1. Trang chủ
  2. Thận Tiết Niệu - Lọc Máu
  3. Tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ) ở người cao tuổi

Tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ) ở người cao tuổi

Tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ) ở người cao tuổi

Trungtamthuoc.com - Tiểu không kiểm soát (còn gọi là tiểu không tự chủ) là tình trạng nước tiểu chảy nhỏ giọt ra ngoài mà không kiểm soát được gây ra những khó chịu trong cuộc sống hằng ngày.

1 Tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

Tiểu không kiểm soát (còn gọi là tiểu không tự chủ) là tình trạng nước tiểu chảy nhỏ giọt ra ngoài mà không kiểm soát được gây ra những khó chịu trong cuộc sống hằng ngày. Tiểu không kiểm soát không phải là một bệnh mà nó chỉ là một biểu hiện hay triệu chứng của rối loạn chức năng đường tiểu.

Tiểu không kiểm soát có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng không ít đến chất lượng của sống của người bệnh. Ở Việt Nam chưa có các số liệu báo cáo chính thức về chứng bệnh này, tuy nhiên, ở phương Tây tỷ lệ người mắc ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Một cuộc điều tra trong số người mắc chứng tiểu không kiểm soát thì khoảng 35% là phụ nữ lớn tuổi và 22% nam giới lớn tuổi mắc phải. [1] 

Chứng tiểu không tự chủ ở người già có biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nếu nhẹ thì nước tiểu rò rỉ do các hoạt động gắng sức khi ho, khi vận động, … đến són tiểu liên tục, nặng hơn thì tiểu không tự chủ được kèm theo đại tiện không kiểm soát.

Tiểu không kiểm soát
Tiểu không kiểm soát

2 Nguyên nhân tiểu không kiểm soát ở người già

Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm trùng hoặc kích ứng âm đạo.

Táo bón.

Một số loại thuốc. 

Cơ bàng quang yếu.

Cơ bàng quang hoạt động quá mức.

Cơ sàn chậu yếu.

Tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang pử bệnh đa xơ cứng, tiểu đường hoặc bệnh Parkinson...

Sự tắc nghẽn do phì đại tuyến tiền liệt.

Các bệnh như viêm khớp có thể khó đi vệ sinh kịp thời.

Sa cơ quan vùng chậu. [2]

3 Phân loại chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

Có nhiều cách để phân loại chứng tiểu không tự chủ, theo triệu chứng lâm sàng chia thành:

3.1 Tiểu không kiểm soát do gắng sức

Là sự rò rỉ nước tiểu không tự chủ khi gắng sức mà không phải do sự co bóp của bàng quang. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh hoạt động gắng sức như ho, hắt hơi, rặn, cười, chạy nhảy hay tập thể dục,...

Mức độ được coi là bệnh lý nếu tình trạng này xảy ra nhiều hơn 2 lần trong tháng. Thường gặp ở phụ nữ béo phì, sinh đẻ nhiều lần, phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh…Ở nam giới thường gặp sau khi phẫu thuật tuyến tiền liệt.

3.2 Tiểu không kiểm soát gấp (đái vãi)

Là hiện tượng nước tiểu chảy ra ngoài, người bệnh tiểu gấp, không kiềm chế được nước tiểu và nước tiểu chảy ra trước khi vào nhà vệ sinh.

Nguyên nhân thường do chức năng chứa nước tiểu của bàng quang bị yếu hay còn gọi là bất ổn định cơ detrusor. Thường gặp khi thời tiết trở lạnh, tinh thần rối loạn. 

3.3 Tiểu không kiểm soát tràn đầy (đái rỉ)

Tình trạng này xảy ra do ứ đọng nước tiểu lâu ngày, nước tiểu trong bàng quang tràn đầy, bệnh nhân són tiểu từng đợt, mỗi lần đi tiểu được ít.

Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân bàng quang co bóp yếu, hoặc đường ra của bàng quang bị tắc nghẽn dẫn đến bàng quang không xuất được nước tiểu, nước tiểu bị đầy trong bàng quang và bị rỉ ra ngoài ít một.

3.4 Tiểu không kiểm soát hoàn toàn

Bệnh nhân luôn bị rò rỉ nước tiểu thường xuyên cả ngày lẫn đêm, còn được gọi là đái rỉ liên tục.

3.5 Tiểu không kiểm soát chức năng

Hệ tiết niệu của người bệnh bình thường nhưng do có vấn đề về tâm thần hay trí tuệ sa sút, nên không để ý đến các địa điểm đi tiểu.

Ngoài ra có thể phân loại theo cơ chế bệnh sinh chia thành 2 loại: tiểu không tự chủ do bất thường cơ detrusor và do bất thường cơ thắt niệu đạo; phân loại theo tính chất chia thành tiểu không kiểm soát tạm thời và tiểu không kiểm soát dai dẳng.  

4 Chẩn đoán tiểu không kiểm soát

4.1 Lâm sàng

Hỏi tiền sử bệnh: bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân mô tả các dấu hiệu hay triệu chứng gặp phải nhằm xác định nguồn gốc, thời gian và mức độ nghiêm trọng của chứng tiểu không kiểm soát.

Bệnh nhân cần phải viết vào một cuốn sổ các thông tin tiểu tiện trong 3-7 ngày (trong đó ghi lại thời gian, số lần đi tiểu, lượng nước tiểu ban ngày, ban đêm, lượng nước tiểu 24 giờ, lượng nước và loại đồ uống bệnh nhân dùng)  để bác sĩ có thể dễ dàng kiểm tra và chẩn đoán ban đầu về chứng tiểu không tự chủ.

Khám lâm sàng: bệnh nhân cần được thăm khám tổng quát: khám bụng, thần kinh, khám vùng chậu, tâm thần để có thể xác định được nguyên nhân và phân loại tiểu không tự chủ.

Khi khám cần làm thêm nghiệm pháp ho, bệnh nhân ở tư thế đứng, đang mắc tiểu, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ho một tiếng để kiểm tra xem nước tiểu có bị rò rỉ khi ho không. 

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ chỉ cần hỏi bệnh và khám lâm sàng là đã đủ để chẩn đoán bệnh.

4.2 Các xét nghiệm 

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm như siêu âm hoặc chụp X-quang hệ tiết niệu, xét nghiệm máu, nước tiểu, niệu động học, soi bàng quang, siêu âm vùng chậu và các xét nghiệm khác để kiểm tra xem bàng quang hoạt động như thế nào và đưa ra chẩn đoán chứng tiểu không kiểm soát.

Tiểu không kiểm soát gây khó chịu cho người bệnh
Tiểu không kiểm soát gây khó chịu cho người bệnh

5 Điều trị tiểu không kiểm soát

Để điều trị dứt điểm chứng tiểu không tự chủ cần phải xem xét đến các nguyên nhân gây ra nó. Trước tiên bác sĩ thường đưa ra phương pháp không can thiệp phẫu thuật như thay đổi lối sống của bệnh nhân, luyện tập cơ bàng quang, vật lý trị liệu.

Trường hợp són tiểu cấp có thể phải dùng đến thuốc để điều trị. Nếu các biện pháp trên đều không hiệu quả thì bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao nhất thường phải phối hợp các biện pháp khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm:

5.1 Điều trị tiểu không tự chủ bằng thay đổi lối sống

Người già, người có tiền sử mắc tiểu không tự chủ cần: 

Tránh đồ uống có chứa Cafein, rượu bia và các chất kích thích khác: vì các đồ uống này có thể gây kích thích hệ thần kinh trung ương, lợi tiểu.

Kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể: nếu bị tiểu són vào buổi sáng sớm hay ban đêm cần khuyên bệnh nhân hạn chế uống nước trước khi ngủ, nên dùng khoảng 1,5 lít mỗi ngày

Tập luyện cơ bàng quang: giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn việc đi tiểu, cải thiện các triệu chứng của tiểu không tự chủ. Tham khảo hướng dẫn tập luyện của bác sĩ để đảm bảo người bệnh tập bài tập này đúng cách. [3] 

Tập thể dục và vật lý trị liệu điều trị tiểu không tự chủ
Tập thể dục và vật lý trị liệu điều trị tiểu không tự chủ

Những bài tập dưới đây không chỉ tốt cho chứng tiểu không tự chủ mà còn giúp nâng cao sức khỏe, hoạt động xương cốt dẻo dai ở những người cao tuổi:

Thường xuyên tập thể dục và các bài tập Kegel: tập thể dục giúp giảm cân nên giảm tình trạng béo phì, bài tập Kegel giúp cải thiện chứng tiểu không tự chủ do có tác dụng thắt chặt cơ thắt vùng chậu.

Các bài tập vật lý trị liệu cũng có thể làm giảm tình trạng nước tiểu rò rỉ không kiểm soát bao gồm kích thích điện và phản hồi sinh học.

5.2 Dùng thiết bị hỗ trợ điều trị tiểu không kiểm soát

Để điều trị chứng tiểu không kiểm soát do gắng sức có thể dùng một thiết bị được gọi là vòng nâng, vòng nâng này được đưa vào âm đạo có tác dụng hỗ trợ cho vùng chậu giúp giảm các triệu chứng són tiểu do tăng áp lực ổ bụng.

5.3 Dùng thuốc điều trị 

Thuốc kháng cholinergics: giúp ngăn ngừa tình trạng tiểu không kiểm soát, làm giảm các triệu chứng rò rỉ nước tiểu khẩn cấp.

Bổ sung estrogen: dùng dạng kem bôi âm đạo với liều thấp nhất có hiệu quả giúp cải thiện các triệu chứng của tiểu không tự chủ.

Mirabegron:có tác dụng làm giảm co thắt cơ bàng quang, giảm các triệu chứng đi tiểu gấp, tiểu không tự chủ. Liều dùng cho người lớn mắc chứng tiểu không tự chủ: Khởi đầu dùng liều 25 mg/lần/ngày. Liều duy trì dùng 25-50mg/lần/ngày tùy thuộc vào hiệu quả với từng người bệnh.

Thuốc chẹn alpha- adrenergic: dùng trong trường hợp người mắc chứng tiểu không tự chủ do phì đại tuyến tiền liệt tắc nghẽn đường tiểu.

Các thông tin về thuốc chỉ mang tính chất tham khảo, khi dùng thuốc cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.

6 Điều trị tiểu không tự chủ

Được chỉ định khi dùng các phương pháp điều trị trên không thấy hiệu quả. Hiện nay có nhiều phương pháp để phẫu thuật, tuy nhiên bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố lợi ích và nguy cơ để chọn loại phẫu thuật phù hợp với mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Một số loại phẫu thuật có thể lựa chọn: phẫu thuật treo sau xương mu, phẫu thuật tạo hình thành trước âm đạo, đặt van nhân tạo, đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo (TOT),...

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Davis, Nicole J (Ngày đăng tháng 1 năm 2020). Urinary Incontinence in Older Adults, AJN. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Các nhà khoa học của NIH National Institute on Aging (NIA) (Ngày đăng 16 tháng 5 năm 2017). Urinary Incontinence in Older Adults, NIA. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
  3. ^   Nicole Didyk. Urinary Incontinence in Aging: What to know when you can’t wait to go, Better Health While Aging. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Tiểu không kiểm soát hoàn toàn là như thế nào?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ) ở người cao tuổi 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ) ở người cao tuổi
    TH
    Điểm đánh giá: 5/5

    bài viết hữu ích, cảm ơn các dược sĩ đã cung cấp thông tin này

    Trả lời Cảm ơn (1)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633