1. Trang chủ
  2. Cơ Xương Khớp
  3. Thuốc trị bong gân cổ tay, cổ chân giúp giảm triệu chứng tức thì

Thuốc trị bong gân cổ tay, cổ chân giúp giảm triệu chứng tức thì

Thuốc trị bong gân cổ tay, cổ chân giúp giảm triệu chứng tức thì

Trungtamthuoc.com - Chấn thương phần mềm vùng khớp là những tổn thương ở hệ thống gân cơ, dây chằng, bao khớp trong quá trình vận động, chơi thể thao, tai nạn giao thông hay tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày. Bong gân là tình trạng tổn thương dây chằng. Vậy thuốc trị bong gân, trật khớp loại nào tốt? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết

1 Bong gân là gì? Các mức độ bong gân

Dây chằng khớp đóng vai trò giúp khớp ổn định, có thể dễ dàng hoạt động, thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, dây chằng cũng là bộ phận dễ tổn thương nhất của khớp do dây chằng bị kéo căng quá mức gây tổn thương hoặc có khi dây chằng bị vặn xoắn hoặc gập góc. Bong gân hay còn được gọi là tổn thương dây chằng khớp thường được chia thành 3 mức độ:

  • Độ I: Dây chằng bị giãn.
  • Độ II: Dây chằng bị đứt một phần.
  • Độ III: Dây chằng bị đứt hoàn toàn.

Các giai đoạn của bong gân:

  • Giai đoạn viêm tấy cấp tính: Thường xuất hiện trong vòng 72 giờ đầu sau chấn thương, xuất hiện tình trạng bầm tím phù nề.
  • Giai đoạn phục hồi: 4-6 tuần sau chấn thương, tại vùng bong gân có sự tích tụ collagen.
  • Giai đoạn tái tạo: Từ 4 tuần đến 6 tháng (có thể kéo dài hơn) sau chấn thương, tại vùng tổn thương diễn ra sự tái tạo dây chằng các các mô.

Bị bong gân chân bao lâu thì khỏi? Tùy thuộc vào mức độ bong gân mà thời gian khỏi bệnh có thể không giống nhau, cụ thể:

  • Bong gân độ I: Thời gian hồi phục thường kéo dài từ 2-3 tuần.
  • Bong gân độ II: Thời gian hồi phục có thể kéo dài từ 3-6 tuần.
  • Bong gân độ III: Thời gian hồi phục có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.

2 Nguyên nhân gây bong gân

Nguyên nhân gây bong gân
Nguyên nhân gây bong gân

Bong gân có thể xảy ra ở mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bong gân bao gồm:

  • Vận động viên.
  • Người thừa cân, béo phì.
  • Vận động mạnh.
  • Không khởi động kỹ càng trước khi chơi thể thao hoặc trước khi thi đấu.
  • Vận động, chơi thể thao, làm việc trong những môi trường, địa hình trơn trượt khiến tăng nguy cơ xuất hiện chấn thương bao gồm cả bong gân.

3 Dấu hiệu, triệu chứng bong gân

Tùy theo mức độ tổn thương mà các triệu chứng của bong gân cũng sẽ không giống nhau, một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau: Triệu chứng đau thường trải qua 3 giai đoạn. Ban đầu, người bệnh xuất hiện tình trạng đau nhói giống như điện giật ngay tại thời điểm xảy ra chấn thương. Sau khoảng một vài giờ, vùng tổn thương bị tê bì, người bệnh mất cảm giác đau. Cuối cùng, cơn đau sẽ xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng nặng mặc dù bệnh nhân đã nghỉ ngơi và các khớp đã bất động.
  • Phù nề tại vùng tổn thương: là những triệu chứng đi kèm trong các trường hợp bong gân bao gồm cả bong gân độ I. Do đó, người bệnh cần tiến hành nghỉ ngơi ngay sau khi xuất hiện chấn thương để tránh tình trạng phù nề ngày càng nặng hơn.
  • Bầm tím tại vùng tổn thương do dây chằng bị giãn hoặc bị đứt, gây nên tình trạng chảy máu bên trong. Do đó, trong các trường hợp bong gân người bệnh không được khuyến cáo chườm nóng vì càng làm nặng thêm tình trạng chảy máu gây bầm tím, phù nề.

4 Chẩn đoán

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt và xác định chính xác tổn thương từ đó đưa ra biện pháp cho phù hợp.

Các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

  • Chụp X quang giúp chẩn đoán khi bong điểm bám dây chằng hoặc bong gân độ III ở các tư thế toác khe khớp.
  • Cộng hưởng từ MRI.

