Vùng thái dương được giới hạn phía trên bởi đường thái dương, phía dưới bởi cung gò má, phía trước bởi viền ngoài ổ mắt và phía ngoài bởi đường chân tóc (Hình 6.8).
Ở người trẻ, vùng thái dương phẳng hoặc hơi lồi nhưng sẽ lõm xuống theo tuổi tác. Phần trên của khuôn mặt thu hẹp lại, khiến cung mày bị ngắn lại và sụp rõ rệt, đuôi cung mày “rơi” vào trong vùng thái dương.1 Theo Raspaldo,2 mức độ lão hóa của vùng thái dương có thể được chia thành bốn giai đoạn, đặc trưng như sau (Hình 6.9):
1. Hố thái dương lồi hoặc phẳng.
2. Lõm nhẹ.
3. Hố thái dương lõm xuống, lộ rõ một số mạch máu và sụp đuôi cung mày.
4. Sự lộ xương của hố thái dương và các xương có thể nhìn thấy được, các mạch máu nhìn rõ, và lõm nghiêm trọng.
2 Giải phẫu
Vùng thái dương bao gồm da, mô dưới da, lớp cân thái dương nông hoặc cân thái dương đỉnh, lớp mỡ thái dương, lớp cân thái dương sâu (được chia thành lớp nông và lớp sâu), lớp mỡ má (lớp mỡ Bichat), cơ thái dương và màng xương của xương thái dương (Hình 6.4-6.7 và 6.10-6.19).3
Động mạch thái dương nông (STA) và động mạch thái dương sâu cấp máu cho vùng này. STA là nhánh nhỏ hơn trong hai nhánh tận của động mạch cảnh ngoài. Nó bắt nguồn từ tuyến mang tai, phía sau cổ xương hàm dưới và đi qua cung gò má khoảng 10 mm về phía trước so với bình tai. Nó chia thành động mạch ngang mặt, động mạch gò má-ổ mắt, và các nhánh đỉnh và trán. Nó đi qua vùng thái dương ở góc phần tư phía sau và phía trên lớp cân thái dương nông. Động mạch thái dương sâu là một nhánh của động mạch hàm trên, là nhánh lớn nhất trong số các nhánh tận của động mạch cảnh ngoài. Nó có một nhánh trước và một nhánh sau, nằm giữa cơ thái dương và màng xương. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù là một nhánh của động mạch cảnh ngoài, STA nối với các nhánh của động mạch cảnh trong, chẳng hạn như động mạch trên ổ mắt. Do đó, một mũi tiêm vào trong mạch máu có thể đến hệ thống động mạch cảnh trong thông qua di chuyển ngược dòng và làm tắc động mạch võng mạc trung tâm. Mặc dù hiếm gặp nhưng có biến chứng là mù lòa. Do đó, điều quan trọng là phải có kiến thức chuyên sâu về giải phẫu tại chỗ và kỹ thuật thích hợp trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào ở khu vực này.
Các tĩnh mạch quanh ổ mắt, nhánh trán của tĩnh mạch thái dương nông (STEV), các nhánh xuất phát từ cơ thái dương, tĩnh mạch gò má-ổ mắt và tĩnh mạch thái dương-gò má, và tĩnh mạch gác đổ về tĩnh mạch thái dương giữa (MTV), đi qua vùng thái dương ở giữa lớp nông và lớp sâu của cân thái dương sâu. MTV nối với STEV phía trên cung gò má và kết nối với xoang hang thông qua các tĩnh mạch quanh ổ mắt, đó là lý do tại sao có nguy cơ tắc mạch trong xoang hang sau khi tiêm vào trong tĩnh mạch.4,5
3 Kỹ thuật
Các kỹ thuật tiêm được chia thành các kỹ thuật tiêm nông và sâu (Hình 6.20-6.36). Các bước cơ bản cho mỗi kỹ thuật bao gồm:
• Đánh dấu vị trí cần làm đầy và quan sát thấy hố thái dương thường sâu hơn ở khu vực ngay phía ngoài ổ mắt và phía trên cung gò má.
