6 loại thuốc điều trị viêm gan C mới nhất được FDA chấp thuận
Các thuốc điều trị viêm gan C đã được nghiên cứu và phát triển từ cuối thế kỷ 20. Đáng chú ý sự ra đời của các thuốc điều trị viêm gan C thế hệ mới đánh dấu cột mốc thay đổi lớn trong cách điều trị bệnh viêm gan C, với hiệu quả điều trị lên tới 97%. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về thuốc điều trị viêm gan C.
1 Tổng quan về bệnh viêm gan C
Virus viêm gan C (HCV) gây ra cả nhiễm trùng cấp tính và mãn tính. Nhiễm HCV cấp tính thường không có triệu chứng và hầu hết không đe dọa đến tính mạng.
Khoảng 30% (15–45%) người mắc viêm gan C sẽ tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh mà không cần điều trị. Và 70% còn lại (55–85%) sẽ bị nhiễm HCV mạn tính. Trong số những người bị nhiễm HCV mạn tính, nguy cơ phát triển thành xơ gan là từ 15% đến 30% trong vòng 20 năm. [1]
2 Phân loại thuốc điều trị viêm gan C theo cơ chế
Năm 1992, loại thuốc điều trị viêm gan C đầu tiên được phát triển là Interferon-α-2b. Tiếp theo sau đó là Ribavirin, PEG-Interferon-α-2b. Đến năm 2011, các loại thuốc kháng virus tác động trực tiếp được dùng trong điều trị viêm gan C mới được phát triển, ví dụ như: Boceprevir, Telaprevir, Simeprevir, Sofosbuvir,...
2.1 Ribavirin
Ribavirin là thuốc kháng virus với bản chất là một nucleosid tổng hợp có cấu trúc giống guanosin. Thuốc ngăn chặn virus viêm gan C (HCV) lây lan bằng cách cản trở tổng hợp ARN và ADN, cuối cùng là ức chế tổng hợp protein và sao chép virus. Sau đây là một vài đặc điểm chính của Ribavirin trong điều trị viêm gan C:
- Ribavirin luôn luôn được sử dụng kết hợp với các thuốc khác (ví dụ: thuốc kháng virus tác động trực tiếp).
- Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào liều, thời gian điều trị, genotype của virus và tải lượng virus.
- Liều dùng và cách dùng: Liều dùng phổ biến là 2 lần/ ngày cùng với bữa ăn. Nuốt cả viên thuốc (với dạng thuốc viên) hoặc lắc đều chai trước khi uống (với dạng lỏng).
- Dạng bào chế của Ribavirin bao gồm viên nang, viên nén hoặc dạng lỏng.
- Các biệt dược phổ biến: Rebetol, Ribavirin, Vixbarin, Flazole 400, Ribatagin 500, Razirac 400, Ribazole, Copegus 200mg,...
- Ribavirin có thể gây dị tật bẩm sinh nếu dùng trước hoặc trong khi mang thai. Vì thế, thuốc này được FDA cảnh báo chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Phụ nữ cần đợi ít nhất 9 tháng sau khi ngừng Ribavirin trước khi bắt đầu mang thai.
- Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Ribavirin bao gồm: thiếu máu, buồn nôn, nôn ói, mất vị giác, suy giảm trí nhớ, khó ngủ, khó tập trung, viêm da, rụng tóc, đau cơ,...
2.2 Interferons
Interferons có bản chất là một protein, có vai trò kích thích hệ thống miễn dịch tăng cường phản ứng với virus, bao gồm cả HCV. PEG-INF-α-2a (Pegasys) là một loại Interferons phổ biến, ở dạng thuốc tiêm.
2.2.1 Ưu điểm
- Mô phỏng tác dụng kháng virus của hệ miễn dịch
- Kháng thuốc: về nguyên tắc không có, tuy nhiên vẫn có 1 tỷ lệ “không đáp ứng” nhất định
2.2.2 Nhược điểm
- Bản chất protein, nên các đặc điểm dược động học không thuận lợi
- Liều điều trị > liều sinh lý, nhiều tác dụng không mong muốn. Các tác dụng không mong muốn thường gặp bao gồm: ức chế tủy xương, suy sụp/giảm cân, độc tính thần kinh (mất ngủ, rối loạn hành vi), bệnh lý tự miễn (viêm tuyến giáp), suy tim (hiếm gặp).
