1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Thuốc trị trào ngược dạ dày - thực quản: Cách dùng và lưu ý khi sử dụng

Thuốc trị trào ngược dạ dày - thực quản: Cách dùng và lưu ý khi sử dụng

Thuốc trị trào ngược dạ dày - thực quản: Cách dùng và lưu ý khi sử dụng

Xương sống trong các phác đồ điều trị GERD là các loại thuốc nhằm trung hòa hoặc giảm axit dạ dày. Các nhóm thuốc chính trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản là thuốc kháng axit, thuốc đối kháng thụ thể histamin-2 (H2RA) và thuốc ức chế bơm proton (PPI). Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về thuốc trị trào ngược dạ dày

1 Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI)

PPI là một trong những nhóm thuốc được kê đơn phổ biến nhất để điều trị chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả cải thiện vượt trội của PPI so với H2RA. 

1.1 Hiệu lực của nhóm thuốc PPI

Trong một nghiên cứu tổng hợp, PPI cho thấy tốc độ chữa bệnh nhanh hơn đáng kể (12%/tuần) so với H2RA (6%/tuần) và giảm chứng ợ nóng nhanh hơn, hoàn toàn hơn (11,5%/tuần) so với H2RA (6,4%/tuần).

Bên cạnh đó PPI cho thấy tỷ lệ giảm triệu chứng một cách hoàn toàn cao hơn (thường được đánh giá sau 4 tuần) ở những bệnh nhân mắc viêm thực quản ăn mòn (EE) (khoảng 70%–80%) so với những bệnh nhân mắc bệnh trào ngược không ăn mòn (NERD) (50%–60%).

Nhóm thuốc PPI trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Nhóm thuốc PPI trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Các phân tích tổng hợp cho thấy rằng tỷ lệ bảo vệ niêm mạc và giảm triệu chứng GERD tổng thể khác nhau rất ít trong số 7 PPI hiện có, mặc dù các nghiên cứu đã chứng minh sự khác biệt trong kiểm soát độ pH. Mặc dù tất cả các PPI đều có hiệu quả để chữa bệnh viêm thực quản do trào ngược khi được sử dụng ở liều lượng tiêu chuẩn, nhưng có sự khác biệt lớn về hiệu lực ức chế axit của các chế phẩm PPI khác nhau. Nếu coi hiệu lực ức chế axit (dựa trên tác dụng của chúng đối với pH trung bình trong dạ dày trong 24 giờ) của Omeprazole làm tiêu chuẩn, tương đương omeprazole (OE là 1,00) thì hiệu lực tương đối theo liều tiêu chuẩn của Pantoprazole,lansoprazole, omeprazole, EsomeprazoleRabeprazole được ước tính tương ứng là 0.23, 0.90, 1.00, 1.60, and 1.82 OE. Đây là cơ sở để cân nhắc việc chuyển đổi giữa các PPI khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị.

Một số nghiên cứu cho thấy, khác biệt di truyền liên quan đến CYP2C19 có ảnh hưởng đến một số PPI, nhưng kết quả này không có ý nghĩa nhiều trên lâm sàng. Tuy nhiên, nếu đang đang xem xét chuyển đổi PPI, thì có thể cân nhắc chuyển đổi sang dạng PPI không phụ thuộc vào CYP2C19, chẳng hạn như Rabeprazole.

1.2 Lưu ý về chỉ định của nhóm thuốc PPI

Đối với những bệnh nhân không có biến chứng EE hoặc thực quản Barrett, nếu tiếp tục có triệu chứng khi ngừng điều trị bằng PPI, có thể cân nhắc điều trị theo yêu cầu trong đó PPI chỉ được dùng khi các triệu chứng xuất hiện và ngừng khi chúng thuyên giảm. 

