1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Tương tác thuốc với thức ăn: Những thực phẩm nên tránh khi uống thuốc

Tương tác thuốc với thức ăn: Những thực phẩm nên tránh khi uống thuốc

Tương tác thuốc với thức ăn: Những thực phẩm nên tránh khi uống thuốc

Thức ăn có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ và mức độ hấp thu thuốc sau khi uống. Hiểu được ảnh hưởng của thức ăn đối với thuốc, cho phép chuyên gia y tế tư vấn cho bệnh nhân cách dùng thuốc đúng và hiệu quả. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về tương tác thuốc với thức ăn.

1 Thông tin về tương tác thuốc với thức ăn

Tương tác thuốc với thức ăn không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, nó vẫn chưa được quan tâm đúng cách. Một số loại thuốc có thể có hiệu quả tốt hơn hoặc tệ hơn khi sử dụng cùng với thức ăn. 

1.1 Tương tác thuốc với thức ăn là gì?

Tương tác thuốc với thức ăn, hay cụ thể hơn là tương tác giữa thuốc với thực phẩm/ đồ uống, là cụm từ dùng để chỉ những ảnh hưởng của thức ăn đến hiệu quả sử dụng thuốc khi dùng cùng nhau. 

Có thể bạn đã từng được bác sĩ nhắc nhở việc nên uống một loại thuốc nào đó vào lúc đói. Đó là bởi sự có mặt của thức ăn trong đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một số loại thuốc dùng đường uống.

Trong đa số các trường hợp, việc dùng đồng thời thuốc với thức ăn, chẳng hạn như uống thuốc trong/ ngay sau bữa ăn hoặc uống thuốc cùng với sữa/ nước cam, thường làm chậm quá trình hấp thu thuốc. Nhưng, cũng có một số trường hợp ngược lại, sự có mặt của thức ăn sẽ giảm thiểu các tác dụng không mong muốn của thuốc. 

Thức ăn có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc
Thức ăn có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc

Sự tương tác giữa thuốc và thức ăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm của bữa ăn, loại thuốc và dạng bào chế. [1]

1.2 Thức ăn ảnh hưởng đến thuốc như thế nào?

Ảnh hưởng của thức ăn đến thuốc chủ yếu ở giai đoạn hấp thu tại đường tiêu hóa. Thức ăn có thể ảnh hưởng đến cả tốc độ và mức độ hấp thu của thuốc, đặc biệt là các thuốc có dạng bào chế đặc biệt. 

  • Thức ăn ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu thuốc

Bữa ăn làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và điều đó có thể là chậm quá trình hấp thu thuốc qua thành dạ dày hoặc ruột. Ngoài ra, thành phần của bữa ăn cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc. Chẳng hạn như một bữa ăn nhiều chất béo hoặc chất đạm sẽ cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. 

Sự có mặt của thức ăn là cho quá trình vận chuyển thuốc đến ruột non chậm lại và làm chậm tốc độ hấp thu thuốc vào hệ tuần hoàn. Kết quả là tác dụng của thuốc xuất hiện muộn làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Vì vậy, một số loại thuốc cần hấp thu nhanh thường được khuyến cáo là uống vào lúc đói hoặc cách xa bữa ăn. 

Tuy nhiên, đối với hầu hết các thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh mãn tính thì sự chậm trễ của quá trình hấp thu không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả lâm sàng, miễn là hàm lượng thuốc được hấp thu vào máu không bị ảnh hưởng. [2]

  • Thức ăn ảnh hưởng đến mức độ hấp thu thuốc

Thức ăn có khả năng làm tăng hoặc giảm lượng thuốc mà cơ thể hấp thu được tại đường tiêu hóa. Mặc dù điều này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm lý hóa và dược động học của thuốc và không phải lúc nào thức ăn cũng gây ra ảnh hưởng xấu.

Ví dụ như thuốc kháng virus saquinavir có tính hòa tan trong nước kém nên cần dùng cùng với thức ăn để muối mật làm tăng khả năng hòa tan của thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thụ. Kết quả cho thấy, mức độ hấp thu tăng hơn 2 lần khi uống saquinavir sau bữa ăn. Ngược lại, uống saquinavir khi bụng đói làm giảm sinh khả dụng của thuốc và có thể dẫn đến thất bại trong điều trị. 

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự có mặt của thức ăn khiến cho thời gian thuốc lưu lại tại dạ dày kéo dài hơn bình thường. Khi đó, axit dạ dày có thể phá hủy cấu trúc hoặc làm giảm sinh khả dụng của một số loại thuốc không bền với axit.

Thức ăn làm tăng thời gian thuốc lưu lại tại dạ dày
Thức ăn làm tăng thời gian thuốc lưu lại tại dạ dày

Ngoài ra, một số thành phần của bữa ăn hoặc các chất dinh dưỡng trong thực phẩm cũng có thể gây tương tác với thuốc. Điển hình là Canxi hoặc các cation khác trong thực phẩm có thể tạo phức hợp chelate với thuốc (ví dụ thuốc bisphosphnate), đây là phức hợp không hòa tan, gây cản trở hấp thu và giảm sinh khả dụng của thuốc. Vì thế, những thuốc này được khuyên rằng, nên uống cùng với nước lọc thay vì sữa hay nước trái cây. 

