1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Mang thai ngoài tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mang thai ngoài tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mang thai ngoài tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Thai ngoài tử cung là một tình trạng vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và tính mạng của thai phụ. Vậy mang thai ngoài tử cung là gì? Làm sao để nhận biết và điều trị? Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.

1 Thai ngoài tử cung là gì?

Thông thường khi mang thai, trứng sau khi được thụ tinh (phôi) sẽ làm tổ và phát triển trong tử cung của người mẹ. Tuy nhiên, có một vài trường hợp phôi thai này lại nằm ở một số vị trí khác bên ngoài tử cung như vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung,... Tình trạng này được gọi chung là thai ngoài tử cung (tên gọi dân gian là chửa ngoài dạ con). 

Vị trí thai nằm ngoài tử cung
Vị trí thai nằm ngoài tử cung

Thường gặp nhất là tình trạng phôi thai nằm tại vòi tử cung (chiếm tới khoảng 95% tổng số trường hợp mang thai ngoài tử cung).

Những túi thai nằm bên ngoài tử cung sẽ không được tử cung bảo vệ, khi vỡ máu có thể chảy vào trong ổ bụng khiến tính mạng thai phụ gặp nguy hiểm.

Theo thống kê, tần suất hiện mắc thai ngoài tử cung là khoảng 9% thai kì. Ở Anh, tần suất mới mắc hằng năm là khoảng 1.15%. Trong đó, tỉ lệ bà bầu bị tử vong là khoảng 4%.

2 Yếu tố nguy cơ

Nếu gặp phải một số tình trạng sau, nguy cơ bị chửa ngoài tử cung của người phụ nữ sẽ cao hơn so với bình thường:

  • Có tiền căn mang thai ngoài tử cung, phẫu thuật trên vòi trứng, thắt vòi trứng,...
  • Bị dị tật ống dẫn trứng hoặc ống dẫn trứng quá hẹp khiến trứng được thụ tinh không thể di chuyển xuống tử cung.
  • Phụ nữ từng nạo phá thai hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khiến chức năng sinh sản bị suy giảm.[1]
Thắt ống dẫn trứng làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung
Thắt ống dẫn trứng làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung

Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung ở chị em đó là:

  • Phụ nữ thường xuyên hút thuốc lá, nhất là khi có ý định mang thai nhưng vẫn không cai thuốc.
  • Phụ nữ mang thai muộn sau 35 tuổi.
  • Phụ nữ bị mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục như viêm vùng chậu, viêm nhiễm vòi trứng,...
  • Phụ nữ quan hệ với nhiều bạn tình hoặc có quan hệ tình dục khi tuổi còn nhỏ (dưới 18 tuổi).

3 Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung

Khi bị mang thai ngoài tử cung, người phụ nữ thường sẽ có một số dấu hiệu nhận biết như sau:

Chậm kinh: đây là dấu hiệu bình thường khi người phụ nữ bắt đầu mang thai. Do đó khó để xác định bệnh thông qua dấu hiệu này. Nếu bị chậm kinh do có thai, bà mẹ nên đi khám thai để đảm bảo không có bất kì sự bất thường trên thai nhi.

Chảy máu âm đạo bất thường: thông thường những người bị mang thai ngoài tử cung đều bị ra máu bất thường, máu ra ít nhưng dai dẳng liên tục và sẫm màu.

Chảy máu âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo bất thường

Đau bụng: Bị đau bụng dưới tại vị trí thai làm tổ, tình trạng đau âm ỉ kéo dài và mức độ đau tăng lên theo thời gian do thai nhi phát triển. Đôi khi người mẹ bị đau kèm theo mót rặn do trực tràng bị kích thích.  Nếu vỡ ối, người bệnh sẽ bị đau bụng dữ dội kèm theo biểu hiện vã mồ hôi, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt,... tùy theo mức độ mất máu và máu chảy ngược vào ổ bụng.

Khi có các dấu hiệu trên, người mẹ nên đi khám thai để được bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.

4 Chẩn đoán xác định bệnh

4.1 Khám lâm sàng

Thăm hỏi các dấu hiệu người bệnh gặp phải.

Khám bụng: phản ứng đau tại thành bụng nếu có máu trong ổ bụng.

Khám mỏ vịt: âm đạo có máu từ lỗ cổ tử cung chảy ra, máu có màu sẫm và ít.

Thăm âm đạo: tử cung to không tương xứng với tuổi thai. Sờ thấy có khối mềm ở bên cạnh tử cung, không xác định được ranh giới và thường có phản ứng đau nếu di động tử cung. Khi chạm vào túi cùng sau, người bệnh có biểu hiện đau giật nảy mình.

Nên đi khám thai để chẩn đoán bệnh cụ thể
Nên đi khám thai để chẩn đoán bệnh cụ thể

4.2 Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm βHCG/máu:

  • Trong 3 tháng đầu thai kì lượng βHCG/máu thường tăng gấp đôi sau 48 giờ.
  • Nếu lượng βHCG/máu tăng thấp hơn bình thường sau 48h kết hợp với siêu âm để chẩn đoán bệnh.

