Trẻ sơ sinh có nên tắm hằng ngày không? Khung giờ tắm cho trẻ sơ sinh
Trungtamthuoc.com - Trong những năm tháng đầu đời của bé, việc tắm cho bé như thế nào cho đúng rất quan trọng. Vì đây là thời điểm làn da của bé rất nhạy cảm. Do đó mà bố mẹ cần phải biết cách tắm cho trẻ sơ sinh như thế nào sao cho đúng. Vậy, hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu chi tiết về cách tắm cho trẻ sơ sinh qua bài viết sau đây.
1 Lợi ích của việc tắm cho trẻ sơ sinh
Tắm cho trẻ sơ sinh mang lại một số lợi ích góp phần vào sức khỏe và sự phát triển tổng thể của trẻ. Một số lợi ích của việc tắm cho trẻ sơ sinh có thể kể đến như:
- Vệ sinh cơ thể cho bé: Tắm giúp cơ thể bé sạch sẽ, loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và vi khuẩn. Điều này rất quan trọng để duy trì vệ sinh tốt và ngăn ngừa kích ứng hoặc nhiễm trùng da. [1]
- Kích thích các giác quan: Thời gian tắm giúp kích thích giác quan cho bé. Cảm giác chạm vào nước, chạm nhẹ và vui đùa trong khi tắm có thể góp phần phát triển giác quan của bé
- Thư giãn và thoải mái: Tắm nước ấm có thể có tác dụng giúp trẻ thư giãn và ngủ ngon hơn.
- Bố mẹ và bé trở nên gắn kết hơn: Tắm bé sơ sinh tại nhà là thời gian gắn kết đặc biệt giữa bố mẹ và trẻ, bằng việc giao tiếp bằng mắt và tương tác nhẹ nhàng giữa bố mẹ và bé sẽ thúc đẩy và kết nối tình cảm.
- Phát triển hệ tuần hoàn và cơ của trẻ: Chuyển động nhẹ nhàng và sức nổi của nước khi tắm có thể thúc đẩy lưu thông máu và góp phần phát triển cơ bắp và các kỹ năng vận động.
- Thiết lập thói quen: Thời gian tắm có thể giúp bé hình thành thói quen hàng ngày, tạo bước đệm cho sự phát triển sau này.
- Làm dịu tình trạng da: Đối với trẻ sơ sinh mắc các bệnh về da như bệnh chàm, thói quen tắm theo quy định bằng cách sử dụng các sản phẩm cụ thể được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên dùng có thể giúp kiểm soát và làm dịu làn da của trẻ.
2 Trước khi tắm cho trẻ sơ sinh cần chuẩn bị những gì?
Trước khi tắm cho bé tại nhà, bố mẹ cần chuẩn bị một số đồ dùng. Bố mẹ cũng có thể chuẩn bị đồ tắm cho bé sơ sinh ở bệnh viện như sau:
- Nước ấm: chú ý nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh khoảng 37 độ C, bố mẹ nên thử độ ấm của nước bằng tay trước khi tắm cho bé.
- Thau tắm cho trẻ sơ sinh: Nên lựa chọn các loại thau Nhựa an toàn, uy tín, thiết kế hình dễ thương đem lại cảm giác thích thú cho bé.
- Bông gạc, khăn mềm, để lau mặt, mũi, tai, rốn và bộ phận sinh dục cho bé.
- Khăn tắm sạch, để lau khô người cho bé sau khi tắm.
- Sữa tắm gội cho bé sơ sinh cần phải có thành phần lành tính và không gây kích ứng da.
- Áo, tã sạch, để mặc cho bé sau khi tắm.
- Cồn 70 độ, nước muối sinh lý để vệ sinh rốn cho bé.
- Nơi tắm kín gió, sạch sẽ, có ánh sáng vừa phải, nếu thời tiết lạnh cần có đèn sưởi.
