Đôi môi trẻ trung được đặc trưng bởi độ dày và đường viền rõ. Đường cong hình chữ M của viền đỏ ở trên được gọi là cung Cupid, và đường thẳng nhô lên bắt nguồn từ hai đỉnh của chữ M hướng về phía lỗ mũi tạo thành các cột nhân trung. Đặc điểm của đôi môi “lý tưởng” được mô tả trong y văn. Ở phụ nữ da trắng, tỷ lệ môi trên với môi dưới là 1:1,6, tức là môi dưới dày hơn môi trên, lộ rõ cung Cupid và nhân trung. Hình dạng của môi phải cong lồi ra khi nhìn từ phía bên và môi trên nên nhô ra 2 mm so với môi dưới. Môi nên song song với đường tưởng tượng được vẽ giữa hai đồng tử; môi trên nên cách lỗ mũi từ 18 đến 20 mm và môi dưới cách cằm từ 36 đến 40 mm.
Môi mất đi thể tích khi lão hóa, nghĩa là chúng mất đi độ nhô và có vẻ phẳng khi nhìn từ phía bên. Mục tiêu thẩm mỹ của tiêm làm đầy môi là cải thiện mối liên quan ba chiều với phần còn lại của khuôn mặt, có tính đến nguồn gốc dân tộc của bệnh nhân, các yếu tố văn hóa, tuổi tác và giới tính.
2 Giải phẫu
Môi được cấu thành bởi một phần bên trong, niêm mạc miệng (oral mucosa, M) (gồm biểu mô vảy phân tầng không sừng hóa, lớp đệm giàu mạch máu và các tuyến nước bọt), bởi một vùng chuyển tiếp, được gọi là viền đỏ môi (bao gồm các tế bào biểu mô vảy phân tầng sừng hóa không có nang lông, tuyến apocrine hoặc tuyến nước bọt, và có thể có tuyến bã) và bởi phần bên ngoài bao gồm da và các phần phụ. Phần bên trong ẩm, trong khi các phần khác thì khô. Các sợi cơ của cơ vòng miệng (orbicularis oris muscle, OOM) chèn vào ranh giới giữa phần trong, niêm mạc miệng, và vùng chuyển tiếp, viền đỏ môi (vermilion border). OOM lần lượt chia hai phần:
Lớp mỡ nông (superficial fat pad, SFP), bên dưới đường viền đỏ môi (VB) và phía trên OOM.
Lớp mỡ sâu (deep fat pad, DFP), bên dưới OOM và phía trên niêm mạc miệng. Động mạch môi dưới và động mạch môi trên có thể được tìm thấy trong lớp mỡ này (Hình 16.1–16.8).
3 Kỹ thuật
Môi được chia thành ba vùng giải phẫu. Kỹ thuật tiêm cân nhắc sự phân chia này, vì việc tiêm chất làm đầy vào từng vùng này sẽ mang lại những kết quả khác nhau, như được chỉ định dưới đây:
Viền môi: Tiêm chất làm đầy vào vùng này để tạo đường nét cho môi. Sản phẩm được đưa vào lớp bì thông qua phương pháp tiêm rút ngược ở cạnh của viền đỏ môi. Quy trình này còn ngăn không cho son môi dịch chuyển ở những bệnh nhân có nếp nhăn dọc kiểu “mã vạch”.
Viền đỏ môi: Tiêm chất làm đầy vào vùng này giúp môi nhô ra trước, (tái) tạo hình dạng lồi. Chất làm đầy được tiêm vào SFP, phía trên OOM. Có thể sử dụng phương pháp tiêm rút ngược hoặc bolus.
Niêm mạc miệng: Tiêm chất làm đầy vào vùng này sẽ tạo độ căng cho môi, vì cung răng tại chỗ sẽ đẩy vùng được tiêm về phía trước. Chất làm đầy được tiêm dưới dạng bolus vào DFP, bên dưới OOM. Bởi vì các động mạch môi đi qua lớp mỡ này, chúng tôi khuyên nên hút trước khi thực hiện tiêm, sau đó tiêm từ từ để giảm nguy cơ tiêm vào mạch máu. Nên ngừng tiêm ngay lập tức trong trường hợp đau đột ngột hoặc chuyển trắng. Chúng tôi ưu tiên sử dụng cannula cho vùng này thay vì kim tiêm.6 Chúng tôi ưu tiên sử dụng HA kết hợp với lidocain, tiêm vào giữa lớp bì giữa và lớp bì nông (Hình 16.19–16.21, 16.27–16.31 và 16.33–16.37).
4 Biến chứng
Ban đỏ và phù nề thường xảy ra ngay sau khi thực hiện thủ thuật, do chấn thương do kim tiêm và đặc tính hút nước của chất làm đầy. Ban đỏ có thể kéo dài từ vài giờ đến 1 hoặc 2 ngày. Điều quan trọng là phải cảnh báo bệnh nhân về điều này. Nên giảm thiểu số lượng vết tiêm và nên chườm đá sau khi thực hiện để giúp giảm ban đỏ và phù nề. Vết bầm máu cũng có thể xảy ra nếu kim đâm thủng mạch máu, vấn đề này biến mất dần dần sau 5 đến 10 ngày. Axit axetylsalicylic, thuốc chống đông đường uống, thuốc chống viêm không steroid và thậm chí cả Vitamin E và các chất bổ sung thảo dược đều có thể gây ra vết bầm máu. Cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm thuốc này. Tắc mạch và hoại tử là hậu quả của việc sản phẩm bị tắc nghẽn trong lòng động mạch môi và có thể tránh được bằng cách sử dụng cannula dày hơn, lớn hơn 25 G, khi tiêm chất làm đầy vào lớp mỡ sâu của môi (DFPL).
