Phân loại thuốc điều trị ung thư cổ tử cung theo phác đồ của Bộ Y tế
Trungtamthuoc.com - Điều trị ung thư cổ tử cung gồm nhiều biện pháp như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, liệu pháp miễn dịch. Trong đó thuốc điều trị ung thư thường được áp dụng trong một số trường hợp để tối ưu kết quả điều trị. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu trong bài viết bên dưới.
1 Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Việc điều trị ung thư cổ tử cung chính gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch, điều trị bổ trợ, và với mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Chỉ định phương pháp điều trị cho người bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thể trạng để có lựa chọn phù hợp.
1.1 Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường tập trung vào việc loại bỏ khối u. Nếu kích thước nhỏ hơn 4cm thì phương pháp phẫu thuật được coi là biện pháp điều trị đầu tiên. Biện pháp có thể áp dụng như khoét chóp cổ tử cung, cắt tử cung đơn giản, cắt tử cung triệt để.
Sau khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp các phương pháp điều trị bổ trợ như xạ trị, hoá trị để phòng ngừa nguy cơ tái phát trong tương lai.
1.2 Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, 4
Đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, 4 có nghĩa là ung thư đã tiến triển lan rộng đến các khu vực lân cận hoặc di căn xa, có kích thước lớn hơn 4cm khi chẩn đoán. Trong giai đoạn này cần kết hợp nhiều biện pháp như hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch để có hiệu quả tốt nhất.
Sơ bộ ban đầu có thể xem xét thu nhỏ khối u xuống 4cm, sau đó tiến hành phẫu thuật và điều trị bổ trợ. Khi khối u đã xâm lấn sang các khu vực xung quanh, cũng có thể cân nhắc cắt bỏ toàn bộ cơ quan xung quanh và sử dụng các bộ phận nhân tạo thay thế. Khi bệnh nhân không đáp ứng với phẫu thuật, có hiện tượng di căn xa, sử thuốc uống có hiệu quả thì sử dụng thuốc hóa trị liệu kết hợp với tiêm tĩnh mạch thuốc điều trị nhắm trúng đích, sau đó xạ trị cục bộ.
===> Xem thêm bài viết: Vaccine HPV tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có mấy loại? Giá bao nhiêu?
2 Thuốc hóa trị điều trị ung thư cổ tử cung
Hóa trị là phương pháp tiêm tĩnh mạch hoặc uống các loại thuốc chống ung thư nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc có tác dụng toàn thân và thường kết hợp xạ trị để tăng hiệu quả. Không phải tất cả bệnh nhân đều cần hóa trị, thông thường chỉ định trong giai đoạn IIB, III, IV, hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật, xạ trị. [1]
2.1 Nhóm Alkyl hóa
Với cơ chế tạo liên kết chéo trong ADN, từ đó làm gián đoạn sao chép và quá trình phân chia tế bào ung thư. Thuốc phổ biến nhất trong điều trị ung thư cổ tử cung nhóm này là Cisplatin, ngoài ra lựa chọn thay thế có thể là Carboplatin với ít tác dụng phụ trên thận.
2.2 Nhóm Taxane
Thuốc nhóm này có khả năng ức chế sự phân chia tế bào ung thư bằng cách ổn định vi ống, ngăn chặn quá trình trên. Các thuốc như Paclitaxel, Docetaxel thường được kết hợp với cisplatin hoặc carboplatin trong các phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung tiến triển hoặc di căn.
2.3 Nhóm chất chống chuyển hoá
Thuốc ức chế tổng hợp DNA và RNA bằng cách thay thế các phân tử cần thiết cho sự phát triển của tế bào. Các thuốc dùng phổ biến như 5-Fluorouracil (5-FU), Gemcitabine.
2.4 Nhóm chất ức chế Topoisomerase
Các thuốc ngăn chặn enzyme topoisomerase, chất cần thiết cho việc sửa chữa và sao chép DNA. Topotecan là thuốc được sử dụng nhiều trong điều trị ung thư cổ tử cung tái phát hoặc kháng trị.
2.5 Nhóm khác
Một thuốc nhóm alkyl hoá khác như Ifosfamide đôi khi được sử dụng trong các phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung tái phát. Hoặc Vinorelbine là một alkaloid thực vật, ít được sử dụng nhưng có thể là một lựa chọn thay thế trong một số trường hợp đặc biệt.
