1. Trang chủ
  2. Ung Bướu
  3. Phân loại thuốc điều trị ung thư đại trực tràng theo phác đồ Bộ Y tế và ESMO

Phân loại thuốc điều trị ung thư đại trực tràng theo phác đồ Bộ Y tế và ESMO

Phân loại thuốc điều trị ung thư đại trực tràng theo phác đồ Bộ Y tế và ESMO

Trungtamthuoc.com - Thuốc điều trị ung thư đại trực tràng là phương pháp quan trọng giúp tăng hiệu quả chữa bệnh. Thuốc thường được sử dụng cùng với biện pháp phẫu thuật, xạ trị. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về các loại thuốc điều trị ung thư đại trực tràng trong bài viết dưới đây.

1 Phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng

Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng chủ yếu lựa chọn theo giai đoạn của ung thư. Dưới đây là các phương pháp chính dùng điều trị tương ứng với từng giai đoạn:

Phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng
Phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng

1.1 Đối với ung thư đại tràng giai đoạn I, II và III

Ung thư trong giai đoạn này thường chưa di căn xa, ung thư chỉ lan đến hạch bạch huyết nên phương pháp phẫu thuật cắt bỏ được ưu tiên điều trị. Thường không cần các phương pháp điều trị bổ sung nếu phẫu thuật đã loại bỏ hoàn toàn ung thư. Nếu có các yếu tố nguy cơ cao (như khối u lớn, ung thư xâm lấn vào các cơ quan lân cận) khuyến cáo sử dụng hoá trị bổ trợ để giảm nguy cơ tái phát. Phác đồ hoá trị bổ trợ thường sử dụng như 5-FU (fluorouracil), Capecitabine, hoặc các phác đồ phối hợp như FOLFOX (oxaliplatin, leucovorin, và 5-FU). [1]

Ung thư trực tràng trong giai đoạn này có thể sử dụng thêm xạ trị kết hợp hoá trị trước hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát tại chỗ.

1.2 Điều trị ung thư đại tràng giai đoạn IV

Ung thư đại tràng giai đoạn IV là giai đoạn di căn, điều trị sẽ tập trung kiểm soát bệnh phát triển, giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. 

  • Hoá trị:Đây là phương pháp chính trong điều trị ung thư đại-trực tràng giai đoạn di căn. Các phác đồ phổ biến bao gồm FOLFOX, FOLFIRI, CAPOX/XELOX. Các phác đồ này thường được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các liệu pháp khác. 
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Các thuốc nhắm trúng đích giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ hơn so với hóa trị thông thường. Một số loại thuốc như Bevacizumab, Cetuximab và Panitumumab, Regorafenib.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp này kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư đang được ứng dụng nhiều trong lâm sàng điều trị ung thư đại trực tràng. Các thuốc thường gặp như Pembrolizumab, Nivolumab.

Ngoài ra phẫu thuật và xạ trị không phải là lựa chọn chính trong giai đoạn di căn này nhưng có thể cân nhắc trong các trường hợp giảm triệu chứng.

2 Thuốc hoá trị điều trị ung thư đại trực tràng

Hóa trị là một phương pháp điều trị phổ biến cho ung thư đại trực tràng, dưới đây là một số loại thuốc hóa trị thường được sử dụng trong điều trị ung thư đại trực tràng:

Thuốc hoá trị điều trị ung thư đại trực tràng
Thuốc hoá trị điều trị ung thư đại trực tràng

2.1 5-Fluorouracil (5-FU)

Là thuốc chống chuyển hoá được sử dụng phổ biến. Cơ chế của thuốc là ức chế enzym thymidylate synthase, làm gián đoạn tổng hợp thymidine, một thành phần cần thiết của DNA. Thường sử dụng đường tĩnh mạch, được kết hợp với Leucovorin (một dạng axit folic) để tăng hiệu quả.

2.2 Capecitabine (Xeloda)

Là dạng thuốc uống của 5-FU, được chuyển hóa thành 5-FU trong cơ thể và có thể thay thế cho 5-FU trong một số phác đồ.

2.3 Oxaliplatin (Eloxatin)

Thuộc nhóm thuốc alkyl hóa, có khả năng gây tổn thương DNA và cản trở quá trình sao chép DNA của tế bào ung thư. Thường được sử dụng trong phác đồ FOLFOX (5-FU + Leucovorin + Oxaliplatin). Thuốc có hiệu quả cao trong điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn tiến triển hoặc sau phẫu thuật.

2.4 Irinotecan (Camptosar)

Làm một chất ức chế enzym topoisomerase, một enzym cần thiết để tháo xoắn DNA trong quá trình sao chép và sửa chữa DNA. Được sử dụng trong phác đồ FOLFIRI (5-FU + Leucovorin + Irinotecan), hiệu quả trong ung thư đại trực tràng tái phát hoặc di căn.

