1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Bệnh trầm cảm là gì, có nguy hiểm không? Cách chữa trầm cảm tại nhà

Bệnh trầm cảm là gì, có nguy hiểm không? Cách chữa trầm cảm tại nhà

Bệnh trầm cảm là gì, có nguy hiểm không? Cách chữa trầm cảm tại nhà

Hàng năm có khoảng 280 triệu người trên thế giới bị bệnh trầm cảm, trong đó hơn 700 000 người chết vì tự tử mỗi năm. Cứ sáu người thì có một người (16,6%) sẽ bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời.Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về bệnh trầm cảm.

1 Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác, cách người bệnh suy nghĩ và cách họ hành động. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã và/hoặc mất hứng thú với các hoạt động mà người bệnh từng yêu thích trong thời gian dài. Nó có thể ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Trầm cảm có thể là kết quả hoặc nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tại trường học và nơi làm việc.

Hàng năm, bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến 3,8% dân số thế giới, bao gồm 5% người trưởng thành (4% ở nam giới và 6% ở nữ giới) và 5,7% người lớn trên 60 tuổi. Thống kê cho thấy cứ sáu người thì có một người (16,6%) sẽ bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời.  Cụ thể có khoảng 280 triệu người trên thế giới bị trầm cảm, trong đó hơn 700 000 người chết vì tự tử mỗi năm.

Mặc dù đã có những phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rối loạn tâm thần này, nhưng hơn 75% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không được tiếp cận điều trị. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu chính sách quan tâm chăm sóc tới sức khỏe tâm thần, thiếu chuyên gia y tế được đào tạo bài bản và sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân mắc trầm cảm. [1]

2 Test đánh giá mức độ trầm cảm BECK II (BDI-II)

Test đánh giá mức độ trầm cảm BECK II (BDI-II)
Test đánh giá mức độ trầm cảm BECK II (BDI-II)

2.1 Giới thiệu

Bài test đánh giá mức độ trầm cảm BECK II là một trong những bài test đánh giá mức độ trầm cảm phổ biến hiện nay, dùng để kiểm tra về sức khỏe tâm lý.

2.2 Nguyên tắc thực hiện bài test

Bài test gồm có tất cả 21 câu hỏi. Bạn hãy đọc thật kỹ nội dung các câu hỏi và chọn câu mô tả phù hợp nhất tình trạng của bạn trong 2 tuần vừa qua, kể cả hôm nay. 

Chú ý bạn chỉ được chọn 1 đáp án cho mỗi câu trong quá trình làm bài test nhé.

2.3 Lưu ý 

Bài test này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế bất cứ chẩn đoán y khoa nào bởi các chuyên gia y tế.

2.4 Nguồn tham khảo 

Beck's Depression Inventory (BDI-II) 

3 Đố i tượng nào dễ bị trầm cảm?

Trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ độ tuổi và thời điểm nào trong đời. Tuy nhiên, có một số đối tượng dễ bị rối loạn tâm thần dẫn đến trầm cảm hơn cả, bao gồm:

  • Người trẻ (độ tuổi 15-29): Trung bình, các triệu chứng của trầm cảm thường xuất hiện lần đầu tiên vào cuối độ tuổi thanh thiếu niên đến giữa độ tuổi 20. Thống kê cho thấy, tự tử do rối loạn tâm thần là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở lứa tuổi 15–29. Các chuyên gia cho biết, ở khoảng thời gian này, người trẻ phải chịu nhiều áp lực tinh thần từ chuyện học hành, làm việc và các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, tình trạng trầm cảm ở tuổi dậy thì cũng khá phổ biến, do các em phải chịu áp lực đồng trang lứa. 
Bệnh trầm cảm thường gặp ở người trẻ
Bệnh trầm cảm thường gặp ở người trẻ
  • Phụ nữ: Phụ nữ có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn nam giới. Một số nghiên cứu cho thấy 1/3 phụ nữ sẽ trải qua giai đoạn trầm cảm nặng trong đời. Đặc biệt là giai đoạn mang thai và mới sinh con. Trên toàn thế giới, hơn 10% phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con bị trầm cảm.
  • Trong gia đình có người bị trầm cảm: Trầm cảm có khả năng di truyền cao, lên tới 40%. Tức là nếu gia đình có người thân bị trầm cảm thì đồng nghĩa với việc cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột của họ cũng có nguy cơ cao bị trầm cảm. 

