Trẻ bỏ bú đêm có sao không? Dấu hiệu và nguyên nhân trẻ bỏ bú đêm
Trungtamthuoc.com - Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bú thành các cữ, kéo dài trong suốt cả ngày (bao gồm cả ban ngày và ban đêm). Vậy có cần thiết phải cho trẻ bú đêm không? Trẻ bỏ bú đêm có sao không? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết
1 Có nên có trẻ bú đêm?
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, sau đó dần dần làm quen với các loại thực phẩm phù hợp sau 6 tháng và tiếp tục bú mẹ trong 2 năm hoặc lâu hơn.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường thức dậy vào ban đêm vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu do trẻ đói. Trong những tháng đầu đời, trẻ cần được bú vài giờ 1 lần (bao gồm cả ban ngày và ban đêm), tần suất trẻ bú đêm thường giảm dần khi trẻ lớn, thời gian này có thể khác nhau với mỗi đứa trẻ nhưng thường là 6 tháng. Bé bỏ bú đêm và giấc ngủ có thể kéo dài suốt 8 tiếng mà không cần thức dậy để ăn.
Cho con bú vào ban đêm là một điều cần thiết giúp duy trì nguồn sữa mẹ cũng như đảm bảo trẻ nhận được đủ lượng sữa cần thiết để tăng trưởng và phát triển.
Trẻ sơ sinh rất cần bổ sung dưỡng chất theo nhu cầu của con, do dạ dày còn nhỏ, hệ tiêu hóa chưa thực sự hoàn thiện, do đó, trẻ sơ sinh cần được chia nhỏ các bữa ăn, phân bổ đều trong ngày để con không bị đói và hấp thu dễ dàng hơn.
Một số lưu ý khi cho trẻ bú đêm:
- Khi cho con bú, mẹ cần đặt con đúng tư thế để tránh tình trạng sặc sữa.
- Đối với trẻ bú sữa công thức, mẹ cần chuẩn bị dụng cụ pha sữa, hâm sữa,... trước khi đi ngủ để đến lúc con tỉnh dậy có sữa luôn để con ăn.
- Không nên để đèn trong khi ngủ vì trẻ khó phân biệt được ngày và đêm.
- Để trẻ ngủ gần mẹ để dễ dàng kiểm soát tình trạng khi ngủ của con.
2 Số lần trẻ bú trong một đêm
Đối với giai đoạn sơ sinh, là lúc trẻ cần thời gian để làm quen với một môi trường hoàn toàn mới, số giờ ngủ của trẻ thường dài hơn (khoảng 10 tiếng vào ban đêm) do đó, mẹ không nên đánh thức con dậy giữa đêm mà chỉ cho con bú khi con tỉnh dậy và quấy khóc.
Khi trẻ được 2-3 tháng tuổi, trẻ cần được bú 8 cữ sữa trong một ngày, chia đều. Do đó, trong một đêm khoảng 7-8 tiếng, mẹ cần thức dậy để cho con bú 1-2 lần.
Mỗi cữ bú, mẹ nên cho con bú hết 1 bên bầu ngực để trẻ nhận được đủ dưỡng chất, do sữa mẹ ở đầu cữ bú và cuối cữ bú có tính chất và hàm lượng dinh dưỡng khác nhau.
Nếu trẻ chưa no, có thể cho con bú tiếp bên ngực còn lại.
Trẻ từ 2-3 tháng thường khóc đòi bú khi trẻ đói, nếu thấy đến 4 tiếng mà con vẫn chưa đòi bú thì mẹ cần đánh thức con để cho con bú.
Đối với trẻ sinh non hoặc trẻ thiếu cân, trong trường hợp bé ngủ nhiều hơn 5 tiếng thì mẹ cần đánh thức bé dậy để cho con bú đúng lịch trình, đảm bảo con nhận được đủ những dưỡng chất cần thiết, không bị đói đêm.