Lưu ý rằng, ⅔ số bệnh nhân mắc GERD không có triệu chứng viêm thực quản ăn mòn đã đáp ứng với điều trị bằng PPI sẽ tái phát triệu chứng khi ngừng thuốc. Còn nếu có triệu chứng viêm thực quản ăn mòn độ C, thì gần 100% sẽ tái phát trong vòng 6 tháng. Tái phát viêm thực quản ăn mòn sau khi ngừng thuốc có thể xảy ra chỉ sau 1–2 tuần sau khi ngừng thuốc có thể xảy ra chỉ sau 1–2 tuần. Vì vậy, liều duy trì PPI được chỉ định cho những bệnh nhân bị biến chứng GERD bao gồm EE nặng (độ C hoặc D) và thực quản Barrett.

1.3 Cách dùng nhóm thuốc PPI

Vì các PPI chỉ có thể liên kết với các bơm proton mà đang tích cực tiết ra axit và sự có mặt của thức ăn là yếu tố kích thích hoạt động của bơm proton. Do vậy, thuốc ức chế bơm proton kiểm soát pH trong dạ dày tốt nhất khi được dùng trước bữa ăn sáng khoảng 30 - 60 phút đối với liều một lần/ ngày hoặc 30 - 60 phút trước bữa sáng và bữa tối đối với liều hai lần/ngày. 

Không nên dùng thuốc trước khi đi ngủ vì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc so với liều dùng trước bữa tối trong việc kiểm soát axit.

Riêng đối với Dexlansoprazole, một PPI phóng thích chậm kép được hấp thu ở tá tràng và ruột non, thì hiệu quả kiểm soát độ pH dường như không bị ảnh hưởng bởi bữa ăn. 

Việc sử dụng PPI với liều thấp nhất có hiệu quả được khuyến cáo và hợp lý nhưng phải được cá nhân hóa. Việc gia tăng các triệu chứng sau khi ngừng PPI đột ngột vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng và đang gây tranh cãi. 

1.4 Có nên sử dụng PPI dài hạn không?

Mặc dù PPI được coi là thuốc trị trào ngược dạ dày tốt nhất cho bệnh nhân, nhưng việc sử dụng PPI lâu dài vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ với sức khỏe người bệnh. Một số nghiên cứu đã xác định mối liên quan giữa việc sử dụng PPI lâu dài và nguy cơ bị nhiễm trùng đường ruột. Ngoài ra, các chuyên gia còn lo lắng về việc sử dụng PPI lâu dài làm gia tăng nguy cơ phát triển các tình trạng bất lợi bao gồm viêm phổi, ung thư dạ dày, gãy xương do loãng xương, bệnh thận mãn tính, thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất, đau tim. Mặc dù vậy, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thường đồng ý rằng những lợi ích đã được chứng minh rõ ràng của PPI vượt xa những rủi ro lý thuyết của chúng.

Thận trọng khi sử dụng PPI dài hạn
Thận trọng khi sử dụng PPI dài hạn

Có thể cân nhắc chuyển đổi PPI đối với những bệnh nhân gặp tác dụng phụ nhẹ của PPI bao gồm đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón và đầy hơi. Những tác dụng phụ tương đối nhỏ này xảy ra không thường xuyên và giảm dần khi ngừng thuốc.

Nếu sử dụng PPI kéo dài ở những bệnh nhân có nguy cơ loãng xương, nên bổ sung Canxi hoặc Vitamin D và cần theo dõi định kỳ mật độ khoáng của xương.

Nếu sử dụng PPI kéo dài ở những bệnh nhân có nguy cơ thiếu vitamin B12, nên bổ sung Vitamin B12 hoặc theo dõi định kỳ nồng độ B12 trong huyết thanh. 

Nếu sử dụng PPI kéo dài ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh thận, nên theo dõi định kỳ nồng độ creatinin huyết thanh và chức năng thận. [1]

2 Thuốc đối kháng thụ thể histamin-2 (H2RA)

Các lựa chọn y tế cho bệnh nhân GERD khi không đáp ứng với liệu pháp PPI còn hạn chế. Tuy nhiên, việc bổ sung nhóm thuốc H2RA trước khi đi ngủ đã được đề xuất cho những bệnh nhân sử dụng PPI có các triệu chứng trào ngược về đêm kéo dài. Cách tiếp cận này đã trở nên phổ biến sau khi một số nghiên cứu chứng minh khả năng kiểm soát pH trong dạ dày qua đêm được cải thiện với việc bổ sung H2RA.