4 Trầm cảm khác với nỗi buồn như thế nào?

Nỗi đau của người trầm cảm khác hoàn toàn với những lần thay đổi tâm trạng và cảm xúc thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Mất việc làm, mỗi quan hệ tan vỡ hoặc người thân qua đời là những sự kiện dẫn đến cảm giác buồn bã và đau buồn. Nhưng nỗi buồn ở những khoảnh khắc như vậy không giống như khi bị trầm cảm. 

  • Trong đau buồn, cảm giác chán nản hoặc đau đớn ập đến theo từng đợt nhưng thường xen lẫn với những ký ức tích cực về người đã khuất hoặc những kỷ niệm vui vẻ. Tuy nhiên, trong bệnh trầm cảm nặng, những cảm xúc hoặc ký ức vui vẻ gần như biến mất trong một thời gian dài.
  • Khi đau buồn, con người vẫn ý thức được các sự kiện xung quanh và vẫn có thể tiếp tục làm việc hoặc duy trì hoạt động hàng ngày. Nhưng trong trầm cảm, người bệnh thường có cảm giác vô dụng và ghê tởm bản thân.
  • Trong đau buồn, những ý nghĩ về cái chết thường xuất hiện thoáng qua và hiếm khi chuyển đổi thành hành động. Nhưng ở người bị trầm cảm, những suy nghĩ về việc kết thúc cuộc sống do cảm thấy vô giá trị hoặc không đáng sống hoặc không thể đối mặt với nỗi đau, thường xuyên xảy ra và nhiều trường hợp đã thực hiện hành vi tự tử.
Trầm cảm nghiêm trọng hơn nỗi buồn rất nhiều lần
Trầm cảm nghiêm trọng hơn nỗi buồn rất nhiều lần

Nỗi đau buồn và trầm cảm có thể cùng lúc xảy ra. Đối với nhiều người, sự ra đi của người thân, mất việc hoặc bị bạo hành có thể là lý do dẫn đến trầm cảm. Việc phân biệt giữa đau buồn và trầm cảm là rất quan trọng và có thể giúp người bệnh nhận được sự giúp đỡ hoặc điều trị phù hợp. [2]

5 Nguyên nhân trầm cảm là gì?

Cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu được đầy đủ về nguyên nhân gây ra trầm cảm. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể đóng một vai trò quan trọng dẫn đến trầm cảm, bao gồm[3]:

  • Thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh của não: Có sự mất cân bằng hóa học tại các vùng não quản lý tâm trạng, suy nghĩ, giấc ngủ, sự thèm ăn và hành vi ở những người bị trầm cảm. Chẳng hạn như sự suy giảm nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, noradrenalin, dopamin,... có liên quan đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm. 
  • Thay đổi nồng độ hormone: Những thay đổi về nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và Progesterone trong các khoảng thời gian khác nhau như trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ sau sinh, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh đều có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc trầm cảm có thể cao hơn nếu trong gia đình có người bị trầm cảm hoặc gặp phải các tình trạng rối loạn tâm thần khác.
  • Từng bị tổn thương: Một số sự kiện hoặc ký ức đau buồn ở thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với sự sợ hãi hoặc các tình huống căng thẳng. 
  • Cấu trúc não bộ: Thùy trán của não bộ hoạt động kém hơn có thể dẫn đến nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ tình trạng này xảy ra trước hay sau khi xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm. 
  • Nỗi đau: Những người đang phải chịu đựng sự đau đớn về tinh thần hoặc thể chất trong một thời gian dài có nhiều khả năng mắc bệnh trầm cảm hơn.
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý như các bệnh mãn tính, mất ngủ kéo dài, bệnh Parkinson, đột quỵ, đau tim, ung thư,... có thể dẫn đến trầm cảm
  • Sử dụng chất kích thích hoặc rượu
  • Tình trạng kinh tế: Các vấn đề khó khăn về tài chính hoặc thầm kém về địa vị xã hội có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, corticoid và thuốc chẹn beta được biến đến là có liên quan đến nguy cơ rối loạn tâm thần.
  • Thiếu vitamin D: Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm với hàm lượng Vitamin D thấp trong máu.
  • Tính cách: Những người dễ tự ái, dễ bị căng thẳng, nhút nhát hoặc nói chung là bi quan có vẻ dễ bị trầm cảm hơn.
  • Môi trường sống: Liên tục phải đối mặt với bạo lực, ghẻ lạnh, lạm dụng hoặc nghèo đói có thể khiến một số người dễ bị trầm cảm hơn.

