Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Trungtamthuoc.com - Thoái hóa đốt sống cổ là sự hao mòn do tuổi tác ảnh hưởng đến các đĩa đệm cột sống ở cổ. Khi các đĩa đệm mất nước và co lại, các dấu hiệu của viêm xương khớp phát triển. Thoái hóa đốt sống cổ rất phổ biến và nặng dần theo tuổi tác. Hơn 85% người trên 60 tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ. [1]
1 Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng mạn tính phổ biến, ảnh hưởng đến đốt sống và đĩa đệm ở cổ cũng như các ống sống. Bệnh phát triển chậm, hay gặp ở người lớn tuổi và các đối tượng làm việc có liên quan đến tư thế vận động. Người bệnh có thể bị thoái hóa ở cả 7 đốt sống cổ, tuy nhiên phổ biến nhất là thoái hóa ở các đốt sống C5, C6 và C7.
Thoái hóa cột sống cổ mãn tính là nguyên nhân phổ biến nhất gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh tiến triển. [2] nhưng thường không dẫn đến tàn tật. [3]
2 Các nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là sự tích lũy của những thay đổi, thoái hóa về xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Trong đó đa số các trường hợp là thoái hóa, thoát vị đĩa đệm.
Người bệnh có thể bị thoái hóa cột sống cổ do các chấn thương lặp lại nhiều lần, đặc biệt những đối tượng có hoạt động tăng áp lực lên đầu thường xuyên. Bệnh có thể xảy ra ở những người thường xuyên ngủ sai tư thế, sử dụng máy tính hiều, ít vận động, thường xuyên ngồi một tư thế kéo dài.
Thoái hóa đốt sống cổ do sự lão hóa của sụn, tế bào, các tổ chức khớp và quanh khớp như các cơ, dây chằng hay hệ thống thần kinh...
Ngoài ra, thoái hóa đốt sống cổ còn có thể do cung cấp không đủ dinh dưỡng cho xương khớp, dị tật đốt sống từ khi còn nhỏ do di truyền...
3 Thoái hóa đốt sống cổ được chẩn đoán như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn để xác định bệnh thoái hóa cột sống cổ, do đó ta căn cứ các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của người bệnh.
Thoái hóa cột sống cổ có triệu chứng rất phong phú, chủ yếu là đau mỏi, tùy vị trí tổn thương mà người bệnh có một số trong 4 hội chứng chính:
- Hội chứng cột sống cổ, lúc này người bệnh thường đau và co cứng cấp hoặc mạn tính các cơ cạnh cột sống cổ. Tình trạng đau này sẽ tăng lên khi người bệnh giữ tư thế thẳng cổ hoặc cúi đầu trong thời gian dài. Kèm theo đó, người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, có điểm đau cột sống cổ và vận động cột sống cổ bị giới hạn.
- Hội chứng rễ thần kinh cổ đó là người bệnh sẽ đau từ cổ rồi đi xuống tay, hoặc lan ngược lên vùng gáy. Đặc biệt, đau nặng hơn khi ho, hắt hơi hoặc ngồi lâu, người bệnh cảm thấy đau nhức sâu trong cơ xương, đau quanh khớp. Trong một số trường hợp, ngoài đau bệnh nhân có thể có chóng mặt, cảm giác kiến bò, tê dọc các chi hay đầu chi, đôi khi yếu cơ hoặc teo cơ.
- Hội chứng động mạch đốt sống thường có triệu chứng đau đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt, đau chủ yếu buổi sáng. Thông thường, người bệnh đau ở một tư thế nhất định của đầu, đôi khi kèm theo đó là hiện tượng chóng mặt, ù tai, hoa mắt, nuốt vướng, nhức tai.
- Hội chứng tủy có đặc trưng là dáng đi không vững, khó khăn trong di chuyển, dị cảm ở tay, chân hoặc toàn thân, thậm chí có thể yếu hoặc liệt chi. Người bệnh có thể bị teo cơ đầu chi, rối loạn vận động hai tay hoặc hai chân hoặc cả hai, mốt số có rối loạn cơ tròn…
Ngoài ra, thoái hóa cột sống cổ có thể khiến người bệnh dễ cáu gắt, thay đổi tính nết, rối loạn giấc ngủ, giảm hiệu suất công việc...
Đồng thời, để chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ qua các dấu hiệu bất thường của nó, người bệnh cần được làm phương pháp cận lâm sàng như: Chụp X-quang cột sống cổ thường quy, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.
Cần phân biệt thoái hóa cột sống cổ với tổn thương xương và đĩa đệm cột sống cổ do chấn thương, bệnh xương ác tính hoặc lành tính, u tủy...
4 Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Trong điều trị thoái hóa cột sống cổ, người bệnh cần kết hợp điều trị nội khoa và phục hồi chức năng. Căn cứ vào tình trạng của người bệnh có thể xem xét can thiệp ngoại khoa ở cột sống cổ.