Siêu âm: 

  • Siêu âm không nhìn thấy túi ối trong buồng tử cung. Bên cạnh đó có thể nhìn thấy một khối kích thước nhỏ, âm vang không đồng nhất. Cũng có thể sẽ thấy khối lớn hơn với âm vang thai và tim thai nằm ngoài tử cung.
  • Một số trường hợp có hình ảnh túi thai giả do máu và màng rụng còn lưu lại trong tử cung.
  • Siêu âm cũng có thể thấy dịch ở túi cùng và trong ổ bụng.
  • Soi ổ bụng sẽ nhìn thấy vòi trứng căng phồng, tím đen (nếu mang thai ở vòi trứng). Đây là hình ảnh của khối thai.[2]

Dựa vào các dấu hiệu, thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ kết luận bà mẹ có bị mang thai ngoài tử cung hay không.

5 Các thể lâm sàng

Các thể mang thai ngoài tử cung có thể gặp phải là:

Thể chửa ngoài tử cung chưa vỡ: Có thể sờ thấy khối cạnh tử cung, không mất máu. Siêu âm không có máu đọng ở ổ bụng.

Thể lụt máu ổ bụng: Chảy máu trong ổ bụng, đau và choáng nặng, bụng trướng. Siêu âm có dịch nhiều ở ổ bụng.

Thể giả sảy: Nội mạc tử cung bong dễ nhầm với sảy thai, bỏ sót thai ngoài tử cung.

Thể huyết tụ thành nang: máu chảy ít và đọng lại thành khối huyết tụ. Khó chẩn đoán vì triệu chứng không điển hình.

Thể huyết tụ thành nang
Thể huyết tụ thành nang

Chửa ở buồng trứng: Thấy túi thai nằm trong buồng trứng khi nội soi hay mở ổ bụng.

Chửa trong ổ bụng: thai nằm ở bất cứ vị trí nào trong ổ bụng, thường phát triển khá lớn, có khi còn sờ thấy ngay phía dưới da bụng.

Chửa ống cổ tử cung: trường hợp này hiếm gặp, túi thai nằm ở dưới lỗ cổ tử cung. Khi khám thường thấy cổ tử cung phình to bất thường. Rất nguy hiểm vì thai thường chết lưu, sảy thai, nạo thai có thể không cầm được máu mà phải cắt tử cung.

Chửa sẹo mổ tử cung.

Chửa trong tử cung kết hợp chửa ngoài tử cung: chỉ thường gặp khi thụ tinh ống nghiệm.

6 Điều trị mang thai ngoài tử cung

6.1 Nguyên tắc chung

Chửa ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm được liệt vào danh sách cấp cứu sản khoa. Do đó cần được chẩn đoán và điều trị sớm ngay từ khi mới có thai để giảm thiểu nguy hiểm tối đa.

Bệnh có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tùy theo tình trạng cụ thể của từng người.

6.2 Điều trị nội khoa

Việc điều trị nội khoa được áp dụng trong trường hợp:

  • Túi thai có kích thước dưới 3,5cm và chưa có tim thai.
  • Tuần hoàn máu ổn định, không có chảy máu ổ bụng.
  • Nồng độ βHCG khi xét nghiệm dưới 5000mIU/ml.

Lúc này, có thể sử dụng Methotrexate đơn liều hoặc đa liều để làm chết tế bào khối thai và thoái triển tự nhiên.

Thuốc chứa Methotrexate
Thuốc chứa Methotrexate 

6.2.1 Phác đồ điều trị bằng Methotrexat đơn liều 

Áp dụng khi huyết động ổn định, nồng độ βhCG không vượt quá 5000mIU ml, siêu âm không có tim thai trong khối thai, kích thước khối thai dưới 3-4cm. [3]

  • Ngày thứ nhất, xét nghiệm β-hCG và tiêm Methotrexate với liều 50mg/m2 bề mặt da hoặc 1mg/kg.
  • Xét nghiệm β-hCG lại vào ngày thứ 4.
  • Ngày thứ 7 nếu xét nghiệm thấy β-hCG giảm dưới 15% (tính từ ngày 4) thì tiêm liều Methotrexat thứ 2. Nếu nồng độ β-hCG giảm trên 15% thì tiếp tục theo dõi β-hCG mỗi tuần cho tới khi giảm còn dưới 5mUI/ml.
  • Ngày thứ 14, xét nghiệm thấy β-hCG giảm dưới 15% (tính từ ngày 7) thì tiêm liều Methotrexat thứ 3. Nếu β-hCG giảm trên 15% thì tiếp tục theo dõi đến khí giảm xuống dưới 5mUI/ml.
  • Nếu sau 3 lần tiêm mà β-hCG vẫn giảm dưới 15% (xét nghiệm ngày 21 và 28) thì chỉ định nội soi ổ bụng.