5 Các biện pháp xử trí khi bị bong gân

Các biện pháp xử trí khi bị bong gân
Các biện pháp xử trí khi bị bong gân

5.1 Những điều nên làm khi bị bong gân

Cần dựa vào các biểu hiện qua thăm khám tại chỗ để đưa ra biện pháp xử trí cho phù hợp. Nếu người bệnh chỉ thấy sưng đau, cảm giác dễ ngã khi vận động thì dây chằng bị giãn hoặc có thể đứt một phần nhưng nếu bệnh nhân sưng đau nhiều, bầm tím, ngã khi vận động thì rất có thể dây chằng đã bị đứt một phần hoặc hoàn toàn.

Đối với bong gân mức độ 1 và độ 2 thì có thể không cần điều trị phẫu thuật mà tiến hành sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu cho người bệnh. Đối với các tổn thương mức độ III thì có thể cần can thiệp phẫu thuật để phục hồi chức năng của khớp.

Việc thăm khám thường gặp nhiều khó khăn do vùng tổn thương sưng và đau nhiều. Do đó, để chẩn đoán chính xác hơn, người bệnh cần được chỉ định chụp X quang, bên cạnh đó có thể tiến hành siêu âm và chụp cộng hưởng từ.

Người bệnh thường có xu hướng chủ quan khi bị bong gân, cho rằng tai nạn không quan trọng, chỉ đến viện khi gãy xương do đó thường gặp nhiều sai lầm trong quá trình tự điều trị. Người bệnh hoặc người nhà thường sử dụng mật gấu, rượu hay xoa cao nóng vào vùng tổn thương gây nên tình trạng chảy máu nặng hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bong gân cần áp dụng phương pháp RICE, viết tắt bởi:

  • Rest (Nghỉ ngơi): Cho người bệnh nghỉ ngơi trong vòng 2-3 ngày đầu sau chấn thương.
  • Ice: Chườm đá lên bề mặt da tại vùng bị tổn thương
  • Compression (Băng ép): Tiến hành băng thun, nẹp hay bó bột khớp ở tư thế chức năng. Thời gian có thể kéo dài 4 tuần, với người lớn tuổi thì thời gian này có thể lâu hơn. Cho người bệnh vận động nhẹ nhàng, sau 8-12 tuần có thể cho tập thể thao hoặc vận động với mức độ tăng dần.
  • Elevation: Kê cao chi.

5.2 Mẹo chữa bong gân bằng đá lạnh và băng ép

Đá lạnh có thể được coi là biện pháp hỗ trợ chữa bong gân nhanh nhất do nguyên liệu dễ kiếm, dễ thực hiện, người bệnh có thể áp dụng đối với mọi cấp độ bong gân.

Mục đích của việc chườm lạnh: Tăng ngưỡng kích thích của các sợi cơ, làm co mạch, giảm lượng máu lưu thông ở vùng tổn thương từ đó làm giảm tình trạng phù nề, giảm đau cho người bệnh. Chườm lạnh còn có tác dụng giảm co thắt cơ từ đó cải thiện tuần hoàn, giảm rối loạn chuyển hóa ở vùng bị chấn thương.

Để có hiệu quả nhất, nên tiến hành chườm lạnh ngay sau khi bị bong gân. Trong vòng 48 đến 72 giờ đầu, cần chườm lạnh thường xuyên cho người bệnh. Mỗi đợt chườm lạnh nên kéo dài từ 15-20 phút, khoảng thời gian nghỉ giữa 2 đợt chườm lạnh là khoảng 120 đến 180 phút (trong 24 giờ đầu tần suất chườm lạnh có thể nhiều hơn với khoảng thời gian nghỉ giữa 2 đợt chườm lạnh là 30 đến 60 phút).

Kỹ thuật chườm lạnh:

  • Dùng nước đá hoặc đá chưa tan đập nhỏ bọc nilon rồi bọc khăn bông ẩm ra ngoài để tránh trường hợp đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương. Có thể sử dụng túi chườm chuyên dụng.
  • Áp nhẹ khối nước đá lên về mặt da ở vùng chấn thương, tiến hành xoa nhẹ nhàng theo vòng tròn trong 5-10 phút.

Mục đích của việc băng ép: Tránh tình trạng dây chằng bị di chuyển dẫn đến kéo dài thời gian hồi phục. Bên cạnh đó, băng ép còn có tác dụng hạn chế tình trạng bầm tím, sưng tấy cho người bệnh.

Kỹ thuật băng ép:

  • Dùng băng vải hoặc băng thun băng ép vùng chấn thương đủ chặt để làm giảm phù nề và tạo ra những điểm tựa vững chắc cho vùng cơ khớp bị chấn thương.
  • Băng ép vùng chấn thương trong thời gian giữa 2 đợt chườm lạnh.

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ tổn thương, có thể đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được khám chuyên khoa càng sớm càng tốt đặc biệt là trong trường hợp áp dụng các biện pháp tự điều trị nhưng tổn thương không có dấu hiệu thuyên giảm mà lại thấy sưng đau và phù nề hơn.

