1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Phân loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế

Phân loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế

Phân loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế

1 Các phương pháp điều trị tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là bệnh rối loạn tâm thần mãn tính, tiến triển nặng theo thời gian và làm cho bệnh nhân dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh trọng cuộc sống, từ khả năng làm việc, học tập sút kém đến khó quản lý các mối quan hệ, thay đổi hành vi và cảm xúc của người bệnh.  

Hiện nay có gần đến 24 triệu người bị tâm thần phân liệt, mặc dù các biện pháp điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh nhưng rất nhiều người bệnh đã không thể cải thiện đầy đủ các triệu chứng và gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi điều trị. Áp dụng các biện pháp khác nhau kết hợp cùng với giám sát theo dõi người bệnh đang được bác sĩ lựa chọn để giúp kiểm soát tình trạng nghiêm trọng này. 

Phương pháp điều trị tâm thần phân liệt
Phương pháp điều trị tâm thần phân liệt

Dưới đây là các phương pháp điều trị tâm thần phân liệt:

  • Điều trị bằng thuốc: có vai trò quan trọng, thuốc chính được sử dụng là các thuốc thuộc nhóm thuốc chống loạn thần, giúp giảm ảo giác, hoang tưởng, cải thiện suy nghĩ của người bệnh. Các thuốc chủ yếu là thuốc chống loạn thần thế hệ cũ và thuốc chống loạn thần thế hệ mới, nếu việc điều trị đơn trị liệu kém hiệu quả thì sử dụng đa trị liệu phối hợp 2 loại thuốc nhưng hạn chế kết hợp 3 loại thuốc an thần. Việc sử dụng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.
  • Liệu pháp tâm lý và phục hồi chức năng: ngoài thuốc, thì liệu pháp tâm lý giúp người bệnh cải thiện suy nghĩ, cảm xúc và thích nghi với cuộc sống. Một số liệu pháp được áp dụng như liệu pháp nhận thức-hành vi, liệu pháp gia đình, trị liệu nhóm, hỗ trợ phục hồi chức năng.
  • Liệu pháp bổ trợ: những biện pháp bổ trợ đang có hiệu quả như liệu pháp sốc điện dùng trong trường hợp nặng, kháng thuốc. Chăm sóc sức khoẻ tổng thể như tập thể dục, ăn uống lành mạnh, tránh dùng chất kích thích.

Việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt có thể kéo dài thời gian dài, thậm chí suốt đời để ngăn khả năng tái phát. Như vậy sự kết hợp thuốc cùng với hỗ trợ tâm lý từ gia đình, xã hội rất quan trọng trong quá trình điều trị.

===> Xem thêm bài viết: Tâm thần phân liệt: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

2 Nhóm thuốc an thần kinh thế hệ cũ

Thuốc an thần kinh thế hệ cũ (còn gọi là thuốc chống loạn thần điển hình) là nhóm thuốc được sử dụng khá phổ biến trong điều trị tâm thần phân liệt. Cơ chế hoạt động của các thuốc bằng cách ngăn chặn thụ thể dopamin D2 trong hệ thần kinh trung ương, giúp giảm các triệu chứng dương tính như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tư duy. Có thể chia các thuốc trong nhóm này thành hai nhóm chính dựa trên mức độ mạnh hoặc yếu:

  • Các thuốc tác dụng mạnh như Haloperidol (Haldol), Fluphenazine (Prolixin), Thiothixene (Navane), Trifluoperazine (Stelazine), Pimozide (Orap), có hiệu lực cao trong kiểm soát triệu chứng loạn thần nhưng gây nhiều tác dụng phụ ngoại tháp. 
  • Các thuốc tác dụng yếu hơn như Chlorpromazine (Largactil) ,Thioridazine (Mellaril), Perphenazine (Trilafon), Levomepromazine (Nozinan), các thuốc ít gây tác dụng phụ ngoại tháp hơn nhưng có xu hướng gây an thần và hạ huyết áp nhiều hơn.
Thuốc an thần kinh thế hệ cũ
Thuốc an thần kinh thế hệ cũ

Một số phác đồ:

  • Chlorpromazin: liều 50-250mg/24 giờ
  • Levomepromazin: liều 25-250mg/24 giờ
  • Haloperidol: liều 5-30mg/24 giờ
  • Thioridazin: liều 100-300mg/ngày

3 Thuốc điều trị tâm thần phân liệt thế hệ mới

Các thuốc điều trị tâm thần phân liệt thế hệ mới (hay còn gọi thuốc chống loạn thần không điển hình) có tác dụng kiểm soát các triệu chứng của bệnh với ít tác dụng phụ ngoại tháp hơn so với các thuốc thế hệ cũ. 

