1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Thuốc cai nghiện ma tuý tổng hợp, ma tuý đá và quy trình cai nghiện theo phác đồ Bộ Y tế

Thuốc cai nghiện ma tuý tổng hợp, ma tuý đá và quy trình cai nghiện theo phác đồ Bộ Y tế

Thuốc cai nghiện ma tuý tổng hợp, ma tuý đá và quy trình cai nghiện theo phác đồ Bộ Y tế

Trungtamthuoc.com - Ma tuý là một tệ nạn nghiêm trọng và việc cai nghiện ma tuý là một quá trình phức tạp cần sự can thiệp của nhiều phương pháp điều trị. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ chia sẻ thông tin về một số thuốc và phương pháp điều trị trong phác đồ hướng dẫn cai nghiện của Bộ Y tế.

1 Quy trình cai nghiện ma túy theo quy định hiện nay

Ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần có tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tinh thần, gia đình và xã hội. Theo quy định tại Điều 29 Luật phòng chống ma túy năm 2021 và chương III Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống ma túy, luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, có hướng dẫn về quy trình cai nghiện theo phác đồ chuẩn gồm 5 giai đoạn như sau:

Quy trình cai nghiện ma túy
Quy trình cai nghiện ma túy

1.1 Tiếp nhận phân loại

Người cai nghiện thực hiện các thủ tục tiếp nhận theo nội quy của cơ sở cai nghiện, sau đó  được xác định tình trạng sức khỏe cũng như mức độ nghiện ma tuý, cụ thể khám lâm sàng đánh giá thể chất, tinh thần, bệnh lý nền, thực hiện các xét nghiệm máu, kiểm tra mức độ rối loạn tâm lý…Từ đó, bác sĩ lập hồ sơ kế hoạch điều trị cho người bệnh. Các chương trình cai nghiện, phương pháp và thuốc cũng được tư vấn, giải đáp cho người thực hiện cai nghiện.

1.2 Điều trị cắt cơn giải độc, rối loạn tâm thần

Giai đoạn này nhằm mục tiêu loại bỏ ma tuý ra khỏi cơ thể, giảm triệu chứng và xử lý các biến chứng. Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ riêng phù hợp với mức độ nghiện của người bệnh và các dấu hiệu rối loạn tâm thần gặp phải.  Các phác đồ điều trị đều được xây dựng dựa trên quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, kết hợp các thuốc giải độc, điều trị triệu chứng bệnh lý cơ hội khác.

1.3 Giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách

Giai đoạn này rất quan trọng, người cai nghiện được ổn định sức khoẻ và tâm lý cũng như xây dựng thói quen lành mạnh ngăn ngừa tái nghiện trở lại.

Người cai nghiện được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, kết hợp học tập, trị liệu, tạo thói quen tốt trong sinh hoạt. Các phương pháp tâm lý cá nhân và hỗ trợ từ phía gia đình sẽ hỗ trợ rất lớn trong quá trình cai nghiện. Bên cạnh đó, các chuyên đề giáo dục công dân, đạo đức, pháp luật được tổ chức phù hợp với mỗi trình độ học vấn của bệnh nhân. 

1.4 Lao động trị liệu, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

Giai đoạn này giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, cải thiện sức khỏe toàn diện về tinh thần và thể chất. Người cai nghiện được tham gia lao động, giúp họ nhận thức được giá trị lao động, trách nhiệm với gia đình cộng đồng. Các phương pháp dạy nghề, hướng nghiệp và tìm kiếm việc làm phù hợp cho người cai nghiện được tổ chức tại cơ sở phù hợp. 

1.5 Quản lý lâu dài dựa và phòng ngừa tái nghiện

Thực hiện các biện pháp quản lý như định kỳ gặp gỡ tư vấn tâm lý, hướng dẫn người bệnh các kỹ năng đối phó với áp lực, cám dỗ tránh tái nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện các đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần định kỳ nhằm phát hiện và hỗ trợ nhanh chóng khi cần thiết.  Cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ của nhà nước với người nghiện ma tuý, các đơn vị cộng đồng hỗ trợ tại địa phương cho người cai nghiện.

