1. Trang chủ
  2. Tim mạch - Mạch máu
  3. U trung thất ác tính sống được bao lâu? Triệu chứng và phương pháp điều trị

U trung thất ác tính sống được bao lâu? Triệu chứng và phương pháp điều trị

U trung thất ác tính sống được bao lâu? Triệu chứng và phương pháp điều trị

Trungtamthuoc.com -  U trung thất là khối u xuất hiện ở khu vực trung thất, giữa lồng ngực, chúng có thể là u ác tính hoặc u lành tính, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe các cơ quan lân cận nếu không được điều trị kịp thời. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc tìm hiểu về các triệu chứng, phương pháp điều trị và chẩn đoán u trung thất trong bài viết bên dưới.

1 U trung thất là gì?

Trung thất nhằm chỉ vùng trung tâm của lồng ngực, nằm giữa 2 lá phổi, phía sau là cột sống và sụn sườn phía trước, chứa nhiều cơ quan quan trọng như tim, thực quản, khí quản, mạch máu lớn, dây thần kinh và tuyến ức. Có thể chia trung thất thành 3 phần dựa trên vị trí gồm trung thất trước, trung thất giữa, trung thất sau. [1]

Các u trung thất trước xuất hiện ở phần trước trung thất, gần xương ức, thường gặp các loại như u tuyến ức, u lympho, u tế bào mầm. U trung thất giữa xuất hiện nơi chứa khí quản và mạch máu lớn gồm u hạch bạch huyết, u nang phế quản. U trung thất sau thường có nơi gần cột sống, liên quan đến thần kinh như u thần kinh, u mỡ. 

U trung thất là gì?
U trung thất là gì?

U trung thất có thể phân thành nhiều loại dựa theo vị trí, nhưng về tính chất thì u trung thất sẽ gồm u trung thất lành tính và u trung thất ác tính. 

1.1 U trung thất lành tính

U trung thất lành tính là những khối u hoặc tổn thương không phải ung thư, nằm ở vùng trung thất với các đặc điểm không xâm lấn vào các mô xung quanh và không di căn đến các bộ phận khác, có sự phát triển chậm. Thông thường u trung thất lành tính gồm u mỡ trung thất, u thần kinh, u nang trung thất…U trung thất lành tính thường có tiên lượng tốt, nhưng việc theo dõi và điều trị đúng cách rất quan trọng để tránh các biến chứng hoặc nhầm lẫn với u ác tính.

1.2 U trung thất ác tính

U trung thất ác tính hay còn gọi là ung thư, là các khối u xuất hiện trong trung thất có khả năng xâm lấn, phá hủy các mô lân cận và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Một số u trung thất thường có tiến triển ác tính như u tuyến ức, u lympho, u tế bào mầm… Tiên lượng của u trung thất ác tính phụ thuộc vào loại u, giai đoạn phát hiện và đáp ứng với điều trị của khối u.

===> Xem thêm bài viết: Ung thư thanh quản: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

2 Nguyên nhân gây ra khối u trung thất

Nguyên nhân gây ra u trung thất có thể rất đa dạng, tùy thuộc vào bản chất của khối u và vị trí trong trung thất. Dưới đây là các nguyên nhân chính:

Nguyên nhân gây ra khối u trung thất
Nguyên nhân gây ra khối u trung thất

 

  • U bẩm sinh: là những khối u xuất hiện từ lúc mới sinh như u nang phế quản, u nang màng tim, u nang thần kinh. 
  • Bệnh lý tuyến ức: các khối u của tuyến ức có thể là u lành tính hoặc u ác tính, ở trung thất trước, thường liên quan đến các bệnh tự miễn như nhược cơ, có xu hướng lan rộng nếu ác tính.
  • Lymphoma (U lympho): Lymphoma Hodgkin và Non-Hodgkin là các bệnh lý ác tính của hệ bạch huyết, phát sinh trong tế bào lympho, bệnh thường tiến triển nặng và khó điều trị.
  • Khối u thần kinh: gồm u vỏ thần kinh xuất phát từ dây thần kinh ngoại biên, u mô đệm thần kinh xuất phát từ tế bào thần kinh giao cảm, u hạch thần kinh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ.
  • U mầm: thường ác tính và phát triển nhanh.
  • Khối trung thất tuyến giáp: Thường là lành tính, chẳng hạn như bướu cổ.
  • Nang màng ngoài tim: đây là một dị tật bẩm sinh, không phổ biến và thường lành tính

Ngoài ra các yếu tố nguy cơ khác cũng gây u trung thất như di truyền, tiếp xúc với hoá chất hoặc tia phóng xạ làm tăng nguy cơ ác tính của khối u.