3 Lợi ích của việc cho con bú sữa vào ban đêm
Vào buổi tối, nồng độ prolactin (loại hormon giúp hỗ trợ sản xuất sữa) ở mức cao nhất, do đó việc cho trẻ bú đêm có tác dụng tăng cường nguồn sữa cho trẻ. Bên cạnh đó, sữa mẹ được sản xuất vào ban đêm cũng chứa nhiều axit amin tryptophan, từ đó kích thích cơ thể của con sản sinh melatonin, giúp trẻ ngủ ngon hơn.
3.1 Giúp trẻ phát triển toàn diện
Sữa non được cơ thể mẹ tiết ra trong những giờ đầu tiên và kéo dài cho đến hết tuần đầu sau khi sinh. Sữa non chứa nhiều kháng thể, chất chống vi trùng,... do đó, việc cho trẻ bú sớm sau sinh, bú đều đặn trong vòng 6-9 tháng đầu có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như sởi, ho gà, trẻ cũng ít bị viêm đường hô hấp và tiêu chảy. [1]
Sữa mẹ là thức ăn quan trọng và hoàn chỉnh nhất đối với trẻ, do trong sữa mẹ có chứa đầy đủ dưỡng chất, đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của con mà không cần bất kỳ một loại thức ăn nào khác.
Sữa mẹ đảm bảo độ vô trùng, có nhiệt độ thích hợp do đó có thể cho con bú trực tiếp. Một số lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn (bao gồm cả ngày và đêm) trong 6 tháng đầu đời:
- Sữa mẹ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Chứa nhiều chất có tác dụng kháng khuẩn.
- Giảm nguy cơ béo phì.
- Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, giảm tần suất hoặc mức độ của bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp dưới.
3.2 Giúp mẹ ngủ sâu giấc hơn
Cho con bú cũng kích thích tạo ra hormon oxytocin giúp mẹ giảm căng thẳng, tăng cường sự gắn kết giữa mẹ và con.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, các bà mẹ cho con bú hoàn toàn được ngủ nhiều giấc hơn so với việc cho con bú hỗn hợp giữa sữa mẹ và sữa công thức hoặc cho con sử dụng sữa công thức hoàn toàn.
3.3 Kiểm soát sinh sản
Việc cho trẻ bú hoàn toàn ảnh hưởng đến việc giải phóng các hormon khác của tuyến yên, bao gồm hormone giải phóng gonadotropin (GnRH), hormone kích thích nang trứng và hormone luteinizing, dẫn đến ức chế rụng trứng và kinh nguyệt. Vì vậy, cho con bú thường xuyên có thể giúp trì hoãn việc mang thai. [2]
3.4 Kích thích sản sinh sữa mới
Sữa mẹ hoạt động dựa trên cơ sở cung và cầu: Trẻ bú mẹ càng nhiều thì mẹ càng tăng tiết sữa.
Khi trẻ bú, nồng độ prolactin trong máu tăng lên và kích thích phế nang sản xuất sữa. Nồng độ prolactin cao nhất khoảng 30 phút sau khi bắt đầu cữ bú, do đó tác dụng quan trọng nhất của nó là tạo sữa cho cữ bú tiếp theo. Trong vài tuần đầu tiên, trẻ càng bú nhiều và kích thích núm vú thì càng tiết ra nhiều prolactin và tạo ra nhiều sữa hơn. Prolactin được sản xuất nhiều vào ban đêm, do đó, việc cho con bú cũ đêm giúp mẹ duy trì nguồn sữa dồi dào. Prolactin cũng có thể khiến mẹ cảm thấy thư giãn và buồn ngủ nên mẹ thường ngủ ngon ngay cả khi cho con bú vào ban đêm.
Việc trẻ bú mẹ vào ban đêm giúp mẹ làm giảm tình trạng căng tức sữa, có thể dẫn đến tắc tia sữa và viêm tuyến vú.
