Cảnh báo: Trẻ uống quá nhiều sữa có thể bị thiếu máu và mất protein
Mặc dù sữa là loại thực phẩm tuyệt vời trong chế độ ăn, và trẻ nhỏ khá thích thú với chúng, nhưng quá nhiều sữa có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như thiếu máu hoặc suy dinh dưỡng. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về vấn đề cho trẻ uống nhiều sữa có tốt không.
1 Trẻ uống nhiều sữa tươi có tốt không?
Tác hại của việc cho trẻ uống quá nhiều sữa đã được cảnh báo, tuy nhiên nhiều cha mẹ vẫn phớt lờ điều này. Uống quá nhiều sữa có thể khiến cơ thể bị mất cân bằng vì 3 yếu tố: sữa có nhiều năng lượng (calo), chứa nhiều Canxi nhưng lại chứa ít chất xơ. Điều này có thể dẫn đến các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như:
1.1 Trẻ trở nên biếng ăn
Nếu một đứa trẻ (từ 1-3 tuổi) uống 1000ml sữa nguyên chất mỗi ngày, chúng sẽ nhận được khoảng 50% nhu cầu calo của cơ thể. Hàm lượng chất béo cao trong sữa khiến trẻ nhanh có cảm giác no và do đó ít thèm ăn các loại thực phẩm khác.
Ngoài ra, các sản phẩm sữa luôn được bổ sung thêm các loại hương liệu tạo mùi, tạo vị dễ uống khiến trẻ thích thú. Uống sữa cũng không cần phải nhai như các món ăn dặm khác. Điều này khiến trẻ ngày càng trở nên biếng ăn, thậm chí nhiều trẻ có xu hướng uống sữa thay cơm.
Biếng ăn do uống nhiều sữa có thể trở thành một vòng lặp khó giải quyết. Đặc biệt là khi cha mẹ nghĩ rằng bất kỳ chất dinh dưỡng nào trong trường hợp này đều tốt hơn là không có và việc cho trẻ uống sữa có thể bù lại lượng thức ăn khi trẻ bỏ bữa. Nó khiến trẻ nhỏ ỷ lại vào sữa thay vì học cách thích nghi với các kết cấu và hương vị khác nhau của thực phẩm.
1.2 Bị thiếu máu do thiếu sắt
Sắt là một khoáng chất quan trọng, cơ thể lấy sắt từ chế độ ăn để tạo ra các huyết sắc tố, một loại protein có trong tế bào hồng cầu thực hiện vai trò vận chuyển oxy đến các cơ quan và mô của cơ thể. Nếu không có các huyết sắc tố, tế bào hồng cầu sẽ không được hình thành. Vì thế, thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi lượng huyết sắc tố trong cơ thể không đủ do thiếu sắt.
Cho trẻ uống quá nhiều sữa tươi, bao gồm cả sữa mẹ và sữa ngoài, là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ. Điều này được giải thích là sữa không thể đáp ứng đủ nhu cầu sắt khi trẻ lớn lên. [1]
Mặc dù sữa mẹ và sữa công thức có chứa sắt và là nguồn cung cấp sắt dồi dào cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau 6 tháng, cơ thể trẻ phát triển thì chỉ riêng sắt trong sữa là không đủ. Ngoài ra, lượng canxi và Casein cao trong sữa có thể làm cản trở quá trình hấp thụ sắt ở ruột. Đó là lý do tại sao, từ 6 tháng trẻ cần được làm quen với chế độ ăn dặm và giảm lượng sữa xuống.
Các triệu chứng phổ biến của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt bao gồm da dẻ nhợt nhạt, thiếu năng lượng và khó thở sau khi vận động. Những bé uống sữa tươi nhiều dẫn đến thiếu máu, có thể lên cân nhưng thường sẽ bị mất vị giác, mất cảm giác ngon miệng, luôn trong trạng thái mệt mỏi và chậm phát triển. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với các biểu hiện của tình trạng thiếu máu. Nếu không được điều trị kịp thời, tính mạng của trẻ sẽ bị đe dọa. Trên thực tế, đã có nhiều trẻ phải đối mặt với tử thần vì bị thiếu máu do uống quá nhiều sữa.
1.3 Bị mất protein từ ruột
Tình trạng mất protein từ ruột cũng có thể coi là một bệnh lý, xảy ra khi trẻ uống quá nhiều sữa làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu protein của ruột và khiến lượng protein trong máu giảm thấp.