6.2.2 Phác đồ điều trị bằng Methotrexate đa liều

Áp dụng khi huyết động ổn định, β-hCG nằm trong khoảng từ 5000 - 10000mIU/mml, kích thước khối thai dưới 5cm, thai ngoài tử cung đoạn kẽ dưới 3cm.

Đa liều cố định:

  • Tiêm liều Methotrexate 50mg/m2 bề mặt da hoặc 1mg/kg cố định vào các ngày 1,3,5,7. 
  • Tiêm acid Folinic liều 0,1mg/kg vào các ngày 2,4,6,8.
  • Xét nghiệm nồng độ β-hCG vào ngày thứ 4 và thứ 7. Nếu β-hCG giảm dưới 15% thì tiếp tục tiêm thêm methotrexate. Nếu giảm trên 15% thì tiếp tục theo dõi. 
  • Xét nghiệm nồng độ β-hCG ngày thứ 14, tiêm thêm Methotrexate nếu β-hCG giảm dưới 15% (từ ngày 7 đến ngày 14). Nếu giảm trên 15% tiếp tục theo dõi tới khi còn 5mIU/ml.
  • Nếu sau ngày 21 và 28 nồng độ β-hCG vẫn chỉ giảm dưới 15% cần nội soi ổ bụng.

Đa liều thay đổi:

  • Ngày 1, xét nghiệm β-hCG và tiêm Methotrexate với liều 50mg/m2 hoặc 1mg/kg.
  • Ngày 2, tiêm liều 0,1mg/kg acid Folinic.
  • Ngày 3, xét nghiệm β-hCG (so sánh với ngày 1). Nếu giảm dưới 15% tiêm thêm Methotrexate. Nếu giảm trên 15%, theo dõi tiếp.
  • Ngày 4, tiêm thêm acid Folinic nếu tiêm Methhotrexate vào ngày 3.
  • Ngày 5 và 6, thực hiện tương tự ngày 3 và 4.
  • Ngày 7 và 8, thực hiện tương tự như trên cho tới khi β-hCG đạt dưới 5mIU/ml.

Việc điều trị nội khoa được khuyến cáo chống chỉ định khi:

  • Huyết động học không ổn định, siêu âm thai to.
  • Có dấu hiệu vỡ ối, có nhiều dịch trong ổ bụng.
  • Có kèm thai trong tử cung hoặc bà mẹ đang cho con bú.
  • Bệnh nhân có bệnh nội khoa khác như suy thận, loét dạ dày, suy giảm miễn dịch,...
  • Bệnh nhân bị dị ứng với Methotrexate.[4]
Điều trị mang thai ngoài tử cung
Điều trị mang thai ngoài tử cung

6.3 Điều trị ngoại khoa

Khi bệnh nhân không nằm trong diện có thể điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa như sau:

Thể lụt máu trong ổ bụng: mổ cấp cứu ngay, hồi sức tích cực và khôi phục thể tích tuần hoàn máu.

Thể chưa vỡ: Rạch dọc bờ vòi tử cung để lấy khối thai nếu khối thai nằm ở đoạn loa, bóng. Sau đó cần theo dõi nồng độ βHCG. Nếu không giảm hoặc tăng cần điều trị bằng Methotrexate.  

Thể huyết tụ thành nang: mổ bán cấp cứu, lấy hết thai và khối huyết tụ, cầm máu, lau rửa sạch khoang chứa máu.

Thể chửa trong ổ bụng: nên khám để mổ sớm trước 32 tuần tuổi. Nếu thai trên 32 tuần nếu sống có thể theo dõi thêm. 

Thể chửa ở ống cổ: hầu hết là phải bỏ cắt tử cung để cầm máu.

Theo thống kê có tới 50% phụ nữ bị vô sinh và 15% tái phát sau khi điều trị mang thai ngoài tử cung. Với phụ nữ còn muốn sinh con, trong một số trường hợp mang thai ở vòi tử cung có thể phẫu thuật bảo tồn vòi nhưng khả năng mang thai cũng rất hạn chế.

Trên đây là một số thông tin về mang thai ngoài tử cung. Hi vọng bài viết này đã cung cấp thêm các kiến thức cần thiết cho bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: chuyên gia y tế của Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 2 tháng 6 năm 2020). Ectopic Pregnancy, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Am Fam Physician (Ngày đăng: ngày 1 tháng 11 năm 2005). Diagnosis and Management of Ectopic Pregnancy, American Family Physician. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  3. ^ Phác đồ điều trị thai ngoài tử cung bằng Methotrexat: tham khảo tại đây
  4. ^ Tác giả: Tyler Mummert, David M. Gnugnoli (Ngày đăng: ngày 11 tháng 8 năm 2021). Ectopic Pregnancy, NCBI. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 4 Thích

    Sau phẫu thuật nên kiêng ăn gì?


    Thích (4) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Mang thai ngoài tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Mang thai ngoài tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
    TH
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (8)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633