3.5 Trẻ bú đêm có tăng cân không?
Lượng hormone cortisol trong sữa mẹ vào buổi sáng cao gấp 3 lần so với buổi tối. Cortisol là hormone được giải phóng khi căng thẳng và giúp cơ thể tỉnh táo. Trẻ sơ sinh không sản xuất được hormone cortisol cho đến khi con được khoảng 8 tuần tuổi.
Melatonin đạt đỉnh điểm vào buổi tối. Melatonin khiến bé buồn ngủ hơn. Nồng độ hormon này tăng lên vào buổi tối do đó, trẻ bú sữa mẹ vào ban đêm giúp con ngủ sâu giấc hơn.
Adenosine, guanosine và uridine là ba nucleotide trong sữa mẹ cao nhất trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, giúp bé thư giãn và chìm vào giấc ngủ.
Vào buổi sáng, lượng kháng thể và bạch cầu trong sữa mẹ có nồng độ cao nhất. Bên cạnh đó, sữa vào buổi sáng chứa nhiều Magie, Kẽm, Kali và natri hơn, trong khi sữa buổi tối có hàm lượng Vitamin E cao hơn.
Việc cho trẻ bú đêm không có khẳng định nào sẽ giúp con tăng cân, tuy nhiên, cho trẻ bú đúng cữ nhằm đáp ứng nhu cầu của con, giúp con ngủ ngon hơn cũng như phát triển toàn diện hơn.
4 Bé 4-5 tháng tuổi bỏ bú đêm có sao không?
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi: Khuyến cáo cho con bú mẹ hoàn toàn (bao gồm cả ban ngày và ban đêm). Việc trẻ bỏ bú đêm có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Đối với trẻ đủ 6 tháng đã bước vào giai đoạn ăn dặm: Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ, giai đoạn này, trẻ có thể bỏ bú đêm là điều hoàn toàn bình thường, mẹ không cần quá lo lắng do sữa mẹ và các bữa ăn dặm đã đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ.
5 Dấu hiệu trẻ bỏ bú đêm
Mỗi trẻ sẽ có những dấu hiệu khác nhau mà mẹ cần theo dõi, thông thường, khi trẻ được 4-6 tháng tuổi, hầu hết trẻ sẽ nhận được đủ lượng calo để duy trì hoạt động trong 5-6 tiếng vào ban đêm.
Các cữ bú đêm cần được duy trì cho đến khi trẻ 6 tháng tuổi để đảm bảo con nhận được đủ lượng dưỡng chất cần thiết, sau 6 tháng, nếu trẻ ngủ mà không thức dậy giữa đêm, mẹ có thể không cần cho con bú đêm nhưng vẫn phải cho trẻ ăn trước khi đi ngủ. Cần lưu ý rằng, mỗi trẻ sẽ có những nhu cầu khác nhau, do đó, sau 6 tháng, mẹ vẫn có thể cho con bú nếu con đói.
Mẹ không cần quá lo lắng về việc trẻ bỏ bú đêm, một số trẻ mặc dù không đói nhưng vẫn thức dậy vào ban đêm do thói quen. Mẹ có thể tham khảo một số dấu hiệu trẻ bỏ bú đêm dưới đây:
- Trẻ ngủ mà không tỉnh giấc vào ban đêm hoặc có tỉnh giấc nhưng không đòi bú.
- Khi mẹ cho bé ngậm vào bầu ngực mà trẻ cũng không có nhu cầu.
6 Nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú đêm
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú đêm, nếu như trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ cần tìm hiểu và có biện pháp can thiệp để con có thể nhận đủ được lượng dưỡng chất hàng ngày. Trẻ 2 tháng tuổi bỏ bú đêm có thể do một số nguyên nhân dưới đây:
6.1 Trẻ bị bệnh
Trẻ bị ống, viêm amidan, ngạt mũi hoặc bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào cũng có thể khiến con bỏ bú đêm. Mẹ cần theo dõi con liên tục để xác định nguyên nhân.