6 Điều gì thực sự gây ra bệnh trầm cảm?

Người ta thường nói rằng trầm cảm là kết quả của sự mất cân bằng hóa học, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng điều này không phản ánh đúng mức độ phức tạp của căn bệnh này. Nghiên cứu cho thấy rằng trầm cảm không đơn giản là bắt nguồn từ việc có quá nhiều hoặc quá ít một số hóa chất nhất định trong não của người trầm cảm

Cụ thể, các nhà khoa học cho biết vùng hồi hồi hải mã (Hippocampus) có kích thước nhỏ hơn ở một số người bị trầm cảm. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh (The Journal of Neuroscience) đối với 24 phụ nữ có tiền sử trầm cảm. Kết quả cho thấy, trung bình hồi hải mã nhỏ hơn từ 9% đến 13% ở những phụ nữ bị trầm cảm so với những người không bị trầm cảm. Đặc biệt, người càng có nhiều cơn trầm cảm thì hồi hải mã càng nhỏ. Ngoài ra, căng thẳng thần kinh cũng có thể liên quan đến việc ngăn chặn sản sinh các tế bào thần kinh mới ở vùng hồi hải mã. 

Hồi hải mã
Hồi hải mã

Các nhà nghiên cứu đang khám phá mối liên hệ giữa việc giảm sản xuất các tế bào thần kinh mới ở vùng hải mã và các triệu chứng trầm cảm. Trên thực tế, việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm đã góp phần củng cố cho giả thuyết này. 

Thuốc chống trầm cảm nhanh chóng làm tăng nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh trong não (serotonin, noradrenalin,...). Tuy nhiên, hiệu quả điều trị thường không rõ ràng trong vài tuần đầu sử dụng. Điều này gây ra nhiều tranh cãi. Bởi nếu trầm cảm chủ yếu là do sự suy giảm nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh, thì người bệnh đáng ra phải cảm thấy tốt hơn ngay khi nồng độ của các chất này tăng lên. 

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, tâm trạng của người bị trầm cảm chỉ được cải thiện khi các dây thần kinh phát triển và hình thành các kết nối mới. Quá trình này cần thời gian vài tuần. 

Trên thực tế, các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng thuốc chống trầm cảm thúc đẩy sự phát triển và tăng cường phân nhánh của các dây thần kinh ở vùng hải mã. Vì thế, theo lý thuyết, giá trị thực sự của các loại thuốc trong bệnh trầm cảm là tạo ra các nơron mới (một quá trình được gọi là phát triển thần kinh), củng cố các kết nối giữa tế bào thần kinh và cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các mạch thần kinh. Nếu đúng như vậy, các loại thuốc điều trị trầm cảm có thể được nghiên cứu và phát triển theo hướng thúc đẩy phát triển thần kinh, với hy vọng đạt được kết quả điều trị tốt hơn. [4]

7 Triệu chứng của bệnh trầm cảm là gì?

Khi bị trầm cảm, người bệnh thường phải trải qua hàng loạt các cảm xúc tồi tệ (chán nản, buồn, cáu kỉnh, trống rỗng) trong một quãng thời gian dài. Họ có thể cảm thấy mất niềm vui hoặc hứng thú với các hoạt động thường nhật. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm chiếm gần như toàn bộ thời gian trong ngày và xảy ra hàng ngày trong ít nhất 2 tuần.