Một số loại thuốc khác (ví dụ như thuốc chống viêm không steroid-NSAIDs, Metformin) lại được khuyên nên dùng cùng với thức ăn để giảm thiểu tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Hay như Repaglinide và Sulfonylurea được khuyến cáo nên uống ngay trước bữa ăn để tránh nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng. Trong trường hợp sử dụng thuốc Repaglinide, nếu bỏ bữa ăn thì cũng nên bỏ liều thuốc. 

Cuối cùng, đối với các thuốc có tác dụng ngay tại đường tiêu hóa, như thuốc trị giun, thì nên uống khi bụng đói để thức ăn không làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. 

>>>Xem thêm: Sự Thật Về Thuốc Lá Điện Tử Có Hại Như Thế Nào Đến Sức Khỏe Con Người

2 Các trường hợp tương tác giữa thuốc và thức ăn điển hình

Có nhiều loại tương tác giữa thực phẩm và thuốc có thể xảy ra, nhưng sau đây là một vài trường hợp về các loại thuốc phổ biến và cách thức ăn ảnh hưởng đến cách chúng khi dùng đường uống.

  • Các thuốc cần axit mật hoặc chất béo để tăng độ hòa tan (ví dụ như Griseofulvin, Isotretinoin, mefloquine, Tacrolimus,...) cần dùng trong hoặc ngay sau bữa ăn.
  • Các thuốc bao vết loét dạ dày (ví dụ: Sucralfat) nên dùng khi bụng đói. 
  • Các thuốc điều trị đái tháo đường tác dụng ngắn cần cùng cùng với bữa ăn để tránh nguy cơ hạ đường huyết.
  • Các thuốc gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, như Metformin, nên dùng cùng với bữa ăn. 
  • Các loại rau xanh, đặc biệt là loại chứa nhiều vitamin K, có thể làm giảm tác dụng chống đông máu của Aspirin và warfarin. Tiêu thụ cùng một lượng rau xanh mỗi ngày sẽ làm giảm hậu quả của tương tác này.
  • Các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và phô mai làm giảm khả năng hấp thụ của một số loại kháng sinh và bisphosphnate. Vì vậy, nên sử dụng thuốc này và các sản phẩm từ sữa cách nhau ít nhất 2 giờ.
  • Rượu có khả năng kéo dài tác dụng của Insulin hoặc các thuốc trị tiểu đường, dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết.
  • Rượu làm tăng tác dụng không mong muốn gây tổn thương gan nghiêm trọng của Paracetamol. Vì thế không sử dụng rượu khi đang điều trị bằng thuốc Paracetamol.
  • Thuốc kháng histamin, như Benadryl, không nên uống cùng với rượu vì sự kết hợp này sẽ làm tăng cảm giác buồn ngủ.
  • Không nên dùng các thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu giữ Kali và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin cùng với thực phẩm giàu kali để tránh nguy cơ tăng kali máu.
  • Bữa ăn giàu đạm có thể làm giảm khả năng hấp thu lên não của Levodopa, từ đó giảm hiệu quả của thuốc trên lâm sàng. 
  • Thực phẩm giàu axit amin tyramine (thực phẩm lên men, chín quá hoặc ngâm chua và ở mức độ thấp hơn là sô cô la và thực phẩm có chứa men) có thể gây tăng huyết áp nghiêm trọng, rối loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt và xuất huyết não khi sử dụng cùng các chất ức chế monoamine oxidase (IMAO). Đây là một trong những trường hợp trương tác rất nghiêm trọng giữa thuốc và thức ăn. 
  • Đối với các thuốc có dạng bào chế đặc biệt (như viên nén tác dụng kéo dài, viên nén phóng thích chậm,...) cần uống cách xa bữa ăn để giảm thời gian thuốc lưu lại tại dạ dày. Vì axit dạ dày có thể phá hủy cấu trúc của thuốc làm thay đổi tốc độ hấp thu thuốc.

Đây chỉ là những trường hợp điển hình trong quá trình sử dụng thuốc để nhân viên y tế và người bệnh tham khảo. Điều quan trọng là người bệnh cần được thông báo hoặc lưu ý về cách sử dụng thuốc đúng để đạt được hiệu quả điều trị tối đa. [3]

3 Làm sao để giảm thiểu tương tác có hại giữa thuốc và thức ăn

Tương tác giữa thuốc và thức ăn khá phức tạp vì các bữa ăn rất đa dạng và khó có thể dự báo về mức độ của tương tác này. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt hơn để giảm thiểu các tương tác có hại giữa thuốc và thức ăn. 

3.1 Sử dụng các phần mềm cảnh báo tương tác

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, một số bệnh viện đã phát triển các phần mềm kê đơn dành cho bác sĩ. Điểm nổi bật của phần mềm kê đơn này là có khả năng cảnh báo các nguy cơ xảy ra tương tác giữa thuốc và thức ăn. 