6.2 Trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ
Một số trẻ từ chối bú cả ban ngày và ban đêm do không nhận được nhiều sữa, nguồn sữa của mẹ giảm, mẹ bị tắc tia sữa, bú sai tư thế... Lúc này, việc bú mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ, trẻ bị tỉnh giấc nhiều lần và quấy khóc, nhưng khi cho con bú thì con lại bú rất ít hoặc không chịu bú.
6.3 Mẹ không tạo thói quen bú đêm cho con
Một số bà mẹ quá bận rộn dẫn đến trẻ không được bú đều đặn và thường xuyên, lâu dần khiến con mất thói quen bú đêm.
6.4 Sữa mẹ bị thay đổi về mùi vị
Đây là nguyên nhân mà ít được mẹ chú ý. Mẹ cần hạn chế bổ sung các loại thực phẩm có mùi quá tanh hoặc quá nồng, việc sử dụng kháng sinh ở bà mẹ cho con bú cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Tâm lý cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiết sữa và chất lượng sữa mẹ. Do đó, mẹ cần chú ý vệ sinh bầu ngực thường xuyên, vắt hết sữa còn lại trong bầu ngực nếu con không bú hết, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ để có nguồn sữa tốt nhất cho con.
6.5 Nguyên nhân sinh lý
Những thay đổi nhỏ về thể chất và tâm lý cũng có thể khiến con bỏ bú, đặc điểm là thời điểm con mọc răng gây đau nhức, khó chịu.
6.6 Hệ tiêu hóa có vấn đề
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non nớt, chưa được hoàn thiện, do đó dễ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng, đặc biệt là những trẻ không được vỗ ợ hơi giữa các cữ bú.
Trẻ gặp vấn đề về đường tiêu hóa có xu hướng xì hơi, quấy khóc, bỏ bú, nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể gây ra tình trạng chậm phát triển.
6.7 Do trẻ không đói
Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể bắt đầu ăn dặm (ăn bổ sung), do đó, việc trẻ ăn dặm và bú sữa mẹ vào buổi sáng đã đủ cung cấp năng lượng cho con nên nhiều trẻ thường bỏ bú đêm.
7 Khi nào nên tập cho trẻ bỏ bú đêm?
Trẻ 9 tháng tuổi có cần bú đêm không? Trẻ càng lớn nhu cầu bú của sẽ cũng sẽ giảm đi một cách tự nhiên do dạ dày của con đã có thể chứa được nhiều sữa hơn.
Ngoài ra, do một vài nguyên nhân như tính chất công việc, sức khỏe của mẹ,... mà một số mẹ lựa chọn cách cho con bỏ bú đêm. Vậy thời điểm nào để trẻ bỏ bú đêm là hợp lý?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời (bao gồm cả ban ngày và ban đêm) để con có điều kiện phát triển tốt nhất.
Việc quyết định cho trẻ ngừng bú đêm được thực hiện khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể ăn dặm tốt.
Trẻ bắt đầu mọc răng. Lượng đường trong sữa có thể ảnh hưởng đến răng của trẻ, do đó sau khi ăn cữ tối, cha mẹ nên vệ sinh răng miệng cho con, tạo thói quen tốt giúp bảo vệ men răng, phòng ngừa sâu răng.
Số lần thức giấc giữa đêm để đòi bú của trẻ giảm dần.
Ngoài yếu tố độ tuổi, việc quyết định cai sữa đêm cho con còn phụ thuộc vào yếu tố sức khỏe của trẻ đặc biệt là những trẻ sơ sinh thiếu tháng thường có nhu cầu bú sữa mẹ cao hơn những trẻ khác.
Một số trẻ tỉnh dậy vào ban đêm theo thói quen nhưng lại không có nhu cầu bú mẹ, lúc này mẹ có thể tiến hành cai sữa ban đêm cho con.
Để tốt nhất, mẹ nên cho con ăn một cữ sữa ngay trước khi con ngủ để con vẫn được cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng.
