1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Thuốc phá thai có gây vô sinh không? Quy trình phá thai bằng thuốc của Bộ Y tế

Thuốc phá thai có gây vô sinh không? Quy trình phá thai bằng thuốc của Bộ Y tế

Thuốc phá thai có gây vô sinh không? Quy trình phá thai bằng thuốc của Bộ Y tế

Trước khi tìm hiểu về thuốc phá thai, bài viết xin nhấn mạnh rằng phá thai trong bất kỳ trường hợp nào đều không được khuyến khích.thai nhi cũng là con người, là một sinh mệnh nên con người ấy có quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền mưu cầu hạnh phúc. Người phụ nữ nào mang thai cũng ý thức được việc phá thai đang là giết bỏ con của mình, nên không phải vì một lý do đặc biệt nào đó, thì chẳng ai có thể tự tha thứ cho bản thân, những đau khổ về tinh thần và thể xác sẽ theo đuổi họ suốt đời. Bởi vậy mỗi chúng ta, đặc biệt là người trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước. 

1 Thuốc phá thai là gì?

Hiện nay có 2 phương pháp phá thai chính là phương pháp ngoại khoa và phá thai bằng thuốc. Dựa vào tuổi thai (là tuổi của trứng), sẽ được tính theo số ngày hoặc số tuần từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến khi chấm dứt thời kỳ mang thai, để có sự lựa chọn an toàn và phù hợp nhất với thai phụ.

Thuốc phá thai là phương pháp sử dụng thuốc để chấm dứt thai kỳ một cách hoàn toàn mà không cần can thiệp bất cứ thủ thuật nào vào lòng tử cung. Biện pháp này được coi là an toàn và hiệu quả do không có sự xâm lấn tác động làm tổn thương niêm mạc tử cung, giảm được nguy cơ nhiễm trùng như các thủ thuật nạo phá thai. Bên cạnh đó, phá thai bằng thuốc cũng có những rủi ro về sức khỏe nên cần có sự thăm khám kỹ lưỡng của chuyên gia y tế.

Thuốc phá thai là gì?
Thuốc phá thai là gì?

Trong phác đồ sử dụng thuốc phá thai, có 2 loại được sử dụng là Mifepristone và Misoprostol. Cơ chế của các thuốc đều ngăn chặn hormone progesterone, đây là hormone sản sinh nhiều trong quá trình mang thai với vai trò dưỡng thai, bảo vệ phôi bám chắc vào tử cung phát triển. Vì vậy khi sử dụng thuốc phá thai sẽ làm giảm mạnh hormone này và ngưng quá trình hình thành thai nhi, làm cho tử cung co bóp, tống thai ra bên ngoài. [1]

2 Những rủi ro khi dùng thuốc phá thai?

Phá thai bằng thuốc có gây vô sinh không? là câu hỏi thắc mắc của nhiều người sau khi uống thuốc phá thai. Trên thực tế, nếu sử dụng thuốc đúng cách, không có sự tổn thương hay biến chứng nghiêm trọng nào làm ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung thì việc mang thai và sinh con trong tương lai sẽ hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu phá thai làm tổn thương đến tử cung thì có thể gây ra vô sinh hiếm muộn về sau. Bên cạnh đó, thai phụ còn đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm không ngờ khi sử dụng thuốc phá thai, bao gồm:

  • Phá thai không hoàn toàn: trường hợp phôi thai không loại bỏ hoàn toàn được bằng thuốc, có thể cần phải thực hiện phá thai ngoại khoa. Khi đó, nó sẽ đi kèm nhiều yếu tố nguy cơ và nguy hiểm hơn như nhiễm trùng, xuất huyết, tổn thương niêm mạc nặng nề.
  • Mang thai ngoài ý muốn: nếu phá thai không thành công thai nhi sẽ phát triển lớn dần và thông thường có tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh rất cao.[2].
  • Đau bụng: thuốc làm co bóp mạnh nhằm loại bỏ thai ra ngoài, gây đau bụng dữ dội, thậm chí cần nhập viện theo dõi khi thuốc giảm đau không mang lại hiệu quả.
  • Xuất huyết kéo dài: nhiều trường hợp thai phụ phải truyền máu và chăm sóc phải bệnh viện do mất máu quá nhiều.
  • Sốt, nhiễm trùng: một số trường hợp có thể sốt hoặc nhiễm trùng khi phá thai. Điều này có thể làm tắc nghẽn vòi trứng khi vi khuẩn xâm nhập nên việc điều trị sau đó sẽ dẫn đến nguy cơ vô sinh, hiếm muộn cao.