===> Xem thêm bài viết: Làm thế nào để cai thuốc lá? Cách cai thuốc lá hiệu quả nhất

2 Phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc nghiện ma tuý

Giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình cai nghiện ma tuý là giai đoạn cắt cơn và giải độc. Khi điều trị, bệnh nhân không nên dừng thuốc đột ngột vì nguy cơ lên cơn nghiện gây ra biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần giảm liều dùng ma tuý từ từ trước, dùng liều thấp nhất không gây quá khó chịu, bứt rứt. Trong điều trị cắt cơn, bệnh nhân cần thực hiện điều trị nội trú tại khoa tâm thần, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Các loại thuốc sử dụng thường hỗ trợ giảm triệu chứng, cân bằng tâm lý và giải độc cho người nghiện.

2.1 Thuốc giảm triệu chứng nghiện

Các thuốc an thần, phối hợp thuốc chống trầm cảm, giảm đau có thể được sử dụng để kiểm soát triệu chứng nghiện.

  • Các thuốc an thần có tác dụng giảm căng thẳng, mất ngủ, kích động, giúp người bệnh ăn ngủ tốt hơn, giảm hoang tưởng, áo giác, từ đó cắt cảm giác thèm ma tuý. Các bệnh có triệu chứng căng thẳng thần kinh hoặc mất ngủ kéo dài thường sẽ được chỉ định nhóm thuốc này. Thuốc thế hệ mới khá an toàn nhưng cần lưu ý có thể gây ngủ nhiều và tăng cân khi dùng kéo dài.
  • Thuốc chống nôn, giảm đau, chống tiêu chảy có thể được chỉ định giảm các triệu chứng người nghiện gặp phải trong giai đoạn cắt cơn. 
Một số thuốc an thần giải triệu chứng nghiện
Một số thuốc an thần giải triệu chứng khi cai nghiện

2.2 Thuốc điều trị rối loạn tâm thần

  • Các thuốc chống trầm cảm hỗ trợ cải thiện các rối loạn tâm thần của bệnh nhân cụ thể như cảm giác buồn chán, muốn tự tử, hoang tưởng, ảo giác, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, triệu chứng tê buồn chân tay. 
  • Các thuốc bình thần mang lại sự ổn định về tinh thần cho người bệnh, giảm các triệu chứng lo lắng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Một số thuốc chống trầm cảm giải triệu chứng cai nghiện
Một số thuốc chống trầm cảm giải triệu chứng cai nghiện

2.3 Thuốc hỗ trợ giải độc 

Ma túy là một chất độc rất có hại cho sức khỏe nên sau khi cắt cơn nghiện, quan trọng là cần giải độc cho bệnh nhân. Cần có thuốc giải độc đặc hiệu với liều lượng phù hợp để trung hòa hết độc tố, giúp bệnh nhân đỡ mệt mỏi do ngộ độc và còn nhanh chóng tỉnh táo, phục hồi sức khỏe.

  • Thuốc hỗ trợ giải độc gan nhằm phục hồi chức năng gan, giúp đào thải độc tố nhanh chóng khỏi gan, làm sạch gốc tự do, ổn định sinh lý gan. Phòng tránh cho người bệnh các vấn đề về sức khỏe sau này liên quan đến gan như xơ gan, suy gan, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể…
  • Thuốc bù nước và điện giải dùng trong trường hợp người bệnh mất nước, mất điện giải do nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần. Trường hợp nhẹ dùng đường uống, nặng hơn có thể truyền dịch trực tiếp.
  • Thuốc cấp cứu kháng Opiat như Naltrexone được chỉ định khi bệnh nhân bị sốc thuốc, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ thở oxy, sốc điện. 

3 Thời gian cắt cơn nghiện ma tuý là bao lâu?

Giai đoạn đầu tiên trong quy trình cai nghiện là cắt cơn, giải độc và điều trị triệu chứng bệnh lý kèm theo nếu có. Thời gian giai đoạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ma tuý, mức độ nghiện, cơ địa người bệnh. Chẳng hạn như với chất gây nghiện là heroin thì có thời gian cắt cơn từ 5-10 ngày, còn với ma tuý tổng hợp thông thường sẽ từ 10-20 ngày. Giai đoạn này nên điều trị tại các cơ sở cai nghiện kết hợp thêm các thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng và chăm sóc tâm lý từ gia đình, bạn bè.

