Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng
Trungtamthuoc.com - Thoái hóa cột sống thắt lưng là hậu quả của quá trình lão hóa tự nhiên, xương cột sống bị thoái hóa dần. Quá trình lão hóa tự nhiên này bao gồm tình trạng loãng xương, làm mòn sụn khớp. Bệnh thường gặp ở người bệnh có tính chất công việc mang vác nặng, cúi gập, xoay cổ, ngửa cổ nhiều.
1 Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?
Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính của xương khớp, người bệnh đau tăng dần, làm giảm khả năng vận động, biến dạng cột sống thắt lưng không viêm. Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng gồm thoái hóa đốt sống và thoái hóa đĩa đệm ở đó, có hoặc không chèn ép thần kinh, bất ổn cột sống.
2 Các nguyên nhân gây thoái hóa cột sống thắt lưng
Nói chung, thoái hóa khớp xảy ra khi mọi người già đi. Quá trình lão hóa tự nhiên này bao gồm tình trạng loãng xương, làm mòn sụn khớp. Bệnh thường gặp ở người bệnh có tính chất công việc mang vác nặng, cúi gập, xoay cổ, ngửa cổ nhiều.
Những người trẻ hơn có thể mắc bệnh này do một trong số các nguyên nhân khác nhau như chấn thương hoặc khiếm khuyết di truyền liên quan đến sụn khớp.
Đối với những người dưới 45 tuổi, bệnh thoái hóa khớp phổ biến hơn ở nam giới. Sau 45 tuổi, bệnh thoái hóa khớp phổ biến hơn ở phụ nữ. Viêm xương khớp xảy ra thường xuyên hơn ở những người thừa cân. Nó cũng xảy ra thường xuyên hơn ở những người có công việc hoặc chơi thể thao gây căng thẳng lặp đi lặp lại trên một số khớp nhất định. [1]
Chế độ ăn uống và béo phì cũng liên quan trực tiếp đến sự phát triển của các bệnh xương khớp. Các yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa có liên quan độc lập với sự phát triển của viêm xương khớp, bao gồm béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và tăng lipid máu. [2] Xơ vữa động mạch, bệnh vi mạch và ứ trệ tĩnh mạch cũng có thể làm tăng sự phát triển của viêm xương khớp bằng cách làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu cục bộ xương dưới sụn trong sụn khớp.
Thiếu máu cục bộ dẫn đến quá trình apoptosis của tế bào xương và tế bào chondrocyte, làm cứng xương dưới sụn. Sự thiếu linh hoạt của sụn gây ra tổn thương do tải trọng cơ học. Bệnh béo phì (giải phóng các cytokine gây viêm) có tương quan cao với bệnh viêm khớp. [3] Trên thực tế, leptin ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp yếu tố tăng trưởng, đồng hóa và dị hóa sụn thông qua điều hòa các phân tử STAT. Nồng độ leptin tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của quá trình phá hủy sụn trong các mô. Các loại oxy phản ứng tạo ra bởi tế bào chondrocytes cũng có thể làm hỏng sụn khớp. Chế độ ăn uống bổ sung chất chống oxy hóa, bao gồm Vitamin C và K, có thể giúp ngăn ngừa viêm khớp.
3 Chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng như thế nào?
Chẩn đoán thoái hóa cột sống căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và triệu chứng cận lâm sàng của người bệnh.
Thoái hóa cột sống thắt lưng hiếm khi xảy ra đơn thuần, chủ yếu là dạng kết hợp thoái hóa đĩa đệm cột sống, một số trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống. Ở những người cao tuổi, thường thoái hóa cột sống thắt lưng có hiện tượng loãng xương, hay lún xẹp đốt sống.
Một số người bệnh có hiện tượng cứng cột sống vào buổi sáng, cột sống đau âm ỉ và tăng lên khi hoạt động và giảm đi lúc nghỉ ngơi. Nếu bị thoái hóa nghiêm trọng, người bệnh thường bị đau liên tục, dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Không những thể, khi vận động cột sống người bệnh có thể nghe thấy những tiếng lục khục.
Đa số trường hợp thoái hóa đốt sống thắt lưng không có triệu chứng toàn thân như sốt, thiếu máu, sụt cân, hầu hết người bệnh đau khu trú. Một số người bệnh đau rễ dây thần kinh có thêm hiện tượng hẹp lỗ liên hợp, thoát vị đĩa đệm. Một số trường hợp người bệnh có hiện tượng biến dạng cột sống như gù, vẹo. Nếu người bệnh có hẹp ống sống thường đau cách hồi thần kinh, đau dọc thần kinh tọa, đau tăng lên khi di chuyển, nghỉ ngơi đỡ đau.