Những biến chứng khi phá thai bằng thuốc sẽ đều khiến chị em khó có thai vào lần sau. Bạn cần được tư vấn y tế, thăm khám sức khoẻ tổng thể, được chỉ định điều trị của bác sĩ trước khi dùng thuốc phá thai. Và mọi trường hợp phá thai đều phải thực hiện tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế đã được cấp phép của Bộ Y tế.

3 Các loại thuốc phá thai phổ biến hiện nay

Hai thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt phá thai cho tới hiện nay gồm Mifestad và Misoprostol [3], trong đó:

  • Mifepristone (Mifestad, Korlym) : tác động ngăn chặn hormone Progesterone sản sinh trong quá trình mang thai. Đây là hormon duy trì sự phát triển phôi trong thai kỳ, tạo thành lớp niêm mạc duy trì sự bám vào tử cung của phôi. Do đó mifepristone làm yếu lớp mô, túi thai không bám được nữa dẫn đến ngừng phát triển và loại bỏ ra ngoài. [4].
Thuốc phá thai Mifepristone
Thuốc phá thai thành phần Mifepristone
  • Misoprostol (Cytotec, Misoprostol Stella 200 mcg): thuốc vừa được dùng là thuốc phá thai và thuốc trị loét dạ dày. Sử dụng phá thai thuốc có vai trò tăng co bóp tại niêm mạc tử cung, nhằm đẩy phôi thai ra ngoài sau khi đã bị bong ra khỏi mô do mifepristone. Thời gian uống Misoprostol thường lâu hơn so với mifepristone tuỳ vào tuổi thai. Sử dụng trị loét dạ dày thì thuốc ức chế bài tiết acid, các chất tương tự prostaglandin, hỗ trợ giảm đau, mau lành vết loét với liều dùng 100 - 200 mcg x 4 lần/ngày.
Thuốc phá thai Misoprostol
Thuốc phá thai Misoprostol

4 Phác đồ phá thai nội khoa theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Phá thai bằng thuốc được cấp phép để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi. Thông thường trình tự đình chỉ thai thực hiện tại các bệnh viện và phòng khám được cấp phép bởi Bộ Y tế [5].

Quy trình cơ bản phá thai bằng thuốc
Quy trình cơ bản phá thai bằng thuốc

4.1 Chuẩn bị trước khi phá thai bằng thuốc

4.1.1 Tư vấn khách hàng

Khi có kế hoạch phá thai, thai phụ cần đến các chuyên khoa Phụ sản thăm khám và tư vấn điều trị để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất. Thông thường bác sĩ sẽ hỏi thăm tiền sử bệnh, tiền sử mang thai, phá thai, xem xét bệnh lý nền, cơ địa, thể lực có phù hợp hoặc thuộc trường hợp chống chỉ định hay không. Sau đó, thai phụ tiến hành thăm khám tổng quát, siêu âm, khám phụ khoa để xác định chính xác tuần tuổi thai nhi và vị trí thai.

Kết quả siêu âm sẽ giúp đưa ra các phương pháp phá thai phù hợp với độ tuổi thai nhi, mức độ thành công của từng trường hợp. Bên cạnh đó, khách hàng ký cam kết tự nguyện phá thai và trẻ dưới 18 tuổi cần có chữ ký của người giám hộ.

4.1.2 Tư vấn phá thai bằng thuốc

Bác sĩ tư vấn hiệu quả của thuốc phá thai cũng như những biến chứng, tác dụng phụ có thể gặp phải. Thai phụ phải chấp nhận nạo hút khi quá trình phá thai bằng thuốc thất bại. Giới thiệu các quy trình thực hiện, hướng dẫn sử dụng thuốc và quan sát triệu chứng tại nhà để có hướng xử lý kịp thời. Kê đơn thuốc giảm đau và tư vấn biểu hiện cần nhập viện khẩn cấp, có thể đưa thêm thông tin liên lạc cho bệnh nhân. Bên cạnh đó các thông tin về khả năng sinh con, biện pháp tránh thai phù hợp cũng được giới thiệu tới khách hàng

4.2 Quy trình phá thai an toàn

4.2.1 Phá thai bằng thuốc đến hết 9 tuần và từ tuần thứ 10 đến hết 12 tuần

Theo tài liệu Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế) có hướng dẫn như sau:

Tuổi thaiQuy trình phá thai bằng thuốc
Thai đến hết 63 ngày

Uống 200 mg mifepriston. 