Mặc dù vậy, một nghiên cứu khác đã cho thấy, việc điều trị bằng H2RA trước khi đi ngủ kéo dài 1 tháng làm mất khả năng kiểm soát pH. Dựa trên những dữ liệu này, việc sử dụng H2RA trước khi đi ngủ nên được dùng khi cần thiết ở những bệnh nhân có các triệu chứng về đêm hoặc có bằng chứng khách quan về chứng trào ngược axit về đêm khi theo dõi pH mặc dù đang điều trị bằng PPI. 

3 Các thuốc khác trong điều trị GERD

Bên cạnh việc sử dụng PPI và H2RA là những thuốc chữa trào ngược dạ dày chính thì cũng có một số bằng chứng (còn hạn chế) chứng minh hiệu quả của các thuốc khác. Chẳng hạn như các thuốc đồng vận (prokinetics), Baclofen, Sucralfate,...

3.1 Nhóm thuốc đồng vận (prokinetics)

Metoclopramid đã được chứng minh là làm tăng áp lực cơ thắt thực quản dưới, tăng cường nhu động thực quản và tăng khả năng làm rỗng dạ dày. Từ đó giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. 

Tuy nhiên, dữ liệu về hiệu quả của Metoclopramid đối với GERD còn rất ít và các tác dụng phụ đáng kể đã được báo cáo khi sử dụng hoạt chất này với liều cao và lâu dài. Bao gồm  các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như buồn ngủ, kích động, khó chịu, trầm cảm, phản ứng loạn trương lực cơ và rối loạn vận động. Do vậy, Metoclopramid không được khuyến khích sử dụng đơn độc trong điều trị GERD. 

Prucalopride, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị táo bón, trong 1 nghiên cứu sử dụng ngoài hướng dẫn đã cho thấy hiệu quả cải thiện quá trình làm rỗng dạ dày và giảm tiếp xúc với axit thực quản ở bệnh nhân GERD. Trong tương lai, đây có thể là một liệu pháp bổ sung tiềm năng cho những bệnh nhân GERD đang dùng PPI bị chậm làm rỗng dạ dày. 

3.2 Thuốc Baclofen

Baclofen, một chất chủ vận GABA, có khả năng làm tăng áp lực cơ thắt thực quản dưới, từ đó giảm các đợt trào ngược. Baclofen có thể làm giảm số lần trào ngược sau ăn, các triệu chứng trào ngược về đêm và các đợt ợ hơi. 

Có thể cân nhắc thử nghiệm baclofen với liều 5–20 mg, 3 lần/ngày ở những bệnh nhân có bằng chứng khách quan về triệu chứng trào ngược liên tục mặc dù đã điều trị PPI tối ưu. 

Tác dụng phụ khi sử dụng Baclofen bao gồm chóng mặt, buồn ngủ và táo bón.

3.3 Thuốc Sucralfate

Sucralfate là một chất bảo vệ niêm mạc, nhưng có khá ít dữ liệu chứng minh hiệu quả của nó trong GERD. Một số nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của Sucralfate tương tự như H2RA, nhưng dữ liệu còn hạn chế. Không có dữ liệu so sánh hiệu quả của Sucralfate với PPI cũng như không bất kỳ nghiên cứu nào về sự kết hợp giữa các thuốc này.

Sucralfate giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản
Sucralfate giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản

3.4 Thuốc trung hòa axit

Nhóm thuốc trung hòa axit (antacid, alginate-antacid) được dùng đơn độc trong điều trị các triệu chứng nhẹ của GERD và thường được dùng cùng với các nhóm thuốc PPI để làm giảm nhanh các triệu chứng trong GERD trung bình hoặc nặng. 

Thuốc sử dụng để điều trị GERD khi mang thai

Khoảng 2/3 phụ nữ mang thai bị ợ nóng hoặc gặp các triệu chứng khác của bệnh GERD. Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng việc điều trị GERD trong thời kỳ mang thai nên bắt đầu bằng việc điều chỉnh lối sống. Khi thay đổi lối sống thất bại, thì các thuốc kháng axit (chứa nhôm, canxi hoặc magiê), Alginate và Sucralfate là những thuốc điều trị đầu tay.