Một số thuốc thường gặp như:

  • Clozapine (Clozaril): sử dụng khi các bệnh nhân đã kháng trị với thuốc khác, giảm nguy cơ tự sát ở đối tượng này.
  • Risperidone (Risperdal): thuốc giảm cả triệu chứng dương tính và âm tính của bệnh tâm thần phân liệt.
  • Olanzapine (Zyprexa): Ít gây tác dụng phụ ngoại tháp hơn so với Risperidone, hiệu quả giảm triệu chứng cao nhưng tăng nguy cơ hội chứng chuyển hoá.
  • Aripiprazole (Abilify): là chất chủ vận một phần dopamine  ,giúp ổn định dopamine, ít gây tăng cân và ít ảnh hưởng đến prolactin.
  • Amisulpirid (Solian): thuộc nhóm Benzamid có ái lực chọn lọc trên các thụ thể dopaminergic D2 và D3.
Thuốc điều trị tâm thần phân liệt thế hệ mới
Thuốc điều trị tâm thần phân liệt thế hệ mới

Một số liều dùng điều trị tham khảo:

  • Amisulpirid: liều 200-800mg/24giờ
  • Clozapin: liều 50-800mg/24 giờ
  • Risperidon: liều 1-12mg/24 giờ
  • Olanzapin: liều 5-30mg/24 giờ
  • Aripiprazol: liều 10-15 mg/ngày, (tối đa là 30 mg/ngày)

4 Các thuốc an thần kinh có tác dụng kéo dài

Các thuốc điều trị tâm thần phân liệt có tác dụng kéo dài thường là các thuốc dạng tiêm, được khuyến cáo cho những bệnh nhân không tuân thủ điều trị hàng ngày. Những thuốc này giúp duy trì nồng độ thuốc ổn định trong cơ thể, giảm nguy cơ tái phát do quên uống thuốc. Dưới đây là các thuốc thuộc nhóm này.

Thuốc điều trị tâm thần phân liệt kéo dài
Thuốc điều trị tâm thần phân liệt kéo dài

Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ:

  • Haloperidol decanoate (Haldol Decanoate): Tiêm 4 tuần/lần.
  • Fluphenazine decanoate (Modecate): Tiêm 2-4 tuần/lần.

Thuốc chống loạn thần thế hệ mới:

  • Paliperidone palmitate (Invega Sustenna): Tiêm 1 lần/tháng hoặc 1 lần/3 tháng
  • Risperidone microspheres (Risperdal Consta): Tiêm 2 tuần/lần
  • Aripiprazole lauroxil (Aristada): Tiêm 4-8 tuần/lần
  • Olanzapine pamoate (Zyprexa Relprevv): Tiêm 2-4 tuần/lần

Các thuốc tác dụng kéo dài thường được sử dụng sau khi đã dùng thuốc trị tâm thần phân liệt tác dụng nhanh tương ứng để thăm dò sự đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

5 Các thuốc kết hợp khác

Trong điều trị tâm thần phân liệt, ngoài thuốc chống loạn thần, các nhóm thuốc khác có thể được kết hợp để cải thiện triệu chứng, giảm tác dụng phụ, nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Dưới đây là các nhóm thuốc thường được sử dụng kết hợp:

Các thuốc bổ trợ điều trị tâm thần phân liệt
Các thuốc bổ trợ điều trị tâm thần phân liệt

5.1 Nhóm thuốc bình thần và giải lo âu

Nhóm Benzodiazepines: gồm các thuốc như Diazepam, lorazepam, bromazepam, Alprazolam, giúp giảm lo âu, kích động, mất ngủ trong giai đoạn cấp tính cũng như giảm triệu chứng liên quan đến hoang tưởng.

Non-benzodiazepines: Các thuốc như sedanxio, zopiclon có tác dụng kiểm soát lo âu mạn tính mà không gây nghiện như benzodiazepines.

5.2 Thuốc chẹn beta giao cảm

Thuốc Propranolol: Được sử dụng để điều trị các triệu chứng run, triệu chứng ngoại tháp do thuốc chống loạn thần.