• Chọn loại axit hyaluronic (HA) thích hợp nhất: để làm được điều này, điều quan trọng là phải đánh giá độ dày của da tại chỗ, mặt phẳng tiêm và mức độ lão hóa.
3.1 Kỹ thuật tiêm nông
Kỹ thuật này bao gồm việc thực hiện tiêm thụt lùi vào mô dưới da bằng cannula, dùng HA cho lớp trung bì nông hoặc giữa. Thực hiện tiêm bên dưới các mạch máu nhìn thấy được; khối lượng sử dụng phụ thuộc vào mức độ lão hóa. Nói chung, sử dụng 1 ml mỗi bên. Massage kỹ vùng tiêm (Hình 6.1).
Điều trị vùng thái dương là một thách thức vì da tại chỗ mỏng và có xu hướng hình thành các vết bất thường sau khi tiêm. Lambros1 trình bày một kỹ thuật thay thế để làm đầy lớp dưới da bằng HA được pha loãng trong Dung dịch muối sinh lý (PS) với tỷ lệ 2:1 (PS/HA). Với sự hấp thụ của PS, HA được phân bố đồng đều hơn. Kỹ thuật pha loãng và tiêm HA này là không chính thức.
3.2 Kỹ thuật tiêm sâu
Tiêm HA kiểu bolus tạo khối bên dưới cơ thái dương, trong mặt phẳng trên màng xương. Dùng kim đâm vuông góc với da cho đến khi chạm tới màng xương. Test aspire, tiêm chậm và không di chuyển kim trong quá trình tiêm. Nói chung, sử dụng 0,5 đến 1 ml mỗi bên và masage kỹ vị trí tiêm (Hình 6.2).
Kỹ thuật Swift để làm đầy sâu vùng thái dương bao gồm việc đâm kim vuông góc (1 cm phía trên ngoài viền ổ mắt và 1 cm phía dưới gờ thái dương) cho đến khi chạm tới màng xương. Kỹ thuật này được coi là an toàn hơn vì động mạch thái dương sâu và STA không đi qua vùng này.4
Bảng 6.1 cho thấy sự khác biệt chính giữa hai kỹ thuật. Khi cần thiết, cả hai có thể được sử dụng trên cùng một bệnh nhân. Đây được gọi là kỹ thuật kết hợp (Hình 6.3).
Kỹ thuật tiêm nông
Kỹ thuật tiêm sâu
Dùng cannula
Dùng kim nhọn
Kỹ thuật sử dụng: tiêm thụt lùi tuyến tính
Kỹ thuật sử dụng: bolus
Mặt phẳng tiêm dưới da
Mặt phẳng tiêm trên màng xương
HA trong lớp bì giữa/ sâu (có hoặc không pha loãng)
HA trong lớp bì giữa/ sâu hoặc tạo khối
4 Biến chứng
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm phù nề, có thể kéo dài tới 72 giờ; tắc nghẽn tạm thời của các mạch máu tại chỗ; vết bất thường; tụ máu; và đau ở chỗ tiêm. Các biến chứng nghiêm trọng như tắc mạch và huyết khối cũng được báo cáo.
5 Tài liệu tham khảo
1. Lambros V. A technique for filling the temples with highly diluted hyaluronic acid: the “dilution solution”. Aesthet Surg J 2011;31(1):89—94
2. Raspaldo H. Temporal rejuvenation with fillers: global face- culpture approach. Dermatol Surg 2012;38(2):261-265
3. Radlanski RJ, Wesker KH. The face: pictorial atlas of clinical anatomy. London: Quintessence Publishing; 2012
4. Sykes JM, Cotofana S, Trevidic P, et al. Upper face: clinical anato- my and regional approaches with injectable fillers. Plast Reconstr Surg 2015; 136(5, Suppl):204S-218S
5. Jung W, Youn KH, Won SY, Park JT, Hu KS, Kim HJ. Clinical im- plications of the middle temporal vein with regard to temporal fossa augmentation. Dermatol Surg 2014;40(6):618-623