Ngoài ra, người bị trầm cảm còn có những cảm xúc hoặc suy nghĩ tồi tệ khác như:

  • Kém tập trung
  • Cảm giác tội lỗi quá mức hoặc hạ thấp giá trị bản thân
  • Vô vọng về tương lai
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
  • Khó ngủ hoặc không thể ngủ
  • Thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng
  • Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc không có động lực

Những triệu chứng và suy nghĩ này gây cản trở mọi hoạt động của người bệnh trong cuộc sống. 

Biểu hiện của bệnh trầm cảm có thể được phân loại thành 3 mức: nhẹ, trung bình và nặng, tùy vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống. Trong đó, một trong những tình trạng nặng của bệnh trầm cảm là rối loạn lượng cực. Rối loạn lưỡng cực là các giai đoạn trầm cảm xen kẽ với các giai đoạn có triệu chứng hưng cảm, bao gồm hưng phấn hoặc kích động, tăng hoạt động hoặc năng lượng. Một số dấu hiệu của tình trạng rối loạn lưỡng cực bao gồm: nói nhiều, đòi hỏi vô lý, tăng lòng tự trọng, ngủ ít, mất tập trung, bốc đồng và có hành vi liều lĩnh. [5]

7.1 Ở trẻ em và thanh thiếu niên

Các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng tương tự như ở người lớn, nhưng có thể có một số triệu chứng khác biệt.[6]

  • Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng trầm cảm có thể bao gồm buồn bã, cáu kỉnh, ủ rũ, lo lắng, mệt mỏi, không chịu đi học hoặc sụt cân.
  • Ở thanh thiếu niên, các triệu chứng có thể bao gồm buồn bã, cáu kỉnh,suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy vô dụng, tức giận, học kém hoặc không thích đi học, trở nên cực kỳ nhạy cảm, sử dụng thuốc kích thích hoặc rượu, ăn hoặc ngủ quá nhiều, tự làm hại bản thân, mất hứng thú trong các hoạt động bình thường và tránh giao tiếp xã hội.

7.2 Ở người lớn tuổi

Trầm cảm không phải là một hiện tượng bình thường khi chúng ta già đi và càng không được xem nhẹ. Đáng chú ý là nhiều người lớn tuổi không được chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm. Ngoài ra, người già thường có xu hướng giấu giếm hoặc ngại chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. 

Các triệu chứng trầm cảm ở người lớn tuổi có thể khác hoặc ít rõ ràng hơn ở người trẻ, chẳng hạn như[7]:

  • Suy giảm trí nhớ hoặc thay đổi tính cách
  • Đau nhức hoặc mệt mỏi nhiều
  • Chán ăn, khó ngủ (không phải do bệnh lý hoặc thuốc gây ra)
  • Muốn ở nhà nhiều hơn là ra ngoài giao lưu hoặc tham gia vào các hoạt động mới
  • Có suy nghĩ hoặc cảm xúc tự tử, đặc biệt là ở những người đàn ông lớn tuổi

8 Dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng

Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị sẽ nhanh chóng diễn tiến nặng, kéo theo những triệu chứng nghiêm trọng. Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng bao gồm:

  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Cáu gắt hoặc bị kích động
  • Luôn cảm thấy bản thân vô dụng
  • Luôn cảm thấy lo sợ hoặc nghi ngờ những điều tồi tệ sắp xảy ra
  • Luôn suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử hoặc cố gắng tự tử
  • Xuất hiện ảo giác hoặc ảo tưởng
  • Không có khả năng tự chăm sóc bản thân, chẳng hạn như ăn uống, tắm rửa, hoặc hoàn thành công việc
Các dấu hiệu trầm cảm nặng
Các dấu hiệu trầm cảm nặng

Đối với những người bị trầm cảm nặng, tự tử là một mối đe dọa thực sự. Mỗi năm, khoảng 46.000 người ở Mỹ tự kết liễu đời mình, mặc dù con số thực có thể cao hơn. Một số vụ tự tử không được công nhận vì chúng được phân loại là tai nạn, dùng thuốc quá liều hoặc nổ súng. Trong số những người bị trầm cảm không được điều trị, có tới 15% bệnh nhân sẽ tự sát. Dấu hiệu của người bị trầm cảm có thể có hành vi tự sát là:

  • Luôn nói về việc muốn chết hoặc muốn tự sát
  • Tìm cách tự sát hoặc từng cố gắng tự sát
  • Nói về cảm giác tuyệt vọng hoặc không có lý do để sống
  • Nói về cảm giác bị mắc kẹt hoặc đau đớn không chịu nổi
  • Nói về việc trở thành gánh nặng cho người khác
  • Sử dụng quá nhiều rượu hoặc ma túy
  • Hành động lo lắng hoặc kích động, hành xử liều lĩnh
  • Không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài
  • Dễ bị kích động, giận dữ hoặc luôn tìm cách trả thù
  • Tâm trạng thất thường 

Khi người mắc bệnh trầm cảm xuất hiện các triệu chứng hoặc dấu hiệu trên, nghĩa là bệnh nặng lên và có thể trở nên nguy hiểm. Khi đó cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị thích hợp. [8]

9 Điều trị bệnh trầm cảm như thế nào?

Mặc dù có nhiều triệu chứng nhưng thống kê cho thấy, trầm cảm là một trong những tình trạng rối loạn tâm thần dễ điều trị nhất. Có khoảng 80% đến 90% phần trăm những người bị trầm cảm đáp ứng tốt với điều trị. Và hầu như tất cả các bệnh nhân được điều trị đều giảm nhẹ các triệu chứng. [9]

9.1 Điều trị bằng thuốc

Thuốc chống trầm cảm là một trong các cách chữa bệnh trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất. Các loại thuốc này được kê đơn để điều hòa lại nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Thuốc chống trầm cảm có thể cho thấy hiệu quả cải thiện trong vòng một hoặc hai tuần đầu tiên sử dụng nhưng để có kết quả rõ rệt, người bệnh cần duy trì điều trị trong ít nhất 6 tháng. 

Sau vài tuần sử dụng thuốc, nếu các triệu chứng không hoặc ít cải thiện, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được thay đổi liều lượng, thêm thuốc hoặc thay đổi bằng một loại thuốc chống trầm cảm khác. 

Cần lưu ý rằng, các loại thuốc chống trầm cảm không phải là thuốc an thần, cũng không phải là thuốc kích thích. Chúng không có tác dụng kích thích với những người không bị trầm cảm và không gây nghiện. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm vẫn cần thận trọng, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. 

Nên thận trong  khi sử dụng thuốc chống trầm cảm
Nên thận trong  khi sử dụng thuốc chống trầm cảm

9.2 Tâm lý trị liệu

Trong trường hợp trầm cảm nhẹ, liệu pháp tâm lý có thể được sử dụng để điều trị mà không cần dùng thuốc. Đối với chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng, liệu pháp tâm lý thường được sử dụng cùng với thuốc chống trầm cảm. 

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị trầm cảm. CBT là một hình thức trị liệu tập trung vào việc giải quyết vấn đề mà người bệnh gặp phải trong hiện tại. CBT giúp người bị trầm cảm nhận ra những suy nghĩ lệch lạc/tiêu cực của bản thân. Từ đó thúc đẩy họ thay đổi suy nghĩ và hành vi để đối phó với những khó khăn theo cách tích cực hơn.

Phương pháp tâm lý trị liệu có thể cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Những người trong gia đình hoặc những người có quan hệ thân thiết có thể hỗ trợ người bệnh thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực bằng cách lắng nghe tâm sự của người trầm cảm

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng trầm cảm, việc điều trị bằng tâm lý trị liệu có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn..

9.3 Liệu pháp sốc điện (ECT)

ECT là một phương pháp điều trị y tế thường được dành riêng cho những bệnh nhân bị trầm cảm nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đầu tiên bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân và được sử dụng thuốc giãn cơ. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành kích điện, xung điện kích thích vào não thông qua các điện cực được gắn trên đầu người bệnh, gây ra cơn co giật có kiểm soát.

Một liệu trình điều trị bằng liệu pháp sốc điện thường kéo dài từ 2-4 tuần với khoảng 6-12 lần điều trị. 