Một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên (RCT) nhỏ đã phát hiện ra rằng, Sucralfate vượt trội hơn so với việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để giảm chứng ợ nóng và trào ngược ở phụ nữ mang thai. 

Đối với phụ nữ mang thai có triệu chứng trào ngược dạ dày, thì tất cả các thuốc nhóm H2RA và các PPI đều thuộc loại B của FDA (ngoại trừ omeprazole thuộc loại C của FDA).

Tránh sử dụng các chế phẩm có Magie hoặc Natri bicarbonat ở các thuốc trung hòa axit cho phụ nữ mang thai. 

3.5 Thuốc chống trầm cảm chữa trào ngược dạ dày

Trong trường hợp bệnh nhân bị trào ngược dạ dày do căng thẳng, stress quá mức, sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng không làm bệnh giảm đáng kể, thì việc dùng các thuốc chống trầm cảm như Imipramine, Nortriptyline, Sulpiride, và Sertraline có thể hỗ trợ giảm được lo âu, stress, từ đó cải thiện bệnh trào ngược dạ dày. 

Nhóm thuốc này chỉ được sử dụng khi có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc như khô miệng, táo bón, buồn ngủ, mệt mỏi, giảm ham muốn...

4 Lưu ý khi dùng thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản

Có nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên việc lựa chọn thuốc và phối hợp thuốc phải do bác sĩ chỉ định. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý:

  • Thuốc điều trị trào ngược dạ dày được chia thành nhiều nhóm và đa số đều là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ nên uống thuốc khi có sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, một số điều cần lưu ý trong quá trình điều trị như:
  • Sử dụng đúng liều lượng và thời gian theo toa bác sĩ, không tự ý tăng hoặc giảm liều, đặc biệt khi người bệnh cảm thấy đã hết đau cũng không được dừng thuốc.
  • Lưu ý cách dùng của thuốc, như một số thuốc ức chế bơm proton cần uống trước bữa ăn 30 phút để tác dụng phát huy tốt nhất.
  • Tác dụng phụ của một số thuốc trị trào ngược như PPI gây thiếu hụt vitamin B12, gây loãng xương, làm tăng rối loạn và nhiễm trùng tiêu hoá, người bệnh cần phải lưu ý khi sử dụng lâu dài, nếu gặp bất cứ bất thường nào cũng nên thông báo với bác sĩ.
  • Một đợt điều trị trào ngược dạ dày thường kéo dài khoảng 1-2 tháng, sau đó bệnh nhân cần tái khám để xác định hiệu quả điều trị, nếu cần sử dụng thuốc kéo dài thì phải có sự giám sát của bác sĩ.
  • Việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống góp phần lớn vào điều trị trào ngược dạ dày, người bệnh nên tránh ăn đồ ăn cay nóng, uống chất kích thích, đồ uống có cồn, caffeine, chocolate... Duy trì thói quen ăn chậm, nhai kỹ không ăn quá no và không nằm ngay sau khi vừa ăn xong.
  • Tập thể dục đều đặn, nâng cao đời sống tinh thần, giảm căng thẳng trong công việc, giữ cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên vùng bụng.

5 Kết luận

Tóm lại, nhóm thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản chính hiện nay các thuốc ức chế bơm proton PPI, các nhóm thuốc khác có vai trò hỗ trợ hoặc đẩy nhanh hiệu quả điều trị. Tuy nhiên cần cân nhắc trước khi sử dụng PPI kéo dài và nên áp dụng song song với các biện pháp thay đổi lối sống để đạt được kết quả tốt. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Katz, Philip O. MD, MACG,[...] (Ngày đăng: Tháng 01 năm 2022). ACG Clinical Guideline for the Diagnosis and Management of Gastroesophageal Reflux Disease, AJG. Ngày truy cập: Ngày 22 thang 04 năm 2023.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633