1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Phân loại thuốc điều trị ung thư gan và hướng dẫn điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế

Phân loại thuốc điều trị ung thư gan và hướng dẫn điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế

Phân loại thuốc điều trị ung thư gan và hướng dẫn điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế

Trungtamthuoc.com - Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm trên thế giới. Việc sử dụng thuốc điều trị ung thư gan và các phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thích khối u và tình trạng bệnh nhân. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về các phương pháp và thuốc điều trị đang được áp dụng hiện nay.

1 Các phương pháp điều trị ung thư gan mới nhất

Các phương pháp điều trị ung thư gan sẽ được áp dụng tuỳ vào từng tình trạng bệnh nhân, kích thước khối u và giai đoạn tiến triển của khối u. Các phương pháp thường gặp hiện nay gồm phẫu thuật cắt gan, ghép gan, đốt sóng cao tần (RFA), liệu pháp nút mạch hóa chất (TACE), xạ trị, hoá trị, liệu pháp thuốc nhắm đích, liệu pháp miễn dịch.

Để lựa chọn được phương pháp phù hợp điều trị ung thư gan, các hiệp hội ung thư gan trên thế giới đã phân chia thành 5 giai đoạn bệnh, bao gồm 0 (rất sớm), A (sớm), B (trung gian), C (tiến triển), D (cuối), từ đó có hướng lựa chọn tốt nhất.

Các phương pháp điều trị ung thư gan
Các phương pháp điều trị ung thư gan

1.1 Phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn đầu (0 - A)

Các phương pháp điều trị chính trong giai đoạn này gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ: cắt bỏ phần gan không còn chức năng hoạt động, bị xơ gan nặng nhưng cần đảm bảo phần gan còn lại hoạt động tốt sau phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật nội soi thường được thực hiện trong trường hợp này.
  • Phẫu thuật ghép gan: là lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân có kích thước khối u nhỏ hơn 5cm, hoặc tối đa 3 khối u nhưng kích thước nhỏ hơn 3cm. Nếu thời gian chờ đợi ghép gan kéo dài hơn 3 tháng thì người bệnh có thể thực hiện phá huỷ gan bằng nhiệt, TACE.. ngăn chặn sự phát triển của khối u.
  • Phá huỷ khối u bằng nhiệt: đây như một liều pháp thay thế cho bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật hoặc ghép gan và khi kích thước khối u nhỏ hơn hoặc bằng 3cm.

1.2 Phương pháp điều trị ung thư gan giai đoạn trung gian (giai đoạn B)

Các phương pháp ưu tiên dùng trong giai đoạn này gồm:

  • Nút mạch hóa chất (TACE) bao gồm việc tiêm hoá chất dùng trong hoá trị trực tiếp vào mạch máu nuôi tế bào ung thư, giúp giảm kích thước và chậm sự phát triển của chúng. Đây là lựa chọn điều trị đầu tiên trong điều trị ung thư biểu mô tế gan giai đoạn này. Một số thuốc thường dùng như doxorubicin hoặc cisplatin…
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu được cân nhắc khi người bệnh không thể điều trị bằng TACE. các thuốc thường dùng như Sorafenib, Lenvatinib nhắm vào yếu tố tăng sinh mạch máu và các tín hiệu tăng trưởng của tế bào ung thư, giúp giảm sự phát triển của tế bào này.

1.3 Phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn cuối (giai đoạn C - D) 

Trong giai đoạn cuối C,D các biện pháp chủ yếu nhằm mục đích kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng như:

  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Sorafenib và Lenvatinib là các thuốc nhắm trúng đích được sử dụng phổ biến cho HCC giai đoạn C. Cabozantinib, Regorafenib, và Ramucirumab được sử dụng sau khi thất bại với Sorafenib.
  • Liệu pháp miễn dịch: khi ung thư gan di căn đi xa và người bệnh không còn thích hợp để điều trị bằng liệu pháp trúng đích thì liệu pháp miễn dịch được xem xét. Bắt đầu phác đồ bằng Atezolizumab kết hợp với Bevacizumab,được chứng minh là có hiệu quả cao hơn so với Sorafenib trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, Pembrolizumab hoặc Nivolumab cũng được sử dụng trong các tình trạng bệnh phù hợp.

===> Xem thêm bài viết: Ung thư gan: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh

2 Thuốc nhắm đích điều trị ung thư biểu mô tế bào gan

Liệu pháp nhắm trúng đích gồm các thuốc ngăn cản sự truyền tín hiệu trong tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư mà ít ảnh hưởng đến các tế bào bình thường. Các thuốc nhắm trúng đích gồm sorafenib, lenvatinib, regorafenib, cabozantinib và ramucirumab.

2.1 Sorafenib

Sorafenib là thuốc ức chế đa kinase đường uống, ức chế khoảng 40 kinase, tác động lên cả các thụ thể yếu tố tăng trưởng và các con đường tín hiệu nội bào quan trọng. Cụ thể, thuốc ức chế  VEGFR-2 (vascular endothelial growth factor receptor 2) và BRAF (B-Raf proto-oncogene, serine/threonine kinase). Bên cạnh đó cũng gián tiếp làm giảm tín hiệu từ PI3K đến AKT, qua đó làm giảm sự sống sót và khả năng kháng thuốc của tế bào ung thư. Thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan không thể phẫu thuật hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị nút mạch hóa chất. 