Ở những người nghi ngờ thoái hóa đốt sống thắt lưng khi chụp X quang chiều thẳng, nghiêng có thể thấy: Khe đĩa đệm và lỗ liên hợp đốt sống hẹp, mâm đĩa đệm nhẵn, thân đốt sống xuất hiện gai, nếu có trượt đốt sống chụp chếch có thể thấy “gẫy cổ chó”.
Nếu người bệnh bị thoái hóa đốt sống thắt lưng thì các chỉ số máu và sinh hóa thường bình thường.
Với những người bệnh nghi ngờ bị thoát vị đĩa đệm cần chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống.
Nếu phát hiện những bệnh nhân này có biểu hiện viêm như sốt, thiếu máu, gầy sút cân và một số dấu hiệu khác cần phân biệt với bệnh sau: Bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính, viêm đốt sống đĩa đệm, ung thư di căn xương.
4 Thoái hóa cột sống thắt lưng có chữa khỏi không?
Nguyên tắc điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng là khắc phục triệu chứng kết hợp chống thoái hóa bằng thuốc tác dụng chậm. Thoái hóa cột sống thắt lưng cần kết hợp điều trị điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, can thiệp ngoại khoa khi có chèn ép rễ.
4.1 Vật lý trị liệu thoái hóa cột sống thắt lưng
Các phương pháp vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị người bệnh thoái hóa đốt sống thắt lưng bao gồm: tập thể dục, xoa bóp, kéo nắn, chườm nóng, sóng ngắn, điện trị liệu, liệu pháp suối khoáng, kéo giãn cột sống... Nhờ các biện pháp này, các mô mềm trong cơ thể được kích thích, dẫn đến giảm đau, lưu thông khí huyết.
4.2 Thoái hóa cột sống thắt lưng điều trị nội khoa
Giảm đau trong thoái hóa cột sống thắt lưng được điều trị theo phác đồ của WHO như sau:
- Giảm đau bậc 1, cho người bệnh uống chế phẩm chứa paracetamol với liều mỗi lần 500 mg, ngày uống từ 4 đến 6 lần.
- Giảm đau bậc 2, cho người bệnh uống paracetamol phối hợp với codein hoặc Tramadol.
- Nếu sử dụng 2 nhóm thuốc giảm đau trên mà không hiệu quả, sử dụng phác đồ giảm đau bậc 3 dùng chế phẩm opiat và dẫn chất của nó.
Các thuốc chống viêm không steroid sử dụng trong điều trị thoái hóa cột sống lưng gồm:
- Diclofenac với liều 100mg/ngày, chia làm 2 lần, uống sau khi ăn no hoặc tiêm bắp với liều 75 mg/ngày khi đau nhiều từ 2-3 ngày rồi dùng thuốc đường uống.
- Meloxicam với liều 15mg/ngày sau ăn no hoặc tiêm bắp với liều tương tự trong 2 đến 3 ngày khi đau nhiều, rồi dùng đường uống.
- Piroxicam với liều 20mg/ngày uống sau ăn no hoặc tiêm bắp cũng liều như vậy từ 2-3 ngày đầu nếu đau nhiều, rồi chuyển đường uống.
- Celecoxib liều từ 200 đến 400mg/ngày, uống sau bữa ăn.
Bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng, có co cơ có thể sử dụng thuốc giãn cơ như Eperisone, hoặc Tolperisone.
Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm dùng cho người bệnh thoái hóa cột sống lưng gồm Glucosamine Sulfate và Chondroitin Sulphat hoặc Diacerhein - ức chế IL-1.
Nếu người bệnh thoái hóa cột sống lưng có đau thần kinh tọa thì tiêm corticoid theo hướng dẫn ở ngoài màng cứng, cạnh cột sống, hoặc khớp liên mấu.
4.3 Điều trị ngoại khoa
Điều trị phẫu thuật trong thoái hóa cột sống lưng chỉ dùng khi bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống và đau thần kinh tọa lâu. Hoặc với những người bệnh hẹp ống sống thắt lưng mà có biểu hiện trên thần kinh tiến triển nghiêm trọng mà điều trị nội khoa không có liệu quả cũng được can thiệp.
Hy vọng qua bài viết này bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Spinal Osteoarthritis (Degenerative Arthritis of the Spine), WebMD. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Gandhi R, Woo KM, Zywiel MG, Rampersaud YR, Metabolic syndrome increases the prevalence of spine osteoarthritis, Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Musumeci G, Aiello FC, Szychlinska MA, Di Rosa M, Castrogiovanni P, Mobasheri A. Osteoarthritis in the XXIst century: risk factors and behaviours that influence disease onset and progression, Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021