Trẻ bị dính thắng môi trên có sao không? Biểu hiện của dính thắng môi trên
Trungtamthuoc.com - Dính thắng môi trên là một trong những dị tật bẩm sinh xảy ra tương đối phổ biến ở trẻ. Mặc dù đây nó không gây ra những triệu chứng đáng lo ngại, tuy nhiên nó có thể khiến cho bé cảm thấy khó chịu và gây ra nhiều bất tiện trong việc sinh hoạt hàng ngày. Vậy dính thắng môi ở trẻ có đặc điểm như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1 Dính thắng môi trên ở trẻ là gì?
Dính thắng môi là thuật ngữ chỉ nếp gấp niêm mạc bám ngay sau môi trên với vị trí bám bất thường (nó không bám lên niêm mạc mà lại bám vào phần niêm mạc lợi giữa hai răng cửa). Đây là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý, từ đó có những can thiệp kịp thời.
2 Hình ảnh dính thắng môi và môi bình thường
Để biết được bé nhà mình có bị dính thắng môi hay không, mẹ cần biết được đặc điểm của dính thắng môi. Sau đây là hình ảnh phân biệt tình trạng trẻ dính thắng môi và trẻ không bị dính thắng môi.
3 Các mức độ dính thắng môi trên
Có bốn mức độ dính thắng môi trên như sau:
Mức độ | Biểu hiện |
Mức độ 1 | Tình trạng thắng môi bám chặt vào giữa niêm mạc lợi và miệng |
Mức độ 2 | Tình trạng thắng môi bám vào vùng lợi |
Mức độ 3 | Tình trạng khi môi trên của trẻ kết dính hoặc bám vào phần nhú của lợi. |
Mức độ 4 | Thắng môi vượt quá mức so với phần trên của răng, kết dính chặt với niêm mạc lợi. |
4 Nguyên nhân gây ra tình trạng dính thắng môi trên
Mặc dù hiện nay nguyên nhân gây ra tình trạng dính thắng môi trên ở trẻ chưa được biết rõ nhưng có một số yếu tố có thể gây ra tình trạng này như:
- Hội chứng Ellis-van Creveld
- Hội chứng Ehlers-Danlos
- Hội chứng Oro-facial-digital
Đây là các hội chứng liên quan đến rối loạn di truyền với các triệu chứng liên quan đến răng miệng.
5 Biểu hiện của dính thắng môi
Khi bị dính thắng môi trên, trẻ thường có một số biểu hiện tương đối rõ ràng mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận ra như sau:
- Thắng môi trên bị đau và sưng: Khi dính thắng môi trên thì bộ phận này sẽ bị co kéo và hoạt động bất thường, do đó nó sẽ dễ bị đau và sưng tấy, nặng có thể bị viêm nhiễm.
- Phần niêm mạc môi trên có sự bất thường: Niêm mạc môi trên dính chặt với niêm mạc lợi, có thể tạo kẽ hở ở phần răng cửa của bé, làm tách hai răng cửa.
- Trẻ bú ít hoặc quấy khóc khi bú: Trẻ có thể từ chối bú mẹ hoặc thể hiện sự không thoải mái khi bú, có thể do sự kết dính của niêm mạc môi trên gây đau rát hoặc khó chịu khi đang bú.
- Trẻ có xu hướng thích bú bình hơn: Khi bị phanh môi, việc bú mẹ sẽ làm trẻ cảm thấy khó chịu vì phần môi trên tiếp xúc với bầu ngực của mẹ khiến môi bé bị đau rát. Do đó việc bú bình sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
- Khó khăn khi nói chuyện: Khi bị dính thắng môi trên, trẻ sẽ thấy khó khăn khi mở miệng và chuyển động lưỡi. Do đó việc nói chuyện sẽ khó khăn hơn bình thường.
6 Trẻ sơ sinh bị dính thắng môi trên có sao không?
Dính thắng môi ở mức độ nhẹ không phải là một vấn đề quá đáng lo, nó không gây ra các triệu chứng nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên khi trẻ bị dính thắng môi, trẻ sẽ có thể gặp một số ảnh hưởng và bất tiện trong cuộc sống.
6.1 Trẻ dễ bị sâu răng
Dính thắng môi trên có thể dẫn đến việc lợi của bé bị co kéo do dải niêm mạc nối môi và lợi siết chặt lại. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thức ăn mắc vào giữa chân răng, tạo ra các mảng bám. Điều này có thể gây ra sự hình thành của các mảng bám, làm tăng nguy cơ răng sữa bị sâu, viêm nướu và các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe nướu và răng miệng.
6.2 Trẻ chậm tăng cân
Khi trẻ sơ sinh bị dính thắng môi trên, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu trong việc bú mẹ, trẻ sẽ có xu hướng lười bú sữa hoặc bú ít. Khi đó, lượng sữa nạp vào cho bé không đủ có thể dẫn đến trẻ bị còi cọc, chậm lớn.
6.3 Trẻ gặp khó khăn trong việc di chuyển lưỡi
Môi và lưỡi là những bộ phận có liên quan với nhau. Khi bị phanh môi, trẻ gặp khó khăn trong việc mở miệng và di chuyển lưỡi. Việc đưa lưỡi ra phía trước là rất hạn chế. Ngoài ra, khi di chuyển lưỡi gặp khó khăn, trẻ cũng có thể gặp môt vài vấn đề khác về giao tiếp như khó nói, nói ngọng,...
6.4 Ảnh hưởng đến mẹ
Tình trạng này ngoài ảnh hưởng đến bé cũng có thể ảnh hưởng một phần đến mẹ, có thể khiến núm vú của mẹ bị đau, nứt nẻ, thậm chí có thể gây viêm nhiễm ở vùng vú.