8 Cách bỏ cữ sữa đêm cho bé
Khác với người lớn, trẻ sơ sinh có dung tích dạ dày nhỏ, thức ăn của trẻ là sữa mẹ ít có độ đậm đặc, do đó, trẻ cần ăn nhiều bữa một ngày để đáp ứng đủ nhu cầu. Việc bỏ bú đêm cho bé cần được thực hiện đúng thời điểm, không nên cai sữa đêm cho con quá sớm hoặc quá muộn. Dưới đây là một số lưu ý khi tiến hành bỏ cữ sữa đêm cho bé:
- Cai sữa đêm cho trẻ cần cả một quá trình, nhất là những người lần đầu làm cha mẹ do chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc cai sữa đêm cho con cần có sự hợp tác của tất cả các thành viên trong gia đình, do đó, mẹ cần vững tâm lý và kiên trì nhé.
- Việc cai sữa cho trẻ cần dựa trên nhu cầu của con, tình trạng sức khỏe hoặc khuyến cáo của chuyên gia nếu cần thiết.
- Không cai sữa cho con ngay lập tức mà cần có lộ trình để con được thích nghi.
- Luyện tập cho con thói quen sinh hoạt khoa học.
- Khi quyết định bỏ cữ sữa đêm cho trẻ, mẹ cần phải xây dựng được chế độ dinh dưỡng bù đắp cho con vào ban ngày bằng cách tăng tần suất bú, cho bé ăn dặm, sử dụng sữa công thức,...
8.1 Cho trẻ bú no vào ban ngày
Để bỏ cữ sữa đêm cho trẻ, mẹ có thể tăng tần suất cho con bú vào ban ngày, mỗi cữ sữa nên cách nhau khoảng 3 giờ. Ngoài ra, mẹ nên cho con ăn thêm một cữ sữa ngay trước khi con đi ngủ để con không bị đói giữa đêm.
8.2 Cai sữa cho con từ từ
Không nên ngừng cho con bú đêm đột ngột vì có thể khiến con khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ. Thay vào đó, mẹ nên kéo dài khoảng thời gian giữa mỗi lần bú, giảm tần suất bú đêm một cách từ từ. Mẹ có thể dỗ dành khi con bị thức giấc giữa đêm, trong trường hợp trẻ khó vào giấc trở lại, quấy khóc liên tục, mẹ có thể cho con bú trở lại nhưng sau đó cần cố gắng cai sữa cho con.
8.3 Cho con ngủ xa mẹ
Tăng khoảng cách giữa mẹ và bé vào ban đêm giúp trẻ không còn ngửi thấy mùi sữa, trẻ dễ đi vào giấc ngủ mà không quấy đòi mẹ.
8.4 Tăng cường cho bé hoạt động vào ban ngày
Tích cực cho trẻ nô đùa, gần gũi với mẹ vào ban ngày để con có nhiều thời gian ngủ vào buổi tối.
8.5 Cho con ngậm núm ti giả
Đôi khi, trẻ thức giấc giữa đêm do thói quen chứ không phải vì đói. Do đó, khi con tỉnh giấc vào ban đêm và quấy khóc, mẹ có thể sử dụng núm ti giả để con dễ ngủ, hạn chế tình trạng quấy khóc.
9 Kết luận
Trẻ dưới 6 tháng tuổi được khuyến cáo bú sữa mẹ hoàn toàn, việc cho trẻ bú vào ban đêm giúp mẹ duy trì được nguồn sữa ổn định cũng như giúp con ngủ ngon hơn. Việc quyết định cho con cai bú đêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mẹ có thể tiến hành cai sữa cho con khi cần thiết nhưng phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của con.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Mario Daniel Caba-Flores và cộng sự (Ngày đăng 12 tháng 5 năm 2022). Breast Milk and the Importance of Chrononutrition, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024
- ^ World Health Organization (Ngày đăng năm 2009). Infant and Young Child Feeding, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024