2.6 Các phác đồ điều trị tham khảo
Dưới đây là các phác đồ tham khảo điều trị ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
Phác đồ | Thuốc |
Phác đồ cisplatin đơn thuần | Cisplatin: 50mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. Hoặc Cisplatin: 40mg/m2 , truyền tĩnh mạch hàng tuần, kết hợp với xạ trị. |
Phác đồ capecitabine | Capecitabine 1.000-1.250mg/m2/lần, uống 2 lần/ngày, ngày 1-14, chu kỳ 21 ngày Hoặc Capecitabine 825mg/m2 /lần, uống 2 lần/ngày, ngày 1-5, chu kỳ 21 ngày kết hợp với xạ trị. |
Phác đồ UFT | UFT (Tegafur+Uracil): 100-125mg/m2 , uống x 3 lần/ngày, ngày 1-14, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ docetaxel đơn thuần | Docetaxel 100mg/m2 , truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ paclitaxel đơn thuần | Paclitaxel 175mg/m2 , truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ vinorelbine | Vinorelbine 30mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8 hoặc vinorelbin 60-80mg/m2 da, uống ngày 1, 8. Chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ topotecan | Topotecan 1,5mg/m2 da, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 3-4 tuần. |
Phác đồ Irinotecan | Irinotecan 125mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8, 15, 28. Chu kỳ 42 ngày. |
Phác đồ pemetrexed | Pemetrexed 900mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ gemcitabine | Gemcitabine 800mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8, 15. Chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ 5 FU | 5-FU 370mg/m2 da, truyền tĩnh mạch bolus Leucovorin 200mg/m2 da, truyền tĩnh mạch bolus, mỗi 4 tuần. |
Phác đồ gemcitabine - cisplatin | Cisplatin 30mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8 Gemcitabine 800mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8. Chu kỳ 28 ngày. |
Phác đồ PF | Cisplatin: 50 -75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1 5 FU: 750mg-1.000mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-4; chu kỳ 21-28 ngày, có thể kết hợp với xạ trị. |
Phác đồ PC | Paclitaxel 135mg/m2, truyền tĩnh mạch 24 giờ ngày 1 Cisplatin: 50mg-75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2, chu kỳ 21 ngày Hoặc Paclitaxel 175mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1 Cisplatin: 75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày Hoặc Paclitaxel 175mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1 Carboplatin: 300mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ topotecan - cisplatin | Topotecan 0,75mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút, ngày 1-3 Cisplatin: 50mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ topotecan - paclitaxel | Topotecan 0,75mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút, ngày 1-3 Paclitaxel: 175mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ vinorelbine - cisplatin | Vinorelbine 30mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 6-10 phút, hoặc 60-80mg/m2 uống,hàng tuần. Cisplatin: 75mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 4 giờ ngày 1, chu kỳ 28 ngày. |
Phác đồ EP | Etoposide: 40mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Cisplatin: 25mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Chu kỳ 2 tuần, có thế kết hợp với xạ trị. |
Phác đồ IP | Ifosfamide: 5.000mg/m2, truyền tĩnh mạch 24 giờ ngày 1 Cisplatin: 50mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày Hoặc, Cisplatin: 20mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Ifosfamide: 1.200mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5, chu kỳ 21 ngày Hoặc, Cisplatin: 20mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Ifosfamide: 1.200mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5, chu kỳ 21 ngày |
3 Thuốc uống nhắm đích điều trị ung thư cổ tử cung
3.1 Bevacizumab
Một kháng thể đơn dòng nhắm vào VEGF, yếu tố gây tăng trưởng nội môi tế bào mạch máu. Từ đó ức chế sự hình thành mạch máu mới nuôi tế bào ung thư, giảm khả năng di chuyển và xâm nhập của tế bào ung thư. Thuốc thường kết hợp với cisplatin và paclitaxel trong chỉ định ung thư biểu mô tế bào cổ tử cung dai dẳng, di căn.
3.2 Phác đồ điều trị bằng thuốc nhắm đích
Một số phác đồ kết hợp Bevacizumab trong điều trị ung thư cổ tử cung:
Phác đồ BPC | Phác đồ BTP |
Bevacizumab 15mg/kg, truyền tĩnh mạch ngày 1 Paclitaxel 175mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1 Cisplatin: 50mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. | Bevacizumab 15mg/kg, truyền tĩnh mạch ngày 1 Topotecan 0,75mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút, ngày 1-3 Paclitaxel: 175mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày |
4 Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư cổ tử cung
4.1 Pembrolizumab
Pembrolizumab đã được FDA phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung có bộc lộ xét nghiệm PD-L1 dương tính, tiến triển hoặc di căn sau các biện pháp điều trị ban đầu.
Liều pembrolizumab tiêm tĩnh mạch với hàm lượng 200mg/m2 ngày 1, chu kỳ 21 ngày, có thể sử dụng lên đến 2 năm hoặc khi bệnh tiến triển nặng trở lại.