2.5 Trifluridine/Tipiracil (Lonsurf)

Một dạng thuốc uống được sử dụng trong điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối khi các phương pháp khác không còn hiệu quả. Đây là một thuốc thuộc nhóm kháng chuyển hóa, làm gián đoạn tổng hợp DNA và gây chết tế bào ung thư.

2.6 Một số phác đồ hóa trị 

Dưới đây là các phác đồ hoá trị  khuyến cáo của Bộ Y tế [2]

Phác đồThuốc/ Liều lượng
Phác đồ FOLFOX4

Oxaliplatin: 85 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Leucovorin: 200 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1, 2

5 FU: 400 mg/m2, tiêm tĩnh mạch, ngày 1, 2

5 FU: 600 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 22 giờ, ngày 1, 2

Nhắc lại sau mỗi 2 tuần.

Phác đồ FOLFOX6

Oxaliplatin: 100 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Leucovorin: 200mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1, 2

5 FU: 400mg/m2, tiêm tĩnh mạch, ngày 1, 2

5 FU: 600 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 22 giờ, ngày 1, 2

Nhắc lại sau mỗi 2 tuần.

Phác đồ mFOLFOX6

Oxaliplatin: 85 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Leucovorin: 350mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

5 FU: 400mg/m2, tiêm tĩnh mạch ngày 1, sau đó 5 FU: 2,4g/m2 truyền tĩnh mạch trong 46 giờ liên tục.

Nhắc lại sau mỗi 2 tuần.

Phác đồ FOLFOX7

Oxaliplatin: 130 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Leucovorin: 400mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

5 FU: 2,4g/m2, truyền tĩnh mạch trong 46 giờ liên tục.

Nhắc lại sau mỗi 2 tuần.

Phác đồ FOLFIRI

Irinotecan: 180 mg/ m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Leucovorin: 200 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1, 2

5 FU: 400 mg/m2, tiêm tĩnh mạch chậm, ngày 1,2

5 FU: 600 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1, 2

Nhắc lại sau mỗi 2 tuần.

Phác đồ FOLFOXIRI

Irinotecan: 165 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Oxaliplatin: 85 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Leucovorin 200 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

5 FU: 3200mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 48 giờ

Lặp lại sau mỗi 02 tuần.

Phác đồ XELOX

Oxaliplatin: 130 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1

Capecitabine: 1000mg/m2 uống, 2 lần/ngày x 14 ngày.

Chu kỳ 3 tuần.

Phác đồ XELIRI

Irinotecan: 240-250 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 90 phút, ngày 1

Capecitabine: 1000mg/m2 uống, 2 lần/ngày x 14 ngày.

Chu kỳ 3 tuần 

Hoặc Irinotecan: 175 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút, ngày 1

Capecitabine: 1000mg/m2 uống, 2 lần/ngày x 7 ngày.

Chu kỳ 2 tuần

Phác đồ Capecitabine

Capecitabine: 1250mg/m2 uống, 2 lần/ngày x 14 ngày. Chu kỳ 3 tuần.

Phác đồ TS 1 đơn thuần

TS 1 60-80 mg/m2, uống ngày 1-14, chu kỳ 3 tuần (21 ngày) hoặc TS 1: 60-80 mg/m2, uống ngày 1-28, chu kỳ 6 tuần (42 ngày).

Phác đồ UFT

UFT (Tegafur+Uracil): 100 mg /m2, uống/lần x 3 lần/ngày, ngày 1-28

Folinic acid: 30 mg/m2, uống/lần x 3 lần/ngày, ngày 1-28

Chu kỳ 5 tuần. Hoặc: UFT (Tegafur+Uracil): 100-125 mg /m2, uống/lần x 3 lần/ngày, ngày 1- 14, chu kỳ 21 ngày.

Phác đồ FuFa của Mayo Clinic

Leucovorin: 20 mg/m2/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5

5 FU: 425 mg/m2/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Phác đồ ILF

Irinotecan: 125 mg/ m2, truyền tĩnh mạch ngày 1

Leucovorin: 20 mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1

5 FU: 500 mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1

Dùng hàng tuần x 4 tuần, nghỉ 2 tuần sau đó nhắc lại.

Phác đồ Irinotecan đơn thuần

Irinotecan: 350 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút, ngày 1. Chu kỳ 21 ngày.

Hoặc Irinotecan: 125 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 90 phút, hàng tuần, trong 4 tuần, chu kỳ 6 tuần.

Phác đồ Oxaliplatin đơn thuầnOxaliplatin: 130 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 2 giờ, ngày 1. Chu kỳ 21 ngày.
Phác đồ 5 FU đơn thuần5 FU: 3500 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 48 giờ, hàng tuần (ngày 1, 8, 15, 22...).
Phác đồ IRINOX

Irinotecan: 180 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 90 phút, ngày 1.