Hàm lượng protein trong máu thấp có thể gây mất cân bằng nội môi và khiến các mạch máu rò rỉ chất lỏng vào mô dẫn đến sưng chân, lưng và mặt. Ngoài ra, thiếu protein cũng có thể khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. [2]
Cụ thể, các triệu chứng của tình trạng mất protein từ ruột bao gồm: sưng phù tại bàn chân, chân và mặt; chuột rút hoặc yếu cơ; tràn dịch màng phổi, sưng bụng,...
1.4 Thiếu chất xơ gây táo bón
Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng đa lượng nhưng lại rất ít chất xơ. Nếu trẻ uống nhiều sữa mà bỏ qua chế độ ăn uống khoa học thì cơ thể dễ bị thiếu chất xơ và dẫn đến táo bón.
Ngoài ra, ở một số trẻ, táo bón lại là dấu hiệu của chứng dị ứng đạm sữa bò. Nếu con bạn uống sữa thường xuyên và bị táo bón không rõ nguyên nhân, hãy xem xét đến yếu tố này.
Nhìn chung, đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, thức ăn đặc sẽ dần thay thế sữa để trở thành nguồn dinh dưỡng chính. Điều này cho phép con bạn làm quen với một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng, giống như các thành viên khác trong gia đình.
2 Làm sao để giải quyết tình trạng này?
Để ngăn con bạn không bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc mất protein, hãy đảm bảo chúng không uống nhiều hơn lượng sữa bò được khuyến nghị mỗi ngày.
Ngoài ra, việc tăng dần lượng thực phẩm thô trong chế độ ăn của trẻ cũng là điều cần thiết để bù lại lượng chất dinh dưỡng mà sữa không có.
Sắt để tăng cường tạo hồng cầu, protein để hỗ trợ tăng trưởng và hình thành miễn dịch, chất xơ để duy trì sức khỏe đường ruột, vitamin để tăng cường trao đổi chất,... Tất cả những chất dinh dưỡng này đều cần thiết để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện. Vì thế, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ là quen với đa dạng nguồn thực phẩm thay vì chỉ uống sữa.
3 Trẻ trên 2 tuổi uống bao nhiêu sữa mỗi ngày?
Ở trẻ dưới 1 tuổi, việc tiêu thụ một lượng lớn sữa mẹ hoặc sữa công thức là điều bình thường. Đối với trẻ lớn hơn, hệ tiêu hóa đủ trưởng thành, trẻ có thể uống được sữa bò. Tuy nhiên, trẻ trên 12 tháng không nên uống quá 500ml (khoảng 2 cốc) sữa mỗi ngày. Từ độ tuổi này, thức ăn thô và nước lọc nên là thành phần chính trong chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Bên cạnh sữa, cha mẹ cũng nên bổ sung đa dạng các thực phẩm khác cho con để đáp ứng tốt nhu cầu canxi của trẻ. Thông thường 2 ly sữa (tương đương khoảng 500mg canxi) là quá đủ để đáp ứng các khuyến nghị về canxi trong chế độ ăn cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Vì thế, nếu trẻ ăn thêm phô mai hoặc sữa chua thì lượng sữa tươi uống mỗi ngày nên giảm xuống.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng, sữa vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ. Để bổ sung lượng sữa phù hợp với nhu cầu ở từng độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể tham khảo thông tin sau đây
Độ tuổi | Lượng sữa khuyến nghị mỗi ngày |
Dưới 12 tháng | 350-1000ml (tùy theo tháng tuổi) |
1-3 tuổi | 460-700ml (khoảng 2-3 ly) |
4-8 tuổi | 460-600ml (khoảng 2-2,5 ly) |
9-18 tuổi | 600-700ml (khoảng 3 ly) |
4 Trẻ 3 tuổi uống nhiều sữa có tốt không?
Giai đoạn 1 đến 3 tuổi là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển về thể chất, đặc biệt là chiều cao. Do vậy, nhiều cha mẹ có xu hướng cho trẻ uống thêm sữa để bổ sung canxi. Tuy nhiên, cha mẹ cần tìm hiểu xem, trẻ 3 tuổi uống bao nhiêu sữa tươi mỗi ngày. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, trẻ ở độ tuổi này chỉ nên tiêu thụ 250-500ml sữa tươi, tương ứng với 1 hoặc 2 cốc sữa.