3 U trung thất có nguy hiểm không?

U trung thất cần được phát hiện và điều trị kịp thời, kể cả u lành tính và u ác tính. Độ nguy hiểm của u trung thất phụ thuộc vào loại u, vị trí, kích thước và mức độ ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh.  U lành tính thường ít nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ phát triển gây chèn ép vào các mô và cơ quan xung quanh. Với những u ác tính thì có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó việc điều trị chúng bằng các kết hợp nhiều biện pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nên có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ khi điều trị như giảm cảm giác thèm ăn, chảy máu, thiếu máu, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, rụng tóc, nhiễm trùng, buồn nôn, nôn, đau đớn, sưng tấy…

Triệu chứng u trung thất
Triệu chứng u trung thất

Mức độ nguy hiểm của khối u còn nằm ở kỹ thuật phẫu thuật tiến hành, do nếu hình thành khối u tại các vị trí quan trọng như động mạch chủ, tĩnh mạch chủ, khí quản, thực quản… thì việc tiến hành phẫu thuật rất nguy hiểm. Nếu sai sót có thể tàn phá các tổ chức lân cận gây biến chứng nghiêm trọng.

4 Chẩn đoán u trung thất như thế nào?

Chẩn đoán u trung thất thường dựa trên sự kết hợp giữa lâm sàng, hình ảnh học, và xét nghiệm mô học, cụ thể gồm:

4.1 Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng u trung thất cần dựa trên các triệu chứng, thăm khám thực thể và các xét nghiệm hình ảnh để xác định bản chất, vị trí và mức độ ảnh hưởng của khối u. Đôi khi xuất hiện những triệu chứng lâm sàng chưa hẳn là u trung thất, nên cần phải tiến hành các chẩn đoán hình ảnh khác như Xquang hoặc CT scan để có kết quả chính xác nhất.

Một số triệu chứng lâm sàng của u trung thất như:

Hệ cơ quanTriệu chứng
Toàn thânmệt mỏi, gầy sút, sốt...
Hô hấpho, khó thở, thở rít, khò khè, có thể ho máu.
Tiêu hóanuốt nghẹn do u chèn thực quản, sặc do u xâm lấn gây rò khí quản thực quản.
Thần kinh

Hội chứng Claude Bernard Horner: co đồng tử, hẹp khe mi, sụp mi, đỏ mặt một bên do chèn ép hạch giao cảm cổ.

Khàn tiếng do chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây liệt thanh quản (thường bên trái do dây quặt ngược đi xuống sâu qua quai động mạch chủ).

Nấc, liệt cơ hoành gây khó thở do chèn ép xâm lấn thần kinh hoành.

Tim mạch

Chèn ép tĩnh mạch chủ trên: gây phù áo khoác, tuần hoàn bàng hệ, khó thở tăng lên khi nằm và về sáng sớm, mặt đỏ tĩnh mạch cổ nổi.

Chèn ép tĩnh mạch chủ dưới: phù chi dưới, gan to, cổ trướng... tuần hoàn bàng hệ.

Xâm lấn tràn dịch màng tim: triệu chứng ép tim, huyết áp kẹt, mạch đảo... (gan to tĩnh mạch cổ nổi..) khó thở tăng khi nằm.

Chèn ép ống ngực: ít gặp, có thể gây tràn dịch màng phổi dưỡng chấp.

Hệ hạch bạch huyếtHạch to vùng cổ, thượng đòn.
Hội chứng Pierre Mariengón tay dùi trống, dày cốt mạc đầu chi, đau khớp cổ chân, bàn chân, bàn tay.