- Sản xuất bằng công nghệ sinh học nên chi phí sử dụng thuốc cao
Vì những nhược điểm trên mà ngày ngay, Interferons không được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm gan C. Thay vào đó là các phương pháp điều trị mới hơn. Interferons đôi khi chỉ được dùng để hỗ trợ cho nhóm thuốc kháng virus tác động trực tiếp.
2.3 Thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAA)
Thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAA) hiện nay được coi là tiêu chuẩn dùng để điều trị viêm gan C mãn tính. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách tấn công trực tiếp vào virus viêm gan C.
2.3.1 Ưu điểm
- Nhắm mục tiêu chính xác hơn so với các phương pháp điều trị cũ, chẳng hạn như Interferon.
- Không làm ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan hệ thống của cơ thể nên hạn chế được tác dụng phụ.
- Thời gian điều trị ngắn hơn và người bệnh phải uống ít viên hơn
2.3.2 Nhược điểm
- Có thể gặp phải các tác dụng phụ như mệt mỏi, nhức đầu, thiếu máu, tiêu chảy, nôn mửa, nhịp tim chậm,...
- Cần uống thuốc hàng ngày và cần tái khám thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị
- Không hiệu quả để điều trị viêm gan C cho những người bị ung thư gan hoặc gan mất bù nặng.
Các thuốc DAA thường được sản xuất ở dạng thuốc viên. Nhóm thuốc này có tỷ lệ chữa khỏi viêm gan C rất cao, khoảng 90-97%. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn virus viêm gan C nhân lên.
Hiện nay, nhóm DAA được chia thành 3 loại, bao gồm:
- Chất ức chế Protease NS3/4: Thuốc hoạt động bằng cách nhắm vào enzyme NS3/4 (serin protease) làm gián đoạn quá trình sao chép ARN của HCV giúp làm ngăn chặn sự lây lan của virus trong cơ thể. Các thuốc mới (như grazoprevir) có hoạt phổ rộng hơn trên nhiều phenotype và có ngưỡng chọn lọc kháng thuốc cao hơn. Thuốc này chỉ có sẵn ở dạng kết hợp với Elbasvir, với tên thương hiệu Zepatier.
- Các chất ức chế NS5A: Thuốc nhắm vào một loại protein ngăn virus tự sao chép( NS5A là protein đóng vai trò thiết yếu trong sao chép ARN của HCV), đồng thời ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc. Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị tất cả các kiểu gen của HCV. Chúng được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc khác. Các hoạt chất điển hình thuộc nhóm thuốc này là Ledipasvir, ombiprasvir, elbiprasvir, velpatasvir, pibrentasvir và daclatasvir.
- Các chất ức chế polymerase NS5B: Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn enzyme NS5B (HCV cần enzyme này để tự tái tạo và tồn tại). Hoạt chất điển hình của nhóm thuốc này là Sofosbuvir [2]
3 Phân loại thuốc trị viêm gan C theo kiểu gen
Bệnh viêm gan C có tới 7 kiểu gen khác nhau. Vì thế mà các thuốc điều trị cũng rất đa dạng tùy thuộc vào từng kiểu gen và mức độ tổn thương gan. [3]
3.1 Thuốc kết hợp cho mọi kiểu gen
Các loại thuốc kết hợp có xu hướng hiệu quả đối với hầu hết các kiểu gen của bệnh viêm gan C. Cụ thể là:
- Sofosbuvir, Velpatasvir (Epclusa)
- Sofosbuvir, Velpatasvir, Voxilaprevir (Vosevi)
- Glecaprevir, Pibrentasvir (Mavyret)
3.2 Thuốc cho kiểu gen 1
Các loại thuốc thường được chỉ định để điều trị viêm gan C có kiểu gen 1 là:
- Elbasvir, Grazoprevir (Zepatier)
- Ledipasvir, Sofosbuvir (Harvoni). Có thể sử dụng cùng với Ribavirin
3.3 Thuốc cho kiểu gen 2
Các bác sĩ khuyên dùng kết hợp Sofosbuvir và Ribavirin để điều trị viêm gan C có kiểu gen 2. Thời gian điều trị là khoảng 12 đến 16 tuần. Liều dùng là 400mg Sofosbuvir và lượng Ribavirin phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể của người bệnh.
3.4 Thuốc cho kiểu gen 3
Sự kết hợp giữa Daclatasvir và Sofosbuvir có thể có hiệu quả đối với kiểu gen 3. Ngoài ra, các bác sĩ có thể bổ sung thêm Ribavirin để tăng hiệu quả điều trị. Thời gian điều trị thường là 12 tuần với liều 60mg Daclatasvir và 400mg Sofosbuvir.
