8 thuốc dự phòng vào ngày Tết mà gia đình nào cũng cần có
Trungtamthuoc.com - Vào dịp Tết không chỉ cần chuẩn bị thực phẩm, vật dụng trang trí nhà cửa mà những loại thuốc thiết yếu, dụng cụ y tế dự phòng trong dịp lễ cũng rất quan trọng. Đặc biệt nếu gia đình có em nhỏ, người cao tuổi càng phải chú trọng phòng ngừa trường hợp khẩn cấp. Vậy những thuốc nào cần chuẩn bị cho ngày Tết? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Những bệnh lý thường gặp vào ngày Tết
Tết Nguyên đán là khoảng thời gian nghỉ ngơi nhiều nhất trong năm, nên mọi người có thói quen ăn uống, sinh hoạt thay đổi, ngủ nghỉ không đúng giờ. Đặc biệt tổ chức tiệc tùng lớn, uống nhiều rượu bia dẫn đến mắc các bệnh lý cấp tính. Dưới đây là những bệnh lý phổ biến dễ gặp vào dịp này:
- Rối loạn tiêu hoá: Vào dịp Tết, mọi người thường ăn nhiều thực phẩm khác nhau, đặc biệt là ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ, cay nóng, đồ ngọt, hay uống nhiều bia rượu, nên khiến cho hệ tiêu hóa bị quá tải và dẫn tới tình trạng rối loạn. Ngoài ra, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể gây ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng rối loạn thường gặp phải như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn.
- Đau dạ dày: Thói quen ăn uống không điều độ và uống nhiều rượu bia làm tăng tiết acid dịch vị dẫn đến tình trạng viêm loét cấp tính, trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó sự rối loạn giấc ngủ vào dịp Tết cũng gây nặng thêm tình trạng bệnh.
- Bệnh lý tim mạch: vào dịp tết, số lượng tiêu thụ thực phẩm nhiều muối tăng cao, kèm theo thức khuya, căng thẳng, uống nhiều bia rượu sẽ làm trầm trọng hơn các bệnh lý tim mạch, huyết áp, thậm chí có thể dẫn đến đột quỵ nếu không kiểm soát.
- Bệnh về gan: không chỉ rượu bia được tiêu thụ quá nhiều, các loại thực phẩm nhiều chất béo, bánh kéo ngọt cũng làm gan không kịp đào thải, gây quá tải cho gan. Từ đó, nguy cơ mắc các bệnh về gan tăng cao.
- Cảm cúm, cảm lạnh: các bệnh đường hô hấp tăng cao vào dịp Tết do thời tiết chuyển lạnh và tiếp xúc gặp gỡ nhiều khiến khả năng lây nhiễm lan rộng. Các triệu chứng thông thường như sốt, ho,sổ mũi, mệt mỏi.
- Bệnh dị ứng: nguyên nhân từ dị ứng thức ăn, phấn hoa, hay các chất kích thích gây ra triệu chứng ngứa, nổi mẩn, khó thở, thậm chí nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu khẩn cấp.
===> Xem thêm bài viết: Thuốc giải rượu bia chống say rượu an toàn và hiệu quả
2 Những loại thuốc cần có trong tủ thuốc ngày Tết
Vào dịp Tết, tủ thuốc gia đình cần được chuẩn bị đầy đủ để phòng ngừa và xử lý kịp thời các tình huống sức khỏe có thể xảy ra. Dưới đây là danh sách các loại thuốc cần có trong ngày này:
2.1 Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa
Thuốc tiêu hoá là những loại thuốc không thể thiếu trong dịp Tết vì chế độ ăn uống không khoa học, tiêu thụ quá nhiều chất béo và thực phẩm khó tiêu, do đó khiến bệnh nhân mắc phải nhiều tình trạng khác nhau như nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu… và với từng tình trạng phù hợp với các thuốc điều trị khác nhau, cụ thể:
- Men tiêu hoá: giúp hỗ trợ quá trình tiêu hoá, khi tiêu thụ quá nhiều thức ăn, tuy nhiên chỉ nên dùng khi cần thiết, tránh lạm dụng quá nhiều. Các men tiêu hoá thường dùng như Neopeptine, Enzymase, Pancreatin…
- Thuốc giảm đầy hơi, khó tiêu: có chứa thành phần như Simethicone giúp giảm đầy hơi, chướng bụng, Than hoạt tính giúp hấp thụ khí và độc tố trong đường tiêu hoá. Một số thuốc thường dùng như Espumisan, Carbophos.