Khi bác sĩ kê đơn một loại thuốc nào đó mà cần cảnh báo về nguy cơ tương tác giữa thuốc và thức ăn, thì phần mềm sẽ phát ra thông báo trên màn hình. Điều này giúp các bác sĩ lưu ý trong việc dặn dò bệnh nhân, từ đó tăng hiệu quả điều trị. 

Áp dụng phần mềm cảnh báo tương tác thuốc trong kê đơn
Áp dụng phần mềm cảnh báo tương tác thuốc trong kê đơn

3.2 Báo cáo các trường hợp xảy ra tương tác

Nhân viên y tế và bệnh nhân cần lưu lại các thông tin như loại thức ăn, thời điểm uống, triệu chứng,... khi xảy ra tương tác giữa thuốc và thức ăn để báo cáo lại. Việc này rất có ý nghĩa trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phòng ngừa các biến cố tương tự về sau. 

3.3 Bệnh nhân cần được hướng dẫn chi tiết về cách dùng thuốc

Các nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, dược sĩ hoặc điều dưỡng, cần lưu ý cẩn thận cho bệnh nhân về các thuốc có thể xảy ra nguy cơ tương tác với thức ăn. 

Một số người bệnh thường bỏ qua và nghĩ rằng uống thuốc vào lúc nào cũng được. Vì vậy, vai trò của nhân viên y tế là phải chia sẻ và hướng dẫn để họ hiểu được tầm quan trọng của việc uống thuốc đúng cách và đúng giờ so với bữa ăn. 

4 Trường hợp tương tác thuốc với thức ăn nghiêm trọng

Hậu quả của tương tác thuốc với thức ăn thường ở mức độ nhẹ và rời rạc. Tuy nhiên, hiện nay đã có báo cáo về một số trường hợp xảy ra tương tác thuốc với thức ăn ở mức độ nghiêm trọng. Điển hình là trường hợp sau đây:

Một bệnh nhân nam 49 tuổi có tiền sử trầm cảm nặng được chỉ định sử dụng thuốc ức chế monoamine oxidase (IMAO) sau khi thất bại trong điều trị bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Bệnh nhân đã được bác sĩ cảnh báo về các phản ứng tăng huyết áp nghiêm trọng có thể xảy ra liên quan đến việc dùng thuốc IMAO cùng với các thực phẩm chứa nhiều tyramine (một loại amin gây tăng huyết áp). 

Trong vài tháng đồng, bệnh nhân vẫn tuân thủ chế độ ăn không có tyramine và cho thấy kết quả điều trị rất tích cực. Tuy nhiên, khi tình trạng trầm cảm của bệnh nhân giảm bớt, anh ta bắt đầu thèm ăn các món chứa nhiều tyramine. 

Và trong một lần, anh ta đã tiêu thụ một lượng đáng kể sô cô la (được biết là có chứa một số tyramine, nhưng thường được coi là an toàn khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải trong chế độ ăn không có tyramine). Hai giờ sau, bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu và than phiền đau đầu dữ dội. Chẩn đoán cơn tăng huyết áp đã được đưa ra và bắt đầu điều trị bằng thuốc hạ áp nitroprusside. Nhưng thật không may, bệnh nhân bị đột quỵ và chết trong vòng 20 phút sau khi bắt đầu điều trị. [4]

Có thể thấy, bất chấp lời cảnh báo và hướng dẫn của bác sĩ, một số bệnh nhân vẫn giữ chế độ ăn uống bình thường dẫn đến hậu quả là gặp tương tác giữa thuốc và thức ăn.

Tóm lại, các bữa ăn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc theo nhiều chiều hướng khác nhau và thường rất khó để đánh giá hậu quả. Bằng cách hiểu và liên tục cập nhật về các trường hợp xảy ra tương tác này, các chuyên gia y tế có thể đưa ra lời khuyên phù hợp để việc dùng thuốc của bệnh nhân đạt hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Drugs.com. Drug Interactions Checker, Drugs.com. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 04 năm 2023.
  2. ^  Andrew McLachlanIqbal Ramzan (Ngày đăng: Ngày 01 tháng 04 năm 2006). Meals and medicines, NPS Medicinewise. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 04 năm 2023.
  3. ^ Jacqueline Boucher (Ngày đăng: Năm 2022). Common Food-Drug Interactions, BV Health System. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 04 năm 2023.
  4. ^  Sarah E. Bland (Ngày đăng: Năm 1998). Drug-Food Interactions, Journal of the Pharmacy Society of Wisconsin. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 04 năm 2023.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    tôi nên làm gì để tránh gặp tương tác?


    Thích (0) Trả lời 1
    • khi bác sĩ kê đơn thuốc, bạn có thể cung cấp cho bác sĩ về một số thực phẩm hàng ngày của bạn, trong thời gian dùng thuốc nên tránh một số sản phẩm dễ tương tác thuốc như đồ uống có cồn, sữa,... Bác sĩ và dược sĩ sẽ tư vấn cho bạn thuốc nào nên uống xa bữa ăn, thuốc nào có thể uống trong bữa ăn.

      Quản trị viên: Dược sĩ Kim Viên vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    hotline
    0868 552 633
    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633