Sự hình thành các sẩn không viêm rất hiếm và xảy ra do tiêm sản phẩm vào mặt phẳng không chính xác (rất nông) và không xoa bóp vùng da sau khi tiêm. Hình dạng “mỏ vịt” phổ biến là một tác dụng không mong muốn khác xảy ra do sử dụng quá nhiều chất làm đầy hoặc chỉ định làm đầy không đầy đủ. Chống chỉ định tiêm chất làm đầy khi khoảng cách giữa vách ngăn mũi và viền đỏ môi quá lớn, tức là khi vòm răng trên của bệnh nhân không dễ nhìn thấy khi họ cười. Nếu thực hiện tiêm, môi trên sẽ trở nên “nặng”, dưới độ cao lý tưởng, nhô về phía trước và răng bệnh nhân sẽ không được nhìn thấy khi cười. Trong những trường hợp này, nên cắt bỏ đường cong phần da thừa bên dưới lỗ mũi. Sau khi chỉnh sửa, implant có thể được thực hiện.
5 Góc miệng và rãnh marionette
5.1 Giới thiệu
Các dấu hiệu lão hóa ở vùng quanh miệng là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm mất thể tích mô dưới da, lớp bì mỏng đi do giảm Collagen và Elastin cũng như quá trình tái cấu trúc xương. Các chuyển động lặp đi lặp lại của cơ hạ góc miệng và cơ bám da cổ cũng góp phần gây ra các dấu hiệu lão hóa. Về mặt lâm sàng, có thể thấy rõ tình trạng sụp góc miệng và sự lõm xuống, còn được gọi là rãnh marionette. Carruthers và cộng sự đã phân loại rãnh marionette thành 5 loại sau:
Loại 0: Không nhìn thấy nếp gấp; đường da liên tục.
Loại 1: Nếp gấp nông nhưng có thể nhìn thấy và vết lõm nhẹ. Những vết này sẽ dễ điều trị hơn bằng cách tiêm HA vào lớp bì giữa bằng cách tiêm rút ngược tuyến tính.
Loại 2: Các nếp gấp sâu vừa phải, nhìn thấy được với biểu hiện bình thường, nhưng không nhìn thấy được khi kéo căng.
Loại 3: Các nếp gấp rất dài và sâu.
Loại 4: Các nếp gấp rất dài và sâu. Khó điều trị hơn và thường cần tiêm HA ở nhiều lớp khác nhau, bao gồm cả lớp bì sâu và mô dưới da.
5.2 Kỹ thuật
Nếu mục đích là nâng cao góc miệng và/hoặc điều trị rãnh marionette, sản phẩm sẽ được áp dụng bằng cách tiêm thụt lùi vào phần ngoài của môi dưới và vùng da xung quanh, từ đó tạo thành một trụ ngang hỗ trợ các góc. Tiếp theo là ba trụ đỡ thẳng đứng được tạo bằng tiêm thụt lùi, tạo thành một hình tam giác ngược trong đó phần đế là đường viền của môi dưới đã được làm đầy.
Một liều bolus nhỏ cũng có thể được tiêm ở modiolus để giúp nâng cao góc miệng. Tiêm botulinum toxin A vào cơ hạ góc miệng và cơ bám da cổ cũng có tác dụng. Các nếp nhăn dọc dạng “mã vạch” có thể được làm đầy bằng phương pháp tiêm thụt lùi tuyến tính. Đạt kết quả tốt hơn bằng cách tiêm botulinum toxin A để thư giãn cơ OOM.
Những nếp nhăn rất sâu cần được điều trị trước bằng laser vi điểm hoặc mài mòn da. Để cải thiện các cột của nhân trung, điều quan trọng cần nhớ là chúng không song song vì có hình chữ V ngược và thu hẹp lại khi đến gần trụ mũi (Hình 16.22–16.26, 16.32 và 16.38–16.41).
6 Tài liệu tham khảo
1. Klein AW. In search of the perfect lip: 2005. Dermatol Surg 2005;31(11 Pt 2):1599–1603
2. Carruthers A, Carruthers J, Hardas B, et al. A validated lip fullness grading scale. Dermatol Surg 2008; 34(34, Suppl 2):S161–S166
3. Sarnoff DS, Saini R, Gotkin RH. Comparison of filling agents for lip augmentation. Aesthet Surg J 2008;28(5):556–563
4. Fulton JE Jr, Rahimi AD, Helton P, Watson T, Dahlberg K. Lip rejuvenation. Dermatol Surg 2000;26(5):470–474, discussion 474–475
5. Rohrich RJ, Pessa JE. The anatomy and clinical implications of perioral submuscular fat. Plast Reconstr Surg 2009;124(1):266–271
6. Mukamal LV, Braz AV. Preenchimento labial com microcânula. Surg Cosmet Dermatol 2011;3(3):257–260
7. Braz AV, Louvain D, Mukamal LV. Combined treatment with botulinum toxin and Hyaluronic Acid to correct unsightly lateral-chin depression. An Bras Dermatol 2013;88(1):138–140
8. Weinkle S. Injection techniques for revolumization of the perioral region with hyaluronic acid. J Drugs Dermatol 2010; 9(4):367–371
9. Carruthers A, Carruthers J, Hardas B, et al. A validated grading scale for marionette lines. Dermatol Surg 2008; 34(34, Suppl 2):S167–S172