4 Thuốc chống tái nghiện ma tuý 

Những bệnh nhân không còn sử dụng ma tuý, có kết quả test ma tuý âm tính, các chức năng thận, gan đều đã phục hồi bình thường thì có thể tiến hành điều trị tại nhà và uống các thuốc chống tái nghiện phù hợp vào loại ma túy mà người nghiện sử dụng. Dưới đây là các thuốc chống tái nghiện phổ biến: 

Thuốc chống tái nghiện ma tuý
Thuốc chống tái nghiện ma tuý

4.1 Thuốc cai nghiện ma túy Methadone

Methadone (Diskets) là một thuốc dùng trong cai nghiện ma tuý, có tác dụng thay thế opioid, giúp giảm cảm giác thèm heroin và các thuốc phiện khác, chúng hỗ trợ cân bằng trạng thái ổn định tinh thần mà không gây ra hiệu ứng phê thuốc khi sử dụng. 

Bản chất phương pháp này thay thế thuốc có độc tính thấp hơn, đây là loại ma túy hợp pháp được cấp phát tại các cơ sở cai nghiện theo quy định nhà nước. Người cai nghiện được uống hàng ngày với liều lượng giảm dần theo thời gian. Thuốc có thể dùng điều trị thời gian dài nhưng có tác dụng phụ gây nghiện nếu không kiểm soát chặt chẽ, ngoài ra việc cai nghiện methadone cũng rất khó khăn nên cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Một số thuốc cai nghiện ma túy Methadone
Một số thuốc cai nghiện ma túy Methadone

4.2 Thuốc đối kháng Naltrexone cai nghiện ma tuý

Naltrexone (Revia)  là thuốc đối kháng có tác dụng ngăn chặn tác động các thụ thể opioid trên não, giảm cảm giác hoang tưởng, không cảm nhận được sự phấn khích, hứng thú từ việc dùng ma tuý, làm người nghiện giảm ham muốn sử dụng ma tuý.

Thuốc có đặc điểm không gây nghiện, không làm tăng tác dụng phụ khi ngừng thuốc, nhưng chỉ dùng thuốc sau khi đã cắt cơn hoàn toàn hoặc sử dụng chống tái nhiễm ma tuý. Nguy cơ độc tính nghiêm trọng có thể tử vong nếu cố tình sử dụng Naltrexone nhưng vẫn dùng ma tuý.

Một số thuốc cai nghiện ma túy chứa Naltrexone
Một số thuốc cai nghiện ma túy chứa Naltrexone

4.3 Thuốc Bupropion hỗ trợ cai nghiện ma tuý đá

Hiện chưa có thuốc đặc trị hoàn toàn cho người nghiện ma túy đá, thuốc Bupropion được sử dụng như biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Thuốc Bupropion có tác dụng làm giảm cảm giác thèm ma tuý đá, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ trầm cảm. 

Cơ chế giảm cảm giác thèm ma tuý bằng bằng cách điều chỉnh hoạt động não bộ ở các vùng liên quan đến thói quen nghiện, ổn định dẫn truyền thần kinh và tăng nồng độ dopamine và norepinephrine trong não, giúp cải thiện tâm trạng.

Thông thường thuốc Bupropion kết hợp với Mirtazapine (Remeron) là thuốc an thần nhẹ và Modafinil (Provigil) giúp tăng sự tỉnh táo trong điều trị cai nghiện ma tuý đá, tuy nhiên, sự kết hợp này cần được thực hiện dưới sự giám sát y tế chặt chẽ.

4.4 Thuốc cai nghiện ma túy thảo dược 

Một số thuốc như thuốc Bông Sen, thuốc Heantos 4, thuốc Cedemex… là những sản phẩm thảo dược được cấp phép sử dụng tại Việt Nam để hỗ trợ cắt cơn và cai nghiện ma túy, vậy thuốc cai nghiện Bông Sen có hiệu quả không?