5.3 Nhóm thuốc chống trầm cảm

SSRI: các thuốc sử dụng  như Fluoxetine, Sertraline, dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm kéo dài, giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm và lo âu.

TCA: các thuốc như amitriptyline, nortriptyline, ngoài tác dụng chống trầm cảm, cũng giúp giảm các triệu chứng hoang tưởng.

SNRI: như Venlafaxine, duloxetine, mang lại hiệu quả cải thiện triệu chứng trầm cảm và lo âu.

NaSSa: thuốc nhóm này thường dùng như Mirtazapine, giúp giảm triệu chứng âm tính của tâm thần phân liệt, dùng trong trường hợp trầm cảm nặng.

5.4 Thuốc chỉnh khí sắc

Muối valproat: dùng để ổn định tâm trạng các trường hợp có triệu chứng hưng cảm hoặc kích động.

Carbamazepin và Oxcarbazepin: Các thuốc chống động kinh dùng khi bệnh nhân có kèm kích động mạnh hoặc không đáp ứng tốt với thuốc chống loạn thần.

5.5 Nhóm bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ giấc ngủ

Vitamin và khoáng chất: bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp cải thiện cả thể trạng và sức khỏe tinh thần cho người bệnh. Trong trường hợp cần thiết, có thể cung cấp các chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân.

Melatonin: hỗ trợ điều chỉnh nhịp sinh học, giúp cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.

6 Thuốc điều trị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng

Trong phổ tâm thần phân liệt thì hoang tưởng là một dạng rối loạn phổ biến với những biểu hiện tồn tại nhiều suy nghĩ hoang tưởng dai dẳng. Bệnh nhân thường tưởng tượng bị theo dõi, có suy nghĩ sai lệch về cuộc sống, ảo giác hoặc tự mãn, ghen tuông quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.

Các thuốc điều trị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng chủ yếu là kết hợp các thuốc an thần kinh với nhau để kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên chỉ sử dụng 2 loại thuốc cùng nhau, hạn chế phối hợp từ 3 loại thuốc trở lên.

7 Thuốc chống loạn thần cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Điều trị tâm thần phân liệt cho phụ nữ mang thai và cho con bú có thể gây ra những rủi ro nhất định. Việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ chuyên khoa cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị.

Nếu có thai hoặc mong muốn mang thai, cần phải thông báo với bác sĩ để lựa chọn ra loại thuốc phù hợp, hạn chế tác động đến thai nhi nhiều nhất có thể. Một số thuốc chống loạn thần được xem là an toàn hơn khi mang thai như:

  • Haloperidol (Haldol): ít gây dị tật thai nhi và được coi là một trong những thuốc an toàn nhất trong thai kỳ.
  • Chlorpromazine (Largactil): Được sử dụng nhưng có thể gây an thần nhiều.
  • Olanzapine (Zyprexa) : Được sử dụng tương đối an toàn, nhưng có thể gây tăng cân và tiểu đường thai kỳ.

Một số thuốc điều trị tâm thần phân liệt có thể được truyền vào sữa mẹ nhưng ở mức thấp, nên khuyến cáo ngưng cho con bú trong quá trình dùng thuốc hoặc chỉ sử dụng liều thấp nhất nếu cần thiết. Các thuốc có thể được coi là an toàn khi dùng cho bà mẹ đang cho con bú là olanzapine, Quetiapine và risperidone.

8 Uống thuốc tâm thần phân liệt có hại không? 

Thuốc điều trị tâm thần phân liệt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh bỏ điều trị. 

Tác dụng phụ của thuốc điều trị tâm thần phân liệt
Tác dụng phụ của thuốc điều trị tâm thần phân liệt

8.1 Tác dụng phụ thường gặp

Tăng cân: Đặc biệt phổ biến với thuốc chống loạn thần thế hệ mới như Olanzapine, Clozapine.

Buồn ngủ, mệt mỏi: thuốc tác động đến hệ thần kinh trung ương nên hạn chế lái xe hoặc vận hành máy móc khi sử dụng thuốc.

Khô miệng, táo bón: do các thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh đối giao cảm.

Tụt huyết áp tư thế: cảm thấy chóng mặt khi đứng dậy đột ngột.

Tăng đường huyết, tăng lipid máu: Có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường và bệnh tim mạch.