2.2 Lenvatinib

Lenvatinib là thuộc nhóm chất ức chế tyrosine kinase (TKIs) đường uống, cụ thể ức chế VEGFR 1-3, FGFR 1-4 (fibroblast growth factor receptor 1-4) và một số thụ thể PDGFR, RET, KIT, từ đó ngăn chặn các tín hiệu cần thiết cho sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư.

Lenvatinib được sử dụng cho bệnh nhân ung thư gan tiến triển hoặc không thể phẫu thuật, các nghiên cứu về hiệu quả của Lenvatinib so với sorafenib cho thấy không kém hơn và  tỷ lệ đáp ứng chung ưu thế hơn sorafenib trong điều trị ung thư gan tiến triển.

Thuốc nhắm đích điều trị ung thư gan
Thuốc nhắm đích điều trị ung thư gan

2.3 Regorafenib

Regorafenib, một thuốc ức chế đa kinase đường uống, thuốc ức chế sự tăng sinh và phát triển của tế bào ung thư, ngăn chặn hình thành mạch máu, làm giảm xâm lấn và di căn của tế bào ung thư. Regorafenib hoạt động bằng cách ức chế nhiều kinase khác nhau tham gia vào các con đường tín hiệu quan trọng trong sự phát triển và duy trì khối u như VEGFR 1-3, KIT, RET, RAF-1, BRAF, PDGFR, FGFR, CSF1R. Thuốc thường dùng sau khi thất bại điều trị bằng sorafenib. Tác dụng phụ của regorafenib cũng tương tự sorafenib, và liều khuyến cáo 160 mg (4 viên 40 mg), uống mỗi ngày một lần trong 3 tuần, sau đó nghỉ 1 tuần. 

2.4 Cabozantinib 

Cabozantinib cũng là một loại thuốc nhắm trúng đích, được chỉ định trong điều trị bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển hoặc di căn, đặc biệt sau khi đã thất bại với liệu pháp Sorafenib.  Thuốc tác động vào các receptor quan trọng của tế bào ung thư, bao gồm MET, VEGFR, AXL,  RET, ROS1 và KIT. Liều dùng của Cabozantinib cần được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và chỉ định cụ thể từ bác sĩ. Các tác dụng phụ có thể gặp gây nguy hiểm đến tính mạng như huyết áp cao, chảy máu nặng, thủng dạ dày.

2.5 Ramucirumab 

Ramucirumab là một kháng thể đơn dòng nhắm đích vào thụ thể VEGFR-2, được dùng khi bệnh nhân có nồng độ alpha-fetoprotein (AFP) cao (>400 ng/mL) và đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó như Sorafenib. Khi VEGFR-2 bị ức chế, tín hiệu kích thích tăng sinh mạch máu trong môi trường vi mô của khối u bị ngăn chặn, làm giảm khả năng phát triển và di căn của khối u.

3 Thuốc miễn dịch điều trị ung thư gan 

Các liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư gan bằng cách ngăn chặn con đường tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với tế bào ung thư, giúp chúng phát hiện và chống lại các tế bào ác tính.

Thuốc miễn dịch điều trị ung thư gan
Thuốc miễn dịch điều trị ung thư gan

3.1 Pembrolizumab, Atezolizumab

Pembrolizumab và Atezolizumab là các thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (immune checkpoints inhibitors), là một kháng thể đơn dòng chống lại PD-1 có trên bề mặt tế bào T, giúp tế bào T duy trì hoạt động và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn. Pembrolizumab thường được chỉ định ở các bệnh nhân ung thư gan tiến triển (giai đoạn muộn) hoặc không thể phẫu thuật, đặc biệt khi các liệu pháp khác (như Sorafenib) thất bại. Các thuốc dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch, có thể thay đổi dựa trên tình trạng sức khỏe theo tình trạng người bệnh.

3.2 Bevacizumab

Bevacizumab hoạt động bằng cách nhắm vào và ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu VEGF, ngăn cản VEGF tương tác với các thụ thể trên bề mặt tế bào dẫn đến gián đoạn, giảm sự phát triển của khối u. Các nghiên cứu cho thấy khi kết hợp với Atezolizumab, Bevacizumab làm tăng hiệu quả điều trị ung thư gan, cải thiện thời gian sống sót và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

4 Thuốc hoá trị điều trị ung thư biểu mô tế bào gan

Một số hoá chất dùng trong liệu pháp hoá trị điều trị ung thư tế bào gan, gồm:

Thuốc hoá trị điều trị ung thư gan
Thuốc hoá trị điều trị ung thư gan

4.1 Doxorubicin

Doxorubicin gây tổn thương DNA trong tế bào ung thư, làm chúng không thể phân chia. Cơ chế của thuốc bằng cách xen vào giữa các base của DNA, ngăn cản quá trình sao chép DNA và tổng hợp RNA, ức chế enzyme topoisomerase II, làm giảm khả năng sửa chữa DNA của tế bào ung thư.