Sau khi dùng mifepriston từ 24 -48 giờ, dùng liều 800 mcg misoprostol  ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má tại cơ sở y tế hoặc tại nhà.

Thai từ 64 đến hết 84 ngày

Uống 200 mg mifepriston. 

Sau khi dùng mifepriston từ 24 - 48 giờ: Đặt túi cùng âm đạo 800 mcg misoprostol tại cơ sở y tế. Sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400 mcg misoprostol, tối đa là 4 liều.

Nếu sau 3 giờ chưa xảy cho uống liều thứ 5, 200 mg mifepriston và lặp lại liều như vậy sau 9-11 tiếng đến khi sẩy.

Nếu sau 2 lần theo phác đồ trên vẫn không sẩy thai thì chuyển sang phương pháp phá thai khác.

Lưu ý sau khi phá thai:

  • Bệnh nhân cần theo dõi trong những giờ đầu sau khi dùng Misoprostol tại bệnh viện. 
  • Khám lại sau 2 tuần, trường hợp xảy thai không hoàn toàn thì tiến hành dùng 400 mcg Misoprostol ngậm dưới lưỡi hoặc dùng 600 mcg Misoprostol đường uống và hút buồng tử cung.
  • Trường hợp ra máu quá nhiều hoặc khi thấy ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong 1 -2 giờ liên tiếp phải tái khám ngay lập tức.

4.2.2 Phá thai bằng thuốc từ tuần 13 đến hết tuần 22

Theo tài liệu Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế) có hướng dẫn như sau:

Tuổi thaiQuy trình phá thai bằng thuốc
 Tuổi thai từ 13 đến hết 18 tuần

Uống 200 mg Mifepristone

Sau 24-48 giờ đặt túi cùng âm đạo 400 mcg Misoprostol . Sau mỗi 3 giờ, 400 mcg Misoprostol (ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má).

Nếu sau 5 liều Misoprostol mà không sẩy thai thì ngày hôm sau dùng tiếp 5 liều lặp lại như trên. 

Tiếp tục như vậy vào ngày thứ 3 nếu không sẩy thai. Thất bại thì dùng phương pháp khác.

Tuổi thai từ 19 đến 22 tuần

Uống 200 mg Mifepristone 

Sau 24-48 giờ đặt túi cùng âm đạo 400 mcg Misoprostol. Sau mỗi 3 giờ, 400 mcg Misoprostol (ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má).

Nếu sau 5 liều Misoprostol mà không sẩy thai thì ngày hôm sau dùng tiếp 5 liều lặp lại như trên, thất bại thì dùng phương pháp khác.

Lưu ý sau phá thai:

  • Chỉ ra viện sau ít nhất 2 giờ khi các chỉ số của phụ nữ ổn định và mức xuất huyết âm đạo ở mức cho phép.
  • Kê đơn thuốc phòng nhiễm khuẩn nếu cần.
  • Tái khám lại sau 2 tuần.

Như vậy, tất cả việc dùng thuốc nên thực hiện tại bệnh viện và chị em cần theo dõi biểu hiện sau đó tại nhà. Thăm khám lại theo hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo quá trình phá thai thành công.

5 Trường hợp chống chỉ định dùng thuốc phá thai

Hiện nay, biện pháp phá thai bằng thuốc được ưu tiên thực hiện vì tính an toàn và sự tổn thương thấp hơn các cách phá thai khác, tuy nhiên đây vẫn không phải lựa chọn của một số đối tượng, cụ thể:

5.1 Chống chỉ định tương đối

  • Sử dụng corticoid toàn thân dài ngày
  • Bệnh nhân tăng huyết áp
  • Phụ nữ mắc bệnh viêm đường sinh dục thì cần điều trị trước khi phá thai
  • Có dị dạng sinh dục chỉ thực hiện phá thai tại các viện tuyến trung ương
  • Có sẹo mô tử cung thì cần điều chỉnh liều, khoảng cách liều misoprostol và chỉ thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên.

5.2 Chống chỉ định tuyệt đối

Tuổi thai đến hết 12 tuần (84 ngày)Thai từ tuần thứ 13 đến hết tuần thứ 22

Hẹp van 2 lá, tắc mạch và tiền sử tắc mạch.