Lưu ý: Khi trẻ tắm ở bệnh viện, đối với trẻ bị nhiễm khuẩn da hoặc bệnh đường tiêu hóa cần sử dụng chậu tắm riêng, không nên tắm chung với trẻ khỏe mạnh. Trong trường hợp không có chậu tắm riêng, trẻ nên được tắm sau cùng. Sau khi tắm, cần thực hiện vệ sinh, khử khuẩn khu vực và dụng cụ tắm. Nhân viên hoặc cha mẹ thực hiện việc tắm cho trẻ phải đeo găng tay, áo choàng chống thấm nước, và phải thay đổi trang phục sau mỗi lần tắm để tránh rủi ro nhiễm khuẩn.
3 Trẻ sơ sinh có nên tắm hằng ngày không?
Tuy việc duy trì thói quen vệ sinh và tắm rửa thường xuyên được coi là một thói quen tốt, nhưng thực tế là tắm quá nhiều không hẳn là lựa chọn tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân chính là do tắm nhiều có thể làm mất chất dầu tự nhiên trên da, gây khô và kích ứng da, đặc biệt là với làn da nhạy cảm. Ngoài ra, trên da thường có tồn tại các vi khuẩn có lợi, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ. Việc tắm quá nhiều có thể dẫn đến việc rửa trôi các lợi khuẩn này.
Đối với trẻ sơ sinh, trong giai đoạn này da của bé tương đối nhạy cảm. Mặt khác trẻ cũng ít ra mồ hôi hoặc bị bẩn vì không hoạt động nhiều, do đó không cần thiết phải cho bé tắm mỗi ngày. Nếu thời tiết mùa hè quá nóng bức và trẻ thích thú với việc tắm thì có thể cho bé tắm mỗi ngày một lần, còn trong thời tiết mùa đông thì chỉ cần cho bé tắm 2-3 lần. Việc cho bé tắm quá nhiều sẽ gây khô da cho bé. Giữa các lần tắm, bạn cũng có thể kiểm tra các nếp gấp trên da của bé, bao gồm đùi, háng, nách và cằm. Nếu cần, hãy làm sạch những vị trí này bằng khăn ướt.[2].
4 Trẻ sơ sinh tắm vào giờ nào là tốt nhất?
Việc chọn khung giờ tắm cho trẻ sơ sinh là tùy thuộc vào thời gian của mỗi gia đình, miễn là không gây ra sự gián đoạn khi tắm cho bé. Tuy nhiên bố mẹ nên tắm cho con vào lúc có ánh nắng mặt trời ấm áp, đặc biệt là vào khoảng 10-11 giờ sáng hoặc từ 15-16 giờ chiều. Miễn là không tắm lúc con đói hoặc vừa mới ăn no. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, thời gian tắm cho trẻ sơ sinh chỉ nên trong khoảng từ 5-10 phút. Với khoảng thời gian này, bố mẹ có thể thực hiện các bước chăm sóc để đảm bảo bé sạch sẽ mà không làm khô da và không làm hạ thân nhiệt của bé.
5 Các bước tắm cho trẻ sơ sinh
Khi tắm cho bé, bố mẹ cần thực hiện các bước sau để giúp bé cảm thấy thoải mái:
5.1 Chuẩn bị đồ dùng và nước tắm cho bé
Trước khi tắm cho bé, bố mẹ cần chuẩn bị vật dụng cần thiết như khăn tắm, bông tăm băng gạc, nước muối sinh lý và cồn 70 độ cũng như nước tắm ấm. Sau đó cởi quần áo, cởi tã cho bé và quấn thân người bé vào một chiếc khăn khô.
5.2 Vệ sinh các bộ phận trên khuôn mặt của bé
Bước đầu tiên là lau mí mắt của bé (từ mắt trong ra mắt ngoài) bằng bông gòn hoặc khăn mềm nhúng vào nước ấm. Sau đó lau sạch toàn bộ các bộ phận trên khuôn mặt. Cẩn thận tránh để nước vào tai hoặc mũi của bé.