- Thuốc chống tiêu chảy: thuốc có chứa loperamid giúp chống tiêu chảy nhanh chóng tuy nhiên chỉ dùng khi cần thiết, tránh lạm dụng có tích tụ chất độc trong ruột. Ngoài ra, bổ sung men vi sinh hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh, giảm triệu chứng hiệu quả.
- Chất bổ sung nước và điện giải oresol: giúp bù nước và điện giải khi tiêu chảy và mất nước do nôn mửa, ngộ độc thức ăn. Sau khi đi ngoài hoặc nôn hết các chất độc thì thực hiện pha 1 gói oresol vào trong đúng 1 lít nước đun sôi để nguội rồi hoà tan uống bù dịch.
- Thuốc chống trào ngược và trung hòa axit dạ dày: được dùng để giảm khó chịu dạ dày, ợ nóng, khó tiêu, trùng hoà acid, giảm nguy cơ viêm loét. Các thuốc thường gặp như Maalox, Phosphalugel, Gaviscon…
- Thuốc nhuận tràng: hỗ trợ giảm triệu chứng táo bón, làm mềm phân hoặc kích thích nhu động ruột mang lại hiệu quả điều trị nhanh hơn. Thuốc thường đường dùng như thuốc nhuận tràng thẩm thấu Duphalac hoặc thuốc nhuận tràng kích thích bisacodyl.
2.2 Thuốc giảm đau, hạ sốt
Việc di chuyển nhiều ngoài trời, cùng với đó do thời tiết thay đổi thất thường dễ khiến những cơn đau đầu gia tăng, các triệu chứng cảm cúm đi kèm như hắt hơi, sổ mũi sẽ khiến người bệnh khó chịu. Do đó, chuẩn bị những loại thuốc giảm triệu chứng trên là rất cần thiết, hạn chế nguy cơ bệnh trở nặng hơn.
Thuốc thông dụng nhất là Paracetamol để chữa triệu chứng sốt và đau đầu. Thuốc được bào chế ở nhiều dạng như viên nén, viên sủi, siro thích hợp cho mọi độ tuổi. Nếu nhà có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ không thể uống thuốc, nên dự phòng thêm loại viên đặt hậu môn. Liều lượng thường dùng ở người lớn là 500-1000mg/lần, cách mỗi 4-6 giờ, không quá 4g/ngày. Còn trẻ nhỏ tính theo cân nặng, 10-15mg/kg mỗi 4-6 giờ, không quá 5 liều/ngày.
Ngoài ra, có thể dự phòng thêm Ibuprofen dùng giảm đau hạ sốt, khi hiệu quả của paracetamol không đáp ứng tốt, hoặc bệnh nhân dị ứng paracetamol. Liêu dùng ở người lớn từ 200-400mg mỗi 4-6 giờ, tối đa 1,2g/ngày và liều lượng ở trẻ em từ 5-10mg/kg mỗi 6-8 giờ, tối đa 40mg/kg/ngày.
2.3 Thuốc chống say tàu xe
Vào ngày Tết, không khỏi tránh được những chuyến đi xa hỏi thăm gia đình, bạn bè. Do đó, dự phòng thuốc say tàu xe là điều cần thiết. Bạn có thể dự phòng những miếng dán chống say xe hoặc thuốc chống say chứa thành phần Dimenhydrinate, nên uống từ 1-2 viên trước khi khởi hành từ 30-60 phút. Lưu ý thuốc có gây buồn ngủ và không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
2.4 Thuốc chống dị ứng
Thuốc được dùng trong trường hợp bị dị ứng như nổi mề đay, ngứa, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng do nhiều nguyên nhân. Các thuốc nên dự phòng như:
Thuốc kháng histamin H1: các thuốc histamin H1 thế hệ thứ nhất như Chlorpheniramine, có thể gây buồn ngủ, nên dùng vào ban đêm hỗ trợ giảm triệu chứng ngứa và giảm ho khan do kích ứng về đêm. Các kháng histamin H1 thế hệ thứ 2 như Loratadine, Cetirizine, ít gây buồn ngủ, thích hợp dùng ban ngày.
