1. Trang chủ
  2. Hô Hấp
  3. Tràn khí màng phổi: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Tràn khí màng phổi: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Tràn khí màng phổi: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Tràn khí màng phổi là một bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí bệnh qua bài viết sau!

1 Tràn khí màng phổi là gì?

Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí từ một hoặc cả hai lá phổi bị thoát vào khoang màng phổi và tích tụ khiến phổi bị xẹp thụ động.

Thuật ngữ này được Itard đặt ra lần đầu vào năm 1803 và được Laennec sử dụng để đề cập đến tình trạng không khí ở trong khoang màng phổi vào năm 1819. Ở thời điểm đó, những người gặp phải tình trạng tràn khí màng phổi hầu hết là thứ phát do bệnh lao. Tuy nhiên, một số người khỏe mạnh cũng gặp phải tình trạng này.

Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi được phân loại thành:

  • Tràn khí màng phổi nguyên phát: những người hay mắc là nam giới trẻ tuổi, tạng người cao gầy. Cơ chế là do vỡ bóng khí trên bề mặt phổi.
  • Tràn khí màng phổi thứ phát: gặp ở những người có bệnh lý phổi nền.[1]

2 Nguyên nhân gây tràn khí màng phổi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi như:

  • Bệnh nhân có bệnh lý phổi nền: hen phế quản, ung thư phổi, lao phổi,...
  • Do tai biến trong điều trị: thường gặp nhất là do đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, cũng có thể là do sinh thiết màng phổi, chọc hút dịch màng phổi bằng kim nhỏ,...
  • Bệnh nhân chấn thương ngực, gãy xương sườn chọc thủng phổi.
  • Hút thuốc lá quá nhiều cũng có nguy cơ cao dẫn đến tràn khí màng phổi.

Ở Việt Nam, tình trạng tràn khí màng phổi chủ yếu có nguyên nhân là do lao phổi.[2]

3 Chẩn đoán tràn khí màng phổi

3.1 Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng điển hình là đau ngực dữ dội như dao đâm và khó thở. Những cơn ho dữ dội khiến tình trạng đau càng nghiêm trọng hơn.

Một số triệu chứng khác mà bệnh nhân có thể gặp là tái xanh, vã mồ hôi, tụt huyết áp, tay chân lạnh, mạch nhanh,...

Các dấu hiệu vật lý đặc trưng là: rì rào phế nang giảm, ngực gõ vang, di động lồng ngực giảm.

Khi đo khí máu động mạch thường có giảm PaO2 và PaCO2.

Triệu chứng điển hình là đau ngực dữ dội
Triệu chứng điển hình là đau ngực dữ dội

3.2 Triệu chứng cận lâm sàng

3.2.1 Chụp X-quang ngực thẳng

Đây là tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh ban đầu với các dấu hiệu:

  • Không thấy nhu mô giữa thành ngực và nhu mô phổi.
  • Mõm cụt phổi co về rốn phổi.
  • Khoang liên sườn giãn rộng, lồng ngực giãn to, cơ hoành bị đẩy xuống thấp.
  • Trung thất bị đẩy lệch sang bên đối diện nếu tràn khí áp lực dương.

Dựa vào X-quang ngực thẳng, người ta chia bệnh làm 3 mức độ:

  • Tràn khí màng phổi lượng ít: lượng khí vào trong khoang màng phổi <20% dung tích của 1 bên phổi.
  • Tràn khí màng phổi lượng vừa: lượng khí mất vào trong khoang màng phổi từ 20-40% dung tích của 1 bên phổi.
  • Tràn khí màng phổi lượng nhiều: lượng khí mất vào trong khoang màng phổi >40%.

3.2.2 Chụp X-quang bên

Sử dụng để bổ sung thông tin khi có nghi ngờ. Tuy nhiên ngày nay rất ít sử dụng.

3.2.3 Chụp CT

Cách này có thể coi là cách cho kết quả chính xác nhất trong việc phát hiện các tràn khí màng phổi nhỏ và ước lượng kích thước. Chụp CT giúp xác định được thương tổn ở vùng tràn khí và nguyên nhân, tuy nhiên không phải lúc nào cũng xác định được.

Hình ảnh X-quang
Hình ảnh X-quang

3.3 Các thể lâm sàng

Tràn khí màng phổi toàn bộ.

Tràn khí màng phổi khu trú.

Tràn khí màng phổi có van.

Tràn khí màng phổi cả 2 bên.

Tràn khí màng phổi do bệnh nhân có suy hô hấp mạn.

Tràn khí màng phổi thể im lặng.

3.4 Chẩn đoán

Với những trường hợp tràn khí màng phổi hoàn toàn với triệu chứng rầm rộ như đau xóc ngực đột ngột, suy hô hấp cấp, có thể kèm choáng,... rất dễ xác định.