4.2 Cisplatin, Oxaliplatin

Cisplatin và Oxaliplatin thuộc nhóm platinum, gây tổn thương DNA không thể phục hồi trong tế bào ung thư, hình thành các liên kết chéo giữa các base trong DNA, ngăn chặn sao chép và phiên mã, từ đó gây chết tế bào.

4.3 Gemcitabine

Gemcitabine có khả năng tích hợp vào DNA của tế bào ung thư, gây ngừng chu kỳ tế bào ở pha S, làm giảm lượng nucleotide tự do cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA. Từ đó ngăn chặn sự phân chia tế bào bằng cách chặn tổng hợp DNA.

4.4 Một số phác đồ truyền hoá chất 

Các phác đồ truyền hoá chất thường dùng nhưng hiệu quả còn hạn chế trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan. Cụ thể:

Phác đồ PIAF : chu kỳ 3 tuần
Doxorubicin40mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Cisplatin20mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 2, 3, 4
5-FU400mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 2, 3, 4
Interferon α-2atiêm dưới da 5 MIU/m2, ngày 1, 2, 3, 4
Phác đồ GEMOX : chu kỳ 2 tuần
Gemcitabine1.000mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Oxaliplatin100mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2
Phác đồ FOLFOX 4 : chu kỳ 2 tuần
Folinic acid200mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Oxaliplatin85mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
5-FU400mg/m2, tiêm/truyền tĩnh mạch bolus ngày 1
5-FU1.200mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 2

5 Hoá trị ung thư gan sống được bao lâu?

Thời gian sống của bệnh nhân ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, loại ung thư, tình trạng sức khỏe tổng quát, và phương pháp điều trị. Nếu ung thư được phát hiện sớm và bệnh nhân được điều trị kịp thời bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc ghép gan, thời gian sống trung bình sau 5 năm có thể đạt từ 50% đến 70%. Nếu ung thư ở giai đoạn tiến triển khi sử dụng các biện pháp nhắm đích hoặc miễn dịch sẽ có thể kéo dài thêm 1-3 năm sống. Còn ở giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ khoảng 3-6 tháng hoặc thêm vài tháng khi áp dụng thêm liệu pháp hỗ trợ phù hợp.

6 Các hướng dẫn điều trị ung thư gan trên thế giới

Một số hướng dẫn điều trị ung thư gan của các tổ chức trên thế giới như:

  • Hướng dẫn điều trị của Nhóm Ung thư gan Barcelona (BCLC)
  • Hội Nghiên cứu bệnh gan châu Âu (EASL)
  • Hội nghiên cứu bệnh gan Hoa Kỳ (AASLD) 
  • Hội nghiên cứu gan châu Á - Thái Bình Dương (APASL)

6.1 Hướng dẫn điều trị của APASL

​  Hướng dẫn điều trị
Hướng dẫn điều trị của APASL

6.2 Hướng dẫn điều trị của BCLC

Hướng dẫn điều trị ung thư gan
Hướng dẫn điều trị của BCLC

6.3 Phác đồ hướng dẫn điều trị của EASL

hướng dẫn điều trị của EASL
Hướng dẫn điều trị của EASL

6.4 Hướng dẫn điều trị của AASLD 

Hướng dẫn điều trị của AASLD 

Hướng dẫn điều trị của AASLD
Hướng dẫn điều trị của AASLD

7 Chi phí điều trị ung thư gan

Chi phí điều trị ung thư biểu mô tế bào gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp điều trị, giai đoạn bệnh và cơ sở y tế. Các chi phí người bệnh thường phải chi trả cụ thể như tiền thuốc dao động từ 50 triệu đến 100 triệu tuỳ thuộc loại thuốc lựa chọn, nếu có bảo hiểm sẽ hỗ trợ giảm khá lớn. Với phương pháp nút mạch hóa chất, chi phi mỗi lần điều trị khoảng 5-15 triệu đồng. Chi phí cho một đợt hóa trị ung thư gan khoảng 20 triệu đồng, xạ trị ung thư gan thường dao động dưới 10 triệu đồng. Trong trường hợp bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thì chi phí chi trả sẽ cao hơn tuỳ vào tình trạng bệnh nhân và kỹ thuật thực hiện. 

8 Kết luận

Như vậy, việc sử dụng thuốc điều trị ung thư gan và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cần dựa trên đánh giá của bác sĩ chuyên khoa, dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người đọc về các loại thuốc và phương pháp điều trị ung thư gan.

9 Tài liệu tham khảo

  1. Chuyên gia ESMO (ngày đăng năm 2020) Ung thư biểu mô tế bào gan: Hướng dẫn người bệnh của ESMO. ESMO. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
  2. Bộ Y tế (ngày đăng 17 tháng 7 năm 2020) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan. Bộ Y tế. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
  3. Tác giả Al B Benson III và cộng sự (đăng ngày 9 tháng 6 năm 2025) Hepatobiliary Cancers. NIH. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633