5 Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung của ESMO
Liệu pháp điều trị trong ung thư cổ tử cung của ESMO được điều chỉnh theo giai đoạn bệnh phân loại FIGO và TNM. [2].
6 Thuốc điều trị ung thư cổ tử cung Nhật Bản
Các loại thuốc được quảng cáo xuất xứ Nhật Bản, bán tràn lan trên mạng với vai trò điều trị ung thư cổ tử cung đang gây nhiều lo ngại cho người dùng về tính xác thực và độ an toàn của chúng.
Hiện tại các thuốc điều trị ung thư chỉ được cấp khi có chỉ định của bác sĩ và đa số được bán tại các cơ sở y tế cấp phép. Do đó các sản phẩm được quảng cáo hàng Nhật thường có nguồn gốc không rõ ràng, không được Bộ Y tế kiểm duyệt hoặc cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Thành phần thuốc có thể chứa chất độc hại, không hiệu quả hoặc gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngoài ra cách quảng cáo thổi phồng công dụng như khả năng "chữa khỏi hoàn toàn" ung thư cổ tử cung, hiệu quả từ "nghiên cứu Nhật Bản" nhưng không có bất cứ dẫn chứng cụ thể nào, nhưng có thể lôi kéo tâm lý người bệnh sử dụng sản phẩm này.
Như vậy, việc điều trị ung thư phải được thực hiện tại các chuyên khoa, theo các phác đồ cụ thể, người bệnh không nên tự ý mua các sản phẩm qua các kênh không chính thống hoặc không rõ nguồn gốc.
7 Chi phí mổ, xạ trị điều trị ung thư cổ tử cung bao nhiêu tiền?
Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, cơ sở y tế và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Dưới đây là một số thông tin tham khảo về chi phí phẫu thuật và xạ trị:
- Phẫu thuật cắt bỏ có thể dao động từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tuỳ vào giai đoạn phát triển của khối u.
- Xạ trị có thể dao động từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng cho mỗi lần thực hiện.
Tuy nhiên nếu có bảo hiểm y tế, người bệnh có thể được hỗ trợ từ 80% đến 100% chi phí, tùy thuộc vào đối tượng tham gia.
8 Điều trị ung thư cổ tử cung bệnh viện nào tốt nhất?
Các bệnh viện điều trị ung thư uý tín có thể tham khảo như:
Tại Hà Nội:
- Bệnh viện K
- Bệnh viện Ung bướu
- Bệnh viện Bạch Mai
Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
- Bệnh viện Từ Dũ
- Bệnh viện Nhân Dân 115
9 Lưu ý khi dùng thuốc điều trị ung thư cổ tử cung
Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, một số lưu ý khi sử dụng thuốc người bệnh cần biết như:
- Các thuốc điều trị ung thư cổ tử cung sẽ gây tác dụng phụ sau khi dùng, người bệnh cần được theo dõi sau khi điều trị và báo cáo ngay với nhân viên y tế nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào.
- Mỗi cá nhân sẽ có phác đồ điều trị khác nhau phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh.
- Trong quá trình điều trị có thể kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, liệu pháp miễn dịch nếu cần thiết.
- Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tuân thủ kiểm soát tâm lý và tham gia các chương trình tầm soát định kỳ.
- Người bệnh nên vận động nhẹ trong quá trình điều trị bệnh, cùng với có chế độ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hỗ trợ nâng cao thể trạng.
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tránh ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, đồ muối chua. Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, dưỡng chất, giàu protein, nhiều vitamin như trái cây, rau củ, giảm tải áp lực cho hệ tiêu hoá trong quá trình điều trị ung thư.
Bên cạnh đó, tỷ lệ ung thư cổ tử cung có thể giảm thông qua phòng ngừa, chẩn đoán và tầm soát hiệu quả. Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là vi khuẩn HPV, do đó việc tiêm ngừa vaccine cũng sẽ bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ gây bệnh này.
10 Kết luận
Thuốc điều trị ung thư cổ tử cung sẽ được chỉ định cụ thể với từng người bệnh, theo hướng dẫn của bác sĩ. Bài viết trên phân loại các thuốc dựa trên phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung của Bộ Y tế, mong rằng đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người đọc.
Tài liệu tham khảo
- ^ Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Trang 360-370. Bộ Y tế. Truy cập ngày 15 tháng 01 năm 2025.
- ^ Tác giả C. Marth ∙ F. Landoni và cộng sự (ngày 7 tháng 01 năm 2020) Cervical cancer: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up. EMSO. Truy cập ngày 15 tháng 01 năm 2025