5.3 Những điều không nên làm khi bị bong gân

Để tránh trường hợp tổn thương có dấu hiệu tăng nặng gây đau đớn cho người bệnh. Ngoài các biện pháp trên, người bệnh cần lưu ý một số điểm dưới đây:

  • Heat: Không chườm nóng, bó thuốc, bôi, xoa các loại cao nóng, dầu nóng.
  • Alcohol: Không sử dụng đồ uống có cồn>
  • Running: Tránh vận động mạnh.
  • Massage: Không tự ý xoa bóp, nắn khớp.

6 Thuốc trị bong gân cổ tay, cổ chân giúp giảm đau nhanh chóng

6.1 Thuốc uống trị bong gân, trật khớp

6.1.1 Thuốc giảm đau paracetamol

Thuốc giảm đau paracetamol
Thuốc giảm đau paracetamol

Thuốc giảm đau Paracetamol được sử dụng trong mọi trường hợp đau (trừ nguyên nhân đau có nguồn gốc từ nội tạng). Có thể sử dụng các chế phẩm chứa paracetamol và Cafein để tăng khả năng giảm đau cho người bệnh. Tuy nhiên, không nên sử dụng các chế phẩm có chứa cafein vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.

Liều dùng: 10-15mg/kg/cân nặng, cách 4-6 tiếng dùng lại nếu người bệnh vẫn còn đau.

Không sử dụng thuốc giảm đau chứa paracetamol cho bệnh nhân suy gan nặng. Việc lạm dụng và sử dụng quá liều thuốc có thể gây nên tình trạng suy gan cấp.

6.1.2 Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid

Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế enzym COX, ngăn cản quá trình tổng hợp prostaglandin từ đó làm giảm phản ứng viêm, giảm đau trong các trường hợp đau xương khớp, bong gân, trật khớp,....

Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng hoặc có bệnh lý liên quan đến tim mạch.

Không kết hợp các thuốc thuộc nhóm NSAID với nhau vì không làm tăng hiệu quả điều trị mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ đối với bệnh nhân.

Trong trường hợp người bệnh có tiền sử dụng loét dạ dày tá tràng, nếu cần điều trị thì phải kết hợp thêm thuốc bao niêm mạc dạ dày để giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng cho người bệnh. Các thuốc bao niêm mạc dạ dày thường dùng như Esomeprazole, Omeprazole, Pantoprazole,...

6.1.3 Thuốc điều trị hỗ trợ

Một số thuốc có tác dụng điều trị hỗ trợ, cải thiện thời gian hồi phục cho người bệnh có thể kể đến như glucosamin, Vitamin C, Collagen type 2,...

6.2 Thuốc bôi giảm đau bong gân

Thuốc bôi giảm đau bong gân
Thuốc bôi giảm đau bong gân

Sử dụng thuốc bôi giảm đau thường được chỉ định trong các trường hợp bong gân nhẹ, không cần can thiệp phẫu thuật.

Như đã đề cập, đối với các trường hợp bệnh nhân bong gân, người bệnh hoặc người xử trí chấn thương tạm thời cho người bệnh tuyệt đối không được xoa bóp rượu, cao nóng vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bong gân, gây đau đớn cho người bệnh. Thay vào đó, có thể sử dụng đá lạnh để chườm hoặc các thuốc bôi giảm đau chuyên dành cho các trường hợp bong gân như Salonpas Gel, Kem bôi da Counterpain, Gel bôi giảm đau VoltogelMass,...

Không nên bôi thuốc giảm đau tại chỗ trong trường hợp có vết thương hở kèm theo bong gân. Việc điều trị cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

6.3 Lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc trị bong gân

Để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người bệnh, việc sử dụng thuốc cần có một số lưu ý sau:

Sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc.

Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang có bệnh lý hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh nào khác.

Ngưng thuốc và thông báo với bác sĩ trong trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng.

7 Mẹo nhỏ chữa bong gân cổ chân, cổ tay từ các bài thuốc dân gian

7.1 Bị bong gân đắp lá gì?

Ngoài việc sử dụng thuốc tây, từ lâu nhân dân ta đã lưu truyền các bài thuốc chữa bong gân được bào chế từ dược liệu thiên nhiên với độ hiệu quả và an toàn cao. Một số bài thuốc đắp hiệu quả mà bạn đọc có thể áp dụng trong trường hợp bong gân.