5.3 Gội đầu cho bé
Tư thế dùng một tay nâng đầu và vai bé dựa vào người bố mẹ. Bố mẹ nên sử dụng các loại dầu gội lành tính, không gây kích ứng, an toàn cho trẻ, sau đó massage nhẹ nhàng phần đầu của bé với khăn ấm. Chú ý cẩn thận tránh để nước vào tai hoặc mũi của bé. Sau đó dùng khăn khô lau lại đầu cho bé.
5.4 Tắm các bộ phận trên cơ thể
Một tay đỡ đầu và vai bé, tay còn lại đỡ cơ thể bé. Nhẹ nhàng hạ bé vào bồn tắm, đặt chân bé vào bồn. Lưu ý khi tắm bố mẹ phải giữ chặt em bé.Nhẹ nhàng tắm cho bé bằng khăn mềm và nước ấm. Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ. Làm sạch cổ và cơ thể của bé trước, sau đó là bộ phận sinh dục và mông của bé. Ngoài ra, hãy lau sạch bất kỳ thứ gì như chất nôn hoặc sữa nào dính trên các nếp da trên cơ thể bé. Chú ý vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh khi chưa rụng bằng cách sử dụng cồn 70 độ hoặc nước muối sinh lý thấm vào bông gạc. Sau đó bế trẻ ra ngoài, đặt lên khăn khô đã trải sẵn.
5.5 Chăm sóc trẻ sau khi tắm xong
Lau khô người bé bằng khăn mền sạch, sau đó thoa phấn rôm nhẹ nhàng vào các vùng như cổ, nách, ngực, bẹn, mông, khủy tay, và khủy chân.
Đối với trẻ chưa rụng rốn, mẹ nên sử dụng cồn 70 độ để sát trùng và nhẹ nhàng thay băng rốn cho trẻ. Nếu phát hiện rốn trẻ sưng tấy hoặc có mủ, đề xuất đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Cuối cùng, mặc tã giấy, quần áo sạch, đeo bao chân, bao tay, đội mũ và sử dụng khăn cho bé để giữ ấm và bảo vệ bé khỏi các yếu tố bên ngoài.
6 Một số thắc mắc về vấn đề tắm cho trẻ sơ sinh
6.1 Nên cho bé bú trước hay sau khi tắm?
Nhiều phụ huynh thắc mắc rằng có nên cho con mình bú trước hay sau khi tắm không. Tuy nhiên, trước khi tắm và sau khi tắm, bố mẹ không nên cho con bú vì rất dễ bị nôn trớ và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như hệ tuần hoàn máu của trẻ. Trẻ chỉ nên bú cách thời điểm tắm 1-2 tiếng.
6.2 Bé khóc khi đang tắm xử lý thế nào?
Nhiều bé cảm thấy sợ hãi, quấy khóc khi tắm. Trong trường hợp này, bố mẹ không nên tức giận và khó chịu với bé vì sẽ khiến bé quấy khóc thêm. Thay vào đó nên trấn an con, nói chuyện, hát cho bé nghe, hoặc thả một số đồ chơi an toàn vào thau tắm của bé, giúp bé quên đi nỗi sợ khi tắm.
6.3 Có nên tắm cho trẻ chưa khô rốn không?
Trẻ phải mất từ 8-10 ngày, thậm chí là 21 ngày để rụng rốn đối với những trẻ có cuống rốn dày. Mặc dù việc tắm cho trẻ chưa rụng rốn không dễ dàng vì có thể gây nhiễm khuẩn nhưng mẹ vẫn có thể tắm cho trẻ để bảo đảm vệ sinh. Chú ý rằng khi tắm xong cho bé, bố mẹ cần sử dụng cồn 70 độ hoặc muối sinh lý để vệ sinh vùng rốn sạch sẽ, tránh gây nhiễm khuẩn.