ECT đã được sử dụng từ những năm 1940 cho người bệnh trầm cảm. Sau nhiều năm nghiên cứu, phương pháp này đã có những cải tiến lớn và nhận được sự công nhận về hiệu quả như một phương pháp điều trị trầm cảm chủ đạo chứ không phải là phương pháp điều trị "cuối cùng".

9.4 Cách chữa bệnh trầm cảm tại nhà

Đối với bệnh trầm cảm thể nhẹ, người bệnh hoặc người thân có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà để giảm thiểu các triệu chứng. Đối với nhiều người, tập thể dục thường xuyên giúp tạo cảm giác tích cực và cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tránh uống rượu cũng có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

Để khắc phục các triệu chứng của bệnh trầm cảm người bệnh có thể làm gì[10]:

  • Cố gắng tiếp tục thực hiện các hoạt động mà bản thân từng yêu thích
  • Giữ kết nối với bạn bè và gia đình
  • Tập thể dục thường xuyên, có thể bắt đầu bằng việc đi bộ ngắn
  • Cố gắng ăn uống khoa học và sinh hoạt điều độ
  • Tránh sử dụng rượu và các chất kích thích thần kinh
  • Chia sẻ với người mà bạn tin tưởng về những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân 
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Điều trị bệnh trầm cảm tại nhà
Điều trị bệnh trầm cảm tại nhà

Nếu bạn có ý nghĩ tự tử, hãy cố gắng thực hiện các điều sau:

  • Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc và nhiều người đã trải qua những gì bạn đang trải qua. Vì thế hãy thử tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. 
  • Chia sẻ với người mà bạn tin tưởng về suy nghĩ và cảm giác của bạn
  • Nói chuyện với nhân viên y tế, chẳng hạn như bác sĩ hoặc dược sĩ, về tình trạng của bản thân

10 Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không?

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. 

10.1 Làm rối loạn giấc ngủ

Một trong những triệu chứng đáng chú ý nhất của bệnh trầm cảm đó là sự thay đổi về giấc ngủ. Mặc dù vấn đề phổ biến nhất ở nhiều bệnh nhân trầm cảm là mất ngủ (khó ngủ, không ngủ đủ giấc), nhưng đôi khi bệnh nhân lại cảm thấy buồn ngủ và bị mệt mỏi quá mức. 

Thiếu ngủ có thể gây ra một số triệu chứng tương tự như trầm cảm đó là cực kỳ mệt mỏi, mất năng lượng và khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định.

Ngoài ra, trầm cảm không được điều trị có thể dẫn đến tăng hoặc giảm cân, tạo cảm giác vô vọng, bất lực và cáu kỉnh. Khi đó, điều trị trầm cảm giúp bệnh nhân kiểm soát được tất cả các triệu chứng này.

10.2 Lạm dụng chất kích thích

Lạm dụng rượu và ma túy là phổ biến ở những người bị trầm cảm không được điều trị. Tình trạng đặc biệt phổ biến ở nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên và trung niên. Đặc biệt, những đối tượng này có nhiều khả năng muốn tự tử hơn so với những bệnh nhân khác.

Ngoài ra, việc lạm dụng rượu và chất kích thích có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan như gan, thận, dạ dày-ruột, thần kinh,...

10.3 Làm trầm trọng bệnh lý tim mạch

Các nghiên cứu gần đây nhất đã xem xét tác động của trầm cảm ở những bệnh nhân bị đột quỵ hoặc bệnh mạch vành. Kết quả cho thấy những người bị trầm cảm nặng đang hồi phục sau đột quỵ hoặc đau tim gặp khó khăn hơn trong việc điều trị. Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị ở những người bị trầm cảm nặng cũng trở nên khó khăn hơn. 

Một nghiên cứu khác cho thấy những người bị trầm cảm nặng có nguy cơ tử vong trong vài tháng đầu sau cơn đau tim cao hơn so với những bệnh nhân khác.