3.5 Thuốc điều trị cho kiểu gen 4
Các loại thuốc thường được chỉ định để điều trị viêm gan C có kiểu gen 4 là:
- Zepatier kết hợp với Ribavirin
- Ledipasvir, Sofosbuvir (Harvoni)
- Sofosbuvir và Ribavirin
3.6 Thuốc cho kiểu gen 5 và 6
Những người bị viêm gan C kiểu gen 5 và 6 có thể được chỉ định thuốc Harvoni (Ledipasvir, Sofosbuvir) trong vòng 8 đến 24 tuần. Liều dùng cố định là 90mg Ledipasvir và 400mg Sofosbuvir.
4 Thuốc trị viêm gan C được FDA chấp thuận
Khi thuốc Sovaldi (sofosbuvir) lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 9 năm 2014, nó không chỉ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cách điều trị bệnh viêm gan C, mà còn khiến các loại thuốc thế hệ trước trở nên lỗi thời và hầu như không có hiệu quả. Trong vòng vài tháng kể từ khi Sovaldi đến, những loại thuốc chính điều trị viêm gan C cũ như Incivek (telaprevir) và Victrelis (boceprevir) đã nhanh chóng bị rút khỏi thị trường và không bao giờ xuất hiện trở lại.
Theo sau Sovaldi là sự ra đời của năm công thức thuốc bổ sung có thể điều trị một loạt các kiểu gen viêm gan C ngày càng mở rộng. Những loại thuốc mới hơn này không chỉ mang lại ít tác dụng phụ hơn mà còn giảm thời gian điều trị tới ba tháng, hứa hẹn là các thuốc điều trị viêm gan C tốt nhất hiện nay. Cụ thể bao gồm:
4.1 Mavyret
Được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào tháng 8 năm 2017, Mavyret (glecaprevir/pibrentasvir) là một loại thuốc kết hợp bao gồm hai chất ức chế protein của virus. Bằng cách ngăn chặn các protein này, quá trình sao chép RNA của virus viêm gan C không thể diễn ra. Mavyret có hiệu quả trong việc loại bỏ tất cả sáu kiểu gen viêm gan C chỉ trong vòng tám tuần. Liều lượng khuyến cáo là ba viên uống một lần mỗi ngày cùng với bữa ăn. Tác dụng phụ nhẹ và có thể bao gồm nhức đầu, mệt mỏi, tiêu chảy và buồn nôn.
4.2 Epclusa
Được phê duyệt vào ngày 28 tháng 6 năm 2016, Epclusa (sofosbuvir/velpatasvir) là một viên thuốc kết hợp hai trong một có thể điều trị tất cả sáu kiểu gen viêm gan C chính. Nó có thể được sử dụng để điều trị cho những người bị xơ gan (bao gồm cả xơ gan mất bù). Epclusa được kê đơn với liều một lần mỗi ngày trong thời gian 12 tuần. Tác dụng phụ thường gặp là đau đầu và mệt mỏi. Thuốc này có thể gây tương tác với một số loại thuốc khác.
4.3 Vosevi
Được FDA chấp thuận vào tháng 7 năm 2017, Vosevi (sofosbuvir/velpatasvir/voxilaprevir) được sử dụng để điều trị bất kỳ kiểu gen nào của virus viêm gan C. Vosevi được chỉ định dành cho những bệnh nhân đã thất bại trong điều trị trước đó với chế độ điều trị có chất ức chế NS5A và bệnh nhân thuộc nhóm 1a đã thất bại với điều trị trước đó với chế độ điều trị có chứa sofosbuvir. Liều lượng khuyến cáo là một viên một viên uống một lần mỗi ngày cùng với bữa ăn trong 12 tuần. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy và buồn nôn.
4.4 Zepatier
Được FDA phê duyệt vào tháng 1 năm 2016, Zepatier (elbasvir/grazoprevir) là một loại thuốc kết hợp liều cố định được sử dụng để điều trị viêm gan C có kiểu gen 1 và 4 có hoặc không có xơ gan. Nó được dùng một lần mỗi ngày cùng hoặc không cùng bữa ăn trong 12 đến 16 tuần, tùy thuộc vào loại kiểu gen của một người và liệu người đó đã được điều trị viêm gan C trước đó hay chưa. Tác dụng phụ thường nhẹ, bao gồm: nhức đầu nhẹ, mệt mỏi hoặc đau bụng.
4.5 Harvoni
Được phê duyệt vào tháng 10 năm 2014, Harvoni (ledipasvir, sofosbuvir) là một loại thuốc kết hợp liều cố định được sử dụng để điều trị viêm gan C có kiểu gen 1, 4, 5 và 6 có hoặc không có xơ gan. Harvoni thường được sử dụng đơn độc mà không cần kết hợp với Peginterferon hoặc ribavirin. Liều lượng khuyến cáo là một viên mỗi ngày uống cùng hoặc không cùng bữa ăn. Thời gian điều trị là từ 12 đến 24 tuần. Tác dụng phụ của thuốc thường nhẹ như: đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, khó ngủ, tiêu chảy.
4.6 Sovaldi
Được FDA phê duyệt vào tháng 12 năm 2013, Sovaldi (sofosbuvir) là một loại thuốc kháng virus tác động trực tiếp mới được sử dụng để điều trị các kiểu gen 1, 2, 3 và 4 của HCV. Liều lượng khuyến cáo là một viên mỗi ngày được uống cùng hoặc không cùng thức ăn.
Tùy thuộc vào kiểu gen, ribavirin hoặc kết hợp ribavirin và peginterferon có thể được đưa vào liệu pháp điều trị bằng Sovaldi. Thời gian điều trị là 12 tuần đối với kiểu gen 1,2 và 4, 24 tuần đối với kiểu gen 3. Sofosbuvir có thể gây mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng và khiến bệnh nhân khó ngủ. Hoạt chất Simeprevir có thể gây khô da, phát ban và khiến bệnh nhân nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. [4]
5 Thuốc điều trị viêm gan C thế hệ mới
Các loại thuốc mới nhất để điều trị viêm gan C bao gồm Mavyret (glecaprevir và pibrentasvir), Vosevi (sofosbuvir, velpatasvir và voxilaprevir) và Epclusa (sofosbuvir và velpatasvir).
Mavyret, Vosevi và Epclusa là các thuốc thuộc nhóm kháng virus tác động trực tiếp (DAA) đều được FDA chấp thuận để điều trị nhiễm virus viêm gan C mãn tính (HCV) kiểu gen 1, 2, 3, 4, 5 hoặc 6 mà không bị xơ gan hoặc xơ gan còn bù (Child-Pugh A). [5]
Sự ra đời của liệu pháp DAA có liên quan đến những thay đổi to lớn trong dịch tễ học HCV ngày nay và trong tương lai. Ở các quốc gia có khả năng tiếp cận rộng rãi với liệu pháp DAA, số lượng bệnh nhân nhiễm HCV đến tái khám tại các cơ sở y tế liên tục giảm, trong khi tỷ lệ điều trị hiệu quả lại tăng lên rõ rệt. Đó là bởi DAAs có thời gian điều trị ngắn và có thể chữa khỏi trong hầu hết các trường hợp nhiễm HCV.
Khả năng tiếp cận nhóm thuốc DAA trong điều trị HCV đang được cải thiện nhưng vẫn còn quá hạn chế ở nhiều quốc gia do chi phí đắt đỏ. Trong số 58 triệu người bị nhiễm HCV trên toàn cầu vào năm 2019, ước tính có khoảng 21% (15,2 triệu)được chẩn đoán và tiếp cận với các biện pháp điều trị. Và trong số những người được chẩn đoán nhiễm HCV mãn tính, khoảng 62% (9,4 triệu) người đã được điều trị bằng DAA vào cuối năm 2019. Bằng các nỗ lực giảm thiểu giá thành của thuốc, tỷ lệ tiếp cận điều trị và điều trị thành công bệnh viêm gan C tăng lên nhiều trong những năm gần đây. [6]
6 Thuốc nam trị viêm gan C
Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây, nhiều người tìm đến các bài thuốc nam để điều trị viêm gan C, đặc biệt là viêm gan C mạn tính. Trong Đông y, có nhiều cây thuốc đã được ông cha ta sử dụng để điều trị viêm gan virus nói chung và viêm gan C nói riêng. Sau đây là một số bài thuốc nam trị viêm gan C:
6.1 Thể vàng da
- Biểu hiện: Thể vàng da (dương hoàng) có biểu hiện là da toàn thân vàng, sắc vàng sáng, đau vùng xương sườn phải, lợm giọng buồn nôn, chán ăn, khó tiêu, mệt mỏi, nước tiểu vàng sẫm, tiểu tiện ít, hơi sợ lạnh, miệng đắng, rêu lưỡi dày dính, mạch nhu sác, huyền.
- Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt táo thấp, kiện tỳ, lợi niệu.
- Bài thuốc: Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài số 1: Chi Tử 750g, Nhân Trần 500g, ý dĩ 500g. Nghiền các vị thuốc thành dạng bột mịn, trộn đều, sắc uống hoặc bảo quản dùng dần. Ngày uống 4 lần mỗi lần 10g.
Bài số 2: Nhân trần 20g, Chè Vằng 12g, chi tử 12g, Rau Má 12g, lá bồ cu vě 12g, lá mua 12g, vỏ đại 12g, vỏ Núc Nác 12g, thanh bì 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Bài số 3: Nhân trần 40g, đảng sâm 12g, sa tiền 20g, Hạ Khô Thảo 20g, đại phúc bì 16g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Bài số 4: Nhân trần 20g, trư linh 12g, chi tử sao 12g, sa tiền tử 20g, Trạch Tả 12g, Phục Linh 12g. Sắc các vị thuốc này và uống hằng ngày. Nếu sốt nhiều, miệng khô, rêu lưỡi vàng, mạch sác thì thêm hoàng bá 12g, liên kiều 12g, hoạt thạch 20g, lô căn 20g. Nếu thấp nhiều: Người mệt mỏi, bụng đầy trướng, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu thì thêm thương truật, hậu phác, Bán Hạ chế mỗi vị 6g.
6.2 Thể không có vàng da
- Biểu hiện: Người mệt mỏi vô lực, ăn kém chậm tiêu, chán ăn, nước tiểu vàng sậm, đại tiện táo hay nát, rêu lưỡi trắng dính hay vàng dính, mạch huyền sác hay hoạt sắc.
- Phương pháp điều điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp.
- Bài thuốc: Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài số 1: Lá Đại Thanh 20g, ý dĩ 16g, sa tiền 16g, đại phúc bì 12g, nhân trần 12g, Hương Phụ 8g, chi tử 8g. Sắc uống.
Bài số 2: Nhân trần 20g, sa tiền 16g, kim ngân 16g, ý dĩ 12g, phục linh 12g,trư linh 8g, trạch tả 8g, đại phúc bì 8g. Sắc uống.
6.3 Thể nặng
- Biểu hiện: Thể nặng (cấp hoàng) do xơ gan teo cấp có biểu hiện vàng da ngày càng nặng, sốt cao, trằn trọc vật vã, có thể hôn mê co giật, có thể chảy máu, bụng đầy trướng có khi cổ trướng, chất lưỡi đỏ giáng, mạch huyền sác.
- Cần phải dùng các phương tiện và thuốc của y học hiện đại để cấp cứu.
- Phương pháp điều trị -Thanh nhiệt lương huyết, thanh nhiệt giải độc.
- Bài thuốc: Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài số 1: Nhân trần 40g, Tam Thất 12g, Huyền Sâm 12g, thiên môn 12g, Bồ Công Anh 12g, mạch môn12g, Thạch Hộc 12g, hoàng bá 20g, xương bồ 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài số 2: Bồ công anh 40g, nhân trần 40g, rễ cỏ tranh 40g, chi tử 16g, uất kim 12g, đại hoàng sao 12g, Hoàng Liên 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài số 3: Sinh Địa 24g, sừng trâu 16g, chi tử 16g, đan bì 16g, nhân trần 12g, huyền sâm 12g, Thăng Ma 12g, hoàng liên 12g, Đan sâm 12g, thach hộc 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Bài số 4: Nhân Sâm 40g, Hoàng Cầm 12g, hoàng bá 12g, đại hoàng sống 8g, hoàng liên 12g, chi tử 12g, thạch xương bồ 8g. Nếu sốt cao dùng sừng trâu 40g; chảy máu thêm sinh địa 10g, rễ cỏ tranh 40g, tam thất 4g. Sắc uống. [7]
7 Giá thuốc điều trị viêm gan C là bao nhiêu?
Có nhiều loại thuốc trị viêm gan C nên các mức giá cũng rất đa dạng. Nhưng nhìn chung, giá các loại thuốc vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho những hộ gia đình có kinh tế yếu. Cụ thể một số mức giá như:
- Biệt dược Ledvir (Ledipasvir/Sofosbuvir 90/400 mg) giá 11.500.000 VNĐ/ chai 28 viên. Tổng chi phí sử dụng thuốc cho 1 liệu trình điều trị viêm gan C mạn típ 1 hoặc 6 trong 12 tuần: 34.500.000 VNĐ (34.5 triệu)
- Biệt dược Myhep (Sofosbuvir 400 mg) giá 8.00.000 VNĐ/ chai 28 viên. Tổng chi phí sử dụng thuốc cho 1 liệu trình điều trị viêm gan C mạn típ 2 (Myhep + Ribavirin) trong 12 tuần: 27.000.000 VNĐ (27 triệu).
- Biệt dược ZEPATIER (Elbasvir 50 mg/ Grazoprevir 100 mg) giá bán lẻ 27.000.000 VNĐ/ hộp 28 viên. Tổng chi phí sử dụng thuốc cho 1 liệu trình điều trị viêm gan C mạn típ 1 trong 12 tuần: 81.000.000 VNĐ (81 triệu).
- Biệt dược Hepcinat (Sofosbuvir 400 mg) giá 8.500.000 VNĐ/ chai 28 viên. Tổng chi phí sử dụng thuốc cho 1 liệu trình điều trị viêm gan C mạn típ 2 (Hepcinat + Ribavirin) trong 12 tuần: 25.500.000 VNĐ .
- Biệt dược Hepcinat LP (Ledipasvir/Sofosbuvir 90/400 mg) giá 11.000.000 VNĐ/ chai 28 viên. Tổng chi phí sử dụng thuốc cho 1 liệu trình điều trị viêm gan C mạn típ 1,4 hoặc 6 trong 12 tuần: 33.000.000 VNĐ (39 triệu).
- Biệt dược Natdac (Daclatasvir 60 mg) giá 5.000.000 VNĐ/ chai 28 viên.
- Biệt dược VELSOF (Velpatasvir/Sofosbuvir 100/400 mg) giá 12.500.000 VNĐ/ chai 28 viên. Tổng chi phí sử dụng thuốc cho 1 liệu trình điều trị viêm gan C mạn típ 1,2,3,4 hoặc 6 trong 12 tuần: 40.500.000 VNĐ.
- Biệt dược Myvelpa (Velpatasvir/Sofosbuvir 100/400 mg) giá 12.500.000 VNĐ/ chai 28 viên. Tổng chi phí sử dụng thuốc cho 1 liệu trình điều trị viêm gan C mạn típ 1,2,3,4 hoặc 6 trong 12 tuần: 40.500.000 VNĐ.
Tóm lại, nhóm thuốc được sử dụng phổ biến và mang lại hiệu quả tốt trong điều trị viêm gan C là thuốc kháng virus tác động trực tiếp DAA. Tùy thuộc vào phân loại bệnh, mức độ nghiêm trọng và nền tảng sức khỏe của bệnh nhân thì sẽ có các lựa chọn điều trị phù hợp.
>>>Xem thêm: Những kiến thức cơ bản cần biết về bệnh viêm gan virus C
Tài liệu tham khảo
- ^ WHO (Ngày đăng: Ngày 24 tháng 07 năm 2022). Hepatitis C, WHO. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 05 năm 2023.
- ^ Elizabeth Thottacherry (Ngày đăng: Ngày 04 tháng 05 năm 2022). A Full List of Hepatitis C Medications: Epclusa, Harvoni, Zepatier, and More, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 05 năm 2023.
- ^ Alan Carte (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 5 năm 2022). What are the best hepatitis C medications?, Medical News Today. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 05 năm 2023.
- ^ James Myhre & Dennis Sifris (Ngày đăng: Ngày 17 tháng 11 năm, 2022). FDA-Approved Hepatitis C Drugs, Verywell Health. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 05 năm 2023.
- ^ Leigh Ann Anderson (Ngày đăng: Ngày 23 tháng 02 năm 2022). What are the new drugs for the treatment of hepatitis C?, Drugs.com. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 05 năm 2023.
- ^ WHO (Ngày đăng: Ngày 24 tháng 07 năm 2022). Hepatitis C, WHO. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 05 năm 2023.
- ^ Sức khỏe và đời sống (Ngày đăng: Ngày 31 tháng 05 năm 2022). 10 bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan virus, Sức khỏe và đời sống. Ngày truy cập: ngày 10 tháng 05 năm 2023.