8.2 Hội chứng ngoại tháp

Thuốc tâm thần phân liệt ngăn cản hoạt động bình thường của dopamin, chất có liên quan trực tiếp đến quá trình vận động cơ, nên khi sử dụng thuốc sẽ gặp các triệu chứng như run rẩy, cứng cơ, rối loạn trương lực cơ ở cổ và mặt, cử động không kiểm soát, khó di chuyển cơ thể.

Các biểu hiện bệnh gặp ở bệnh nhân dùng thuốc điều trị nhóm chống loạn thần thế hệ cũ nhiều hơn là thế hệ mới.

8.3 Hội chứng ác tính do dùng thuốc an thần (NMS)

Hội chứng NMS là tình trạng rối loạn thần kinh, tuy hiếm gặp nhưng là một trong những tác dụng phụ rất nguy hiểm. Triệu chứng xuất hiện rất nhanh, chỉ trong 1-3 ngày khi dùng thuốc điều trị tâm thần phân liệt. Các dấu hiệu nhận biết như:

  • Sốt cao, cứng cơ,
  • Rối loạn thần kinh thực vật,
  • Không nói được, khó nuốt;
  • Nhịp tim nhanh, thở rất nhanh và huyết áp thay đổi;
  • Lú lẫn hoặc hôn mê.

8.4 Ảnh hưởng đến nội tiết

Do tăng prolactin nên gây ra triệu chứng tiết sữa ở cả nam và nữ, rối loạn kinh nguyệt, loãng xương, giảm ham muốn tình dục, mụn trứng cá.

Rối loạn chức năng sinh lý như rối loạn cương dương, rậm lông ở cả mặt và cơ thể.

9 Những lưu ý khi dùng thuốc tâm thần phân liệt

Dùng thuốc điều trị tâm thần phân liệt cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, giúp bệnh nhân đảm bảo an toàn sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

  • Tuân thủ đơn thuốc: uống đúng liều, đúng giờ theo chỉ định bác sĩ, không tự ý ngừng dùng thuốc đột ngột hay khi cảm thấy đã khoẻ hơn vì nguy cơ tái phát triệu chứng nặng hơn. Không tự ý tăng giảm liều sử dụng do có thể gặp tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên: bác sĩ nên theo dõi các phản ứng sau khi dùng thuốc để có hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm máu, đường huyết, men gan khi dùng thuốc lâu dài để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, người bệnh nên thông báo với bác sĩ sớm nhất có thể.
  • Trong quá trình dùng thuốc có thể gặp tác dụng phụ: cần thông báo về tác dụng phụ cho người bệnh như buồn ngủ, khô miệng, tăng cân, run rẩy, rối loạn vận động, rối loạn nhịp tim, để người bệnh không phải lo lắng và phân biệt được với các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Hạn chế rượu, bia và chất kích thích: Rượu, bia có thể làm giảm hiệu quả của thuốc và tăng tác dụng phụ, các chất kích thích có thể làm bệnh trầm trọng hơn.
  • Cẩn trọng trong phối hợp với các thuốc khác: Một số thuốc có thể tương tác với thuốc chống loạn thần, ví dụ như thuốc chống trầm cảm, thuốc trị động kinh. Nên trao đổi với bác sĩ các thuốc đang dùng, kể cả thực phẩm chức năng để tránh nguy cơ tương tác không đáng có.
  • Hỗ trợ tâm lý: có lối sống lành mạnh cùng với sự kết hợp liệu pháp tâm lý để đạt hiệu quả cao trong điều trị. Gia đình và bạn bè cũng đóng vai trò quan trọng trong trong việc duy trì điều trị.

10 Kết luận

Như vậy sử dụng thuốc điều trị tâm thần phân liệt cần duy trì thời gian dài để có hiệu quả và phòng ngừa nguy cơ tái phát. Người bệnh cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và không được bỏ giữa chừng. Biện pháp tâm lý và hỗ trợ của gia đình cũng rất quan trọng để việc điều trị hiệu quả hơn. 

11 Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế, (ngày 14 tháng 5 năm 2020) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp, Trang 81-86, Bộ Y tế. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
  2. Tác giả Krishna R Patel, Jessica Cherian và cộng sự (ngày tháng 09 năm 2014) Schizophrenia: Overview and Treatment Options. Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
  3. Chuyên gia American Psychiatric Association, (ngày đăng tháng 3 năm 2024) What is Schizophrenia? American Psychiatric Association. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
     

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      0985.729.595