Một số thuốc thảo dược hỗ trợ cai nghiện
Một số thuốc thảo dược hỗ trợ cai nghiện

Bản chất của phương pháp là dùng thuốc không gây nghiện để cai nghiện, hỗ trợ giảm các cơn nghiện ma tuý nhóm thuốc phiện như heroin, ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp khác. Các thành phần thảo dược giúp giảm triệu chứng khó chịu trong giai đoạn cắt cơn như đau nhức cơ, bồn chồn, run rẩy, hỗ trợ quá trình điều chỉnh tâm lý hậu cai nghiện. Ngoài ra, thuốc còn hồi phục chức năng gan thận, cải thiện dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn để chứng minh hiệu quả của thuốc và mức độ thành công phụ thuộc vào mức độ nghiện, thể trạng và tinh thần của người sử dụng.

Giai đoạn điều trị củng cố chống tái nghiện có thể được thực hiện tại nhà, người bệnh vừa dùng thuốc vừa đi làm, nhưng cần có sự quản lý tốt của địa phương và gia đình để tránh tỷ lệ tái phát của bệnh nhân. 

5 Chống tái nghiện bằng tâm lý trị liệu tại nhà

Sau khi đã có kết quả âm tính với ma tuý nhưng người bệnh vẫn sẽ bị ham muốn bởi cảm cảm giác hoang tưởng, ảo giác mà ma túy mang lại, nên người bệnh rất dễ tái nghiện trở lại, và đặc biệt khi bị kích thích bởi ma tuý cảm giác nghiện sẽ khởi phát mạnh hơn. Do đó các biện pháp chống tái nghiện bằng điều trị tâm lý vô cùng quan trọng. Phương pháp này không dùng thuốc mà chỉ tập trung vào điều chỉnh ổn định cảm xúc, thay đổi thói quen để vượt qua cám dỗ. Biện pháp cần sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng để đạt được kết quả điều trị toàn diện nhất.

Biện pháp tâm lý trị liệu chống tái nghiện
Biện pháp tâm lý trị liệu chống tái nghiện

Một số kỹ thuật được áp dụng như:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: liệu pháp này giúp thay đổi suy nghĩ kích thích từ cơn thèm muốn bằng suy nghĩ tích cực hơn như khẳng định có thể kiểm soát được bản thân, thực hiện hành động đối phó những tình huống nghiện như tập thể dục, gọi người hỗ trợ.
  • Liệu pháp thư giãn: phương pháp này giúp giảm lo âu, căng thẳng khi nghĩ đến ma tuý. Người bệnh có thể học thiền, tập yoga, nghe nhạc, đọc sách hoặc tập thể dục nhẹ.
  • Hỗ trợ tâm lý xã hội: tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội, xây dựng mối quan hệ với gia đình, bạn bè để thay thế cảm giác cô đơn, trống trải làm dễ tái nghiện trở lại.

6 Nhà thuốc có bán thuốc cai nghiện không?

Tại nước ta, các thuốc cai nghiện chỉ được bán theo đơn tại các cơ sở y tế được cấp phép hoặc tại bệnh viện. Các thuốc này được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan y tế và được phân phát cho người bệnh khi có chỉ định đơn thuốc. Do đó mọi nhà thuốc trên toàn quốc không được bày bán nếu không phải là cơ sở được Bộ Y tế cấp phép.

7 Kết luận

Nhìn chung, người nghiện ma túy cần được cai nghiện bằng phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc sử dụng thuốc cai nghiện cần tuân thủ đúng liều lượng và theo dõi tại các cơ sở cai nghiện. Ngoài ra sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng cũng đóng vai trò rất lớn trong để quá trình cai nghiện của người bệnh thành công.

8 Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế, (Ngày ban hành 12 tháng 12 năm 2007) Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Bộ Y tế. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2024.
  2. Bộ Y tế, (Ngày ban hành 1 tháng 3 năm 2019) Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp Amphetamine. Bộ Y tế. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2024.
  3. Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, (Ngày ban hành 21 tháng 12 năm 2021) Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. NĐ-CP. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2024.
  4. Tác giả Antoine B Douaihy , Thomas M Kelly , Carl Sullivan (Ngày đăng 9 tháng 9 năm 2013) Medications for Substance Use Disorders. Pubmed. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2024.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633