Bệnh lý tuyến thượng thận.

Rối loạn đông máu, sử dụng thuốc chống đông.

Thiếu máu (nặng và trung bình).

Dị ứng mifepriston hay misoprostol.

Chẩn đoán chắc chắn hoặc nghi ngờ có thai ngoài tử cung.

Có thai tại vết sẹo mổ cũ ở tử cung.

Hẹp van 2 lá, tắc mạch và tiền sử tắc mạch.

Bệnh lý tuyến thượng thận.

Rối loạn đông máu, sử dụng thuốc chống đông.

Thiếu máu (nặng và trung bình).

Dị ứng mifepriston hay misoprostol.

Có vết sẹo mổ cũ ở thân tử cung.

Rau cài răng lược.

Như vậy những trường hợp trên cần cân nhắc phương pháp phá thai khác như nạo hút thai, phẫu thuật.

6 Tác dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc phá thai

Tác dụng phụ khi uống thuốc phá thai
Tác dụng phụ khi uống thuốc phá thai

Sử dụng thuốc tránh thai có thể gặp tác dụng phụ ở một số trường hợp, dưới đây là một số biểu hiện phổ biến thường gặp:

  • Dị ứng: các phản ứng dị ứng như mẩn ngứa, nổi mề đay, khó thở, phù môi
  • Buồn nôn: cảm giác buồn nôn xảy ra nhiều ở người mới sử dụng viên đầu tiên, tuy nhiên sẽ giảm dần về sau.
  • Đau bụng, tiêu chảy: đau ở bụng dưới do tăng co bóp và xuất huyết khi phá thai, cũng kèm theo tiêu chảy và rối loạn tiêu hoá khi dùng thuốc.
  • Đau đầu, ớn lạnh: xảy ra ở môt số trường hợp khi uống rượu, uống đồ có cồn, có ga, nước trái cây sau khi dùng thuốc.

7 Dấu hiệu phá thai bằng thuốc thành công

Phương pháp phá thai bằng thuốc được coi là thành công trên 90% với các dấu hiệu:

Chảy máu cục từ âm đạo: sau khi uống thuốc phá thai sẽ xảy ra tình trạng chảy máu như đến chu kỳ kinh nguyệt, có thể kéo dài từ 5-7 ngày, lượng máu những ngày đầu sẽ nhiều nhưng sau giảm dần. Trong máu sẽ vón cục vì có chứa nhiều niêm mạc bong ra và cả phôi thai bị loại bỏ.

Thử que không có thai: dùng que thử thai để đánh giá phá thai bằng thuốc có thành công hay không nếu khi thấy que báo một vạch thì bạn có thể không còn mang thai.

Dấu hiệu phá thai bằng thuốc thành công
Dấu hiệu phá thai bằng thuốc thành công

Ngoài những dấu hiệu trên, nếu xuất hiện các triệu chứng sau thì cần đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức, bao gồm: không chảy máu trong vòng 24 giờ sau khi dùng thuốc phá thai, hoặc chảy máu quá nhiều hơn 2 miếng băng vệ sinh, xuất hiện cục máu đông kích thước lớn bất thương, sốt kèm đau bụng dữ dội hơn 24 giờ, dịch âm đạo mùi hôi khó chịu.

Đây có thể là dấu hiệu gặp biến chứng sau khi phá thai, nên cần có biện pháp điều trị kịp thời để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau.

8 Giá thuốc phá thai bao nhiêu tiền? Bán ở đâu?

Thuốc phá thai Mifepristone 200mg có giá giao động khoảng 90.000 – 95.000 đồng/viên, viên nén Misoprostol Stella 200 mcg có giá khoảng 5.400 đồng/ viên, tuỳ vào từng thời điểm và địa điểm bán, giá có thể chênh lệch khác nhau.

Các thuốc có thể tìm mua tại các nhà thuốc lớn, chuỗi nhà thuốc, nhà thuốc bệnh viện, phòng khám được cấp phép phá thai đạt đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế trên toàn quốc. Tuy nhiên để mua được thuốc cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ, nên chị em hãy đi thăm khám tại bệnh viện, không tự ý sử dụng thuốc tại nhà.

Thông thường các gói phá thai tại các cơ sở y tế dao động từ 2.500.000 – 3.000.000 đồng/lần, mức giá này đã bao gồm chi phí thăm khám, xét nghiệm, siêu âm. Để đảm bảo an toàn và kiểm soát sự hiệu quả thì các gói khám tại bệnh viện, phòng khám được khuyến khích thực hiện.