Oxaliplatin: 85 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 2 giờ, ngày 1.

Chu kỳ 14 ngày.

Trifluridine/tipiracilTrifluridine/tipiracil: 35 mg/m2, tối đa 80mg/lần, uống 2 lần/ngày, ngày 1-5, 8- 12, chu kỳ 28 ngày.

3 Các thuốc điều trị đích trong ung thư đại tràng - trực tràng

3.1 Bevacizumab (Avastin)

Kháng thể đơn dòng nhắm vào VEGF-A, ức chế sự hình thành mạch máu mới, hạn chế nguồn cung cấp oxy và dinh dưỡng cho khối u. Chỉ định trong trường hợp ung thư di căn với liều dùng thông thường 5-15 mg/kg, truyền tĩnh mạch từng đợt.

Các thuốc điều trị đích
Các thuốc điều trị đích

3.2 Cetuximab (Erbitux)

Thuốc nhắm vào yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR), hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu từ thụ thể EGFR, liên quan đến sự tăng sinh của tế bào ung thư. Thuốc không có hiệu quả đối với bệnh nhân có đột biến gen KRAS, NRAS và BRAF. Liều dùng từ 400mg/m2 ngày 1 sau đó 250 mg/m2 hàng tuần.

3.3 Panitumumab (Vectibix)

Panitumumab gắn vào EGFR trên bề mặt tế bào ung thư, ức chế con đường tín hiệu, từ đó ngăn chặn sự tăng sinh tế bào ung thư, thúc đẩy quá trình chết tế bào. Thuốc không có hiệu quả với bệnh nhân có đột biến các gen KRAS, NRAS và BRAF. Liều dùng thường là 6 mg/kg, truyền tĩnh mạch mỗi 2 tuần.

3.4 Regorafenib (Stivarga)

Ức chế hoạt động của các enzyme liên quan đến sự phát triển của tế bào ung thư,  thường dùng sau khi các phương pháp điều trị khác thất bại. Liều dùng của regorafenib là 40mg x 4 viên /ngày, uống một lần/ngày. 

3.5 Ziv-aflibercept (Zaltrap)

Là một protein dung hợp, hoạt động như một mồi bẫy cho các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF-A, VEGF-B) và yếu tố tăng trưởng nhau thai (PIGF). Từ đó ức chế sự hình thành mạch máu mới, điều kiện cần thiết để khối u phát triển. Liều khuyến cáo là 4 mg/kg, tiêm truyền tĩnh mạch trong vòng 1 giờ mỗi 2 tuần.

3.6 Ramucimumab (Cyramza) 

Thuốc hoạt động bằng cách ức chế thụ thể VEGF, liên quan đến quá trình tăng sinh mạch máu, phát triển của tế bào ung thư. Liều khuyến cáo là 8 mg/kg, truyền tĩnh mạch mỗi 2 tuần một lần.

4 Liệu pháp miễn dịch

Pembrolizumab (Keytruda) và Nivolumab (Opdivo) là hai liệu pháp miễn dịch thuộc nhóm kháng thể đơn dòng ức chế điểm kiểm soát miễn dịch trong ung thư đại trực tràng di căn hoặc thất bại với hoá trị trước đó. Pembrolizumab và Nivolumab ngăn chặn sự tương tác giữa PD-1 (trên tế bào T) và PD-L1 hoặc PD-L2 (trên tế bào ung thư). Khi PD-1 bị khóa, các tế bào T không bị ức chế và có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn. 

Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch

Liều dùng Pembrolizumab 200 mg mỗi 3 tuần hoặc 400 mg mỗi 6 tuần, truyền tĩnh mạch trong 30 phút, cho đến khi bệnh tiến triển hoặc độc tính không chấp nhận được.

Liều dùng Nivolumab 240 mg mỗi 2 tuần hoặc truyền tĩnh mạch 3mg/kg trên 60 phút mỗi 2 tuần cho đến khi bệnh tiến triển hoặc độc tính không chấp nhận được.

5 Phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng của ESMO

Một số hình ảnh phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng của European Society for Medical Oncology (ESMO):[3].

Phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm
Phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm
  • Ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn:
Phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn
Phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn

6 Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị ung thư đại trực tràng

Để sử dụng thuốc điều trị ung thư đại trực tràng một cách hiệu quả và an toàn, người bệnh cần cân nhắc một số điểm lưu ý sau:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị: thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Không tự ý ngừng thuốc hoặc giảm liều, thay đổi phác đồ điều trị mà không có sự cho phép từ bác sĩ.
  • Tránh tương tác thuốc: báo cáo với bác sĩ về tất cả loại thuốc hoặc thảo được đang sử dụng để tránh những tương tác có thể xảy ra.
  • Theo dõi các tác dụng phụ: việc sử dụng thuốc điều trị ung thư đại trực tràng có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, loét miệng, rụng tóc hoặc giảm số lượng tế bào máu. Báo ngay với bác sĩ các dấu hiệu nghiêm trọng khi sử dụng thuốc như sốt cao, chảy máu bất thường, khó thở.
  • Chế độ sinh hoạt hợp lý: Tránh các thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ kích ứng Đường tiêu hóa, như thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc quá lạnh. Uống đủ nước, không sử dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá để hỗ trợ quá trình hồi phục bệnh.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu định kỳ để đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị và theo dõi diễn tiến bệnh.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư đều không an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, do đó cần thông báo với bác sĩ nếu thuộc các đối tượng trên.
  • Hỗ trợ tâm lý: điều trị ung thư là quá trình dài nên cần có sự hỗ trợ từ gia đình, chuyên gia nếu cảm thấy áp lực. Tham gia các hội nhóm bệnh nhân ung thư để được chia sẻ kinh nghiệm và động viên tinh thần.

7 Thuốc điều trị ung thư đại tràng của Mỹ thực sự có hiệu quả?

Bài đăng vào tháng 6 năm 2022 trên tờ New York Times đã đưa tin về một nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Mỹ, sử dụng thuốc Dostarlimab để điều trị ung thư trực tràng và đã chữa khỏi cho 100% tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Cụ thể, 18 bệnh nhân được điều trị trong 6 tháng với Dostarlimab, và kết quả cho thấy tế bào ung thư biến mất hoàn toàn ở tất cả các bệnh nhân. 

Thuốc điều trị ung thư đại tràng Dostarlimab
Thuốc điều trị ung thư đại tràng Dostarlimab

Dostarlimab không phải là thuốc mới, chúng đã được sử dụng trong điều trị ung thư nội mạc tử cung, và vào năm 2021 tại Mỹ và các quốc gia Châu Âu đã chấp nhận thuốc trong điều trị ung thư đại tràng. Thuốc Dostarlimab thuộc nhóm thuốc miễn dịch, cơ chế hoạt động bằng cách ngăn chặn protein của tế bào ung thư tấn công hệ thống miễn dịch người bệnh. Hỗ trợ tăng cường tế bào miễn dịch tấn công khối u hiệu quả.

Tuy kết quả nghiên cứu rất đáng khích lệ, song cũng cần lưu ý về quy mô nghiên cứu còn quá nhỏ, số lượng người bệnh tham gia không nhiều, nên đánh giá về độ an toàn và hiệu quả của thuốc chưa thực sự chính xác. 

Như vậy thuốc Dostarlimab đã cho thấy tiềm năng trong việc điều trị ung thư trực tràng, trong thời gian tương lai cần thêm các nghiên cứu quy mô rộng hơn để đánh giá chính xác hiệu quả của thuốc. 

8 Chi phí hoá trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 là bao nhiêu?

Chi phí điều trị hoá trị đại trực tràng phụ thuộc nhiều yếu tố như phác đồ, cơ sở y tế, tình trạng người bệnh.Thông thường dao động chi phí cho mỗi lần hoá trị có thể dao động từ 5 đến 10 triệu đồng.Tuy nhiên cần lưu ý tổng chi phí hoá trị sẽ rất lớn vì tiến hành làm nhiều đợt, ngoài ra các phương pháp kết hợp như phẫu thuật, xạ trị, hoặc cho phí thuốc men, chi phí nằm viện cũng là gánh nặng lớn với người bệnh.

9 Điều trị ung thư đại tràng ở đâu tốt nhất?

Dưới đây là một số bệnh viện tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh:

Tại Hà Nội:

  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
  • Bệnh viện Bạch Mai
  • Bệnh viện Ung Bướu

Tại Tp Hồ Chí Minh

  • Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Bệnh viện Bình Dân

10 Kết luận

Thuốc điều trị ung thư đại trực tràng là một trong những phương pháp lựa chọn phổ biến được sử dụng trong bệnh ung thư đại trực tràng. Người bệnh cần phải hiểu rõ về các loại thuốc để sử dụng an toàn và hiệu quả. Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa trong quá trình chữa bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia  European Society for Medical Oncology, Ung thư đại trực tràng: hướng dẫn cho bệnh nhân. ESMO. Truy cập ngày 22 tháng 01 năm 2025
  2. ^ Bộ Y tế, (ngày đăng 19 tháng 04 năm 2018) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư đại - trực tràng. Bộ Y tế. Truy cập ngày 22 tháng 01 năm 2025
  3. ^ Tác giả A. Cervantes, E. Martinelli (ngày đăng tháng 2 năm 2024) Updated treatment recommendation for third-line treatment in advanced colorectal cancer from the ESMO Metastatic Colorectal Cancer Living Guideline. Annals of Oncology. Truy cập ngày 22 tháng 01 năm 2025

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900.888.633