7 Dính thắng môi trên có tự hết không?
Tình trạng dính thắng môi trên ở trẻ sơ sinh có thể tự hết đối với các trường hợp ở mức độ nhẹ, do khi trẻ thay hàm răng trên vĩnh viễn, khe thưa giữa hai răng cửa có thể khép lại được tự nhiên hoặc can thiệp chỉnh nha nếu khe thưa không khép lại được. Nếu sau khi can thiệp chỉnh nha mà khe thưa của bé vẫn không khép lại thì lúc này trẻ phải cần đến phẫu thuật.
8 Cách điều trị dính thắng môi trên
Việc điều trị dính thắng môi sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh lý của trẻ. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Hiện nay có hai phương pháp điều trị dính thắng môi là phẫu thuật và sử dụng tia laser.
8.1 Phẫu thuật tiểu phẫu
Phẫu thuật tiểu phẫu là một trong những phương pháp phổ biến được lựa chọn để điều trị tình trạng dính thắng môi ở trẻ sơ sinh.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện gây tê tại chỗ, sau đó sử dụng dao mổ chuyên dụng để cắt phần niêm mạc môi bị dính. Sau khoảng 7-10 ngày, khi vết thương đã lành, bác sĩ tiếp tục thực hiện việc nắn chỉnh răng.
Ưu điểm
Giá thành hợp lý
Dụng cụ thực hiện phẫu thuật dễ dàng
Nhược điểm
Khi cắt phanh môi bằng dao sẽ gây chảy máu, không phù hợp với các bé mắc các vấn đề về tim mạch và máu.
Sau phẫu thuật, bố mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, ưu tiên lựa chọn thức ăn lỏng và mềm, đồng thời duy trì vệ sinh răng miệng cho bé một cách nhẹ nhàng. Nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường như sốt, chảy máu, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác, bố mẹ nên ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Việc theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật là quan trọng để đảm bảo sự phục hồi của trẻ diễn ra một cách an toàn và hiệu quả.
8.2 Phẫu thuật bằng tia laser
Phẫu thuật cắt phanh môi bằng laser Diode là một kỹ thuật sử dụng laser bán dẫn để cắt phanh môi, nhằm loại bỏ tình trạng phanh môi bám ở vị trí không đúng. Phương pháp này có thể giúp loại bỏ tình trạng phanh môi không đúng vị trí, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tự nhiên của răng cửa giữa, và cải thiện tổ chức vùng quanh răng.
Cách bước phẫu thuật cắt phanh môi bằng laser như sau:
Đầu tiên bác sĩ sẽ sát khuẩn và gây tê ở hai bên phanh môi cho bé.
Sau đó dùng mức năng lượng khoảng 0.8-1.4 watts để cắt đứt mô sợi chỗ bám rồi dùng bông có tẩm Hydrogen peroxide 3V để lấy đi mô vụn còn sót.
Ưu điểm
Phương pháp không gây đau, không chảy máu
Thời gian hồi phục tương đối nhanh
Nhược điểm
Giá thành tương đối cao.
Có thể gây bỏng cho trẻ.
9 Cách chăm sóc trẻ khi trẻ bị dính thắng môi trên
Cho bé bú nhiều hơn trong ngày: Khi bị dính thắng môi, bé sẽ lười bú, bú ít. Do đó mẹ cần cho bé bú với tần suất nhiều hơn trong ngày, khoảng 1-2 giờ/lần để bổ sung đủ lượng sữa cho bé.
Cho trẻ bú mẹ kết hợp với bú sữa bình: Trẻ bị dính thắng môi sẽ khiến bé khó chịu khi bú mẹ do đó để bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh mẹ nên cho bé bú sữa bình bằng cách vắt sữa vào bình cho bé bú hoặc sử dụng sữa công thức.
Vệ sinh răng miệng cho trẻ sau khi bú: Vệ sinh miệng của trẻ là quan trọng để ngăn ngừa việc bám mảng bám và duy trì sức khỏe nướu. Bố mẹ nên sử dụng khăn ướt để làm sạch nhẹ nhàng mỗi khi trẻ ăn xong. Nếu không duy trì vệ sinh sạch sẽ và kỹ lưỡng trong việc chăm sóc miệng cho trẻ, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe miệng như nấm miệng, nấm lưỡi, viêm nướu và sâu răng.
10 Một số câu hỏi liên quan đến dính thắng môi ở trẻ
10.1 Dính thắng môi trên có tự hết không?
Tình trạng dính thắng môi trên ở trẻ sơ sinh có thể tự hết đối với các trường hợp ở mức độ nhẹ, do khi trẻ thay hàm răng trên vĩnh viễn, khe thưa giữa hai răng cửa có thể khép lại được tự nhiên hoặc can thiệp chỉnh nha nếu khe thưa không khép lại được. Nếu sau khi can thiệp chỉnh nha mà khe thưa của bé vẫn không khép lại thì lúc này trẻ phải cần đến phẫu thuật.
10.2 Tôi có thể cho con thực hiện phẫu thuật cắt phanh môi ở bệnh viện nào?
Hiện nay tại Việt Nam, phụ huynh có thể cho bé thực hiện phẫu thuật cắt phanh môi bám thấp tại một số bệnh viện lớn uy tín ví dụ như:
Miền Bắc: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Miền Trung: Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng
Miền Nam: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn.
10.3 Chi phí cắt thắng môi trên là bao nhiêu?
Chi phí phẫu thuật cắt thắng môi trên bằng dao thường khoảng 2 triệu đồng, còn phẫu thuật cắt thắng môi trên bằng laser khoảng 3-3.5 triệu đồng.