Thuốc chống viêm mũi dị ứng: các loại xịt mũi chứa corticoid, thuốc xịt kháng cholinergic sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý lạm dụng vì có thể gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng.
2.5 Thuốc ho
Dự phòng một số loại thuốc ho trong tủ thuốc gia đình dịp Tết rất quan trọng, đặc biệt vì thời tiết thay đổi thất thường, việc tiếp xúc với nhiều người, và thay đổi sinh hoạt có thể dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp. Một số thuốc nên cân nhắc dự phòng như:
Thuốc ho thảo dược: các loại thuốc ho chứa thành phần thảo dược như cây thường xuân, lá Húng Chanh, Mật Ong, tỳ bà diệp, Bạc Hà, cam thảo…thường an toàn, ít tác dụng phụ, thích hợp dùng cho cả trẻ em và người lớn. Những thuốc này có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ từ 1 tuổi.
Thuốc giảm ho: trong trường hợp ho khan dai dẳng, gây khó chịu thì có thể dùng thuốc chứa thành phần Dextromethorphan, tuy nhiên không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi và liêu dùng không được quá tối đa 120 mg/24 giờ, bệnh nhân nên được hướng dẫn bởi dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng.
Thuốc long đờm: Dùng khi ho có đờm, giúp tống đờm ra ngoài dễ dàng, các thuốc có chứa thành phần như Acetylcysteine, Bromhexine hoặc Ambroxol. Liều dùng thông thường ở người lớn từ 1-2 viên chia làm 3 lần/ ngày, ở trẻ nhỏ sẽ tính theo cân nặng và nên có sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ.
2.6 Thuốc điều trị bệnh mạn tính
Với người cao tuổi, hoặc những người đang mắc bệnh mạn tính như gout, tăng huyết áp, đái tháo đường…cần chuẩn bị dự phòng sẵn các thuốc điều trị do bác sĩ chỉ định.
Bên cạnh đó, không sử dụng quá nhiều thực phẩm, uống rượu bia vào dịp này, cố gắng duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
2.7 Nước muối sinh lý, thuốc sát khuẩn
Việc di chuyển nhiều sẽ khiến tiếp xúc với khói bụi, gây kích ứng mắt, mũi, do đó cần sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh. Trong trường hợp có vết thơng hở ngoài da thì cần dự phòng thuốc sát khuẩn như cồn Ethanol 70 độ, Oxi già, Povidone. ..
2.8 Thuốc bỏng
Trong dịp Tết, các hoạt động nấu nướng, đốt pháo, hoặc tiếp xúc với các nguồn nhiệt tăng cao, nguy cơ bỏng thường xảy ra. Cho nên ngoài việc tìm hiểu cách sơ cứu cơ bản, bạn nên mua thêm các loại thuốc trị bỏng đề phòng như Panthenol dạng kem bôi hoặc dạng xịt.
3 Dụng dụng y tế cần có cho ngày Tết
Ngoài thuốc thì các vật dụng y tế có thể giúp cho việc sơ cứu đơn giản, hỗ trợ giảm các rủi ro không đáng có. Ngoài ra còn giúp chẩn đoán trong một số trường hợp khẩn cấp, nhằm có hướng xử lý chính xác hơn. Danh sách các vật dụng y tế nên có trong gia đình như:
3.1 Bông băng, gạc, keo y tế
Bông, băng gạc, keo y tế là những vật dụng y tế cơ bản cần có trong tủ thuốc gia đình mỗi ngày, đặc biệt là ngày Tết. Do trong những ngày này, mọi người tham gia nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội, di chuyển nhiều nên có thể gặp các tai nạn bất ngờ như chảy máu, xước da. Bông băng, gạc, keo y tế sẽ giúp xử lý các vết thương ban đầu trước khi tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu cần thiết.
