1. Trang chủ
  2. Hô Hấp
  3. Tràn dịch màng phổi: Chẩn đoán và điều trị

Tràn dịch màng phổi: Chẩn đoán và điều trị

Tràn dịch màng phổi: Chẩn đoán và điều trị

Trungtamthuoc.com - Tràn dịch màng phổi nếu được điều trị đúng thì có tiến triển khá tốt. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh muộn hoặc điều trị không đúng thì cũng sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng như: viêm mủ màng phổi, tràn dịch kết hợp tràn khí, ổ cặn màng phổi,...

1 Tràn dịch màng phổi là gì?

Giữa phổi và thành ngực có một khoang ảo gọi là khoang màng phổi, bình thường khoang này sẽ chứa một lượng dịch vừa đủ để làm đệm giữa phổi và thành ngực. Khi lượng dịch này nhiều lên, vượt quá nhu cầu sinh lý của cơ thể sẽ dẫn đến tràn dịch màng phổi.

Tràn dịch màng phổi (TDMP) là 1 sự tích tụ dịch bất thường trong khoang màng phổi do lượng dịch được sản xuất ra nhiều hơn lượng dịch được hấp thu.

Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi

Mức độ tràn dịch màng phổi có thể phân loại như sau:

Lượng ít: < 1/3 phế trường.

Lượng trung bình: > 1/3 đến 2/3 phế trường.

Lượng nhiều: 2/3 phế trường.

2 Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

2.1 Nguyên nhân phổ biến nhất

Suy tim, xơ gan.

Phẫu thuật tim hở.

Viêm phổi, ung thư, tắc phổi.

Bệnh thận, ung thư, bệnh viêm.

2.2 Các nguyên nhân khác 

Bệnh lao, bệnh tự miễn.

Chảy máu do chấn thương, nhiễm trùng ngực và bụng.

Tràn dịch màng phổi do amiăng, hội chứng Meig.

Hội chứng quá kích buồng trứng.

Một số loại thuốc hóa xạ trị. [1]

​Tràn dịch màng phổi có thể lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng cho bệnh nhân, tuy nhiên cũng không có ít trường hợp ác tính, có thể tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí là dẫn đến tử vong.

3 Chẩn đoán tràn dịch màng phổi

- Bệnh nhân có thể có đau ngực sườn lưng, đau tăng lên khi hít thở sâu, ho khan khi thay đổi tư thế, khó thở xuất hiện và ngày một tăng khi lượng dịch nhiều.

- Khám lâm sàng xuất hiện hội chứng 3 giảm:

Gõ đục.

Rung thanh giảm.

Rì rào phế nang giảm.

- Hình ảnh phim X - quang phổi chuẩn: Tràn dịch màng phổi có màu trắng trên X-quang, trong khi không khí có màu đen. Việc chụp có thể xác định liệu chất lỏng có chảy tự do trong khoang màng phổi hay không. [2]

X-quang phổi chẩn đoán tràn dịch màng phổi
X-quang phổi chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi số lượng ít: Tù góc sườn hoành.

Tràn dịch màng phổi trung bình: Đám mờ đậm, đồng đều, ở 1/3 dưới phế trường.

Tràn dịch màng phổi nhiều: Mờ đều quá nửa phổi, đồng thời đẩy tim sang bên đối diện.

- Trong trường hợp TDMP khu trú, ngoài thăm khám lâm sàng, phim X-quang, bác sĩ cần kết hợp với hình ảnh siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để xác định chính xác vị trí tràn dịch để xử trí hiệu quả.

- Chọc dò màng phổi có dịch: Đây chính là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh. Chọc dò để quan sát màu sắc dịch và làm các xét nghiệm giúp xác định đúng nguyên nhân, từ đó giúp đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Lưu ý: bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch màng phổi dịch tiết khi có ít nhất một tiêu chuẩn phù hợp với dịch tiết.

4 Điều trị tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi cần được phát hiện càng sớm càng tốt và có biện pháp điều trị kịp thời để hạn chế các biến chứng nguy hiểm và đưa người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.

4.1 Điều trị nội khoa

-  Điều trị tràn dịch màng phổi dịch thấm:

Điều trị bệnh nguyên phát.

Trong trường hợp tràn dịch quá nhiều gây tình trạng khó thở, chọc tháo dịch màng phổi giúp cải thiện hô hấp.

-  Điều trị tràn dịch màng phổi do dịch tiết:  Điều trị triệu chứng. Tràn dịch màng phổi nhiều có suy hô hấp:

Cho bệnh nhân thở ôxy để hô hấp.

Chọc tháo dần lượng dịch trong khoang màng phổi, chia làm nhiều lần, mỗi lần không quá 1 lít.

Phục hồi chức năng hô hấp sớm và kéo dài.

- Tràn dịch màng phổi nhiều, tái phát nhanh do ung thư:

Sử dụng bột Talc, Povidon-iod... với mục đích gây dính màng phổi.

Không sử dụng biện pháp gây dính màng phổi nếu bị xẹp phổi, phổi không nở được hoàn toàn, hay có kèm theo tràn dịch màng ngoài tim.

Điều trị căn nguyên

4.1.1 Tràn dịch màng phổi do nhiễm khuẩn

- Chọc hút, dẫn lưu, kết hợp bơm rửa hàng ngày với dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%.

Chọc hút dịch màng phổi
Chọc hút dịch màng phổi

- Trong trường hợp bệnh nhân bị tràn mủ màng phổi có tính chất khu trú, đã vách hóa: Cần tiến hành mở màng phổi.

- Sử dụng kháng sinh: Với các trường hợp do nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh là lựa chọn đầu tay trong điều trị. Thời gian sử dụng kéo dài trong khoảng từ 4 - 6 tuần.

Trong các trường hợp có viêm, dùng ít nhất 2 kháng sinh, dùng liều cao theo đường tiêm tĩnh mạch.

Lúc đầu khi chưa có kháng sinh đồ nên dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, lựa chọn kháng sinh có phổ tác dụng trên vi khuẩn kỵ khí, phế cầu và các trực khuẩn Gram (-):

+ Amoxicilin - Aacid Clavulanic 3-6 g/ngày.

+ Hoặc Cephalosporin thế hệ 3: 3-6 g/ngày.

+ Dùng kết hợp với Gentamycin 3-5 mg/kg/ngày tiêm bắp 1 lần hoặc Amikacin 15 mg/kg/ngày tiêm bắp 1 lần.

Có thể sử dụng kháng sinh Penicilin liều cao với liều lượng 20-50 triệu đơn vị/ngày, liều dùng theo cân nặng. Nếu dị ứng với Penicilin thì thay thế bằng Clindamycin.

Tùy theo diễn biến lâm sàng của bệnh nhân và kết quả từ kháng sinh đồ, có thể chỉ định đổi thuốc cho bệnh nhân để đáp ứng điều trị.

4.1.2 Điều trị tràn dịch màng phổi do lao

Nguyên tắc:

- Chọc hút dịch màng phổi càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng chống dính màng phổi.

- Sử dụng các thuốc điều trị lao:

Liều dùng các thuốc chống lao: Streptomycin 15 mg/kg/ngày. Rifampicin 10 mg/kg/ ngày. INH 5 mg/kg/ngày.​

Pyrazinamid 25 mg/kg/ngày. Ethambutol 20 mg/kg/ngày.

Phác đồ chống lao: 2 HRZS (E)/4 RH.

Ngoài ra còn có một số phác đồ chống lao khác có thể áp dụng tùy theo tình trạng và đáp ứng lâm sàng của người bệnh.

Vitamine B6 25 mg/ngày dự phòng biến chứng thần kinh do tác dụng phụ của INH.