Cho trẻ 3 tuổi uống nhiều sữa mà bỏ qua những chất dinh dưỡng khác sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như thiếu máu, dễ ốm vặt, thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón,...
5 Trẻ uống nhiều sữa có bị dậy thì sớm không?
Bên cạnh những mối lo ngại về việc cho trẻ em uống sữa tươi nhiều có tốt không, một số người còn cho rằng, uống nhiều sữa có thể dẫn đến dậy thì sớm. Họ cho rằng, trong sữa bò có chứa hormone tăng trưởng, tức là có ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của cơ thể.
Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm. Hiện nay không có bằng chứng khoa học nào khẳng định uống sữa gây dậy thì sớm ở trẻ. Các nhà khoa học cho biết
Tất cả các loại sữa đều chứa một loại hormone tăng trưởng bò tự nhiên được gọi là somatotropin bò, với hàm lượng rất nhỏ. Và trong quá trình thanh trùng, có tới 90% các hormone này bị phá hủy. Một lượng rất nhỏ hormone còn lại khi đi qua dạ dày và ruột, sẽ được phân cắt và tiêu hóa giống như nhiều loại thức ăn khác. Bên cạnh đó, hormone tăng trưởng của bò chỉ dành riêng cho bò và không thể tác động đến sự phát triển sinh lý của con người.
Trẻ em tiêu thụ nhiều sữa bò có xu hướng có trọng lượng cơ thể thấp hơn những trẻ không hoặc tiêu thụ sữa ở mức bình thường. Vì vậy, nếu béo phì có liên quan đến dậy thì sớm thì dường như sữa bò không hề có tác động gì.
6 Những quan niệm sai lầm về sữa với trẻ nhỏ
Mặc dù sữa là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sự phát triển của trẻ. Nhưng nhiều cha mẹ vẫn còn lầm tưởng về sữa và chưa biết cách cho trẻ uống sữa đúng. Sau đây là một số lầm tưởng điển hình
6.1 Uống sữa ấm trước khi ngủ
Nhiều người nghĩ rằng uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ vào ban đêm là tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng uống sữa nóng trước khi đi ngủ không phải là lựa chọn hay đối với trẻ từ hai đến ba tuổi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cho trẻ uống sữa 15-20 phút trước khi ngủ sẽ gây ra:
- Cản trở quá trình trao đổi chất của cơ thể
- Tăng cân, béo phì do sữa chứa nhiều calo
- Cản trở quá trình giải độc của gan vào ban đêm
6.2 Cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi
Sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 1 tuổi. Nếu không có sữa mẹ thì nên sử dụng sữa công thức để thay thế, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa bò. Điều này được giải thích là do ở độ tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ chưa trưởng thành nên có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón nếu uống sữa bò.
Cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ uống sữa bò khi trẻ được 1 đến 2 tuổi. Tuy nhiên không nên cho trẻ uống quá 500ml mỗi ngày.
6.3 Sữa bò an toàn với trẻ nhỏ
Mặc dù sữa bò là thức uống phổ biến với trẻ em, nhưng không có nghĩa là chúng vô hại. Một số trẻ có thể mắc chứng dị ứng đạm sữa bò hoặc không dung nạp đường sữa. Những bệnh này khiến trẻ bị nôn ói, tiêu chảy, táo bón,... khi uống sữa bò.
Trong trường hợp này, sữa đậu này hoặc sữa không chứa đường Lactose sẽ là lựa chọn tốt hơn cho trẻ. Tuy nhiên, cần chú ý rằng các loại sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa yến mạch, sữa hạnh nhân không được khuyến khích cho trẻ dưới 5 tuổi.
>>> Xem thêm: Sữa bột - nguồn bổ sung dinh dưỡng hiệu quả cho mọi lứa tuổi
Tài liệu tham khảo
- ^ Yoowon Kwon và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2021). Is High Milk Intake Good for Children’s Health? A National Population-Based Observational Cohort Study, PubMed. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023
- ^ Tác giả Karolina Graczykowska và cộng sự (Ngày đăng tháng 3 năm 2021). The Consequence of Excessive Consumption of Cow’s Milk: Protein-Losing Enteropathy with Anasarca in the Course of Iron Deficiency Anemia—Case Reports and a Literature Review, Pubmed. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023