3.2 Nhiệt kế
Nhiệt kế là thiết bị không thể thiếu trong ngày Tết để đo nhiệt độ cơ thể trong những tình huống cần thiết. Việc có một chiếc nhiệt kế sẽ giúp kiểm tra nhanh chóng thân nhiệt nếu có dấu hiệu sốt bất thường. Đặc biệt ở trẻ em thường dễ bị cảm lạnh, viêm họng, nên cần theo dõi nhiệt độ của trẻ và xử lý kịp thời nếu có triệu chứng bệnh. Một số loại nhiệt kế có thể tham khảo như nhiệt kế điện tử, nhiệt kế thuỷ ngân.
3.3 Túi chườm nóng - lạnh
Túi chườm nóng-lạnh cũng cần có trong tủ thuốc vào ngày Tết, chúng có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng sốt trong cảm cúm hoặc sưng đau do trấn thương. Đối với các túi chườm nóng, sử dụng sẽ rất hiệu quả trong giảm triệu chứng đau dây thần kinh, đau lưng, hoặc đau bụng kinh, đau khớp. Với túi chườm lạnh, thích hợp sử dụng trong trường hợp sốt cao, vừa mới trấn thương.
3.4 Máy đo huyết áp
Máy đo huyết áp là thiết bị giúp xác định tần số huyết áp, nhịp tim cơ thể, đây là thiết bị quan trọng cần chuẩn bị, đặc biệt khi gia đình có người đang mắc bệnh tim mạch, bệnh mạn tính.
Máy đo huyết áp giúp phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường để có biện pháp xử lý nhanh chóng. Bên cạnh đó, sử dụng máy đo huyết áp là cách nhắc nhở người bệnh duy trì huyết áp ổn định trong cả những ngày tết. Hiện nay có nhiều mẫu máy đo huyết áp hiện đại, dễ sử dụng, có kết quả nhanh chóng.
4 Những điều cần lưu ý trong dự phòng thuốc
Để những ngày Tết trọn vẹn nhất, việc chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc là rất cần thiết, đặc biệt với những người bệnh có sẵn bệnh lý nền về hệ tim mạch, huyết áp, hệ hô hấp, đường tiêu hoá, hen suyễn…Bên cạnh đó, bản thân người bệnh cũng nên tự giác duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, kiêng khem đúng mực. Không nên chủ quan hoặc ham vui mà có thể gặp những biến chứng nguy hiểm không đáng có.
Khi mua thuốc, nên nhờ dược sĩ hoặc bác sĩ tư vấn kỹ cách sử dụng, và trong mỗi hộp thuốc nên ghi đầy đủ thông tin liều dùng, thuốc dùng điều trị bệnh gì, có giấy dán ngoài vỏ hộp hoặc sắp xếp phù hợp lên các kệ tủ thuốc tránh sự nhầm lẫn nguy hiểm có thể xảy ra. Các thuốc trẻ em và người lớn nên được để ở khu vực khác nhau, những thuốc điều trị bệnh mạn tính cần có sự kê đơn của bacs ĩ cũng nên để riêng. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh khi không có sự cho phép của bác sĩ.
Lưu ý trong bảo quản thuốc cần có như để thuốc ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ cao quá 30 độ C. Nên để tủ thuốc tránh xa khu vực vui chơi của trẻ nhỏ. Nếu dùng thuốc trong vài ngày không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất thăm khám.
5 Kết luận
Trong những ngày Tết sẽ khá khó khăn để tìm các phòng khám và hiệu thuốc mở cửa, do đó việc chuẩn bị các thuốc dự phòng là điều cần thiét. Trên đây là thông tin về 8 loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình vào dịp đầu năm. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và tuân theo đúng hướng dẫn sử dụng.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả H L Philpott và cộng sự (ngày đăng 19 tháng 6 năm 2013) Drug-induced gastrointestinal disorders. NIH. Truy cập ngày 08 tháng 01 năm 2025.