9 Lưu ý khi sử dụng thuốc phá thai

Thuốc phá thai chỉ được sử dụng khi đã xem xét đầy đủ lợi ích và nguy cơ. Tiến hành dưới sự giám sát tại bệnh viện. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc phá thai:

  • Quá trình quyết định: Đưa ra quyết định sử dụng thuốc phá thai là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới thai phụ. Mặc dù phá thai là hợp pháp nhưng vẫn lấy đi sự sống của một sinh mệnh, vì vậy xem xét tình hình cá nhân và thảo luận với bác sĩ để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất.
  • Tư vấn y tế: mọi biện pháp phá thai đều cần tư vấn của bác sĩ, nhằm đánh giá tình hình sức khoẻ, lựa chọn biện pháp phù hợp.
  • Quy trình thực hiện: quy trình của biện pháp phá thai bằng thuốc cần tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn Bộ Y tế, đảm bảo đúng liều lượng, thời gian, và tái khám sau dùng thuốc.
  • Cảnh báo tác dụng phụ và biến chứng: các thuốc phá thai có thể gây ra nhiều biến chứng và tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, bệnh nhân  cần có hiểu biết để phát hiện và cấp cứu kịp thời.
  • Kiểm tra sau phá thai: sau khi dùng thuốc, tuân thủ đúng lịch tái khám để xác nhận phá thai hoàn toàn thành công chưa, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ phụ nữ.
  • Không tự ý phá thai bằng thuốc tại nhà: tư ý mua thuốc về phá thai tại nhà vô cùng nguy hiểm, các biến chứng về thai nhi còn sống, dị tật thai tăng cao, khi đó mẹ bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa để loại bỏ hoàn toàn, gây nhiều hệ luỵ về sau.

10 Một số câu hỏi thường gặp về thuốc phá thai

10.1 Thời gian hồi phục bao lâu sau khi uống thuốc phá thai 

Mỗi người sẽ có thời gian hồi phục khác nhau, thông thường sẽ cần từ 1-2 tuần để hồi phục sau khi dùng thuốc phá thai. Trường hợp gặp biến chứng sẽ có thời gian kéo dài hơn.

10.2 Uống thuốc phá thai viên đầu tiên còn giữ được con không?

Có thể giữ con được không sau khi đã uống thuốc phá thai liều đầu tiên sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các thống kê cho thấy khoảng 8% thai nhi vẫn tiếp tục phát triển sau khi sử dụng thuốc, và khả năng này sẽ giảm dần hoặc tăng dần tuỳ theo độ tuổi thai, liều lượng thuốc uống.

10.3 Phá thai bằng thuốc bao lâu thì có kinh trở lại?

Các thai phụ có kinh trở lại sau 4-8 tuần, tuy nhiên một số trường hợp sẽ lâu hơn hoặc sớm hơn do chế độ ăn uống, tâm lý và thể trạng người bệnh.

10.4 Phá thai bằng thuốc có mệt mỏi không?

Thuốc phá thai có thể gây các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, choáng váng, dị ứng mẩn ngứa, nôi mề đay. Cơ thể nhạy cảm có thể sốt và ớn lạnh.

11 Kết luận

Sử dụng thuốc phá thai đem lại nhiều lợi ích hơn các phương pháp phá thai khác như hút thai, nạo thai. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn những nguy cơ biến chứng nguy hiểm nên việc sử dụng thuốc cần phải được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. 

Những thông tin cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng tại nhà. Và hãy trạng bị những kiến thức về các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả khi bạn chưa sẵn sàng làm mẹ.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Jessica Beaman 1, Christine Prifti  và cộng sự ( Ngày đăng 14 tháng 5 năm 2020) Medication to Manage Abortion and Miscarriage. Pubmed. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2024.
  2. ^  Chuyên gia NHS (Ngày đăng 24 tháng 4 năm 2023) Risks -Abortion. NHS. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2024
  3. ^ Tác giả Marissa Krugh; Preeti Patel; Christopher V. Maani (Ngày đăng 19 tháng 2 năm 2024) Misoprostol. Pubmed. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  4. ^  Chuyên gia FDA. Information about Mifepristone for Medical Termination of Pregnancy Through Ten Weeks Gestation. FDA.  Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2024.
  5. ^  Bộ Y tế, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633