4.1 Điều trị nội khoa thoái hóa đốt sống cổ
Mục tiêu của điều trị nội khoa ở người bệnh thoái hóa cột sống cổ là giảm tỷ lệ mắc và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Trong đó, căn cứ vào hiệu quả và tác dụng không mong muốn, để giảm đau ở những bệnh nhân thoái đốt sống cổ, ta ưu tiên lựa chọng Acetaminophen. Nếu bệnh nhân đau nặng, hay không giảm đau sau khi sử dụng thuốc trên có thể kết hợp thuốc giảm đau trung ương như cocain, Dextropropoxiphene…
Thuốc chữa thoái hóa đốt sống cổ chống viêm không steroid (NSAID) cũng được sử dụng trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ. Nếu sau khi sử dụng 2 tuần mà không có hiệu quả người bệnh cần được thay đổi sang thuốc khác. Các NSAID được sử dụng phổ biến nhất là Ibuprofen, Axit acetylsalicylic, Naproxen, Indomethacin, Meloxicam và Piroxicam.
Bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ có thể dùng glucosamine sulfate để giảm đau, tăng dịch nhầy và tái tạo mô sụn, liều 1500mg/ngày, có thể kết hợp Chondroitin sulfate.
Corticosteroid có đặc tính chống viêm mạnh, do đó tiêm glucocorticoid cạnh cột sống có thể là một lựa chọn điều trị cho người bệnh thoái hóa cột sống cổ. Tuy nhiên, những người bệnh này không nên tiêm nhiều hơn 3 lần ở cùng 1 khớp đốt sống cổ trong 1 năm.
Khi các liệu pháp điều trị trên thất bại, người bệnh có thể được điều trị bằng Tramadol hoặc Opioids nhưng không dùng kéo dài.
Ngoài ra những bệnh nhân có thoái hóa cột sống cổ có thể được chỉ định dùng Capsaicin, Methylsalicylate hoặc thuốc giãn cơ như Tolperisone HCl, Eperisone HCl…
5 Phục hồi chức năng cho người bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Bất động cột sống cổ là phương pháp điều trị bảo tồn cho bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ nặng và có các dấu hiệu trên cơ. Như vậy sẽ làm hạn chế chuyển động của cổ, từ đó làm giảm kích thích thần kinh. Đồng thời, các bài tập vận động vùng cổ có thể giúp hạn chế mất trương lực cơ đặc biệt ở những người bệnh nẹp cổ lâu dài.
Có thể điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng phương pháp kéo dãn cổ và lưng trên, điều trị xoa bóp giúp giảm đau, tăng vận động của khớp hay điều chỉnh lại cột sống. Tuy nhiên không dùng phương pháp này với người bệnh có triệu chứng cơ, thoái hóa nghiêm trọng, gãy xương hay trật khớp, nhiễm trùng.
Các phương thức thụ động điều trị thoái hóa cột sống cổ thường liên quan đến việc áp dụng nhiệt cho các mô ở vùng cổ bằng phương tiện như: Thiết bị bề mặt - túi giữ nhiệt hay thiết bị với cơ chế truyền nhiệt sâu như siêu âm, điện nhiệt.
5.1 Thoái hóa đốt sống cổ - điều trị can thiệp ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa với những người bệnh thoái hóa cột sống cổ như sau: Điều trị nội khoa và phục hồi chức năng không mang lại hiệu quả, có chèn ép rễ thần kinh hay tủy sống nghiêm trọng, trượt đốt sống độ 3 hay 4.
Mục đích của phẫu thuật là giảm đau và giải nén cấu trúc tế bào thần kinh, cũng như đạt được sự ổn định hoạt động cột sống cổ.
Bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ sau điều trị cần được tái khám định kỳ hàng tháng trong đợt cấp, sau đó định kỳ hàng năm.
6 Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ như thế nào?
Trước hết, để phòng ngừa bị thoái hóa cột sống cổ, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho xương khớp. Đồng thời, cần kiểm soát cân nặng phù hợp để giảm áp lực cũng như phòng tránh các bệnh về xương khớp.
Cùng với đó, chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý cũng rất quang trọng để phòng tránh nguy cơ bị thoái hóa cột sống cổ, vận động cổ với các bài tập phù hợp.
Không nên mang vác vật nặng trên vai, trên đầu, cúi lưng bê đồ nặng, không nên vặn bẻ cổ đột ngột. Đồng thời, không nên ngồi hay nằm ngủ ở một tư thế quá lâu và cần sử dụng gối đầu phù hợp.
Trên đây là các thông tin cơ bản về nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Cervical spondylosis, Mayoclinic. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Hassan Ahmad Hassan Al-Shatoury, MD, PhD, MHPE, Cervical Spondylosis, Medscape. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Hopkinsmedicine, Cervical Spondylosis, Hopkinsmedicine. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021