7 Nên lựa chọn sữa tắm gội loại nào cho bé?
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm sữa tắm gội cho bé. Tuy nhiên khi lựa chọn các sản phẩm sữa tắm gội, bố mẹ cần lưu ý về các thành phần, chiết xuất cũng như độ pH và thương hiệu của sản phẩm. Nên dùng các sản phẩm có chứa các thành phần lành tính, an toàn như Axit lactic, lactoserum. Không nên dùng các sản phẩm có chứa các chất có tính tẩy mạnh như gốc Sulfate (Sodium Lauryl Sulfate, Sodium laureth sulfate). Độ pH của sữa tắm gội nên trong khoảng 4.5-7 để tránh gây kích ứng cho bé. Bên cạnh đó, cần ưu tiên các sản phẩm có chiết xuất thiên nhiên, không chứa paraben. Và đặc biệt, cha mẹ nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không mua các sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng và trôi nổi trên thị trường. Một số sản phẩm sữa tắm gội mà phụ huynh có thể an tâm sử dụng cho con, chẳng hạn như: Sữa tắm gội Pigeon, Lactacyd, Cetaphil, Johnson’s Baby top-to-toe.
8 Lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh
- Thời điểm tắm đầu tiên cho bé: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên tắm cho trẻ lần đầu tiên sau khi đợi ít nhất 24 giờ sau khi sinh. Điều này giúp bé có thời gian thích nghi với môi trường mới và giúp duy trì nhiệt độ cơ thể. Nếu bắt buộc tắm cho trẻ thì phải đợi ít nhất là 6 giờ sau sinh mới có thể tắm được cho bé khi các dấu hiệu và nhiệt độ của trẻ ổn định[3]
- Nước tắm: Sử dụng nước ấm, với nhiệt độ nước ấm khoảng 37 độ C và nhiệt độ phòng khoảng 24-25 độ C, để tránh làm bé lạnh hoặc nóng. Bố mẹ cần kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho bé.
- Chuẩn bị đồ trước khi tắm: Đảm bảo rằng tất cả các vật dụng và sản phẩm tắm đã được chuẩn bị trước để tránh việc tắm cho bé bị gián đoạn.
- Tư thế khi tắm cho bé: Luôn giữ bé đúng tư thế và không bao giờ để bé một mình trong chậu tắm.
- Sản phẩm tắm: Chọn dầu tắm gội dành cho trẻ sơ sinh, không chứa hóa chất gây kích ứng . Sử dụng ít sản phẩm hóa chất nhất có thể để tránh làm tổn thương da nhạy cảm của bé.
- Thời gian tắm: Hạn chế thời gian tắm để tránh làm khô da của bé. Khoảng 5-10 phút là đủ đối với trẻ sơ sinh. Tùy thuộc vào tình trạng da của bé, có thể tắm bé từ 2-3 lần mỗi tuần.
- Khăn lau: Sử dụng khăn mềm và sạch để lau khô cơ thể bé. Hạn chế việc lau quá mạnh để tránh làm tổn thương da nhạy cảm.
- Chăm sóc vùng nhạy cảm: Rửa sạch và nhẹ nhàng ở những vùng nhạy cảm như mắt, mũi, miệng, tránh để nước vào các bộ phận này..
- An toàn trong phòng tắm: Đảm bảo rằng không có vật dụng sắc nhọn hoặc nguy hiểm nào ở gần chậu tắm. Sử dụng thảm chống trơn để tránh nguy cơ trượt.
- Chăm sóc da sau tắm: Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh sau khi tắm để giữ cho da mềm mại và tránh khô nẻ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia của NHS (Ngày đăng 15 tháng 9 năm 2021), Washing and bathing your baby, NHS. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024
- ^ Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 10 tháng 2 năm 2022), Baby bath basics: A parent's guide, Mayo Clinic. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024
- ^ Chuyên gia của WHO (Ngày đăng tháng 10 năm 2013), WHO recommendations on Postnatal care of the mother and newborn , WHO. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024