Bài thuốc chữa bong gân, sai khớp theo Hải Thượng Lãn Ông:

  • Dây Đau Xương dùng lá, Quế, Đinh Hương.
  • Hồi hương, Vỏ cây Núc Nác, Gừng sống.
  • Vỏ sò, Huyết Giác.
  • Lá canh châu, Mủ xương rồng bà, Lá thầu dầu tía.
  • Lá cây Kim cang.
  • Lá náng, Lá Bưởi bung, Hạt Trấp.
  • Lá Tầm gửi cây khế, Củ nghệ.
  • Các vị đem đi giã nhỏ, sau đó sao nóng và chườm vào vùng tổn thương.

Hoặc:

  • 30g Náng hoa trắng.
  • 30g Mua thấp.
  • 20g Dạ cẩm.
  • Dùng lá tươi, giã nát, đắp vào vùng bị bong gân.

Hoặc:

  • 30g lá Náng hoa trắng.
  • 20g lá Si.
  • 20g lá Sở.
  • Dùng tươi, giã nát, các vị đem trộn với lòng trắng trứng, đắp tại vùng bị bong gân và băng lại.
  • Thay thuốc 2 ngày một lần.

7.2 Lưu ý khi sử dụng các bài thuốc chữa bong gân

Việc sử dụng thuốc nam chữa bong gân có độ an toàn cao. Các loại dược liệu chứa nhiều thành phần kháng viêm, giảm đau giúp làm dịu cơn đau một cách nhanh chóng đồng thời cải thiện tình trạng sưng tấy, phù nề. Tuy nhiên, các bài thuốc nam chỉ sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân bong gân nhẹ, các triệu chứng không quá nguy hiểm. Đối với những trường hợp dây chằng bị đứt một phần hoặc toàn phần, người bệnh cần tiến hành thăm khám y tế để được xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Một số lưu ý trong quá trình sử dụng cây thuốc nam chữa bong gân:

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Việc xử lý ngay sau khi bị bong gân góp phần lớn vào thời gian hồi phục của người bệnh. Tiến hành chườm lạnh liên tục để bệnh nhân đỡ đau và giảm các triệu chứng của bong gân.
  • Không nên chườm nóng trong vòng 48 giờ đầu sau khi bong gân.
  • Đối với các bài thuốc cần sao nóng, chườm nóng thì cần cẩn thận để tránh trường hợp người bệnh bị bỏng.
  • Ngưng sử dụng các bài thuốc nam trị bong gân sau 2 ngày nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc xuất hiện tình trạng dị ứng ngoài da.
  • Kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện nhẹ nhàng theo khuyến cáo.

8 Các biện pháp phòng tránh bong gân

Bong gân có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh. Các triệu chứng bong gân có thể nhẹ hoặc nặng cần can thiệp phẫu thuật gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Do đó, để phòng tránh cũng như làm giảm nguy cơ bong gân, cần thực hiện một số biện pháp sau:

  • Không tập luyện quá sức, kết hợp tập luyện với nghỉ ngơi, khởi động kỹ càng trước khi luyện tập thể thao.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để phát triển cơ thể một cách toàn diện.
  • Mang thiết bị bảo hộ khi cần thiết trong quá trình luyện tập hoặc lao động.
  • Giãn cơ sau khi hoạt động thể chất.
  • Bong gân cổ chân rất hay gặp phải đặc biệt trong các môn thể thao như chạy, nhảy, đá bóng,...Do đó, vận động viên cần lựa chọn giày thể thao phù hợp, có độ ôm vừa phải, đế giày mềm, khả năng chống trơn trượt tốt để làm giảm nguy cơ bong gân trong quá trình tập luyện và thi đấu.

9 Kết luận

Trên đây là các thuốc điều trị bong gân và biện pháp phòng tránh bong gân mà bạn đọc có thể tham khảo. Bong gân là chấn thương không thể tránh khỏi, tuy nhiên, việc điều trị hợp lý, xử trí kịp thời giúp giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh cũng như rút ngắn thời gian điều trị.

10 Tài liệu tham khảo

Tác giả Diego Gaddi và cộng sự (Ngày đăng năm 2022). Acute Ankle Sprain Management: An Umbrella Review of Systematic Reviews, NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    bong gân thì chỉ bôi salonpas có khỏi không?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Dạ chào chị ạ, tùy thuộc vào mức độ bong gân ạ, chị nên sử dụng kết hợp cả thuốc uống và bôi để có hiệu quả nhanh hơn ạ

      Quản trị viên: Dược sĩ Hoàng Mai vào


      Thích (0) Trả lời
  • 0 Thích

    Mình bị bong gân, bao lâu thì khỏi nhỉ?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Dạ chào chị ạ, tùy thuộc vào mức độ bong gân mà thời gian khỏi bệnh có thể không giống nhau. Chị có thể tham khảo thêm thông tin trong bài đọc nhé, cảm ơn chị đã quan tâm ạ!

      Quản trị viên: Dược sĩ Diệu Linh vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    hotline
    0868 552 633
    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633