Kiểm tra mắt (thị lực, thị trường, sắc giác) trước khi điều trị và khi có bất thường trong quá trình điều trị. Kiểm tra chức năng gan, thận 2 lần trong tháng đầu tiên rồi mỗi tháng 1 lần cho đến khi kết thúc điều trị. Lưu ý kiểm tra lại chức năng gan, thận ngay khi có biểu hiện bất thường (vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, nôn, chán ăn,…).

Phát hiện các tác dụng phụ khác của thuốc (nhìn mờ, đau khớp, chóng mặt).

- Phục hồi chức năng: Điều tri phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân bằng các phương pháp như tập thở, thổi bóng, hay các động tác làm giãn nở lồng ngực.

4.1.3 Điều trị TDMP do các căn nguyên khác

Tuỳ theo căn nguyên mà có các phương pháp điều trị khác nhau:

- Tràn dưỡng chấp màng phổi: Kết hợp với các can thiệp ngoại khoa, bệnh nhân cần có chế độ ăn hạn chế lượng lipid trong khẩu phần ăn.

- Điều trị dự phòng dính màng phổi và vách hoá:

​Để phòng vách hóa và dính màng phổi, biện pháp tốt nhất để lựa chọn chính là chọc tháo sớm hết dịch màng phổi.

Trong trường hợp tràn dịch màng phổi có vách hóa:

+ Bơm thuốc tiêu sợi huyết Streptokinase vào khoang màng phổi với hàm lượng 100.000 - 300.000 đơn vị x 1 lần /ngày, sau đó kẹp ống dẫn lưu 2-4 giờ. Tiếp theo mở ống dẫn lưu hút liên tục. 

+ Sau khi đã sử dụng Streptokinase, bệnh nhân được cấp thẻ ghi chú đã sử dụng thuốc này để nếu có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết thì không lựa chọn thuốc này nữa nhằm tránh nguy cơ tai biến.

+ Nội soi khoang màng phổi để phá bỏ các vách ngăn bóc dính màng phổi.

Dùng thuốc hợp lý với từng nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi
Dùng thuốc hợp lý với từng nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

4.2 Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp viêm dày màng phổi mà điều trị nội khoa liên tục và tích cực trong một tháng không cải thiện, phẫu thuật là điều cần thiết. Thực hiện phẫu thuật bóc màng phổi, ổ cặn màng phổi. [3]

Nếu bệnh nhân có hội chứng Demon-Meigs, tiến hành phẫu thuật cắt bỏ u nang buồng trứng.

Nếu tràn dịch màng phổi do dị vật, phẫu thuật lấy dị vật như mảnh đạn nằm cạnh màng phổi.

Với các bệnh nhân bị tràn dưỡng chấp màng phổi do vỡ, tắc ống ngực, phẫu thuật thắt ống ngực.

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Cleveland Clinic (Ngày đăng 18 tháng 12 năm 2018). Pleural Effusion Causes, Signs & Treatment
    ,Cleveland Clinic. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021
  2. ^  Cleveland Clinic (Ngày đăng 18 tháng 12 năm 2018). Pleural Effusion Causes, Signs & Treatment
    ,Cleveland Clinic. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021
  3. ^  Vinaya S Karkhanisvà Jyotsna M Joshi (Ngày đăng 22 tháng 6 năm 2012). Pleural effusion: diagnosis, treatment, and management, NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    Tràn dịch màng phổi: Chẩn đoán và điều trị 5/ 5 2
    5
    100%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
    • Tràn dịch màng phổi: Chẩn đoán và điều trị
      GT
      Điểm đánh giá: 5/5

      bài viết hữu ích, cảm ơn các dược sĩ đã cung cấp thông tin này

      Trả lời Cảm ơn (0)
    • Tràn dịch màng phổi: Chẩn đoán và điều trị
      DL
      Điểm đánh giá: 5/5

      Tràn dịch màng phổi là gì?

      Trả lời Cảm ơn (0)
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633