4.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

Các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng thường được ứng dụng gồm:[2]

  • Siêu âm hoặc siêu âm nội soi: nhằm đánh giá khối u gần thực quản hoặc khí quản, phân biệt khối nang nhưng thường ít sử dụng.
  • Chụp Xquang ngực: sử dụng rộng rãi, giá thành hợp lý nhằm xác định vị khí khối u, mức độ xâm lấn và chèn ép của cấu trúc lân cận.
  • CT scan lồng ngực: Chi tiết hơn X-quang, xác định rõ kích thước, vị trí, và mối liên quan với các cấu trúc khác, phát hiện các đặc điểm ác tính như bờ không đều, hoại tử.
  • Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ: Đánh giá mô mềm và sự xâm lấn của khối u vào các cấu trúc lân cận, như cột sống hoặc mạch máu lớn, ngày càng phổ biến trong chẩn đoán.
  • Sinh thiết u trung thất: Sinh thiết xuyên thành ngực hoặc qua nội soi trung thất, nội soi lồng ngực, để xác định bản chất mô học của khối u.
  • Các kỹ thuật y học hạt nhân: các kỹ thuật sẽ được chỉ định phù hợp với từng người bệnh, các kỹ thuật thường gặp như SPECT sử dụng các đồng vị phóng xạ phát tia gamma như 99mTc, hoặc 131I để tạo hình nhằm đánh giá chức năng tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp liên quan đến u trung thất, xác định khối u thần kinh, u nội tiết. Kỹ thuật xạ hình PET/CT sử dụng các chất phóng xạ như 18F-FDG để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh, theo dõi hiệu quả điều trị sau hóa trị hoặc xạ trị.
  • Xét nghiệm máu: công thức máu, đông máu, hoặc các xét nghiệm chức năng gan, thận.
  • Xét nghiệm định lượng chất chỉ điểm khối u: các chất chỉ điểm khối u có thể như aFP, beta HCG, LDH, CEA…
  • Giải trình tự nhiều gen.

4.3 Chẩn đoán phân biệt

  • Phình động mạch chủ:  là tình trạng một đoạn của động mạch chủ bị giãn ra hoặc phình lớn hơn so với kích thước bình thường, chúng thường không có triệu chứng rõ ràng, có thể gồm đau ngực, đau lưng, khó thở, hoặc giọng nói khàn. Chẩn đoán hình ảnh thấy bóng mạch lớn bất thường ở vị trí động mạch chủ.
  • Bất thường giải phẫu quai động mạch chủ: Do bất thường phát triển phôi thai của quai động mạch chủ và các nhánh của nó, thường xuất hiện sớm ở trẻ em. Có thể không triệu chứng và chỉ phát hiện tình cờ qua hình ảnh học
  • Tràn dịch màng phổi trung thất: Tràn dịch màng phổi trung thất là sự tích tụ dịch trong khoang màng phổi, có thể do nhiều nguyên nhân. Các triệu chứng có thể gặp như khó thở khi chèn ép phổi, đau ngực, ho khan, sốt nhiễm trùng.
  • Giãn thực quản trong co thắt tâm vị: Là bệnh lý thực quản nguyên phát, liên quan đến rối loạn cơ thắt dưới thực quản mà không liên quan đến cấu trúc trung thất. 
  • Áp xe cạnh cột sống: Áp xe cạnh cột sống là tình trạng nhiễm trùng tạo thành một khối áp xe ở vùng cạnh cột sống, có thể liên quan đến các cơ, đĩa đệm, hoặc xương cột sống, khi viêm nhiễm có thể gây ra triệu chứng đau và nhiễm trùng.

5 U trung thất có chữa được không?

Việc điều trị các bệnh lý liên quan đến trung thất có thể chữa được hoặc kiểm soát được tùy vào nguyên nhân và mức độ của bệnh. Các phương pháp bác sĩ có thể kết hợp trong điều trị như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, đích, miễn dịch…[3]

Phương pháp điều trị u trung thất
Phương pháp điều trị u trung thất

Trong trường hợp u lành tính thì hầu hết có thể được chữa khỏi nhờ phẫu thuật. Dưới đây là một số phương pháp điều trị từng trường hợp u trung thất cụ thể:

Loại khối uPhương pháp
U tuyến ứcPhẫu thuật cắt toàn bộ khối u nếu có thể, đánh giá mô bệnh học xem thuộc typ nào,  đã phẫu thuật hết chưa để xem xét xạ trị hoặc hóa trị bổ trợ
Khối u thần kinhPhẫu thuật là phương pháp duy nhất đối với u lành tính, nếu u thần kinh ác tính phải kết hợp với hóa trị và xạ trị.
Ung thư mô liên kết trong trung thấtPhẫu thuật lấy tối đa khối u sau đó điều trị hóa trị và xạ trị bổ trợ.
Bệnh lý u lympho Hodgkin và u lympho non HodgkinĐiều trị hóa chất là phương pháp chính, đánh giá đáp ứng sau điều trị xét xạ trị bổ trợ.
U quái trung thấtTùy mức độ thuần thục (lành tính hay ác tính) mà lựa chọn phẫu thuật đơn thuần hay kết hợp xạ trị, hóa trị.
U tế bào mầmĐiều trị hóa chất rất nhạy cảm, có thể xạ trị bổ trợ nếu khối u to hoặc vẫn còn sau điều trị hóa chất.
Ung thư thực quảnĐiều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
Ung thư phổiĐiều trị cá thể hóa tùy thuộc giai đoạn, giải phẫu bệnh, vị trí, các dấu ấn miễn dịch, gene đột biến.

6 Chi phí mổ u trung thất

Tại các bệnh viện lớn ở nước ta, chi phí mổ u trung thất có thể dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng tùy vào các yếu tố giai đoạn bệnh, loại bệnh, cơ sở y tế công lập hay tư nhân, loại phẫu thuật, bảo hiểm y tế, thời gian nằm viện…

Các chi phí xét nghiệm và chẩn đoán khoảng 2 triệu đến 4 triệu đồng cần thực hiện trước khi phẫu thuật, và sau đó tuỳ thuộc loại thuốc người bệnh cần sử dụng sẽ cần thêm chi phí khoảng 1-3 triệu. 

Thông thường, nếu ung thư trung thất được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng sống thêm có thể lên đến vài năm, trong khi ở các giai đoạn muộn, thời gian sống có thể chỉ tính bằng vài tháng.

7 Phòng ngừa khối u trung thất

Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa u trung thất, mọi người có thể tham khảo:

  • Duy trì lối sống tích cực, tránh hút thuốc, tăng vận động thể dục thể thao.
  • Ăn chín uống sôi, lựa chọn thực phẩm sạch, bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp tăng đề kháng như sữa, trái cây…
  • Đối với người thường xuyên tiếp xúc với môi trường nguy cơ như hoá chất, thuốc trừ sâu cần phải trang bị đồ bảo hộ lao động phù hợp.
  • Cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị, thăm khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh.
  • Hạn chế căng thẳng và thức khuy, ngủ đủ giấc ít nhất 7 tiếng/ngày.

8 Kết luận

Như vậy cần sớm phát hiện và điều trị khối u trung thất, tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể gặp phải. Chủ động duy trì lối sống lành mạnh góp phần nâng cao sức khoẻ tổng thể.

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Tác giả Beau V Duwe, Daniel H Sterman, Ali I Musani (ngày đăng tháng 10 năm 2005) Tumors of the mediastinum. Pubmed. Truy cập ngày 02 tháng 01 năm 2025.
  2. ^  Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Trang 237- 241, Bộ Y tế. Truy cập ngày 02 tháng 01 năm 2025
  3. ^  Tác giả Till Markowiak, Hans-Stefan Hofman, Michael Ried (ngày đăng tháng 3 năm 2023) [Mediastinal tumors : Diagnosis and treatment of the most common tumor entities]. Pubmed. Truy cập ngày 02 tháng 01 năm 2025.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900.888.633