Chẩn đoán chính dựa vào kết quả chụp X-quang.

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh khá khó khăn. Phải dựa vào tiền sử bệnh và triệu chứng và xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính gây ra bệnh này.

Cần lưu ý phân biệt tràn khí màng phổi với các bệnh lý khác như thủng phổi, kén phổi, hang phổi,...

4 Biến chứng của tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi sẽ gây ra các biến chứng như:

  • Tràn máu, tràn dịch màng phổi.
  • Nhiễm trùng mủ màng phổi.
  • Suy tim phải cấp.
  • Suy hô hấp cấp.
  • Dày dính màng phổi.
  • Tràn khí màng phổi mạn hoặc tái phát sau nhiều năm.

5 Điều trị tràn khí màng phổi

5.1 Điều trị hỗ trợ

Để bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, cho nằm tư thế fowler nếu bệnh nhân có bị suy hô hấp cấp.

Tránh để bệnh nhân bị xúc động mạnh, lo âu. Có thể dùng thuốc an thần như Seduxen hoặc Diazepam nếu cần thiết.

Cho bệnh nhân ăn đồ dễ tiêu, cấm bệnh nhân hút thuốc.

5.2 Điều trị chung

Nếu bệnh nhân đau nhiều có thể cho dùng Paracetamol 500mg x 3-4 viên/ngày.

Giảm ho cho bệnh nhân bằng Paxeladin 3 viên/ngày.

Cho bệnh nhân thở oxy qua sonde mũi liều trung bình 2-3l/phút nếu có suy hô hấp nếu được chỉ định.

Sử dụng kháng sinh để tránh bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập.

Điều trị theo nguyên nhân gây ra tình trạng tràn khí màng phổi (thông thường là do bệnh lao). Nếu nguyên nhân do phổi bị chấn thương thì phải áp dụng điều trị bằng các biện pháp ngoại khoa.

5.3 Xử trí tràn khí màng phổi nguyên phát

Với những bệnh nhân tràn khí màng phổi nhỏ thì chỉ cần theo dõi tại nhà, nhưng cần tái khám ngay khi thấy khó thở nặng hơn.

Với các bệnh nhân tràn khí màng phổi lớn không có triệu chứng cũng được theo dõi đơn thuần.

Với các bệnh nhân tràn khí màng phổi có khó thở cần phải can thiệp tích cực bằng cách hút hoặc đặt ống dẫn lưu ngực.

Hút bằng kim giúp dẫn lưu màng phổi có khẩu độ rộng.

Hút bằng kim không nên lặp lại.

Nếu việc hút bằng kim thất bại thì nên đặt ống dẫn lưu ngực khẩu độ nhỏ.

Nếu bệnh nhân tràn khí màng phổi nhỏ mà cảm thấy khó thở thì có thể là tràn khí màng phổi áp lực.

Điều trị bệnh bằng cách hút khí màng phổi
Điều trị bệnh bằng cách hút khí màng phổi

5.4 Xử trí tràn khí màng phổi thứ phát

Các bệnh nhân rơi vào trường hợp này cần nhập viện ít nhất trong 24 giờ và thở oxy đúng theo hướng dẫn.

So với các bệnh nhân bị tràn khí màng phổi nguyên phát thì những bệnh nhân này có khả năng chịu đựng kém hơn do đó cần các biện pháp can thiệp tích cực hơn.

Việc hút khí thường ít đem lại hiệu quả trong việc điều trị cho các bệnh nhân tràn khí màng phổi thứ phát. Hầu hết bệnh nhân sẽ được chỉ định đặt ống dẫn lưu ngực có khẩu độ nhỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể được chỉ định sử dụng cách hút khí do chưa thể dẫn lưu.[3]

Việc đặt ống dẫn lưu cần tuân thủ nguyên tắc: kín, một chiều, triệt để và vô trùng.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Catherine L. McKnight, Bracken Burns(Ngày đăng: ngày 11 tháng 8 năm 2021). Pneumothorax, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Brian J Daley, MD(Ngày đăng: ngày 28 tháng 4 năm 2020). Pneumothorax, Medscape. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: chuyên gia y tế của Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 5 tháng 11 năm 2021). Collapsed Lung (Pneumothorax), Cleveland Clinic. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    Tràn khí màng phổi: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị 5/ 5 2
    5
    100%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
    • Tràn khí màng phổi: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
      TH
      Điểm đánh giá: 5/5

      bài viết hữu ích, cảm ơn các dược sĩ đã cung cấp thông tin này

      Trả lời Cảm ơn (0)
    • Tràn khí màng phổi: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
      HH
      Điểm đánh giá: 5/5

      Tràn khí màng phổi được phân loại thành mấy loại?

      Trả lời Cảm ơn (0)
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    hotline
    0868 552 633
    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633