11 Trầm cảm sau sinh nguy hiểm như thế nào?

Hầu hết các bà mẹ sinh con đều trải qua tình trạng rối loạn tâm thần sau khi sinh, thường bao gồm tâm trạng thất thường, hay khóc, lo lắng và khó ngủ. Tình trạng rối loạn tâm thần sau sinh thường bắt đầu trong vòng 2 đến 3 ngày đầu tiên sau khi sinh và có thể kéo dài đến hai tuần.

Nhưng một số bà mẹ sinh con lần đầu có thể trải qua một dạng trầm cảm lâu dài, nghiêm trọng hơn được gọi là trầm cảm sau sinh. Đôi khi nó được gọi là trầm cảm chu sinh vì nó có thể bắt đầu trong khi mang thai và tiếp tục sau khi sinh con. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh ở phụ nữ bao gồm: chán nản, gặp khó khăn trong việc kết nối với em bé, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi hoặc mất năng lượng, khó chịu hoặc sợ hãi, hoài nghi bản thân, có ý định tự tử,...

Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy những người mới làm cha cũng có thể bị trầm cảm sau sinh. Họ có thể cảm thấy buồn, mệt mỏi, choáng ngợp, lo lắng hoặc có những thay đổi trong thói quen ăn ngủ thông thường. Điều này tương tự với các triệu chứng mà các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh gặp phải.

Những ông bố còn trẻ, có tiền sử trầm cảm, gặp vấn đề trong các mối quan hệ hoặc đang gặp khó khăn về tài chính có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cao nhất. Trầm cảm sau sinh ở người cha có thể gây ra các tác động tiêu cực đối với mối quan hệ vợ chồng và sự phát triển của trẻ tương tự như trầm cảm sau sinh ở người mẹ. [11]

Tóm lại, bệnh trầm cảm là một tình trạng y khoa nghiêm trọng, mãn tính và có thể ảnh hướng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh. Nghiêm trọng, người mắc bệnh trầm cảm có thể có ý nghĩ và hành vi tự sát. Do vậy, người bệnh cần được chia sẻ và nhanh chóng tiếp cận đến các biện pháp y tế hỗ trợ.

>>>Xem thêm: Uống thuốc chống trầm cảm có hại không? Có gây nghiện không?

Tài liệu tham khảo

  1. ^ WHO (Ngày đăng: Ngày 31 tháng 03 năm 2023). Depressive disorder (depression), WHO. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  2. ^ Felix Torres (Ngày đăng: Tháng 10 năm 2020). What Is Depression?, American Psychiatric Association. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  3. ^ Ericka Goodwin (Ngày đăng: Ngày 24 tháng 03 năm 2023). Everything You Need to Know About Depression (Major Depressive Disorder), Healthline. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  4. ^ Harvard Health Publishing (Ngày đăng: Ngày 10 tháng 01 năm 2022). What causes depression?, Harvard Health Publishing. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023
  5. ^ WHO (Ngày đăng: Ngày 31 tháng 03 năm 2023). Depressive disorder (depression), WHO. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  6. ^ Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 10 năm 2022). Depression (major depressive disorder), Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  7. ^ Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 10 năm 2022). Depression (major depressive disorder), Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  8. ^ Smitha Bhandari (Ngày đăng: Ngày 03 tháng 10 năm 2022). Warning Signs of Severe Depression, Web MD. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  9. ^ Felix Torres (Ngày đăng: Tháng 10 năm 2020). What Is Depression?, American Psychiatric Association. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  10. ^ WHO (Ngày đăng: Ngày 31 tháng 03 năm 2023). Depressive disorder (depression), WHO. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023.
  11. ^ Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 24 tháng 10 năm 2022). Postpartum depression, Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 05 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    nhà thuốc ơi cho tôi hỏi uống thuốc Fluoxetin có thể có tác dụng phụ nào không?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh trầm cảm là gì, có nguy hiểm không? Cách chữa trầm cảm tại nhà 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh trầm cảm là gì, có nguy hiểm không? Cách chữa trầm cảm tại nhà
    PD
    Điểm đánh giá: 5/5

    thuốc Fluoxetin hiệu quả, nhà thuốc an huy tuyệt vời, tôi sẽ giới thiệu bạn bè đến đây mua thuốc

    Trả lời Cảm ơn (5)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
1900 888 633
hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA