Thủng màng nhĩ có điếc không? Có tự liền được không? Dấu hiệu và cách chữa tại nhà
Trungtamthuoc.com - Bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe của bệnh nhân là thủng màng nhĩ. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, sự tổn thương màng nhĩ có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Vậy thủng màng nhĩ có tự liền được không? Nguyên nhân và các dấu hiệu của bệnh là gì? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Thủng màng nhĩ là gì?
Màng nhĩ là một màng mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa, và có vai trò chính là tiếp nhận âm thanh và bảo vệ tai giữa. Khi âm thanh tiếp xúc với màng nhĩ, tuỳ vào cường độ âm thanh sẽ làm rung màng nhĩ rung lên với mức độ khác nhau. Vì vậy nếu có sự tổn thương tại màng nhĩ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe của tai. Bên cạnh đó, màng nhĩ ngăn cản sự tấn công của các tác nhân gây hại bên ngoài đến tai giữa như virus, vi khuẩn, bụi bẩn.
Bị thủng màng nhĩ được hiểu là tình trạng màng nhĩ bị rách, tổn thương do nguyên nhân nào đó. Tuỳ mức độ rách sẽ gây những trạng thái khó chịu khác nhau, người bệnh không nên chủ quan có thể gặp các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn bên ngoài tấn công gây hại cho tai giữa và xâm lấn sâu hơn. Thông thường những vết rách nhỏ có thể tự phục hồi sau một thời gian, còn những vết rách lớn cần lâu hơn và nên có biện pháp vệ sinh và điều trị hợp lý tránh viêm nhiễm.
2 Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ
Dưới đây là một số nguyên nhân gây thủng màng nhĩ thường gặp, người bệnh nên nhận biết để có phương án điều trị phù hợp nhất:
2.1 Nhiễm trùng
Viêm nhiễm khuẩn tai, mũi , họng làm tăng nguy cơ thủng màng nhĩ, trong đó viêm tai giữa là nguyên nhân phổ biến nhất. Dịch mủ chảy tiếp xúc với màng nhĩ làm chúng trở nên nhạy cảm hơn, các vi khuẩn cũng sẽ tấn công trực tiếp gây lên sự tổn thương. Nếu bệnh kéo dài, màng nhĩ chịu cả áp lực âm thành bên ngoài và dịch mủ bên trong, khiến màng nhĩ dễ rách hơn. Vì vậy khi bị viêm tai giữa cần điều trị càng sớm càng tốt, và gặp các vấn đề về tai mũi họng cũng nên có biện pháp vệ sinh, phòng tránh lan rộng ảnh hưởng đến màng nhĩ.
2.2 Thay đổi áp suất
Khi thay đổi áp suất đột ngột như đi máy bay, lái xe tốc độ cao, lặn biển… sẽ gây ra một áp lực lớn tới màng nhĩ. Vì màng nhĩ rất mỏng và nhạy cảm nên có thể bị thủng. Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể áp dụng các mẹo như bịt tai, nhai kẹo cao su.
2.3 Chấn thương âm thanh
Các chấn thương này xuất phát từ những tiếng nổ lớn như tiếng bom đạn, tiếng súng. Một số nghiên cứu cho thấy với tần số âm thanh lớn từ 199 dB trở lên sẽ gây tổn thương đến hệ thống thính giác và gây thủng màng nhĩ.
2.4 Tiếp xúc dị vật
Nguyên nhân này khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Những sai sót trong quá trình lấy ráy tai, hoặc trẻ con không biết sự nguy hiểm, bắt chước người lớn tự nhét tăm bông, đũa, kẹp tóc vào trong tai làm va chạm với màng nhĩ gây thủng ngay lập tức. Nhiều trường hợp có vật nhỏ rơi sâu hơn vào tai trong, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm khác.
2.5 Chấn thương đầu, tai nghiêm trọng
Các chấn thương đầu, tai nghiêm trọng như tai nạn giao thông, bạo lực, ngã… có thể làm màng nhĩ tổn thương lớn. Những chấn thương này không những khiến màng nhĩ thủng, còn gây hỏng cấu trúc tai, tác động đến cả tai giữa và tai trong.
3 Các dấu hiệu của thủng màng nhĩ
Màng nhĩ ngăn cách giữa tai ngoài và tai giữa như một lớp màng bảo vệ tai, nên khi lớp màng này bị rách sẽ gặp các dấu hiệu liên quan trực tiếp đến thính lực, bao gồm:
3.1 Đau tai
Dấu hiệu đầu tiên là đau tai dữ dội sau khi màng nhĩ của bạn bị rách đột ngột. Các triệu chứng sẽ giảm dần sau đó, tuỳ mức độ tổn thương sẽ nhanh hay chậm, nhưng nếu đau âm ỉ thì có thể đã có sự viêm nhiễm xảy ra.
3.2 Tai chảy dịch
Chảy dịch từ tai khi thủng màng nhĩ có thể kèm máu trong tình trạng vết rách lớn và đột ngột, còn nếu thấy dịch mủ thì có thể do viêm tai giữa dẫn đến thủng màng nhĩ, lúc này ngoài chảy dịch người bệnh có thể kèm dấu hiệu sốt và mệt mỏi.
3.3 Giảm thính lực
Màng nhĩ có công dụng tiếp nhận và phân biệt âm thanh, vì vậy khi bị thủng màng nhĩ thì khả năng nghe sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy khi nhận thấy cảm nhận âm thanh của bản thân yếu đi, kèm với các triệu chứng như đau nhức, khó chịu trong tai thì có thể màng nhĩ đã bị tổn thương.
3.4 Ù tai
Khi bị thủng màng nhĩ, người bệnh có thể cảm nhận thấy ù tai. Cảm nhận xung quanh tai có cảm giác tiếng gió thổi, tiếng ù ù khó chịu hoặc bất cứ âm thanh lạ nào cản trở khả năng nghe bình thường.
3.5 Chóng mặt
Khi chấn thương đột ngột màng nhĩ trong những va chạm mạnh tác động lên đầu hoặc tai sẽ kèm chóng mặt, nôn mửa, thậm chí người bệnh bất tỉnh. Trong tình huống này cần thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể.
Một số triệu chứng khác cũng khá phổ biến như ngứa ngáy trong tai, thân nhiệt tăng cũng là dấu hiệu cảnh báo màng nhĩ bị tổn thương.
4 Chẩn đoán màng nhĩ bị vỡ như thế nào?
Khi thăm khám màng nhĩ bác sĩ sẽ kiểm tra tai trong bằng ống soi tai, thiết bị này có gắn đèn nối với máy tính bên ngoài, cung cấp hình ảnh rõ nét cho việc chẩn đoán chính xác hơn. Ngoài ra các bác sĩ chuyên khoa thính giác sẽ tiến hành đo thính lực để kiểm tra khả năng vận động của màng nhĩ. Các bài kiểm tra có thể bao gồm:
- Đo thính lực/thính lực đồ : các bài kiểm tra thính lực về độ nghe âm thanh từ cao độ thấp đến cao. Sau đó kết quả sẽ ở dạng biểu đồ minh hoạ để bác sĩ chẩn đoán.
- Đo nhĩ lượng : Xét nghiệm này kiểm tra chuyển động của màng nhĩ.
5 Biến chứng của thủng màng nhĩ
Màng nhĩ đóng vai trò quan trọng trong tiếp nhận âm thanh và bảo vệ tai, vì vậy khi bị tổn thương, sẽ tác động trực tiếp đến 2 chức năng trên. Khi bị thủng màng nhĩ mà thời gian tự lành kéo dài lâu từ 3-6 tháng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cụ thể:
- Mất thính lực: khi thửng màng nhĩ nhỏ thì khả năng nghe giảm đi, thậm chí một số trường hợp mất thính lực nếu vết rách lớn. Sự phục hồi thính lực trở lại khi liền màng nhĩ.
- Nhiễm trùng tai: khi màng nhĩ bị rách, vi khuẩn xâm nhập dễ dàng vào bên trong tai gây ra tình trạng viêm tai trong, viêm tai giữa. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời thì rất nguy hiểm vì đây là bộ phận có vai trò quan trọng liên quan tới khả năng nghe của người bệnh. Bệnh tái phát nhiều lần nếu màng nhĩ không liền hẳn.
- U nang tai giữa: biến chứng này là nghiêm trọng và nguy hiểm nhất, thường xảy ra khi bị viêm tai giữa mãn tính. Các u nang chèn ép phá huỷ các thành phần tai giữa và các tế bào tai lân cận, suy giảm thính lực rõ rệt.
6 Chữa thủng màng nhĩ bằng cách nào?
Nhiều người thắc mắc màng nhĩ có thể tự lành không thì câu trả lời là có. Với những trường hợp nhẹ màng nhĩ sẽ lành sau vài ngày đến vài tháng, người bệnh cần chú ý vệ sinh và giữ cho tai thông thoáng, tránh tiếp xúc với môi trường bẩn thì các triệu chứng có thể biến mất sau một thời gian.
Tuy nhiên các trường hợp nặng, gây đau nhức dữ dội, thậm chí sốt thì bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thêm các loại thuốc điều trị tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh.
6.1 Dùng thuốc
Thông thường khi màng nhĩ rách sẽ gây đau, mức độ đau khác nhau ở từng tình trạng thương tổn. Lúc này có thể sử dụng thuốc giảm đau, giảm sự khó chịu cho người bệnh. Nên tuân thủ theo đúng phác đồ và chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua và lạm dụng thuốc sẽ có nguy cơ gặp các tác dụng phụ cao. Để giảm đau người bệnh cũng có thể sử dụng các băng gạc che chắn lại tai vừa giảm áp lực âm thanh đến màng nhĩ vừa ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập làm nặng thêm bệnh.
Các trường hợp như thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thì bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh. Các kháng sinh sẽ dùng riêng lẻ dạng uống, dạng nhỏ tai hoặc kết hợp cả 2 dạng tuỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
6.2 Phẫu thuật vá nhĩ
Biện pháp này áp dụng khi vết rách quá lớn, tổn thương gần như hết màng nhĩ, hoặc đánh giá tiên lượng liền của màng thấp thì bác sĩ sẽ chỉ định vá màng nhĩ. Thông thường sẽ dùng chính mô của cơ thể bệnh nhân để vá lại.
Cách phẫu thuật sẽ thực hiện từ sau tai, kéo dài trong khoảng vài tiếng. Sau khi phẫu thuật, người bệnh không thể nghe được ngay, mà cần thời gian hồi phục tuỳ vào tình trạng bệnh.
7 Cách vệ sinh chữa thủng màng nhĩ tại nhà
Khi bị thủng màng nhĩ, vệ sinh đúng cách và sạch sẽ giúp cho quá trình liền nhanh hơn và hạn chế sự xâm nhập từ của các tác nhân vi khuẩn, virus bên ngoài, giảm những biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là một số bước làm vệ sinh tai tại nhà, bạn có thể tham khảo:
Bước 1: chuẩn bị các vật dụng bao gồm khăm mềm, nước ấm, Dung dịch rửa tai như nước muối sinh lý, dụng cụ nhỏ thuốc rửa vào tai.
Bước 2: Pha nước rửa tai bằng cách dùng nước ấm và một ít nước muối. Lưu ý khi sử dụng là dùng nước vẫn còn ấm. Dùng dụng cụ hút dung dịch, hút lấy khoảng nửa ống bơm.
Bước 3: Tư thế người bệnh nên nằm nghiêng sang 1 bên, phần tai cần vệ sinh nằm phía trên. Lúc này người bệnh nên có sự hỗ trợ từ người thân khi nhỏ thuốc.
Bước 4: Nhỏ dung dịch rửa vào tai nhưng cần lưu ý đặt ống nhỏ xa tai khoảng vài cm, không tiếp xúc vào tai ngoài hoặc đặt quá sát tai làm nước nhỏ tràn ra. Sau khi nhỏ người bệnh nên giữ đúng tư thế trong khoảng vài phút để nước rửa vào bên trong, tránh chảy ra ngoài.
Bước 5: Đổ dung dịch rửa ra ngoài. Bạn đặt một chiếc bát hoặc bông gòn bên tai ngoài, rồi nhẹ nhàng nghiêng đầu để nước chảy ra ngoài.
Bước 6: Rửa lại tai bằng nước ấm mà không pha thêm nước muối.
Bước 7: Dùng khăn mềm, nhúng qua nước vắt kiệt, rồi lau nhẹ nhàng tai xung quanh đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bên ngoài tai.
8 Làm thế nào để ngăn ngừa thủng màng nhĩ?
Bảo vệ tai của bạn là một cách tuyệt vời để ngăn ngừa thủng màng nhĩ. Các cách bảo vệ tai và màng nhĩ bao gồm:
- Điều trị nhiễm trùng tai giữa : Khi bị nhiễm trùng tai thì người bệnh cần điều trị sớm. Các triệu chứng có thể gặp khi viêm tai giữa như đau tai, nghẹt mũi, sốt, khó nghe.
- Vệ sinh cẩn thận : Không sử dụng tăm bông hoặc các vật dụng khác để vệ sinh tai, ngay cả khi dùng tăm bông, màng nhĩ vẫn có thể bị thủng. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng lau bên ngoài tai bằng ngón tay sạch hoặc đầu khăn sạch.
- Tránh bị đau tai khi đi máy bay : Đau tai khi đi máy bay là do chấn thương do áp suất. Chấn thương do áp suất tạo cảm giác như thể ai đó nhét bông vào tai. Bạn có thể tránh bị đau tai khi đi máy bay bằng cách ngáp, nhai kẹo Cao Su hoặc đeo nút tai đặc biệt để trung hòa sự thay đổi áp suất không khí.
- Vệ sinh tai sau khi bơi lội, tắm vòi hoa sen: khi bơi lội hay tắm vòi Sen có nguy cơ nước vào tai nên hãy lau khô tai khi tắm hoặc tai có tiếp xúc với nước.
9 Một số câu hỏi thường gặp khi bị thủng màng nhĩ
9.1 Bị thủng màng nhĩ bao lâu thì lành?
Mức độ lành của màng nhĩ phụ thuộc vào vết rách của nó. Ngoài ra cơ địa mỗi người cũng ảnh hưởng đến tốc độ liền của màng nhĩ. Đối với trường hợp nhẹ, vết thương tự khỏi sau 4-6 tuần mà không cần sử dụng thuốc, chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
9.2 Phẫu thuật vá màng nhĩ hết bao nhiêu tiền?
Nhiều người thắc mắc vá màng nhĩ hết bao nhiêu tiền? Thì thông thường tại các bệnh viện công lập sẽ có giá khoảng từ 5-7 triệu đồng, giao động khác nhau giữa các năm. Còn tại bệnh viện tư mức phí sẽ cao hơn, giá khoảng từ 10 triệu đồng trở lên.
9.3 Thủng màng nhĩ không nên ăn gì?
Khi bị thủng màng nhĩ, có chế độ ăn uống kiêng khem hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng. Cụ thể người bệnh cần kiêng khem những thứ sau:
- Không nên uống rượu bia, cà phê, sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá. Những chất này làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn cao hơn, khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu.
- Hạn chế sử dụng đồ đông lạnh, uống nước đá trong thời gian điều trị vì làm ảnh hưởng tới hệ thống tai mũi họng.
- Kiêng sử dụng các thực phẩm cay nóng, chất dầu mỡ, đồ ăn nhanh.
- Hạn chế thực phẩm quá nhiều tinh bột, đường.
9.4 Trẻ bị thủng màng nhĩ có lành được không?
Trẻ nhỏ rất hay gặp tình trạng thủng màng nhĩ do chấn thương tai. Khi nhận thức của bé về sự nguy hiểm của các vật dụng khi đưa vào trong tai. Thông thường các bé sẽ có sự liền màng nhĩ nhanh hơn, có thể từ vài ngày đến vài tuần, nếu bố mẹ chăm sóc đúng cách. Các trường hợp nặng thì cần theo dõi bởi chuyên khoa vì tránh dẫn đến tình trạng mãn tính, ảnh hưởng khả năng nghe về sau của trẻ.
9.5 Bị thủng màng nhĩ có nghe được không?
Thủng màng nhĩ thường ít gây ra tình trạng điếc, người bệnh vẫn có thể nghe được nhưng kèm theo các triệu chứng ù tai, khó nghe, hoặc tai đau và nhạy cảm hơn. Những trường hợp nhẹ, gần như vẫn nghe được bình thường.
10 Kết luận
Màng nhĩ thủng là hiện tượng có vết rách hoặc thủng ở màng nhĩ. Khi màng nhĩ rách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thính lực và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về nguyên nhân, các dấu hiệu nhận biết và hướng điều trị khi bị thủng màng nhĩ.
11 Tài liệu tham khảo
Tác giả F T Orji, C C Agu (Ngày đăng tháng 10 năm 2008) Determinants of spontaneous healing in traumatic perforations of the tympanic membrane. Pubmed. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2024.
Tác giả Olusola A Sogebi, Emmanuel A Oyewole,Taofeeq O Mabifah (Ngày đăng tháng 3 năm 2018) Traumatic tympanic membrane perforations: characteristics and factors affecting outcome. Pubmed. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2024.
Chuyên gia NHS. (Ngày đăng 19 tháng 4 năm 2023) Perforated eardrum. NHS. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2024.