Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị u sụn màng hoạt dịch
Trungtamthuoc.com - Khi bị u sụn màng hoạt dịch thì người bệnh thường có biểu hiện đau khớp, thường kèm theo sưng và có dấu hiệu kẹt khớp. Nó thường xảy ra đơn khớp trong bệnh nguyên phát và đa khớp ở bệnh thứ phát.
1 U sụn màng hoạt dịch là gì?
Bệnh u sụn màng hoạt dịch là một loại khối u không ung thư phát sinh trong lớp lót của khớp. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào, nhưng đầu gối là khớp thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các khối u bắt đầu như những nốt sụn nhỏ. Những nốt này có thể tách ra và lỏng lẻo trong khớp. Viêm bao hoạt dịch thường gặp nhất ở người trưởng thành từ 20 đến 50 tuổi.[1]
2 Nguyên nhân gây u sụn màng hoạt dịch
Nguyên nhân cơ bản chính xác của bệnh u sụn màng hoạt dịch vẫn chưa được biết rõ.
Một số nghiên cứu cho thấy chấn thương có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh, chủ yếu xảy ra ở các khớp chịu trọng lượng.
U sụn màng hoạt dịch nguyên phát là có sự hiện diện của sụn lạc chỗ trong mô hoạt dịch, lỏng lẻo, người bệnh không có vôi hóa hay bệnh lý khớp. Nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được biết rõ.
U sụn màng hoạt dịch thứ phát thường gặp hơn là nguyên phát. Nó thường xảy ra do các bệnh lý có sẵn từ trước như: viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, hoại tử xương, bệnh lao, gãy xương sụn.
Một nguyên nhân hiếm gặp của bệnh u sụn màng hoạt dịch thứ phát khác đó là sự hình thành túi ngoài khớp sau khi cắt bỏ u xương khớp lành tính.[2]
3 U sụn màng hoạt dịch được chẩn đoán như thế nào?
3.1 Chẩn đoán dựa vào dấu hiệu lâm sàng
Khi bị u sụn màng hoạt dịch thì người bệnh thường có biểu hiện đau khớp, thường kèm theo sưng và có dấu hiệu kẹt khớp. Nó thường xảy ra đơn khớp trong bệnh nguyên phát và đa khớp ở bệnh thứ phát.
Một số người bệnh có biểu hiện cứng khớp từ đó làm giảm khả năng hoạt động của nó.
Khi sờ nắn, có thể cảm thất tràn dịch lớn và khớp có cảm giác xốp. Tiêu biểu của sự thay đổi đó là các u lỏng lẻo sờ thấy trong các hốc hoạt dịch. Người bệnh có thể đau dọc đường khớp giữa hoặc bên và làm giảm khả năng vận động của xương bánh chè. Phạm vi chuyển động thường giảm, có thể mất đi 10 đến 15 độ uốn cong. Triệu chứng đau sẽ thay đổi khi người bệnh chuyển động các khớp này.
3.2 Các triệu chứng cận lâm sàng
Người bệnh u sụn màng hoạt dịch thường không có sự thay đổi của các tế bào máu ngoại vi và sinh hóa.
Kết quả chụp X-quang của người bệnh sẽ thấy bao khớp và màng hoạt dich dày hơn. Đồng thời, trong và cạnh khớp có các nốt Canxi hóa hình tròn, ovan, khe khớp không bị hẹp, mật độ xương ở đầu khớp không thay đổi. Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, có các nốt canxi hóa rõ khi chụp X-quang sẽ thấy các nốt u sụn.
Khi chụp CT ở người bệnh u màng hoạt dịch thất các vết canxi hóa cản quang, và có hiện tượng tràn dịch ổ khớp. Chụp cắt lớp vi tính (CT) chỉ hữu ích để xác định các khối u lỏng lẻo bị vôi hóa.
U sụn màng hoạt dịch khi chụp cộng hưởng từ cho thấy: Các nốt sụn có cường độ tín hiệu trung gian trọng số T1 và cường độ tín hiệu cao trọng số T2 với cường độ giảm dần như lượng canxi trong nốt sần giảm.[3]
Nếu chưa chắc chắn, người bệnh có thể được nội soi khớp để chẩn đoán xác định, có thể kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch, u sụn, sụn khớp.
4 Điều trị u sụn màng hoạt dịch như thế nào?
4.1 Điều trị nội khoa u sụn màng hoạt dịch
Thuốc chống viêm không steroid NSAIDs, có thể được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị qua da như siêu âm và liệu pháp nhiệt để giảm viêm.
Các thuốc chống viêm không steroid NSAIDs được sử dụng trong u sụn màng hoạt dịch như:
- Etoricoxib được sử dụng mỗi ngày với liều từ 30 đến 90mg.
- Meloxicam mỗi ngày cho người bệnh dùng với liều từ 7,5 đến 15mg.
- Celecoxib liều sử dụng mỗi ngày là 200mg.
Các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMAORs) thường sử dụng như:
- Người bệnh sử dụng thuốc Viartril-S với thành phần bao gồm glucosamine sulfate và Chondroitin sulfate với liều mỗi ngày 1500mg.
- Diacerhein có tác dụng Interleukin 1, mỗi ngày cho người bệnh được sử dụng với liều 100mg mỗi ngày.
4.2 Điều trị u sụn màng hoạt dịch bằng phương pháp phẫu thuật
Khi bệnh nhân bị tràn dịch tái phát và các triệu chứng cơ học trở nên nặng hơn, viêm bao hoạt dịch khó điều trị thì cần can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật truyền thống bao gồm phẫu thuật mở khớp, loại bỏ tất cả các u lỏng lẻo và phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, với tiến bộ của nền y học hiện nay, người ta thường sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi.
Sau khi gây mê toàn thân người bệnh được tiến hành phẫu thuật. Sau đó, sẽ được sử dụng các thuốc giảm đau gây nghiện, Aspirin để điều trị dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu và NSAIDs. Phục hồi chức năng tích cực sau phẫu thuật, để ngăn ngừa cứng khớp.
Bệnh nhân được thăm khám theo dõi 3 - 7 ngày sau phẫu thuật để đánh giá vết thương phẫu thuật.
Trên đây là các thông tin về bệnh u sụn màng hoạt dịch, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Johnny UV Monu, MD (Ngày đăng: ngày 24 tháng 4 năm 2019). Synovial Chondromatosis Imaging, Medscape. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Steven F. Habusta, Joshua A. Tuck (Ngày đăng: ngày 3 tháng 1 năm 2021). Synovial Chondromatosis, Healthline. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Assoc Prof Craig Hacking (Ngày đăng: ngày 15 tháng 8 năm 2021). Primary synovial chondromatosis, Radiopaedia. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.