Tương tác khi sử dụng rượu và kháng sinh
Trungtamthuoc.com - thuốc kháng sinh và rượu có thể gây ra các tác dụng phụ tương tự nhau, chẳng hạn như khó chịu ở dạ dày, chóng mặt và buồn ngủ. Kết hợp thuốc kháng sinh và rượu có thể làm tăng các tác dụng phụ này. [1]
1 Giới thiệu
Kháng sinh là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi trong xã hội hiện đại. Tương tác của kháng sinh với các loại thuốc hay các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày là vấn đề rất được mọi người đặc biệt quan tâm.
Tại Việt Nam, rượu, bia hay các thức uống có chứa cồn được ưa chuộng và trở thành một tệ nạn trong xã hội. Hầu hết những người uống rượu, dù với số lượng vừa phải hay nhiều, cũng thỉnh thoảng dùng thuốc. Do đó, nhiều người uống rượu khi đang có thuốc trong cơ thể hoặc ngược lại. [2] Tương tác thuốc có thể có lợi, cũng có một số tương tác thuốc gây bất lợi trong điều trị, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
2 Tương tác giữa rượu và kháng sinh
Nói chung, khi nhiễm trùng không nên sử dụng bất cứ loại rượu nào. Uống kháng sinh mà uống rượu có thể dẫn đến mất nước, làm gián đoạn giấc ngủ sinh lý, làm cản trở khả năng chữa lành tự nhiên của cơ thể. Khi sử dụng kháng sinh, việc sử dụng chung với rượu có thể dẫn tới một số tương tác đôi khi rất nguy hiểm. [3]
2.1 Tác dụng phụ nào xảy ra khi bạn kết hợp kháng sinh với rượu:
Một trong những tương tác rượu với kháng sinh phổ biến nhất là Metronidazole.
Đây là loại thuốc sử dụng cho nhiều bệnh nhiễm trùng, bao gồm dạ dày, da, khớp, ruột… tương tác giữa Metronidazole và rượu có thể dẫn đến phản ứng tương tự disulfiram. Các triệu chứng của phản ứng Disulfiram bao gồm :
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng.
- Phản ứng da: Đỏ da.
- Rối loạn thaanfkinh trung ương: Đau đầu.
- Rối loạn tim mạch: Nhịp tim nhanh, tức ngực, khó thở.
Phản ứng tương tự có thể xảy ra với các kháng sinh khác như Cefotetan, một kháng sinh nhóm Cephalosporin và Tinidazole, một thuốc cùng nhóm với Metronidazole. Bạn không nên uống rượu khi sử dụng các loại thuốc này, và ít nhất 72 giờ sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Rượu cũng là một chất gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Một số kháng sinh cũng có tác động trên hệ thần kinh trung ương (như Metronidazole) có thể dẫn tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như buồn ngủ, chóng mặt, nhầm lẫn. Những tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng khi lái xe, người cao tuổi, và các bệnh nhân sử dụng các thuôc ức chế thần kinh khác như các thuốc trầm cảm, opioid…
Một số tác dụng phụ của kháng sinh về dạ dày như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Việc sử dụng rượu sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề này.
2.2 Rượu ảnh hưởng như thế nào đến kháng sinh chúng ta sử dụng?
Rượu không ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của kháng sinh, tuy nhiên với một số loại kháng sinh việc sử dụng rượu có thể làm thay đổi nồng thuốc trong máu dẫn đến sự thay đổi hiệu quả sử dụng thuốc.
Rượu bị chuyển hóa bởi các enzyme gan. Một số loại thuốc cũng được chuyển hóa trong gan bởi các enzyme tương tự. Tùy thuộc lượng rượu sử dụng mà hoạt tính các enzyme thay đổi dẫn đến ảnh hưởng tới khả năng chuyển hóa thuốc trong cơ thể. Khi sử dụng rượu, một số enzyme bị ức chế từ đó giảm khả năng chuyển hóa thuốc dẫn đến nồng độ thuốc trong máu tăng cao, tăng độc tính và tác dụng phụ của thuốc.
Một số enzyme bị tăng hoạt tính khi sử dụng rượu kéo dài. Nó làm tăng mức độ phân hủy thuốc, làm giảm nồng độ thuốc trong máu, từ đó làm giảm hay mất tác dụng của kháng sinh.
Lời khuyên: Nên tránh việc sử dụng rượu khi đang sử dụng kháng sinh hay bất cứ một loại thuốc nào.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, What are the effects of drinking alcohol while taking antibiotics?, Mayoclinic. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Ron Weathermon , Pharm.D. và David W. Crabb , MD, Alcohol and Medication Interactions, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của drug.com, Can You Drink Alcohol With Antibiotics?, drug.com. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021